Công tác nữ công và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng ở khoa Tiếng Anh

Với đặc thù của trường sư phạm, đa phần giảng viên là nữ, lại đặc biệt hơn nữa với chuyên ngành ngoại ngữ, số giảng viên nữ của công đoàn khoa Tiếng Anh của trường ĐHSP Hà Nội - một công đoàn còn khá trẻ mới được ra đời chính thức từ ngày 1/07/2004 - chiếm tới 95% trên tổng số giảng viên của Khoa. Làm thế nào để thực hiện tốt công tác nữ công cho 51 giảng viên nữ và các cháu con của các giảng viên trong Khoa ở độ tuổi thiếu niên nhi đồng là một thách thức lớn cho những người làm công tác công đoàn của Khoa.Với sự nhiệt tình, đoàn kết và quyết tâm làm tốt nhiệm vụ chăm sóc những phụ nữ trí thức và các mầm non của đất nước, sự phối kết hợp và  đồng thuận từ Công đoàn trường, Ban chủ nhiệm khoa, sự chung tay của Chi đoàn cán bộ và sự ủng hộ của các cá nhân, đoàn thể khác trong và ngoài Khoa, BCH Công đoàn khoa Tiếng Anh đã cùng nhau hoàn thành xuất sắc cả hai mảng công việc trên. Và đây là những kinh nghiệm nho nhỏ mà chúng tôi đã chắt lọc ra từ công tác nữ công và chăm sóc thiếu niên nhi đồng.

Về Công tác nữ công

Để có được thành công ban đầu, BCH Công đoàn khoa đã phân tích kỹ càng những thuận lợi, khó khăn trong việc xúc tiến công tác nữ công ở Khoa, từ đó có những giải pháp cụ thể.

Phát huy thế mạnh

Khoa Tiếng Anh có số lượng nữ cán bộ giảng viên cao, nếu có thể nơi khác coi đây chỉ đơn thuần là khó khăn, thì Công đoàn khoa coi đây là một lợi thế vì với số lượng đông, chúng tôi có thể phát động một phong trào thi đua hay một hoạt động của nữ công dễ dàng vì số lượng công đoàn viên tham gia rất dồi dào. Bên cạnh đó, chúng tôi đã phát huy tối đa các thế mạnh từ đội ngũ giảng viên nữ đó là sự nhiệt tình, sáng tạo khi tham gia các hoạt động nữ công do Công đoàn trường hay Công đoàn khoa triển khai.

Khai thác tiềm năng

Qua quá trình giảng dạy cùng nhau hay các hoạt động tập thể khác, Công đoàn khoa đã khai thác tiềm năng của các giảng viên nữ. Chúng tôi đã tìm được nhiều giọng ca hay và đẹp như giọng hát của cô Lê Thùy Linh, Cù Thu Thủy, Nguyễn Nhàn, các cô khéo tay như cô Thu Hằng, Thúy Nga, các cô nấu ăn giỏi như Kiều Giang, Thùy Anh, các cô giỏi về đồ họa máy tính như Bích Thủy, Mộc Lan,  các mẹ nuôi con khỏe, dạy con tài như Thủy Hường, Trần Thủy, các cô rất có duyên với việc dẫn chương trình như Quỳnh Trang, Doãn Thùy Linh…

Đa dạng hoạt động

Trong nhiệm kỳ 2010 - 2013 Công đoàn khoa Tiếng Anh đã liên tục đổi mới các hoạt động nữ công. Ví dụ, vào dịp 8/3/2011 công đoàn tổ chực các cán bộ giảng viên cùng đi xem phim; tổ chức cuộc thi “Half the Sky” (một nửa bầu trời) để chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ 8/3/2012; 8/3/2013 Công đoàn khoa tổ chức đi tham quan du lịch tại Thung Nai - Thác Bờ - Thủy điện Hòa Bình. Ngoài ra, Công đoàn khoa còn động viên và cử các giảng viên nữ tham gia cuộc thi “Khéo tay - Hay vào bếp” do Công đoàn trường tổ chức và đạt giải Nhì. Trong mỗi buổi tham quan hay tổ chức hoạt động chung, Ban tổ chức đều có kịch bản rõ ràng, cụ thể và luôn đổi mới các phần thi để một không khí vui tươi, mới mẻ cũng như tiếng cười còn lưu lại sau mỗi phần thi, sau mỗi chuyến đi du lịch của các nữ công đoàn viên. Hơn lúc nào hết BCH Công đoàn đều tạo điều kiện để các nữ công đoàn viên được khẳng định mình bằng việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ của người nữ giảng viên trong thời kỳ đổi mới, làm tròn các vai trò của người phụ nữ “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” luôn sẵn sàng cống hiến, sáng tạo và không ngừng đổi mới. 

Về công tác chăm sóc thiếu niên nhi đồng

Có thể nói đây là một hiệu ứng thú vị của số cán bộ nữ trẻ của khoa Tiếng Anh, vườn ươm mà BCH Công đoàn khoa có điều kiện để thực hiện công tác chăm sóc thiếu niên nhi đồng mỗi năm một lớn mạnh về số lượng, nếu như năm 2010 chúng tôi có 36 cháu ở độ tuổi thiếu niên nhi đồng, tới 1/6/2012 khoa có 45 cháu, và tới 1/6/2013 con số các cháu thiếu nhi lên tới 51 cháu. Với một lịch trình giảng dạy các hệ đào tạo, bồi dưỡng gần như kín cùng với các công việc xã hội, gia đình mà mỗi cán bộ nữ ở khoa Tiếng Anh phải gồng mình thực hiện, thời gian để tổ chức các hoạt động chăm sóc thiếu niên nhi đồng quả là eo hẹp, nhưng với nỗ lực và tình yêu vô hạn dành cho các cháu, phần nào trong nhiệm kỳ vừa qua các hoạt động mà Công đoàn khoa thực hiện đã được ghi nhận bằng niềm tin yêu và sự hướng về ngôi nhà thứ hai - nơi bố mẹ các cháu đang công tác - của các cháu. Bí quyết của sự thành công này cũng vô cùng giản dị.

Sáng tạo, cập nhật

Bên cạnh các quan tâm chung như chào đón các cháu mới ra nhập đội ngũ thiếu niên nhi đồng của Khoa thông qua việc thăm hỏi, động viên các bà mẹ trẻ hay tặng quà tới các cháu vào dịp Trung thu, quà thưởng các cháu học sinh giỏi… cứ mỗi khi sắp tới dịp Quốc tế thiếu nhi là Công đoàn khoa lại lên một chương trình chúc mừng các cháu bằng các hoạt động luôn thay đổi và cập nhật. Mỗi chương trình gồm nhiều phần chơi được chuẩn bị công phu với các phần trình bày hấp dẫn, đẹp mắt và luôn mới mẻ. Dịp 1/6/2011 chương trình có mục tìm hiểu bộ phim mới “Kungfu Panda” , tới 1/6/2012 trong chương trình tìm hiểu kiến thức chung các cháu có câu hỏi về các nhân vật trong bộ phim hoạt hình được các cháu yêu thích “Hoa quả nổi giận”, 1/6/2013 các cháu lại cùng nhau hòa vào cuộc tranh tài trong vũ điệu sôi nổi Gangnam Style. Trong nhiệm kỳ 2010-2013, Công đoàn đã có 3 chương trình dành cho các cháu thiếu nhi với nội dung và hình thức rất đa dạng từ: “Ngày hội của bé” (năm 2011), tới: “Bé FOE đua tài” (năm 2012), và “Gala cho bé FOE” (năm 2013).

Vui - Học song hành

Các chương trình mà Công đoàn khoa tổ chức dành cho các  cháu thiếu nhi bao giờ cũng hướng tới mục tiêu giáo dục. Mỗi chương trình gồm nhiều phần chơi động viên được các bé ở mọi lứa tuổi đều có thể tham gia với các phần chơi hướng về sự suy luận thông minh, có nội dung giáo dục và luôn mới mẻ. Có thể thông qua các câu hỏi đố vui các cháu vừa được xem những hình vẽ hay các câu đố vui ngộ nghĩnh nhưng đó đều là những dịp để các cháu ôn lại kiên thức của mình đã học được ở các lĩnh vực khác nhau như văn học, toán học, âm nhạc, ngoại ngữ… Mỗi năm chúng tôi lại có những chương trình khác nhau về nội dung và đến với ngày hội của các cháu, các bố mẹ đều thấy hài lòng vì các cháu đều học hỏi được những lời hay, ý đẹp và những câu trả lời thông minh cho các bài toán vui, hay biết thêm một nhân vật trong các câu chuyện cổ tích kỳ thú.

Gắn kết yêu thương

Lúc sinh thời Bác Hồ đã từng nói:

Trẻ em như búp trên cành,

Biết ăn ngủ, biết học hành  là ngoan.”

Theo lời dạy của Bác, Công đoàn khoa Tiếng Anh luôn tâm niệm rằng thông điệp phát ra từ trái tim sẽ đến được với trái tim, chỉ có tình yêu thực sự dành cho các cháu thiếu nhi mới có thể có được niềm tin yêu của các cháu. Các chương trình dành cho các cháu thiếu nhi thường gắn kết tình yêu của các cô chú trong Khoa cũng như làm nổi bật tình yêu mà các bố mẹ dành cho các bé. Các phần hoạt động bào giờ cũng tạo ra sân chơi để các bé được cùng trổ tài cùng các bạn, các anh, các chị, các em và đặc biệt cùng mẹ. Nếu ở hội thi “Ngày hội của bé”, các cặp mẹ - bé cùng thi, bé thi bón sữa chua cho mẹ thật vui, thì tới “Bé FOE đua tài”, các bé cùng mẹ tham gia trò chơi bịt mắt và tìm ra mẹ mình bằng sợi dây của tình mẫu tử thiêng liêng và đến “Gala cho bé FOE”, các cặp mẹ bé cùng đua tài hát múa, làm thơ, khiêu vũ thật hòa quyện và sinh động.

Thông qua các hoạt động nữ công đầy sáng tạo và gắn kết yêu thương như thế, Công đoàn luôn tạo bầu không khí cởi mở, vui vẻ để các nữ giảng viên của Khoa thực sự cùng nhau chia sẻ những hiểu biết, những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm chăm sóc và nuôi dạy con cái, để cùng nhau tôn vinh giá trị của người phụ nữ trí thức trong thời đại mới.


Các cháu thiếu nhi cùng hội tụ tại “Gala cho bé FOE” 1/6/2013 


Các “hoạ sĩ nhí” thi tài 1/6/2012


Các vũ công nhí sau vũ điệu Gangnam Style 1/6/2013

Tác giả: ThS. Đỗ Phi Nga


Source: 
22-07-2014
Tags