Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh

I. TẤM GƯƠNG HỌC TẬP SUỐT ĐỜI CỦA HỒ CHÍ MINH

          Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc ta là Anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hóa; đồng thời Người cũng là một Nhà giáo dục lớn.

          Theo Người, muốn trở thành người có đức, có tài để phục vụ và cống hiến nhiều cho Đảng, cho Tổ Quốc và dân tộc thì phải suốt đời học tập.

          Ngay từ thuở nhỏ, Người rất ham học, thông minh, sớm có lòng yêu nước và có chí cứu nước, cứu dân khỏi ách nô lệ của đế quốc. Khi mới 13 tuổi, lần đầu tiên được nghe ba từ của cuộc Cách mạng Tư sản Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái, Người muốn sang Pháp và các nước trên thế giới để tìm hiểu, học tập, đấu tranh giải phóng Tổ quốc và dân tộc mình [(1)T1, tr.477]. Từ giữa năm 1911, Người làm thuê trên một tàu buôn Pháp và rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước. Từ giữa năm 1911 đến tháng 6 năm 1923, Người đã đi qua nhiều nước, nhiều châu lục trên thế giới, làm nhiều nghề khác nhau (phụ bếp, làm vườn, quét tuyết, phục vụ khách sạn, làm báo, thợ ảnh, viết báo, bán báo...) vừa để kiếm sống, vừa để học tập và hoạt động cách mạng. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Người đã tự học tập, nghiên cứu lý luận và thực tiễn, đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường cách mạng của thời đại mới - Con đường cách mạng Dân chủ vô sản. Người hướng phong trào cách mạng Việt Nam đi theo con đường cách mạng vô sản, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức tiến tới sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam  (đầu năm 1930) .

          Từ tháng 6/1923 - cuối 1924, Người sang Liên Xô dự các Hội nghị quốc tế; tiếp tục nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng Đảng Cộng Sản Liên Xô, đi thực tế công cuộc xây dựng CNXH ở Liên Xô.

Cuối năm 1924 đến năm 1927, nghiên cứu tình hình thực tiễn cách mạng các nước Đông Nam Á, Việt Nam để báo cáo Quốc tế Cộng sản, Viết sách về phong trào nông dân Trung Quốc.

Từ năm 1933 đến năm 1938, Người trở lại Liên Xô. Thời gian này, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Người vẫn kiên trì học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ kiến thức khoa học và phương pháp cách mạng để chuẩn bị về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Những năm 1934 - 1936, Người học tập tại trường Quốc tế Lênin. Từ năm 1937-1938, Người làm nghiên cứu sinh thuộc “Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa”.

          Từ sau ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến khi qua đời (1969), mặc dù  trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, nhưng Người vẫn luôn luôn học tập, nâng cao trình độ mọi mặt để có đủ tài, đức, năng lực lãnh đạo đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và đến thắng lợi hoàn toàn. Người nói: “Trước đây, lúc tuổi thanh niên, Bác hoạt động ở Pháp, cũng vừa lao động, vừa học tập..., ngày lao động, đêm học tập chứ Bác không được đến trường học” [(1)T10,tr.590]. Người còn nói: “Bác thường nghe nói có đồng chí mới 40 tuổi đã cho mình là già nên ít chịu học tập. Nghĩ như vậy là không đúng, 40 tuổi chưa phải là già, Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm” [(1)T12,tr.92].

          Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về “học tập suốt đời”, về đạo đức cách mạng, trong đó có những phẩm chất cao quý của đạo đức học tập cho chúng ta noi theo.

II. QUAN ĐIỂM TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC HỌC TẬP CỦA HỒ CHÍ MINH

          Là một nhà cách mạng và là một nhà giáo dục, Người thấu hiểu về ý nghĩa, giá trị, vai trò của học tập đối với vận mệnh của một con người, vận mệnh của dân tộc và loài người.

Người luôn làm cho mọi người hiểu rõ ý nghĩa, vai trò quan trọng đặc biệt của học tập, liên quan đến vận mệnh của mỗi công dân, của đất nước và  toàn dân tộc. Học tập để nâng cao trình độ mọi mặt và năng lực là quyền lợi nghĩa vụ của đảng viên, cán bộ, chiến sỹ và công dân. Học để nước mạnh, dân giầu, nhân dân nước ta thoát kiếp nô lệ, đói nghèo, lạc hậu, giữ vững độc lập chủ quyền Tổ quốc và nước ta và dân ta tiến kịp bước tiến của các quốc gia, dân tộc văn minh trên thế giớí. Người căn dặn cán bộ, chiến sỹ, đồng bào: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” [1)T4,tr.7] . Người khuyến khích, động viên cán bộ, đảng viên, mọi tầng lớp nhân dân và thanh niên, học sinh, sinh viên phát huy truyền thống “hiếu học” của dân tộc [1)T1,tr.398], phải ham học, kiên trì học tập để “hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà” [1)T.4,tr.36]. Đối với các thầy cô giáo, những người làm nghề giáo dục - đào tạo, Người cũng căn dặn: “Thầy giáo, cô giáo cũng phải gắng công học tập suốt đời để tiến bộ và hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trao cho”. “Người có học mới tiến bộ. Càng học càng tiến bộ” [1)T5,tr.99]. “Học hành là vô cùng. Học càng nhiều, biết càng nhiều càng tốt” [1)T5,tr.309].

           Vị thế và sự tiến bộ của quốc gia, dân tộc Việt Nam cũng  trông cậy  vào việc học tập của thế hệ trẻ - các công dân tương lai của nước nhà. Người viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. [1)T4,tr.32].        

          Người  luôn có động cơ, mục đích học tập đúng đắn: học tập không nhằm để làm “quan cách mạng”, “vinh thân phì gia”; học để làm người tiến bộ; học tập, rèn luyện, bồi dưỡng  nâng cao trình độ, năng lực mọi mặt của bản thân về chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, kiến thức văn hóa, khoa học kỹ thuật, lý luận, thực tiễn, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm nghề nghiệp, công tác. Học để trở thành người có ích cho gia đình, xã hội, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và dân tộc và nhân loại. Người viết: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự gai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”. Để  đạt được mục đích học tập cao đẹp đó ở  Người luôn luôn thống nhất giữa đạo đức học  tập với đạo đức cách mạng. Người viết: Muốn đạt mục đích trên thì phải “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” [1)T5,tr.684].

          Về tinh thần thái độ học tập:  Quá trình học tập thể hiện Người luôn kiên trì, cố gắng, quyết tâm, liên tục học tập, “học không biết chán”;  vượt khó, cầu tiến bộ, khiêm tốn học tập mọi người (học bạn bè, đồng chí, nhân dân…), học trong sách vở, trong thực tiễn, không dấu dốt. Trong học tập phải học nhiều, vì việc học”không bao giờ đủ” [1)T9,tr.222]. “Học hành là vô cùng. Học càng nhiều, biết càng nhiều càng tốt” [1)T5,tr.309]; “Càng học càng tiến bộ” [(1)T5,tr.99]; đồng thời không  bao giờ “tự túc, tự mãn, cho là giỏi rồi thì dừng lại mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, mình tự đào thải trước”.[1)T9,tr.489]. Học toàn diện, không học lệch, học tủ. Người căn dặn: “Chúng ta cần học nhiều thứ: học chính trị, học văn hóa, học kỹ thuật, nghiệp vụ. Ngoài cách học ở trường, ở lớp, học trên sách, báo, v..v... có một cách học rất tốt ai cũng có thể tham gia hàng ngày. Đó là cách học tập ngay trong thực tế, học tập những người, những tổ, những đơn vị tiên tiến” [1)T10,tr.103].”

          Với mục đích cao cả, tình thái độ học tập đúng đắn, Người nêu tấm gương đạo đức “học tập suốt đời”. Người thường  căn dặn chúng ta: Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. “Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”. [1)T12,tr.92]. “Tình hình thế giới và trong nước luôn biến đổi, công việc của chúng ta nhiều và mới, kỹ thuật của thế giới ngày càng tiến bộ, nhưng sự hiểu biết của chúng ta có hạn. Muốn tiến bộ kịp sự biến đổi vô cùng tận thì chúng ta phải nghiên cứu học tập”. [1)T7,tr.392]. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân [1)T8,tr.215]. 

Phương châm, phương pháp học tập của Người đúng đắn, khoa học.        Người thường xuyên phê phán cách học vẹt, xa rời thực tiễn, học chỉ học trong  sách vở. Như vậy là lý luận suông. Trong học tập Người luôn kết hơp lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành . Người đã vận dụng  sáng tạo kiến thức, lý luận, kinh nghiệm học tập được vào thực, hoàn cảnh, điều kiện thực tiễn của Việt Nam đề ra được đường lối, phương pháp cách mạng đúng đắn, khoa học đảm bảo thắng lợi cho cách mạng  nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng về phương pháp học tập học phải đi đôi với hành, lí luận phải kết hợp với thực tiễn, học ở trường lớp, sách, báo, học ở trong đời sống thực tế, học thầy, học bạn và học nhân dân. Người luôn nhắc nhở chúng ta: “Học phải đi đôi với hành. Học để hành càng ngày càng tốt hơn” [1)T12,tr.92]; “học tập  cần  cần gắn liền với thực hành” [1)T6,tr.239]; “Phải kết hợp thực tiễn với lý luận, học đi đôi với trao đổi kinh nghiệm thực tế”. Dạy, học “phải phục vụ đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống của nhân dân. Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế” [1)T10,tr.190].

Trong quá trình học tập thể hiện phẩm chất đạo đức học tập của Người: độc lập, trong nhận thức, tư tưởng, phát huy tinh thần tự chủ, năng động sáng tạo. Tranh thủ sự giúp đỡ của thầy, bạn bè, đồng nghiệp, nhưng không ỷ lại vào sự giúp đỡ cuả mọi người mà  phải tự giác chủ động  trong hoc tập; đồng thời không rập khuôn, giáo điều Người viết “Học phải tự giác và tự động”. [2)T4,tr.420].

Từ những phẩm chất trên  trong học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ Người đã nêu tấm gương tự học làm chính. Vì vậy học tập, thực hành của Người  có chất lượng cao và bền vững. Người  khuyên chúng ta: “Cách học tập: Lấy tự học làm cốt” [1)T5,tr.273].

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tấm gương sáng về tư tưởng đạo đức học tập cho mọi người chúng ta học tập làm theo .

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: Học Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta học gì?

          “Học trung với nước, hiếu với dân”

          “Học đoàn kết toàn dân”

           “Học phấn đấu”

          “Học lý thuyết, phương pháp khoa học”

          “Học cần, kiệm, liêm, chính”

          “Học sao cho hết”

           …“Cho nên cuối cùng chúng ta học phương pháp học tập do Hồ Chủ tịch chủ trương: vừa làm vừa học, làm để học, học để làm, học sách vở đi đôi với học thực tế, học kinh nghiệm, nhất là học quần chúng, ông thầy của tất cả chúng ta” [4]. 

III. CÁN BỘ, GIẢNG VIÊN, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, SINH VIÊN TRƯỜNG ĐHSP HÀ NỘI HỌC TẬP, LÀM THEO TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC HỌC TẬP CỦA HỒ CHÍ MINH

          Khi sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm chăm sóc, lãnh đạo Trường ĐHSP Hà Nội. Tháng 4 năm 1952, Người đã gửi thư thăm hỏi, động viên thày, trò thi đua dạy và học. Người căn dặn: Để “thực hiện mục đích cao quý là thực thà phụng sự nhân dân”, “Thầy hoàn thành nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang đào tạo cán bộ cho dân tộc”; “Trò học tập gắn liền với thực hành” [1)T6,tr.467]. Những lần đến thăm Trường (4/3/1960 và 21/10/1964) Người lại căn dặn: “Các cháu học sinh không nên học gạo, không nên học vẹt. Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thưc tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau” [1)T11,tr.331]

          Hơn 60 năm qua, các thế hệ cán bộ, giảng viên, công chức, viên chức, sinh viên, học sinh của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thường xuyên nghiên cứu, học tập, vận dụng quan điểm, tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh vào việc học tập, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực mọi mặt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và phục vụ sự nghiệp cách mạng xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ độc lập chủ quyền của Tổ quốc.

          Qua các giai đoạn cách mạng, bất kỳ trong điều kiện, hoàn cảnh nào, chiến tranh hay hòa bình, thuận lợi hay khó khăn, Nhà trường vẫn thực hiện tốt đường lối, nguyên lÍ phương châm giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng, duy trì “thi  đua dạy tốt, học tốt”. Thường xuyên  nghiên cứu vận dụng tư tưởng đạo đức cách mạng, đạo đức học tập của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào hoạt động dạy, học, nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường. Nhân dịp những ngày kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Trường, Nhà trường  thường tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức cách mạng và đạo đức học tập của Người. Nhà trường thường xuyên chỉ đạo và thực hiện kết hợp nhiều biện pháp  tổ chức thực hiện cuộc vận động “xây dựng phong cách học tập mới”, “cải tiến phương pháp học tập”, “tự học là chính”, “biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo”, trong sinh viên, học sinh; “đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo”, thực hiện phương châm “tự đào tạo, bồi dưỡng là chính”, đào tạo bồi dưỡng ở trong nước là chính kết hợp với đào tạo ở nước ngoài”, trong  xây dựng, phát  triển đội ngũ giảng viên.

Nhờ vậy mà chất lượng đào tạo sinh viên được duy trì, nâng cao. Bằng con đường “tự học, tự nghiên cứu”, đội ngũ giảng viên trưởng thành, phát triển về số lượng, chất lượng; nhiều cán bộ giảng viên có trình độ chuyên ngành cao, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, lành mạnh. Đội ngũ GS, PGS, TS chiếm tỉ lệ cao. Nhờ vậy, có khả năng hoàn thành các nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học của Trường, góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị của ngành Giáo dục & Đào tạo. [5].

Trong  nghiên cứu, học tập tư tưởng đạo đức cách mạng và đạo đức học tập Hồ Chí Minh Trường đã kết hợp nhiều biện pháp để đạt kết quả hiệu quả, như:

          Thứ nhất: Cần làm cho mọi thành viên nhà trường có nhận thức đúng đủ, sâu sắc về quan điểm, tư tưởng đạo đức học tập của Hồ Chí Minh.

          Trên cơ sở đó mọi người mới có niềm tin, tinh thần khắc phục khó khăn, trở ngại, phát huy truyền thống “tự học, tự đào tạo, bồi dưỡng nâng trình độ” của Trường; quyết tâm thực hiện tốt kế hoạch học tập, đào tạo, bồi dưỡng của mình; đồng thời phải thường xuyên giúp đỡ, tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, thực hiện quan điểm tư tưởng, đạo đức học tập của Hồ Chí Minh.

          Thứ hai: Xây dựng môi trường học tập, phát huy sức mạnh của tập thể và vai trò tổ chức quản lý hoạt động học tập của mọi tổ chức, đơn vị trong nhà trường.

          + Trước hết Đảng bộ, Ban Giám hiệu, các Phòng Đào tạo, Tổ chức cán bộ và Phòng Công tác chính trị, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên phối hợp xây dựng được kế hoạch học tập, đào tạo bồi dưỡng của  Trường có tính khả thi.

          + Khoa, Tổ chuyên môn có kế hoạch, chỉ tiêu, biện pháp cụ thể, sát hợp về học tập nâng cao trình độ cho từng thành viên trong đơn vị.

          + Kết quả, hiệu quả học tập là tiêu chuẩn để đánh giá, xếp loại giảng viên, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên, học sinh của nhà trường.

+ Duy trì phong trào thi đua học tập nâng cao trình độ, tự đào tạo bồi dưỡng và động viên kịp thời những gương tốt về tinh thần khắc phục khó khăn học tập trong trường.

+ Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế hoạch học tập, đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức hội nghị khoa học rút kinh nghiệm nâng cao chất lượng việc học tập của các đơn vị, thành viên trong trường.

          + Nhà trường tạo điều kiện thuận lợi về thời gian, cơ sở vật chất, ngân sách, trang thiết bị cho việc học tập, đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức (nhất là giảng viên, công chức, viên chức trẻ).

          Thứ ba: Phát huy vai trò nỗ lực chủ quan trong việc học tập nâng cao trình độ mọi mặt của mỗi cá nhân giảng viên, công chức, viên chức, sinh viên, học sinh.     

          + Cá nhân mọi thành viên trong trường phải chủ động căn cứ vào kế hoạch, chỉ tiêu biện pháp về học tập chung của Trường, Khoa, Tổ chuyên môn để đặt kế hoạch, chỉ tiêu, biện pháp sát hợp với bản thân và phải quyết tân thực hiện  thì việc học tập và tự học mới có kết quả.

+ Việc tự học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt của mỗi thành viên trong trường giữ vai trò quyết định kết quả, chất lượng học tập  của cán bộ, giảng viên, sinh viên, học sinh. Cho nên phải phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, không ỷ lại, chờ đợi sự giúp đỡ của tập thể. Mỗi cá nhân  phải có hiểu biết đầy đủ về tự học và có phương pháp tự học thích hợp với mình; phải có kế hoạch tự học tập và quyết tâm thực hiện chỉ tiêu kế hoạch đã đặt ra.

                 TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.     Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 1 - Tập 12,  NXB CTQG, Hà Nội, 1995 - 2002.

2.     Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.  Hồ Chí Minh. Biên niên sử. Tập 1- Tập 5, NXB CTQG, Hà Nội, 1993

3.     Bác Hồ với giáo dục. NXB Giáo dục, Hà Nội, 2006.

4.     Phạm Văn Đồng. Hồ Chủ tịch, Tinh hoa của dân tộc, lương tâm của thời đại. NXB Sự thật, Hà Nội, 1976.

5.     Lịch sử Trường - 60 năm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1951 - 2011, NXB ĐHSP, Hà Nội, 10/2011. 


PGS. TS. NGƯT Nguyễn Văn Am

                                                                 Khoa Lịch sử - Trường ĐHSP Hà Nội



Source: 
18-05-2015
Tags