Công đoàn Trường ĐSHP Hà Nội sơ kết phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” năm học 2016 - 2017

Công đoàn Trường ĐSHP Hà NỘi sơ kết phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” năm học 2016 - 2017

Trường ĐHSP Hà Nội là một trong những trường đại học có số lượng nữ cán bộ chiếm tỷ lệ cao trong tổng số cán bộ, viên chức của Nhà trường, đa phần chị em có trình độ chuyên môn cao, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, mô phạm, có truyền thống yêu trường lớp và luôn coi trọng sự nghiệp giáo dục đào tạo. Đây là một thuận lợi lớn của việc triển khai thực hiện phong trào GVT-ĐVN trong trường ĐHSPHN.

Nhà trường có truyền thống lịch sử lâu đời. Làm nên truyền thống ấy có tên tuổi của nhiều nữ nhà giáo như GS Hoàng Xuân Sính (khoa Toán học), PGS Nguyễn Thị Lanh (khoa Ngữ văn), GS Đỗ Thị Minh Đức, PGS Nguyễn Minh Tuệ (khoa Địa lý), GS Lê Phương Nga (khoa GD Tiểu học), GS Đỗ Hương Trà (khoa Vật lý), GS Trần Thị Vinh, GS Nguyễn Thị Côi (khoa Lịch sử), GS Phạm Thị Thùy (khoa Sinh học)... Đây chính là những tấm gương sống về sự nỗ lực trong sự nghiệp trồng người, là những cây đèn đường lí tưởng cho chị em noi theo.

- Đảng ủy, BGH, BCH Công đoàn trường, lãnh đạo các đơn vị trong toàn trường luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò của chị em trong phát triển đơn vị.

Kết quả đạt được trong phong trào GVT - ĐVN năm học 2016 - 2017:

Về công tác chỉ đạo, triển khai phong trào

- Công đoàn Trường đã xây dựng kế hoạch công tác nữ công trong năm học, giao cho Ban Nữ công công đoàn, phối hợp với các ban công tác của Công đoàn trường để thực hiện. Ban Nữ công hiện gồm 10 chị em, đó là những chị em vừa hồng vừa chuyên, vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà, giàu ý tưởng sáng tạo và có tinh thần cao vì tập thể;

- Công đoàn Trường đã phát huy một cách tích cực tinh thần của phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cũng là nội dung chính của phong trào Giỏi việc trường, đảm việc nhà, mang lại một không khí thi đua sôi nổi ở các đơn vị.

- Chỉ đạo các đơn vị đăng ký danh hiệu thi đua GVT- ĐVN từ đầu năm học, coi đó như là một chỉ tiêu phấn đấu cho chị em trong năm.

- Chỉ đạo, động viên các đơn vị có nhiều hình thức sinh hoạt phù hợp với đặc thù của đơn vị trong việc chăm lo công tác nữ công, chăm sóc thiếu niên, nhi đồng.

Những kết quả cụ thể:

VỀ THÀNH TÍCH “GIỎI VIỆC TRƯỜNG”

- Trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học:

- Nữ cán bộ ĐHSPHN đã đảm nhiệm công tác giảng dạy với số giờ dạy đạt và vượt giờ chuẩn. Nhiều đơn vị số giờ giảng dạy trung bình trên năm của chị em trên dưới 1500 giờ. Đơn cử như khoa tiếng Anh, khoa GD Tiểu học, khoa GD Mầm non, Trường THPT chuyên sư phạm... Số giờ giảng dạy trên một năm của chị em nói riêng, của cán bộ các đơn vị này nói chung làm cho ta giật mình và khâm phục.

- Nhiều chị em đã tham gia hoặc chủ trì các đề tài NCKH, dự án cấp Bộ, cấp Nhà nước, được đánh giá xuất sắc; nhiều chị em đã phấn đấu trở thành những nữ nhà giáo có học hàm, học vị cao trong ngành. Trong số 21 cán bộ nhà giáo được phong hàm phó giáo sư năm 2016, nữ nhà giáo có 11 người, trong đó có nhiều chị ở độ tuổi còn rất trẻ như PGS ĐẶNG ThỊ Thu Thủy (khoa Ngữ văn); có chị em hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu khoa học đạt thành tích cao ở cấp Bộ (chị Nguyễn Thanh Chung - khoa Ngữ văn).

- Nhiều nữ cán bộ đã tham gia biên soạn tài liệu, giáo trình với tư cách là chủ biên, là tác giả hay đồng tác giả; đã chủ trì, biên soạn các chương trình môn học, chương trình bồi dưỡng giáo viên, các giáo trình đại học, cao đẳng, sách tham khảo…

- Nhiều nữ cán bộ trẻ tiên phong trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, nhiều chị em có các công bố quốc tế trên các tạp chí có uy tín, có thể kể đến chị Nguyễn Thị Thọ (khoa Triết học), chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (khoa Việt Nam học), chị Hoàng Hải Hà (khoa Lịch sử), chị Ngô Vũ Thu Hằng (khoa GD Tiểu học)..., khẳng định những nỗ lực trong nghiên cứu khoa học của chị em.

- Trong học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu mới

- Nữ cán bộ nhà giáo đều tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý, quản lý HCNN, Kế toán viên; học tập nâng cao trình độ chuyên môn trong và ngoài nước khi được nhà trường cử đị.

- Nhiều chị em tích cực đổi mới phương pháp dạy học, nhiều đơn vị đã tạo thành trào lưu riêng, có truyền thống (tiêu biểu là các đơn vị như khoa Sinh học, Tiếng Anh, Ngữ văn, Địa lý, CTXH, GDCT, GDĐB); Một số nữ giảng viên tham gia huấn luyện đội tuyển học sinh, sinh viên tham gia các kỳ thi Olimpic, thi học sinh giỏi quốc gia đạt giải cao, tiêu biểu như các nữ nhà giáo khoa Hóa học, Vật lý, Sinh học; các nữ nhà giáo trường THPT Chuyên ĐHSP,

- Nữ cán bộ nhà giáo ĐHSP Hà Nội có đòi hỏi cao về đạo đức nghề nghiệp, là hình ảnh sống động về chuẩn mực nữ giáo chức Việt Nam, có tác động mạnh mẽ đến tình cảm và nhận thức của nữ sinh viên sư phạm thông qua các chương trình tham vấn, tư vấn tại trường hoặc trên các phương tiện truyền thông đại chúng mà một số nữ CBVC của trường làm cộng tác viên.

Trong tham gia công tác quản lý và các công tác khác

- Nhà trường đã không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của nữ trên các lĩnh vực quản lý giáo dục và đào tạo để chị em có đủ năng lực đảm nhận các vị trí lãnh đạo đơn vị và thực hiện tốt công tác chuyên môn. Nhiều chị hiện giữ chức vụ trưởng đơn vị, đó là trưởng khoa Tiếng Anh, GD Mầm Non, Quản lý GD, Trường NTT, tiếng Pháp; đó là trưởng các phòng, ban, trung tâm, viện nghiên cứu như P.Sau Đại học, trường mầm non BSX, P.KHTC, P Khoa học và Công nghệ, Viện NCSP... Nhìn chung, các chị đã vượt qua những khó khăn trong hạn định giới, nỗ lực hết mình để đảm trách một cách tốt nhất nhiệm vụ mà nhà trường giao phó. Nhìn vào thành công ở các đơn vị mà các chị nhận nhiệm vụ thuyền trưởng chúng ta có thể thấy được phần nào sự nỗ lực và có khi cả sự hy sinh vì tập thể. Xin được kể ra đây chị Lưu Kim Nhung (trưởng khoa tiếng Anh, đảm trách việc điều phối một khối lượng công việc khổng lồ trong các hạng mục đào tạo của nhà trường, từ Tiếng Anh cho các hệ cử nhân, thạc sĩ cho các khoa trong trường đến việc đào tạo cử nhân sư phạm tiếng Anh và giờ là cử nhân ngôn ngữ Anh, thạc sĩ phương pháp giảng dạy tiếng Anh, rồi tham gia dự án 2020, trong một tập thể đa phần là nữ nhưng không bao giờ thấy có điều tiếng gì về công tác quản lý, phân công lao động và thụ hưởng các thành quả lao động); Chị Nguyễn Vũ Bích Hiền - trưởng khoa Quản lý giáo dục, trong năm học vừa qua, với nhiệm vụ trưởng một khoa mang đặc thù của trường ĐHSPHN, trong bối cảnh đổi mới toàn diện nền giáo dục như hiện nay đã thực hiện tốt việc đưa cơ sở đào tạo trở thành một trong những cơ sở hàng đầu của Việt Nam đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục có chất lượng cao, tham gia và đảm trách nhiều phần việc quan trọng trong phát triển chương trình giáo dục phổ thông, trong quản trị nhân sự của ngành giáo dục. Đó còn là hình ảnh của nữ Hiệu trưởng trường Nguyễn Tất Thành - chị Nguyễn Thị Thu Anh. Với giá trị cốt lõi Trách nhiệm - Trung thực - Đoàn kết - Sáng tạo - Cống hiến mà trường xây dựng, trường Nguyễn Tất Thành đã ngày một chiếm được lòng tin của phụ huynh và học sinh, trở thành một ngôi trường mơ ước của học sinh Hà Nội. Mỗi mùa tuyển sinh đến hay mỗi dịp tiếng trống khai trường ngân vang, mỗi dịp bế giảng năm học, những thành tích của Nhà trường đạt được lại nhắc nhớ chúng ta về một vị Hiệu trưởng bám lớp bám trường, hình ảnh của chị, phong thái của chị trong tiếp xúc với học sinh, với phụ huynh, trong giải quyết các tình huống của Nhà trường đã khẳng định  hình ảnh người phụ nữ Việt Nam dịu dàng mà can trường, gánh vác. Đó còn là hình ảnh nữ trưởng phòng Sau đại học Nguyễn Thị Thu Hằng, không ngại khó khăn về khoảng cách địa lý, Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, không quản ngại thứ bảy chủ nhật cuối tuần, chị xông pha cùng anh em đi đến mọi miền đất nước để mở rộng phạm vi và quy mô đào tạo cho Nhà trường, khẳng định thêm thương hiệu của trường ĐHSP Hà Nội trong toàn quốc.

Trong một mảng công tác đoàn thể quan trọng, chị em cũng đóng góp lớn cho các hoạt động công đoàn. Nhiều chị em nhiều năm liền là chủ tịch công đoàn bộ phận, là tổ trưởng tổ công đoàn trực thuộc, ủy viên BCH Công đoàn trường hay trưởng phó các ban công tác, thành viên Ban Nữ công của Công đoàn Nhà trường. Có thể kể đến các chị như chị Nguyễn Thị Mai Chanh (khoa Ngữ văn, TVCĐ trường), chị Đỗ Thị Phi Nga (khoa tiếng Anh), chị Nguyễn Thị Thanh Mai (khoa Công tác xã hội), chị Trương Thị Thúy Nga (phòng Tổ chức cán bộ), chị Tống Thị Mơ (khoa Sinh học), chị Nguyễn Thị Thu Hà (Trường THPT Nguyễn Tất Thành), chị Tiêu Thị Mỹ Hồng (khoa LLCT-GDCD), chị Phạm Thị Kim Anh (Viện NCSP), chị Hoàng Thị Mai Hương (Thường vụ Công đoàn trường)... Với tinh thần tập thể, vì cộng đồng, các chị đã khắc phục những khó khăn của cá nhân để mang lại những hoạt động phong trào bổ ích cho anh chị em trong đơn vị và trong toàn trường. Điều đó góp phần rất lớn vào việc xây dựng khối đoàn kết trong đơn vị, tạo một không khí vui tươi, phấn khởi để mọi người nhiệt tình cống hiến cho sứ mệnh của trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

VỀ THÀNH TÍCH “ĐẢM VIỆC NHÀ”

          - Nữ cán bộ, viên chức trường ngoài công tác chuyên môn đã thực hiện tốt vai trò của người phụ nữ trong gia đình, là những người con hiếu thảo, người mẹ mẫu mực, đảm đang, góp phần khẳng định hình ảnh người phụ nữ Việt Nam “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Các chị đã chăm lo xây dựng hạnh phúc gia đình, có ảnh hưởng tích cực đến môi trường xã hội ở nơi cư trú. Con các chị luôn là những “con ngoan, trò giỏi”, nhiều cháu đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp và thi đỗ Đại học với điểm số cao. Ghi nhận sự nỗ lực phấn đấu của các cháu, hàng năm nhà trường tặng quà cho các cháu nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 và Tết Trung thu, mỗi năm khoảng gần 1.300 lượt cháu trong độ tuổi được nhận quà. Các cháu là con CB,VC trường là những học sinh ngoan, học giỏi, đạt nhiều thành tích cao trong học tập: hàng năm có khoảng 430 - 450 cháu con CB,VC đạt danh hiệu học sinh giỏi và thi đạt giải các cấp.

          - 100% gia đình nữ CB,VC đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.

Đánh giá chung và bài học kinh nghiệm

* Những kết quả đạt được của phong trào

Phát huy truyền thống của nhà trường, trong năm qua, Đảng ủy, BGH, Thường vụ Công đoàn trường đã nhận thức sâu sắc về vai trò, tiềm năng của cán bộ nữ với gia đình và xã hội, nhà trường luôn quan tâm và xem công tác phụ nữ trong thời kỳ đổi mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác hàng năm. Kết quả phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” năm 2016-2017 có:

- 759 chị em được công nhận danh hiệu GVT - ĐVN

- 112 chị em được BCH Công đoàn trường tặng Giấy khen

- 08 tập thể được BCH Công đoàn trường tặng Giấy khen

Sự ghi nhận này của tập thể Công đoàn Nhà trường là nguồn động viên, khích lệ chị em phấn đấu cao hơn nữa trong công tác chuyên môn, quản lý và chăm sóc con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no.

* Những hạn chế của phong trào:

- Phong trào đôi khi còn chưa thực sự đi sâu đi sát vào quần chúng, chưa tạo thành một phong trào thi đua sôi nổi trong toàn trường;

- Việc tổ chức hoạt động đôi khi còn mang tính hình thức, chưa được phong phú, chưa thực sự có sức hấp dẫn và thu hút đối với chị em.

* Phương hướng và nhiệm vụ trong năm học 2017-2018.

- Một là, giao cho Ban Nữ công Công đoàn trường tích cực đổi mới hình thức hoạt động để có sức hấp dẫn và thu hút đối với chị em, làm cho phong trào thực sự phát huy được ý nghĩa trong quần chúng;

- Hai là, tổ chức tập huấn về công tác nữ công của đơn vị, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả để các đơn vị khác học hỏi.  

- Ba là,  đề xuất với BCH Công đoàn trường thành lập Câu lạc bộ Nữ nhà giáo cùng nhau phát triển, nòng cốt sẽ là những nhà giáo tiên phong trong các công bố quốc tế, trong việc tham gia đấu thầu và chủ trì các đề tài khoa học các cấp, trong việc nuôi con giỏi dạy con ngoan...

- Phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của trường để có những chiến lược cụ thể hơn cho công tác nữ, khuyến khích, động viên chị em trong các mặt công tác, góp phần xây dựng nhà trường ĐHSP Hà Nội ngày càng vững mạnh.

 

                                                                                                                                                                                                                        Nguyễn Thị Thu Hoài - Phó CTCĐ Trường

 


Source: 
03-11-2017
Tags