Hội thảo khoa học Sau đại học ngành Ngữ văn năm 2017

Hội thảo được tổ chức với mục tiêu giúp các học viên cao học, nghiên cứu sinh cập nhật kiến thức chuyên ngành; bổ sung kiến thức liên ngành; nâng cao kĩ năng vận dụng kiến thức đó vào hoạt động thực tiễn nghề nghiệp, tăng cường khả năng làm việc độc lập, tư duy sáng tạo, năng lực phát hiện, giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo.

Ban tổ chức đã nhận được gần 150 báo cáo tham dự của những nhà khoa học quan tâm, các nghiên cứu sinh, học viên cao học đang tham gia học tập tại khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Hà Nội và các trường đại học trong cả nước như Đại học Trà Vinh, Đại học Cần Thơ, Đại học Đà Nẵng… Hội đồng khoa học đã thẩm định, lựa chọn 97 báo cáo phù hợp với tính chất và yêu cầu của Hội thảo để đưa vào Tuyển tập công trình nghiên cứu Ngữ văn học (tập 3). Các báo cáo tập trung vào những kết quả nghiên cứu theo hướng tiếp cận chuyên ngành: Văn học dân gian, Văn học Việt Nam, Văn học nước ngoài, Ngôn ngữ, Hán Nôm, Lí luận văn học, Lí luận và phương pháp dạy học Ngữ văn…; cũng như những kết quả nghiên cứu theo hướng tiếp cận liên ngành liên quan đến lí luận và thực tiễn giảng dạy Ngữ văn trong nhà trường các cấp; những vấn đề Ngôn ngữ - Văn hóa - Văn học…

Hội thảo đã lựa chọn được 13 báo cáo trình bày tại Hội thảo với đề tài mới mẻ, đa dạng như: Diễn giải ý niệm về phương Đông thông qua hình tượng người nữ trong sáng tác “Đoạn tuyệt, Lạnh lùng, Đời mưa gió” của Nhất Linh (Lê Thị Vân Anh); Ngôn ngữ thân thể trong tiểu thuyết Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ (Nguyễn Thị Ngọc Huệ); Hoạt động của từ “qua” trên bình diện dụng học (Trần Mỹ Linh); Nghệ thuật xây dựng cốt truyện đa tuyến trong tiểu thuyết Murakami Haruki (Nguyễn Bích Nhã Trúc); Truyện kể về sự tích phong tục ngày Tết (vào mùa xuân) (Lee Jung won); Phát triển năng lực tư duy khái quát và năng lực tư duy hình tượng cho học sinh THPT qua dạy học biểu tượng nghệ thuật trong văn học trung đại Việt Nam (Nguyễn Thị Diễm Kiều)…

Tại hội thảo, các báo cáo viên đã nhận được nhiều ý kiến nhận xét, thảo luận từ phía các nhà chuyên môn đầu ngành, các thầy cô trực tiếp tham gia đào tạo Sau đại học của khoa Ngữ văn như: GS. Nguyễn Đình Chú, GS. Lê A, GS. Lã Nhâm Thìn, GS. Vũ Anh Tuấn, PGS.TS. Đỗ Hải Phong, PGS.TS. Phùng Ngọc Kiếm, PGS.TS. Trần Văn Toàn, PGS.TS. Hà Văn Minh, PGS.TS. Trần Kim Phượng, TS. Trần Hoa Lê, PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng; từ phía các anh chị nghiên cứu sinh, học viên tham dự. Những ý kiến này sẽ giúp các báo cáo viên điều chỉnh, hoàn thiện và phát triển hơn nữa đề tài nghiên cứu của mình.

Hội thảo diễn ra trong không khí sôi nổi, thể hiện sự kết nối chặt chẽ giữa công tác nghiên cứu và đào tạo hệ Sau đại học. Khoa Ngữ văn đã tạo diễn đàn học thuật cho học viên, nghiên cứu sinh chia sẻ những quan điểm lí luận mới, kết quả nghiên cứu ứng dụng chuyên môn; đồng thời đặt ra vai trò của việc đào tạo những nhà khoa học, có trình độ cao về lí thuyết và năng lực thực hành phù hợp, có khả năng nghiên cứu độc lập, sáng tạo, khả năng phát hiện và giải quyết được những vấn đề mới có ý nghĩa về khoa học.

Ảnh:

 GS. Lê A góp ý tham luận tại hội thảo. Ảnh: Khoa Ngữ văn


              PGS. TS. Đỗ Hải Phong - Trưởng khoa Ngữ văn - phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Khoa Ngữ văn

                                              Nguồn: bantin.hnue.edu.vn




Source: 
25-08-2017
Tags