Bài học về nghệ thuật tạo và nắm thời cơ giành thắng lợi trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc với thắng lợi hoàn toàn thuộc về nhân dân Việt Nam. Đại thắng mùa Xuân 1975 không những ghi vào lịch sử dân tộc ta như một mốc son rực sáng nhất trong thế kỷ XX, mà còn là nét nổi bật và đặc sắc nhất của nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi quyết định trong trận quyết chiến chiến lược. Bài viết xin đề cập mấy bài học kinh nghiệm sau: 

1.
 Nghệ thuật tạo và nắm thời cơ giành thắng lợi quyết định trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
 
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân 1975 mang đầy đủ những nét độc đáo, sáng tạo và đánh dấu bước phát triển vượt bậc của nền nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Vào giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, thực hiện mệnh lệnh chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi Người đi xa: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, ta chủ động nắm chắc âm mưu và thủ đoạn mới của địch, Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội ta đã quyết định mở nhiều hướng tiến công chiến lược.
 

Từ những chiến thắng kế tiếp chiến thắng, ta đã đánh cho Mỹ cút, nhưng tập đoàn tay sai cùng với âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ vẫn còn đó. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ta đã thực hiện thành công cách đánh chiến lược được đề ra trong suốt cuộc kháng chiến là: Đánh lui từng bước, đánh đổ từng bộ phận, tiến tới đánh đổ hoàn toàn quân địch. Nhờ có nghệ thuật chỉ đạo, chỉ huy tài giỏi, tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ, phát hiện sớm và nhạy bén nắm bắt thời cơ, hạ quyết tâm chính xác, kịp thời, sử dụng nghệ thuật mưu kế trên nền tảng chiến tranh nhân dân, phát triển tiến công táo bạo và thần tốc, đánh địch bất ngờ và liên tục, nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành được thắng lợi hoàn toàn trong thời gian ngắn, bằng ba đòn chiến lược: Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng, Sài Gòn. Đó là nghệ thuật tạo lực, tạo thời cơ, sử dụng lực lượng khôn khéo để luôn đánh địch trên thế mạnh, tạo nên sức mạnh áp đảo quân địch trong chiến đấu; thực hiện những trận đánh then chốt, quyết định, tiêu diệt lớn bằng các đòn chiến lược, buộc địch từ chỗ bị đánh bất ngờ đến bị động lúng túng phải co cụm chiến lược rồi rút lui chiến lược, dẫn đến sự tan rã và bị thất bại hoàn toàn, thực hiện trọn vẹn mệnh lệnh của Hồ Chủ tịch là: “Đánh cho ngụy nhào”. 

2. Nghệ thuật độc đáo, sáng tạo trong chỉ đạo tập trung lực lượng giành thắng lợi trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. 

Với gần 60 ngày đêm cuối cùng của cuộc kháng chiến trường kỳ kéo dài suốt 30 năm, chúng ta đã tập trung toàn bộ sức lực, trí tuệ của cả một dân tộc, đấu mưu, đấu trí một cách quyết liệt nhất để đi đến giành thắng lợi trọn vẹn.
 

Mưu kế lập ra “hình trận” và “thế trận”, tạo ra “thời cơ” làm cho địch nhiều mà hóa ít. Mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mưu kế chiến lược của ta đã tạo ra một hình trận chiến lược rất đẹp là ghìm địch ở hai đầu Nam Bắc chiến tuyến ở Sài Gòn và Huế - Đà Nẵng, bằng cách áp sát của các quân đoàn chủ lực của ta (Quân đoàn 1 ở bờ Bắc sông Bến Hải, Quân đoàn 2 ở Tây Huế và Quân đoàn 4 ở Đông Bắc Sài Gòn) vào gần các khu vực mục tiêu trọng yếu đó, buộc địch phải tập trung cả hai sư đoàn tổng dự bị chiến lược vào giữ Sài Gòn và Huế - Đà Nẵng, để sơ hở ở quãng giữa là Tây Nguyên. Hình trận này đã tạo ra thế trận có lợi cho mặt trận Tây Nguyên.
 

Đặt Quân đoàn 1, Quân đoàn 2 ở phía Bắc chiến tuyến và Quân đoàn 4 ở phía Nam chiến tuyến là cách nghi binh, tạo và nắm chắc thời cơ chiến lược cho Tây Nguyên. Khi địch đã bị giữ chặt ở Huế và Sài Gòn thì ta mở cuộc tiến công lớn ở Tây Nguyên là nơi địch sơ hở và công phá vào Buôn Ma Thuột, là nơi hiểm yếu của khâu yếu nhất trong hệ thống phòng ngự của địch.
 

Mưu kế chiến lược tiếp theo là bí mật đưa hai sư đoàn nữa lên Tây Nguyên. Đây là mưu kế hay của ta, của Bộ Thống soái mà trực tiếp là Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh. Hai sư đoàn bất ngờ tăng cường thêm cho Tây Nguyên là cái nút trong mưu kế tạo và nắm thời cơ chiến lược. Do bất ngờ đột ngột tăng cho Tây Nguyên hai sư đoàn nữa mà địch không hay biết, không kịp đối phó, nhất là khi xe tăng của Sư đoàn 316 cán xích trên đường phố Buôn Ma Thuột thì mọi chuyện đối với địch là đã quá muộn. Hai sư đoàn đó là Sư đoàn 316 và Sư đoàn 968. Tại thời điểm đó ở Tây Nguyên có 4 sư đoàn và một số trung đoàn độc lập cùng các binh chủng chiến đấu hùng mạnh, được phối hợp với Sư đoàn 3 Sao Vàng Quân khu 5 đã tạo nên quả đấm thép, làm cho lực lượng ta vượt trội hơn địch.
 

Ở Tây Nguyên, quân ta từ một lực lượng chiến dịch bỗng trở thành một lực lượng chiến lược. Quả đấm thép đó đã đủ sức mạnh đánh ghìm địch ở Plây-Cu; cắt Đường 19 và Đường 14; phá vỡ Buôn Ma Thuột và chủ động đánh bại phản kích của Sư đoàn 23 ngụy Sài Gòn, làm nên đột biến về chiến tranh. Hai sư đoàn và thời cơ tăng thêm cho Tây Nguyên là cái nút trong mưu kế để tạo và nắm thời cơ chiến lược đánh bại địch trong chiến cuộc mùa Xuân năm 1975. Địa điểm và thời cơ sử dụng hai sư đoàn này là “chữ thời” về tài năng và trí tuệ trong nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chỉ huy của ta.
 

Ở Tây Nguyên, thế trận của ta là phá vỡ chỗ yếu của địch là Buôn Ma Thuột, để từ trên cao phát triển xuống đồng bằng. Mưu kế đó là: Nghi binh thu hút, ghìm địch ở đầu mạnh, để tiến công phá vỡ địch ở đầu yếu. Mưu kế Chiến dịch là đánh nghi binh ở phía Bắc: ở Plây-cu; tập trung sức mạnh ở phía Nam; ở Buôn Ma Thuột, thực hành đột phá đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột. Hình trận chiến dịch ở Tây Nguyên còn được thể hiện trong việc sử dụng “chính-kỳ”.
 
Ở giai đoạn đầu được xác định như sau: Sư đoàn 968 được sử dụng có tính chất như một mũi chính binh, nhưng thực chất lại là đánh nghi binh để kẻ địch tưởng rằng ta sẽ tiến công Plây-cu; còn Sư đoàn 316, các Trung đoàn 24, 95B và các binh chủng là chính binh đánh thẳng vào thị xã Buôn Ma Thuột, nhưng được sử dụng một cách bí mật làm kẻ địch bị bất ngờ nên có tính chất như một tập đoàn kỳ binh. Nhưng sau đó, khi thế trận đã bắt đầu chuyển hóa thì “chính”, “kỳ” cũng biến hóa theo một cách linh hoạt. Dùng lực lượng tương đối lớn (Sư đoàn 968) đánh nghi binh lừa địch ở phía Bắc, trước hết nhằm vào Plây-cu làm cho địch tin rằng ta sẽ mở chiến dịch ở Bắc Tây Nguyên. Đó là nghệ thuật nghi binh thần kỳ tạo và nắm thời cơ chiến lược chắc chắn. Trong khi đó, các đơn vị chủ lực bí mật di chuyển xuống Nam Tây Nguyên (Sư đoàn 10 tiến về Đức Lập, Sư đoàn 320 đứng chân ở Tây Cẩm Ga). Sư đoàn 316 tiến vào Buôn Ma Thuột, tiếp đến Sư đoàn 3 Sao Vàng Quân khu 5 và Trung đoàn 95A đánh cắt Đường 19, Sư đoàn 320 đánh cắt Đường 14, Trung đoàn 25 cắt Đường 21, tạo ra thế trận chia cắt địch về chiến lược và chiến dịch, làm cho các cụm quân địch bị cô lập, tách rời nhau, không chi viện được cho nhau, tạo thế trận cho Nam Tây Nguyên tập trung đòn đánh vào Buôn Ma Thuột được thuận lợi; nhờ đó, các mũi đánh chính kết hợp với mũi thọc sâu, vu hồi đã đánh bại địch một cách nhanh chóng, chiếm được thị xã Buôn Ma Thuột, hoàn thành trận then chốt thứ nhất.
 

Hình trận bao giờ cũng cần có lực lượng dự bị - đội dự bị để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột, ta đã linh hoạt, chủ động sử dụng ngay Sư đoàn 10 về làm đội dự bị để sẵn sàng đánh địch phản kích. Sư đoàn 10 sau khi đánh Đức Lập xong, chuyển về Buôn Ma Thuột, vừa bố trí đón lõng đánh địch ở nơi ta dự kiến chúng sẽ đổ quân, vừa tiến công trong hành tiến nên đã đánh bại phản đột kích của Sư đoàn 23 ngụy hòng ứng cứu chiếm lại Buôn Ma Thuột, làm nên chiến thắng trong trận then chốt thứ hai.
 

Hai trận then chốt này đã tạo thành trận then chốt quyết định là giải phóng Buôn Ma Thuột một cách chắc chắn, địch không còn khả năng chiếm lại. Sau khi mất Buôn Ma Thuột và Sư đoàn 23 phản kích bị đánh bại, tất cả các thủ đoạn tác chiến, các hình thức chiến thuật của địch bị đánh bại ở Tây Nguyên, gây ra một sự đột biến về chiến dịch, tác động lớn đến chiến lược của địch, làm hoảng loạn về tư tưởng và thế bố trí chiến lược của địch; buộc địch phải rút lui để co cụm phòng ngự. Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu liền ra lệnh rút chạy khỏi Tây Nguyên. Do đó, tuy ta không đánh Plây-cu và Kon Tum nhưng hai tỉnh lỵ đó cũng được giải phóng. Khi quân địch rút chạy liền bị quân ta truy kích và đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Phản ứng dây chuyền đó tạo ra đột biến về chiến dịch. Chiến dịch đã thắng lợi lại càng thắng lợi hơn, thắng lợi một cách đột ngột, rất nhanh, tạo ra đột biến về chiến tranh. 

3. Nét độc đáo, sáng tạo về nghệ thuật tạo và nắm thời cơ chỉ đạo “Thần tốc, táo bạo, chắc thắng” giành thắng lợi trọn vẹn. 

Với nghệ thuật chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sáng tạo, kiên quyết và tài giỏi của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, các hoạt động của Quân đội nhân dân Việt Nam trên các chiến trường đã thực hiện phù hợp với ý định của Bộ Chính trị và Bộ Tổng chỉ huy, buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động ra các hướng chiến trường.
 
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, cách đánh táo bạo, bất ngờ mãnh liệt cũng thể hiện rất rõ không chỉ ở tư tưởng chỉ đạo: Tạo và nắm thời cơ, mà cả trong hành động quân sự tiến công của quân và dân ta. Chưa bao giờ ta sử dụng một lực lượng quân sự lớn mạnh như ở Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tham gia Chiến dịch gồm 5 quân đoàn tinh nhuệ cùng các lực lượng vũ trang nhân dân. Bên cạnh còn có hàng chục sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn thuộc các quân và binh chủng với nhiều vũ khí và phương tiện kỹ thuật tương đối hiện đại. Đây là một bước phát triển mới, một biểu hiện của cách đánh táo bạo của Bộ Chỉ huy chiến lược về việc sử dụng tập trung lực lượng trong một chiến dịch tiến công, nhằm tạo thế lực áp đảo, tiêu diệt và làm tan rã tập đoàn phòng ngự lớn cuối cùng có chuẩn bị trước của quân thù tại trung tâm đầu não của chúng. Nếu như trước kia, trong chiến dịch Thăng Long, Nguyễn Huệ đã mạnh bạo sử dụng cùng một lúc hàng trăm voi chiến mang trên mình hỏa hổ, hoả pháo khiến kỵ binh của quân Thanh vô cùng khiếp sợ, thì thời hiện đại ở chiến dịch Hồ Chí Minh, ta đã sử dụng khoảng 400 xe tăng và xe bọc thép, hơn hai chục trung đoàn, lữ đoàn, tiểu đoàn pháo binh, tên lửa và cả lực lượng không quân tham gia chiến đấu khiến quân địch hết sức ngạc nhiên và hoảng sợ.
 

Trong một thời gian ngắn, ta đã thực hiện được một cuộc hội quân lớn như vậy chứng tỏ sự quyết tâm, táo bạo và trình độ tổ chức, chỉ huy điều hành Chiến dịch của Bộ Tham mưu và các tướng lĩnh của Quân đội ta lúc đó. Tập trung lực lượng, tạo và nắm thời cơ bất ngờ, tạo ưu thế tuyệt đối so với địch là một nhân tố cơ bản bảo đảm thắng lợi. Nhưng vấn đề còn quan trọng hơn là nét độc đáo, sáng tạo của cách đánh thần tốc, táo bạo và bất ngờ của nghệ thuật tiến công trong Chiến dịch Hồ Chí Minh thể hiện ở thế trận tiến công toàn diện, trên nhiều mũi, nhiều hướng; thực hiện bao vây, chia cắt, thọc sâu nhanh chóng và mãnh liệt, tạo nên thế áp đảo; vừa tiêu diệt, làm tan rã, vừa bịt đường tháo chạy của địch. 

Như vậy, nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật tạo và nắm thời cơ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là tư tưởng chỉ đạo, là phương châm hành động quân sự, là bài học quí về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh có tính truyền thống của dân tộc ta, đã trải qua một quá trình thừa kế, phát triển sáng tạo. Tạo và nắm thời cơ là một trong những bài học quí của nghệ thuật quân sự Việt Nam thể hiện tiêu biểu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Thắng lợi vĩ đại mùa Xuân 1975 chứng tỏ sự lãnh đạo, chỉ đạo tài năng chiến lược của Bộ Chính trị, của Quân ủy Trung ương, của các tướng lĩnh chỉ huy và sự nỗ lực phi thường của quân và dân cả nước. Chiến thắng vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4/1975 không những ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son rực sáng nhất trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc suốt 30 năm của quân và dân ta (1945-1975), mà còn là nét nổi bật và đặc sắc nhất của nghệ thuật tạo và nắm thời cơ chỉ đạo chiến tranh với cách đánh: Thần tốc, táo bạo, bất ngờ và chắc thắng. 

Phát huy bài học về nghệ thuật tạo và nắm thời cơ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh toàn diện, có chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu cao; xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại để quân đội thực sự là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
 

Muốn vậy, cấp ủy, chỉ huy, các cấp, các ngành trong toàn quân cần quán triệt, thấu suốt quan điểm của Đảng về nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam: Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; đồng thời, luôn có sự đổi mới và phát triển về nội dung và phương thức xây dựng Quân đội cho phù hợp trên nền tảng của tư duy mới về tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới; phù hợp với khả năng thực tế, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới./.



Các đại biểu tham quan bản đồ “Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh"
ngày 10/3, tại Hà Nội.
(Nguồn:Cổng thông tin điện tử Cao Bằng)

Nguồn: Báo Điện tử Đảng CSVN



Source: 
15-04-2015
Tags