Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ XV nhiệm kỳ 2018 - 2023

 

Đại hội XV- Công đoàn Giáo dục (CĐGD) Việt Nam được tổ chức theo Kế hoạch chung của Tổng LĐLĐ Việt Nam về tổ chức đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XV Công đoàn Việt Nam. Đại hội được tổ chức đúng thời gian quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam, sau khi các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, công đoàn cơ sở đã hoàn thành việc tổ chức đại hội ở cấp mình.

I. Đại hội CĐGD Việt Nam được tổ chức trong 2 ngày (19-20/4/2018) tại Hà Nội, với khẩu hiệu là: “Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo - Thiết thực - Trách nhiệm”, tất cả vì quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của CBNGNLĐ trong ngành. Trong đó tập trung bàn về những vấn đề mà Công đoàn Ngành cần triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ mới phù hợp với tình hình và yêu cầu của CBNGNLĐ đối với công đoàn Ngành. Điểm mới này được quán triệt trong quá trình xây dựng báo cáo chính trị trình đại hội, trong thảo luận chương trình công tác nhiệm kỳ mới và tham luận tại Hội trường.

 II. Đại biểu Đại hội: Tham dự Đại hội có 269/275 đại biểu chính thức là những cán bộ, đoàn viên công đoàn ưu tú đại diện cho hơn 1,5 triệu CBNGNLĐ trong cả nước. Trong đó: Độ tuổi bình quân của đại biểu tham dự Đại hội là 48 tuổi, đại biểu trẻ nhất là 27 tuổi; Có 111 đại biểu là nữ (chiếm 41,3%); 27 đại biểu là người dân tộc thiểu số (chiếm 2,6%). Trình độ học vấn sau đại học có 211 đại biểu (chiếm 78,4%). Trình độ lý luận chính trị trung cấp là 68 đồng chí chiếm 25,3%, cao cấp và cử nhân có 125 đại biểu (chiếm 25,3%). 

Dự Đại hội còn có hơn 200 khách mời là lãnh đạo của Sở GD&ĐT, các trường đại học, các cơ quan, đơn vị trực thuộc và thuộc Bộ GD&ĐT, cán bộ lãnh đạo CĐGD Việt Nam qua các thời kỳ, các Chủ tịch CĐGD tỉnh/thành phố, Chủ tịch công đoàn cơ sở  trực thuộc CĐGD Việt Nam nghỉ hưu, chuyển công tác trong nhiệm kỳ hoặc không tái cử.

Dự và chỉ đạo Đại hội có Đ/c Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ GĐ&ĐT; Đ/c Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Đ/c Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ VN. Đ/c Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng, Ủy viên Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT, là đại biểu chính thức Đại hội tham gia Đoàn Chủ tịch.

III. Nội dung Đại hội:

3.1. Các đại biểu dự đại hội đã tập trung trí tuệ, thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, xác đáng trong quá trình thảo luận tổ cũng như tham luận trên hội trường.

Đại hội thống nhất đánh giá kết quả nhiệm kỳ 2013-2018, hoạt động của CĐGD Việt Nam đạt được những kết quả nổi bật:

Trong nhiệm kỳ qua, CĐGD Việt Nam đã quan tâm chỉ đạo CĐGD các cấp triển khai hoạt động công đoàn gắn với chuyên môn, phát huy tinh thần trách nhiệm, hướng về cơ sở; có nhiều giải pháp đột phá; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; thực hiện có hiệu quả 8 nhiệm vụ, 6 chương trình công tác toàn khóa, nhiều chỉ tiêu hoàn thành đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội XIV đã đề ra; tiếp tục khẳng định được vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn trong giai đoạn đổi mới. Trong đó CĐGD các cấp đã tập trung thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ, nhất là bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín nhà giáo; triển khai các chương trình phúc lợi đoàn viên. Hàng năm, 100% đơn vị tổ chức tốt hội nghị CBCCVC, hội nghị NLĐ; 70% đơn vị ngoài công lập, doanh nghiệp trực thuộc có thỏa ước lao động tập thể; vận động thêm nguồn lực với số tiền xấp xỉ 700 tỷ đồng từ nhiều nguồn để xây được 1.687 nhà công vụ giáo viên, thiết chế văn hóa, hỗ trợ kịp thời các nhà trường và CBNGNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, thiên tai, bão lũ; tổ chức các chương trình đón Tết cho giáo viên cắm bản, chăm lo thiết thực CBNGNLĐ, quan tâm nhiều hơn đối với nhà giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; chú trọng các hoạt động tôn vinh nhà giáo tiêu biểu...

Công tác tuyên truyền, giáo dục có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực, góp phần tạo được sự đồng thuận trong ngành và xã hội đối với chủ trương đổi mới của ngành; nhận được sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng đối với nhà giáo, nghề giáo; chủ động tham gia quản lý, thực hiện tốt dân chủ trong các nhà trường; nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực nghề nghiệp đối với đội ngũ CBNGNLĐ đáp ứng yêu cầu mới, 99,28% giáo viên các cấp học đạt chuẩn đào tạo trở lên. Phối hợp tổ chức 2 cuộc thi viết về nhà giáo;  Phối hợp tổ chức 4 chương trình truyền hình trực tiếp“Thay lời tri ân”; Phối hợp tổ chức 3 diễn đàn về nhà giáo của Đài Tiếng nói Việt Nam. 

 Phát động, tổ chức hiệu quả phong trào thi đua, cuộc vận động mang tính ngành nghề sâu sắc: “Dạy tốt, học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, trên 100.000 lượt nhà giáo đạt giáo viên, giảng viên giỏi, góp phần xây dựng và phát triển nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn được đổi mới; công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, kiểm tra giám sát được triển khai thực hiện nghiêm túc; bồi dưỡng, giới thiệu, đề nghị  kết nạp trên 124.000 đoàn viên ưu tú cho Đảng. Công tác đối ngoại được mở rộng, từng bước khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế của CĐGD Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

 Đại hội cũng chỉ ra hạn chế, khuyết điểm: Công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, của cơ quan CĐGD Việt Nam dù đã có nhiều cố gắng nhưng chưa theo kịp yêu cầu đổi mới hiện nay. Việc dự báo tình hình và tham mưu chỉ đạo còn chậm. Đổi mới hoạt động của CĐGD các cấp chưa theo kịp yêu cầu. Nội dung, phương pháp hoạt động công đoàn có nơi, có lúc chưa phù hợp, còn nghèo nàn, chưa gắn với chuyên môn, chưa đáp ứng được yêu cầu mới. Công tác tuyên truyền, giáo dục ở một số đơn vị chưa hiệu quả, còn xảy ra hiện tượng CBNGNLĐ vi phạm đạo đức nhà giáo, vi phạm pháp luật, bạo hành học sinh; ý thức, trách nhiệm của một bộ phận CBNGNLĐ chưa cao, chậm đổi mới.

Công đoàn một số trường đại học, cao đẳng sư phạm còn lúng túng trong thực hiện đổi mới cơ chế quản lý, chưa nêu cao vai trò chủ động trong việc phát hiện và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, bất cập để xây dựng, phát triển nhà trường. Một số trường ngoài công lập, hoạt động công đoàn gặp nhiều khó khăn và chưa nhận được sự ủng hộ của chuyên môn; công tác thu nộp kinh phí công đoàn còn chậm, chưa đạt yêu cầu. Một số cán bộ công đoàn chưa tâm huyết, chưa đổi mới phương pháp nên hiệu quả chưa cao.

Việc chăm lo, bảo vệ CBNGNLĐ ở một số nhà trường gặp khó khăn nhất là đối với các trường mầm non, tiểu học, trung học sơ sở. Một số vụ việc nhà giáo bị xâm hại danh dự, nhân phẩm, uy tín, lao động, việc làm chưa được phát hiện và bảo vệ kịp thời. Một số CĐCS còn chưa làm tròn trách nhiệm trong việc bảo vệ CBNGNLĐ. Việc thực hiện chế độ chính sách đối với CBNGNLĐ ở một số địa phương còn chậm. Công tác thông tin chưa kịp thời; việc yêu cầu các số liệu báo cáo về CĐGD Việt Nam còn nhiều, trùng lặp; CĐCS thực hiện chậm tiến độ, một số đơn vị báo cáo thiếu chính xác.

Đại hội xác định nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm:

* Nguyên nhân khách quan

Nhận thức của một số cấp ủy, lãnh đạo đơn vị trường học còn chưa coi trọng và quan tâm đúng mức đối với hoạt động công đoàn, vì vậy nguồn lực dành cho công đoàn còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động. Nhiều đơn vị không tạo điều kiện cho cán bộ công đoàn cơ sở tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn, sơ kết, tổng kết năm học do công đoàn cấp trên tổ chức; không tham gia một số hoạt động cấp ngành do Bộ GD&ĐT và CĐGD Việt Nam tổ chức.

Đời sống kinh tế còn khó khăn, chế độ chính sách đối với CBNGNLĐ còn thấp, nhất là giáo viên, giảng viên trẻ, nhân viên trường học, giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Việc triển khai đổi mới tuyển sinh đại học, cao đẳng, và một số chính sách mới tác động đến số lượng tuyển sinh, trong đó các trường ngoài công lập rất khó khăn, nên đã ảnh hưởng đến lao động, việc làm, thu nhập và đời sống một bộ phận CBNGNLĐ.

Các cơ chế chính sách thu hút cán bộ có năng lực để làm công tác công đoàn còn nhiều bất cập; ngân sách công đoàn hạn hẹp lại thường xuyên phải thực hiện tiết giảm kinh phí, tiết kiệm chi tiêu làm hạn chế một số hoạt động. Chế độ đối với cán bộ công đoàn còn bất cập nên chưa khuyến khích được cán bộ giỏi làm công tác công đoàn.

Trong nhiệm kỳ, cơ chế quản lý, chỉ đạo của hệ thống công đoàn, nhất là đối với ngành Giáo dục có nhiều thay đổi; công đoàn giáo dục cấp huyện đã bị giải thể; sự phối hợp chỉ đạo hoạt động giữa CĐGD Việt Nam và LĐLĐ các địa phương trong cả nước còn có những vướng mắc đã có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động công đoàn ngành Giáo dục và tâm tư đội ngũ cán bộ công đoàn. Việc thực hiện rà soát, sắp xếp lại hệ thống trường lớp, chuyển giao các trường chuyên nghiệp, các trung tâm, tinh giản biên chế có tác động đến việc làm và đời sống của CBNGNLĐ.

Một số LĐLĐ không thực hiện đúng Điều lệ và chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam trong việc chuyển công đoàn các trường đại học trực thuộc Bộ GD&ĐT về CĐGD Việt Nam theo quy định.

* Nguyên nhân chủ quan

Công tác giám sát thực hiện chế độ chính sách đối với CBNGNLĐ đôi khi chưa kịp thời. Một số đơn vị thiếu chủ động phát hiện, nắm bắt tình hình, nhất là khi có vụ việc CBNGNLĐ bị xâm hại danh dự, nhân phẩm hoặc vi phạm chế độ chính sách, lao động, việc làm. Chưa có nhiều giải pháp tham mưu, đề xuất về chế độ chính sách cho nhà giáo. Công tác dự báo; chế độ thông tin, báo cáo ở một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc.

Sự đổi mới tư duy của một bộ phận cán bộ CĐGD các cấp còn chậm, kỹ năng còn hạn chế. Công tác xây dựng kế hoạch còn chưa cụ thể, thiếu nhiệm vụ; chưa cập nhật các chủ trương, chỉ đạo mới của công đoàn cấp trên. Một số cán bộ công đoàn chưa thích ứng kịp thời với sự đổi mới của ngành và tổ chức công đoàn, chưa nghiên cứu kỹ văn bản hướng dẫn của cấp trên nên khi thực hiện còn có sai sót; chưa tâm huyết, năng lực hạn chế, chưa dành đủ thời gian cho công tác công đoàn.

Ở một số đơn vị, công tác tư vấn pháp luật cho CBNGNLĐ chưa được quan tâm đúng mức; chưa phối hợp tích cực với chuyên môn, chưa thúc đẩy được phong trào thi đua; công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động CBNGNLĐ hiệu quả chưa cao.

Còn thiếu sự chủ động phối hợp công tác giữa CĐGD Việt Nam với LĐLĐ các tỉnh, thành phố trong chỉ đạo công đoàn ngành ở địa phương; CĐGD Việt Nam chưa có tham mưu hiệu quả với Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đạo LĐLĐ các địa phương thống nhất chỉ đạo hoạt động công đoàn theo đặc thù ngành nghề khi không còn CĐGD huyện. 

Đại hội chỉ ra bài học kinh nghiệm

Một là, hoạt động công đoàn phải bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chủ trương đổi mới của ngành và Tổng LĐLĐ Việt Nam. Tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng, của công đoàn cấp trên, xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với chuyên môn và sự ủng hộ của đội ngũ CBNGNLĐ.

Hai là, chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm; có đủ năng lực, kỹ năng hoạt động công đoàn, gắn bó với đoàn viên và tổ chức công đoàn, có phương pháp vận động CBNGNLĐ thực hiện các chủ trương đổi mới giáo dục, đào tạo và hoạt động công đoàn trong tình hình mới.

Ba là, tổ chức các phong trào thi đua, cuộc vận động phù hợp, hiệu quả, thực chất; quan tâm chăm lo, đại diện bảo vệ thiết thực CBNGNLĐ; phối hợp đề xuất cơ chế chính sách, vận động nguồn lực chăm lo phát triển đội ngũ CBNGNLĐ đáp ứng yêu cầu mới.

Bốn là, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn phù hợp với mục tiêu đổi mới của ngành; hoạt động hướng mạnh về cơ sở, nắm bắt tình hình và điều chỉnh kịp thời; tổ chức hoạt động phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và tâm tư nguyện vọng của  CBNGNLĐ.

Năm là, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa công đoàn với chuyên môn và các đơn vị chức năng trong triển khai nhiệm vụ; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm; tuyên dương khen thưởng kịp thời các tập thể cá nhân tiêu biểu, nhân rộng điển hình tiên tiến.

3.2. Đại hội nhất trí xác định mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2018- 2023 là:

a. Tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động CĐGD các cấp để tập hợp thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CBNGNLĐ, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín nhà giáo, nghề giáo.

b.  Đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục, tập trung nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ CBNGNLĐ, kỹ năng ứng xử, đạo đức, phong cách nhà giáo; xây dựng môi trường giáo dục văn hóa, dân chủ, kỷ cương, an toàn, thân thiện trong các nhà trường.

c.  Đổi mới và triển khai có chiều sâu các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động trong ngành, trong đó đẩy mạnh phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” và cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo”; “Quyên góp, hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn”.

d. Chủ động và phối hợp chặt chẽ với chuyên môn thực hiện dân chủ trong Nhà trường và cơ sở giáo dục; phát huy vai trò và tiếng nói của tổ chức công đoàn trong cơ chế tự chủ trường học

e. Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn ngành Giáo dục ngày càng vững mạnh, góp phần thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.

Mục tiêu tổng quát trên được cụ thể hóa thành 8 nhóm giải pháp tổ chức thực hiện là:

1. Đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng; chăm lo thiết thực cho đoàn viên và cán bộ, nhà giáo, người lao động; tham gia quản lý, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định

2. Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động; nâng cao chất lượng đội ngũ CBNGNLĐ, chú trọng năng lực nghề nghiệp, đạo đức nhà giáo; nề nếp, kỷ cương trong các trường học, góp phần thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

3. Tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo

4. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn, phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.

5. Nâng cao hiệu quả công tác nữ công và phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”; chăm lo, phát triển đội ngũ nữ CBNGNLĐ đáp ứng yêu cầu mới

6. Công tác tài chính công đoàn

7. Công tác kiểm tra, giám sát

8. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại

3.3. Đại hội đã biểu quyết chỉ tiêu phân đấu

 1. Chỉ tiêu thuộc trách nhiệm trực tiếp của CĐGD Việt Nam

- Hằng năm, 100% đoàn viên, CBNGNLĐ được tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chủ trương đổi mới của ngành Giáo dục, nghị quyết của công đoàn các cấp, phù hợp với điều kiện đơn vị, trường học.

- Hàng năm, 100% công đoàn cơ sở tổ chức cho CBNGNLĐ đăng ký thi đua, thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động do công đoàn và ngành phát động; có kế hoạch triển khai và đánh giá kết quả thực hiện.

- 100% CĐGD các cấp có quy chế phối hợp với chuyên môn để chỉ đạo triển khai hoạt động công đoàn.

- 100% các đơn vị, trường học, cơ sở giáo dục mới thành lập nếu có đủ điều kiện đều thành lập công đoàn cơ sở và có ít nhất 90% CBNGNLĐ tham gia tổ chức công đoàn; trên 95% CBNGNLĐ có hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc được tuyển dụng vào biên chế tại các đơn vị, trường học công lập được kết nạp vào tổ chức công đoàn.

- Hàng năm, phấn đấu trên 80% công đoàn cấp trên cơ sở đạt loại tốt; 90% trở lên công đoàn cơ sở đạt vững mạnh; trong nhiệm kỳ 100% cán bộ công đoàn được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công đoàn.

- Hàng năm 100% đơn vị, trường học tổ chức cho nữ CBNGNLĐ đăng ký thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”; phấn đấu trên 90% nữ CBNGNLĐ đạt danh hiệu thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” cấp cơ sở; trong nhiệm kỳ 100% cán bộ công đoàn chủ chốt các cấp và cán bộ nữ công được tập huấn về bình đẳng giới, lồng ghép giới.

2. Chỉ tiêu của CĐGD Việt Nam tham gia chỉ đạo, thực hiện

- 100% các cơ quan, đơn vị, trường học xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở và tổ chức hội nghị cán bộ công chức, viên chức, hội nghị người lao động đúng quy định.

- 100% đơn vị, trường học tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho CBNGNLĐ kỹ năng mềm, kỹ năng ứng xử văn hóa, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học, chuẩn cán bộ quản lý. Đến cuối nhiệm kỳ, phấn đấu 100% CBNGNLĐ có trình độ đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT. 

- 100% các đơn vị, trường học triển khai và hoàn thành mục tiêu Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành Giáo dục giai đoạn 2016 - 2020.

- Hàng năm, 100% đơn vị phối hợp tổ chức các lớp học tập, bồi dưỡng về kỹ năng nghiệp vụ, lý luận chính trị, quán triệt, học tập, triển khai những chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và của ngành đến CBNGNLĐ.

- Trong nhiệm kỳ, trên 80% đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và doanh nghiệp có tổ chức công đoàn có thỏa ước lao động tập thể với những nội dung có lợi hơn quy định của pháp luật đối với người lao động, trong đó 50% trở lên thỏa ước đạt loại A; 80% đơn vị ngoài công lập tổ chức đối thoại tại cơ sở; có 100% CBNGNLĐ trong diện ký hợp đồng lao đồng được ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.

- Hàng năm, 100% cơ quan, đơn vị trường học đăng ký đạt chuẩn văn hóa; phấn đấu 80% cơ quan, đơn vị, trường học đạt chuẩn văn hóa.

Hiện nay, BCH Công đoàn Giáo dục Việt Nam đang chỉ đạo xây dựng các chương trình công tác toàn khóa để tổ chức thực hiện.

IV. Phát biểu tại Đại hội, các Đồng chí Lãnh đạo Bộ GD-ĐT và Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá cao kết quả công tác của CĐGDVN nhiệm kỳ qua, chỉ đạo định hướng chương trình công tác nhiệm kỳ mới.

4.1. Đ/c Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư BCS Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị Công đoàn GDVN tập trung cho 5 nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ:

- Làm tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của CBNGNLĐ. Chăm lo lợi ích thiết thực của đoàn viên công đoàn phù hợp với đặc điểm nghề nghiệp, vị thế của Nhà giáo và xu thế đổi mới của Ngành.  

- Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong việc vận động CBNGNLĐ thống nhất, đồng thuận cao về nhận thức và hành động trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 của BCH Trung ương Đảng khóa XI. Hỗ trợ CBNGNLĐ trong bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đạt và vượt chuẩn chức danh theo quy định của Ngành.

- Phối hợp chặt chẽ với chuyên môn thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; đảm bảo các hoạt động của trường học công khai, minh bạch, đúng pháp luật và quy định của Ngành.

- Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện của tổ chức Công đoàn trong cơ chế tự chủ các trường học; đảm bảo cho CBNGNLĐ được thông tin đầy đủ, được tham gia thảo luận, quyết định và giám sát thực hiện các kế hoạch công tác của Nhà trường. Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong các Nhà trường.

- Chủ động và tham gia tích cực trong việc xây dựng môi trường giáo dục văn hóa, dân chủ, kỷ cương, an toàn, thân thiện, sáng tạo trong các Nhà trường.

4.2. Đ/c Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Công đoàn GD Việt Nam tập trung cho 3 khâu đột phá:

- Thứ nhất, đột phá trong thực hiện nhiệm vụ của ngành trong bối cảnh các đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ. CĐ Giáo dục VN cần vận động, thuyết phục cán bộ, NGNLĐ tích cực học tập, nâng cao đạo đức, trách nhiệm và năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đẩy mạnh các phong trò thi đua để thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, thi đua phải thực chất, mang lại hiệu quả cao.

- Thứ hai, CĐ Giáo dục VN tập trung đột phá khâu cán bộ. Cán bộ CĐ phải nhiệt huyết, trách nhiệm, tinh thông nghiệp vụ, xứng đáng với thủ lĩnh của phong trào NGNLĐ tại đơn vị.

- Thứ ba, CĐ Giáo dục VN cần đột phá trong khâu đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, đoàn viên, NGNLĐ; lấy chăm lo lợi ích cho đoàn viên làm trung tâm.

Đại hội đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của các Đ/c Lãnh đạo

V. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành CĐGD Việt Nam nhiệm kỳ 2018- 2023 gồm 36 đồng chí (03 Đồng chí sẽ bầu bổ sung sau) với sự thống nhất cao.

Cơ cấu BCH gồm: - Cơ quan CĐGDVN: 08 Ủy viên

                               - Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở: 06 Ủy viên

                               - Công đoàn cơ sở trực thuộc CĐGDVN: 18 Ủy viên

                              - Công đoàn GD các tỉnh/Tp: 04 Ủy viên.

Phiên họp thứ nhất của BCH đã bầu Ban Thường vụ gồm 12 Ủy viên (01 Ủy viên sẽ bầu bổ sung sau); Ủy ban Kiểm tra gồm 09 Ủy viên. Đ/c Vũ Minh Đức tái cử Chủ tịch CĐGDVN khóa XV. Đ/c Nguyễn Thị Bích Hợp tái cử Phó Chủ tịch CĐGDVN khóa XV.

VI. Đại hội CĐGD Việt Nam lần thứ XV đã thành công tốt đẹp nhưng nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới rất nặng nề trong điều kiện có những biến động lớn về mặt tổ chức của ngành GD&ĐT cũng như mô hình tổ chức của hệ thống Công đoàn.

CĐGD Việt Nam rất mong nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của CBNGNLĐ trong ngành, sự hỗ trợ giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, lãnh đạo chuyên môn của các cơ sở giáo dục, các đơn vị trong ngành.

 

                                                                                                                                                                                          Nguồn: Tài liệu tuyên truyền kết quả ĐH - CĐGDVN


Source: 
28-05-2018
Tags