Dạy học tích hợp – phương thức phát triển năng lực học sinh

1. Khái niệm về dạy học tích hợp

Mục đích của dạy học tích hợp là để hình thành và phát triển năng lực học sinh.

Bản chất của năng lực là khả năng của chủ thể kết hợp một cách linh hoạt, có tổ chức hợp lí các kiến thức, kĩ năng với thái độ, giá trị, động cơ, nhằm đáp ứng những yêu cầu phức hợp của một hoạt động, bảo đảm cho hoạt động đó đạt kết quả tốt đẹp trong một bối cảnh (tình huống) nhất định.

Phương pháp tạo ra năng lực đó chính là dạy học tích hợp. Theo đó, giáo dục tích hợp có những dấu hiệu cơ bản sau đây:

o   Thiết lập các mối quan hệ theo một logic nhất định những kiến thức, kĩ năng khác nhau để thực hiện một hoạt động phức hợp.

o   Lựa chọn những thông tin, kiến thức, kĩ năng cần cho học sinh thực hiện được các hoạt động thiết thực trong các tình huống học tập, đời sống hàng ngày, làm cho học sinh hòa nhập vào thế giới cuộc sống.

o   Làm cho quá trình học tập mang tính mục đích rõ rệt.

o   Nhà trường không đặt ưu tiên truyền đạt kiến thức, thông tin đơn lẻ, mà phải hình thành ở học sinh năng lực tìm kiếm, quản lí, tổ chức sử dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong tình huống có ý nghĩa.

o   Khắc phục được thói quen truyền đạt và tiếp thu kiến thức, kĩ năng rời rạc làm cho con người trở nên “mù chữ chức năng”, nghĩa là có thể được nhồi nhét nhiều thông tin nhưng không dùng được.

Như vậy, dạy học tích hợp là cải cách giảm tải kiến thức không thực sự có giá trị sử dụng, để có điều kiện tăng tải kiến thức có ích. Để lựa chọn nội dung kiến thức đưa vào chương trình các môn học trước hết phải trả lời kiến thức nào cần và có thể làm cho học sinh biết huy động vào các tình huống có ý nghĩa. Biểu hiện của năng lực là biết sử dụng các nội dung và các kĩ năng trong một tình huống có ý nghĩa, chứ không ở tiếp thu lượng tri thức rời rạc.

 2. Các nguyên tắc lựa chọn nội dung kiến thức và xác định môn học để tổ chức dạy học tích hợp hình thành năng lực

 2.1. Nội dung kiến thức từng môn học phải hướng vào hệ thống năng lực chung (cốt lõi) và năng lực chuyên biệt. Trong các bối cảnh cụ thể, việc lựa chọn kiến thức phụ thuộc vào loại tình huống mà học sinh phải huy động kiến thức. Có hai con đường logic để lựa chọn nội dung trong quan hệ này:

Con đường thứ nhất ứng với cách tiếp cận nội dung. Đây là trường hợp nội dung tri thức của chương trình SGK đã được thiết kế sẵn không được định hướng tường minh các năng lực chung và năng lực chuyên biệt. Chương trình hiện hành của chúng ta là như thế. Ở đây cần biến đổi dần dần các nội dung đó để soạn thảo các năng lực cụ thể (ứng với mục tiêu riêng lẻ khi dạy học các nội dung cụ thể trong 1 môn học) (xem bảng ma trận mục tiêu ở phần sau); tiếp đó là soạn mục tiêu tích hợp (tức là mục tiêu nhằm thực hiện sự tổng hợp các năng lực riêng lẻ đạt được khi thực hiện mục tiêu dạy học các nội dung cụ thể, ở một thời đoạn nhất định - kết thúc một năm học, cả cấp học).

Sơ đồ logic con đường này như sau:

Con đường thứ hai ứng với tiếp cận phát triển năng lực. Con đường này ngược chiều với con đường thứ nhất. Sơ đồ như sau:

Con đường thứ nhất chỉ áp dụng như là một giải pháp tình thế khi chúng ta đang bước quá độ từ xây dựng chương trình theo tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực.

Định vị nội dung kiến thức môn học theo mục tiêu năng lực (con đường thứ hai) cho phép lựa chọn, gạn lọc những kiến thức có ý nghĩa thiết thực vận dụng vào hoạt động nhận thức trong đời sống, tránh được sự quá tải chương trình do các kiến thức hoặc không cần thiết, hoặc quá xa rời, khó liên kết với các kiến thức khác. Có thể so sánh hai con đường trên bằng ẩn dụ sau đây: con đường thứ nhất tương tự bón phân rải đều đồng ruộng, một lượng phân bón cây trồng không hấp thụ được, cỏ dại lại phát triển lấn át; con đường thứ hai tương tự cách bón phân tận gốc cây trồng.

 2.2. Mỗi môn học lập được ma trận quan hệ giữa hệ thống kĩ năng và nội dung kiến thức dưới dạng bảng sau:

 

Chú ý:

o   Cột kĩ năng có thể là những kĩ năng hoặc các chủ đề nội dung định được trong một bài học, một chương, một phân môn, một môn học tích hợp, của tất cả các lĩnh vực môn học, cột kĩ năng có thể dùng bảng động từ mục tiêu của B.Bloom.

o   Cột nội dung cũng lần lượt là những nội dung ở các phạm vi tương tự cột kĩ năng hay chủ đề nội dung.

o   Bảng quan hệ trên cũng cho thấy một hoạt động (kĩ năng được thực hiện) có thể tác động lên cùng một đối tượng (một nội dung) học tập và ngược lại một nội dung có thể là đối tượng tác động của nhiều hoạt động.

o   Bảng cũng cho thấy quan hệ kĩ năng và nội dung sẽ được xác lập theo nhiều mạch logic khác nhau và phạm vi khác nhau. Sự khác nhau đó tạo ra phạm vi tích hợp khác nhau.

o   Trong logic phát triển chương trình theo tiếp cận năng lực thì cột kĩ năng được lập trước, tiếp đó là soạn nội dung trên cơ sở phân tích các thành phần nội dung môn học và tiếp theo là tạo tình huống chứa đựng các vấn đề hay chủ đề tích hợp. Loại tích hợp, mức độ tích hợp phụ thuộc vào tình huống, vấn đề, chủ đề tích hợp đó.

o   Bảng là công cụ hướng dẫn tích hợp quan trọng cho giáo viên và học sinh.

o   Năng lực = kĩ năng  x  nội dung  x  tình huống tích hợp, như vậy dựa vào bảng trên giáo viên hay người soạn chương trình thiết kế các tình huống tích hợp, hoạt động huy động vận dụng kiến thức, kĩ năng từ các nguồn để giải quyết vẫn đề có ý nghĩa.

o   Từ bảng trên cũng cho thấy chủ đề tích hợp có thể là kĩ năng, một năng lực chung, một năng lực chuyên biệt, hay có thể là các chủ đề nội dung, đối tượng học tập.

o   Thiết kế bài học theo trật tự nâng dần yêu cầu tích hợp bằng cách thiết lập các nhóm tổ hợp kĩ năng, nội dung ứng với các tình huống khác nhau.

o   Mỗi ô có thể là một năng lực, hay đó là mục tiêu cụ thể, tổ hợp các năng lực đó ta được năng lực tích hợp.

  (Xavier gọi là mục tiêu tích hợp Cuối thời đoạn - MTCT)

                  MTCT

 Năng lực cơ bản 1           Năng lực cơ bản 2          Năng lực cơ bản 3

 Năng lực 1

Năng lực 2                     Mục tiêu tích hợp (năng lực Cuối thời đoạn)

Năng lực 3

Năng lực n-1

 Mục tiêu tích hợp là một năng lực phức hợp đòi hỏi sự tích hợp chứ không phải là kết quả thực hiện một kĩ năng riêng lẻ ứng với một nội dung cụ thể. Mục tiêu tích hợp tạo ra một năng lực bền vững trong cấu trúc tâm lí của chủ thể. Các kĩ năng riêng lẻ được thực hiện khi xác định các mục tiêu dạy học từng bài học, từng đơn vị nội dung môn học.

2.3. Mỗi môn học vừa bảo đảm logic bên trong, vừa là đầu vào, đầu ra cho các môn học khác. Đây là vấn đề phức tạp nhất trong lập chương trình và soạn sách giáo khoa môn học.

2.4. Mỗi môn học cần có những nội dung hay mục tiêu phương pháp luận. Mục tiêu này thường có thể là một cách tiếp cận nghiên cứu, nhận thức môn học đó, hay đó là những khái niệm khái quát cao được cụ thể hóa bằng hệ thống các khái niệm cụ thể, ví dụ hệ thống khái niệm tổ hợp trong toán, tiếp cận cấu trúc hệ thống các cấp độ tổ chức sống trong sinh học. Những tiếp cận, khái niệm trừu tượng hóa có tính phương pháp luận khoa học này rất có giá trị nhận thức môn học nhưng thường bị coi nhẹ trong dạy học môn học.

 2.5. Chương trình có trọng số cho các môn học cốt lõi. Các môn học này tất cả các nước đều xác định là toán, ngôn ngữ, tin học (công nghệ thông tin). Chương trình hình thành năng lực bằng giáo dục tích hợp đòi hỏi các môn học này:

o   Được đưa vào dạy học ở nhà trường sớm.

o   Vừa bảo đảm cung cấp kiến thức, kĩ năng đặc thù môn học, vừa là công cụ phục vụ học tập các môn học khác. Như vậy khi thiết kế bảng quan hệ kĩ năng – nội dung cần chỉ ra những nội dung, kĩ năng có tính công cụ đó.

o   Các môn học này cần được tổ chức dạy học bằng hệ thống các tình huống tích hợp đòi hỏi vận dụng tri thức từ nhiều môn học khác để giải quyết. Các môn học khác được coi là nguồn tình huống cho các môn học cốt lõi.

 3. Đặc điểm sách giáo khoa trong chương trình phát triển năng lực bằng dạy học tích hợp

3.1. Tùy theo sách giáo khoa đơn môn hay đa môn mà lựa chọn cách trình bày cấu trúc nội dung. Nhìn chung không nên trình bày đơn vị bài học theo đơn vị tiết học, thay vào đó là cố gắng trình bày theo chủ đề nội dung ứng với các tình huống tích hợp được thiết kế phù hợp.

3.2. Sách giáo khoa không chỉ chủ yếu cung cấp thông tin kiến thức môn học như hiện nay. Để thuận lợi cho dạy học tích hợp sách giáo khoa cần có những nội dung mang tính hướng dẫn cơ bản đến mức thao tác cho giáo viên và học sinh như xác định mục tiêu, chủ đề tích hợp, kĩ năng cơ bản; lời nói đầu giới thiệu cấu trúc các mạch nội dung, cách học, đặc thù, cách tìm kiếm thông tin,... có danh mục các từ khóa, thuật ngữ, khái niệm cốt lõi (appendix); hướng dẫn đánh giá; hưỡng dẫn huy động kiến thức đã học từ các môn học liên quan, kiến thức sẽ học; các phương pháp dạy học chính có khả năng dạy học tích hợp, ở các mức độ khác nhau; lập bản đồ khái niệm; cách lập bản đồ tư duy;...

3.3. Các mục tiêu năng lực tích hợp có thể sắp xếp tuyến tính, hoặc theo lối đồng tâm xoáy trôn ốc.

3.4. Các chủ đề tích hợp có thể được tổ chức theo logic qui nạp hay diễn dịch, mỗi con đường cho ta cách trình bày nội dung môn học khác nhau thuận lợi cho việc tìm kiếm thông tin...

3.5. Các phương pháp  dạy học có nhiều khả năng dạy học tích hợp:

- Dạy học theo dự án.

- Dạy học giải quyết vấn đề.

- Tổ chức hoàn thành báo cáo tiểu luận.

- Tổ chức nghiên cứu khoa học.

- Bàn tay nặn bột.

GS.TS Đinh Quang Báo

Nguyên Hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội


Source: 
11-01-2016
Tags