Nhận thức mới của trí thức Việt Nam về vấn đề nữ quyền trong đầu thế kỷ 20

Đầu thế kỷ XX, các trào lưu văn hoá, tư tưởng phương Tây, trong đó có văn hoá Pháp cũng theo các con đường đó vào Việt Nam, mang theo những diện mạo mới trong đời sống văn hoá, tư tưởng ở nước ta, góp phần mở mang nhận thức mới trong một bộ phận trí thức ở Việt Nam, vấn đề  nữ quyền và đấu tranh bảo vệ quyền của người phụ nữ.

            Trước khi xuất hiện sự tác động của văn hóa Pháp đối với người trí thức Việt Nam đầu thế kỉ XX, quyền lợi của người phụ nữ Việt Nam hầu như chưa được chú trọng. Sống trong xã hội phong kiến Việt Nam, người phụ nữ luôn được xác định không có nhiều quyền lợi hơn người nam giới, người Việt Nam truyền bá nhau câu nói: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” và xã hội áp đặt thật nhiều quy định gò ép người phụ nữ phải thực hiện: nam giới có thể lấy nhiều vợ, nhưng phụ nữ chính chuyên chỉ được phép lấy duy nhất một chồng,...

Bước sang đầu thế kỷ XX, dưới tác động của văn hoá phương Tây, trong đó có văn hoá Pháp đã làm thay đổi nhận thức của trí thức Việt Nam khi bàn về vấn đề nữ quyền. Lần đầu tiên trong xã hội Việt Nam, khái niệm nữ quyền được nhắc đến trong bài Về thói trọng nam khinh nữ của ta đăng trên báo Đông Dương tạp chí ngày 11 tháng 02 năm 1914. Bài viết hướng tới nội dung kêu gọi phụ nữ Việt Nam đấu tranh cho quyền bình đẳng giới. Năm 1916, trên tờ báo Trung Bắc tân văn, ở mục Nhời đàn bà, học giả Nguyễn Văn Vĩnh đã đăng bài Bàn về nữ quyền. Nguyễn Văn Vĩnh đã cho rằng: Người đàn bà trời sinh ra để làm bạn, để gánh vác một công việc với người đàn ông chứ không phải để làm thân trâu ngựa.

Những người khởi xướng vấn đề quyền của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam và cất lời bênh vực họ là những trí thức Việt Nam đầu thế kỉ XX. Trong đó, tiêu biểu là những tên tuổi: Đặng Văn Bảy, Phan Bội Châu, Trần Thiện Tỵ, Bùi Thế Phúc,... Để thể hiện tư tưởng, quan điểm của mình về quyền của người phụ nữ trong xã hội, những trí thức Việt Nam đầu thế kỉ XX đã viết và cho in những tập sách nhằm phổ biến rộng khắp trong xã hội.

Đặng Văn Bảy (1903-1983), gồm là giáo viên tỉnh Vĩnh Long- Việt Nam. Ông được biết tới là người đầu tiên công bố công trình nghiên cứu về vấn đề quyền phụ nữ và quyền bình đẳng nam nữ ở Việt Nam. Với nhan đề “Nam nữ bình quyền”, cuốn chuyên khảo này của Đặng Văn Bảy được hoàn thành năm 1927, hoàn thành cuốn sách này vào năm 1927, cuốn sách gồm 6 chương: Chương 1: Công lí và nhơn đạo; Chương 2: Gia đình khảo lược; Chương 3: Nữ lưu giáo dục sơ lược; Chương 4: Bàn về chữ trinh; Chương 5: Hôn nhân; Chương 6: Đạo vợ chồng. Nội dung cuốn sách chuyên khảo này của Đặng Văn Bảy tập trung là sáng tỏ vấn đề về tình trạng bất bình đẳng giới, ông lên tiếng dành cho người phụ nữ quyền bình đẳng so với nam giới: “Tôi đề xướng nam nữ bình quyền là do thấy phần nhiều đàn bà con gá bị chê bỏ, hiếp đáp, còn đàn ông con trai lại quá tự do. Phép công bình là đôi bên phải đồng, không khinh không trọng, không thấp không cao.” [1; tr,4].

Sau Đặng Văn Bảy hai năm, tức năm 1929, Phan Bội Châu (1867 – 1940) công bố tác phẩm của mình về cùng vấn đề quyền của người phụ nữ Việt Nam, cuốn sách của ông mang tên: Vấn đề phụ nữ. Phan Bội Châu vốn là người học rộng, là thủ lĩnh của phong trào Đông Du.  Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, Phan Bội Châu đã đi tới nhiều quốc gia trong khu vực, được tiếp xúc với nhiều trào lưu văn hóa duy tân,  ông đã nhận thấy điểm tiến bộ của văn hóa Phương Tây qua tấm gương Nhật Bản, đó là cơ sở sớm hình thành trong ông cái nhìn tiến bộ về phụ nữ và kêu gọi phụ nữ tham gia công cuộc giải phóng dân tộc.

Cuốn sách Vấn đề phụ nữ được nhà xuất bản Duy tân thư xã xuất bản ở Huế năm 1929. Cuốn sách này gồm có 31 trang và chia làm ba chương, cụ thể là:  Chương 1: Địa vị với lịch sử phụ nữ;  Chương 2: Nữ quyền; Chương 3: Phụ nữ vận động.

Trong nhận thức về quyền của người phụ nữ Việt Nam, điểm khác biệt của Pham Bội Châu với những trí thức khác là: “Nữ quyền nghĩa là quyền đàn bà con gái cũng như nam quyền nghĩa là quyền người con trai, nhưng xét cho gốc chân lí, thăm cho đến nguồn triết học, thời nữ quyền với nam quyền tất cả thu nạp trong hai chữ nhân quyền, nghĩa là quyền của người, mà cũng là quyền làm người” [2;tr.8]. Phan Bội Châu đã đặt vấn đề nữ quyền trong phạm trù chung về quyền con người. Đồng thời, khác với nhiều trí thức nho học Việt Nam luôn khư khư một mực cho rằng: Việc kinh bang tế thế, việc của Tổ quốc, việc của xã hội là của đàn ông. Đàn bà là phận yếu đuối quần thoa không thể lo liệu được,  Phan Bội Châu đã đề xuất chủ trương vận động phụ nữ. Nội dung chủ trương vận động phụ nữ của ông gồm bốn điểm:

Thứ nhất, Mở mang về đường trí thức của phụ nữ;

Thứ hai, Liên kết đoàn thể phụ nữ

Thứ ba, Chấn hưng chức nghiệp của phụ nữ

Thứ tư, Nâng cao địa vị của phụ nữ

Những quan điểm và tư tưởng của Phan Bội Châu thể hiện ra trong cuốn Vấn đề phụ nữ cho thấy tính mới, tính thức thời của trí thức Việt Nam trong quá trình tiếp cận luồn tư tưởng tiến bộ của phương Tây, của đất nước Pháp. 

Cùng Đặng Văn Bảy, cùng Phan Bội Châu, thì Trần Thiện Tỵ và Bùi Thế Phúc- những trí thức đầu thế kỉ XX, cũng góp bàn về vấn đề quyền của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội.   Trần Thiện Tỵ và Bùi Thế Phúc cùng biên soạn cuốn Vấn đề phụ nữ ở Việt Nam. Hai ông đã cho xuất bản cuồn sách này vào năm 1932. Vấn đề phụ nữ ở Việt Nam gồm 7 chương. Chương 1: Địa vị của người phụ nữ ở Hy Lạp – La mã, Ấn Độ và Trung Hoa; Chương 2: Địa vị đàn bà ở châu Âu bấy giờ; Chương  3: Địa vị đàn bà Việt Nam; Chương 4: Vấn đề hôn nhân cha mẹ nên nghe ý kiến con cái; Chương 5: Vấn đề phụ nữ giáo dục; Chương 6: Vấn đề phụ nữ chức nghiệp; Chương 7: Kết luận.

Sau chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), chính quyền bảo hộ Pháp cải cách giáo dục. Theo quy định mới đặt ra, phụ nữ được theo học tại các trường Pháp – Việt. Tại các làng quê, các em gái cũng được đi học. Lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục Việt Nam, phụ nữ chính thức được tới trường học tập. Ảnh hưởng của văn hóa phương Tây và những trí thức trong nhà trường Pháp – Việt đã làm hình thành nên tầng lớp nữ sinh Tây học. Thực tiễn này đã khiến những trí thức Việt Nam quan tâm, xem xét và nhìn nhận lại xã hội Việt Nam đã từng tồn tại ngay trước đó. Trần Thiện Tỵ và Bùi Thế Phúc cũng nêu lên suy nghĩ của mình: “Xưa kia phụ nữ chỉ biết có bổn phận của mình mà thôi, và cho sự làm vẹn bổn phận là cái danh dự tối cao của mình ! Cái mục đích duy nhất trong đời là sao cho tròn các bổn phận ấy: Bổn phận đối với cha mẹ, bổn phận đối với chồng con, bổn phận đối với ông bà nội ngoại,... Ngày nay không như thế nữa, theo ngọn gió Tân trào người đàn bà An Nam đã đổi mới. Bắt chước chị em Âu Mỹ chị em chẳng kể chi buổi quá vãng, ầm ầm cổ động nữ quyền.”[7; tr.64.].

Đến cuối thập niên 1920, ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện các cuốn sách viết về vấn đề quyền của người phụ nữ và bình đẳng nam nữ của các tác giả Việt Nam. Các tác phẩm về nữ quyền của các nhà tư tưởng lớn thông qua nhiều con đường khác nhau đã được các trí thức Việt Nam đầu thế XX tiếp thu, ủng hộ và giới thiệu trên báo chí cũng như xuất bản thành sách nhằm phổ biến trong nhân dân.  Điều này phản ánh quá trình phát triển về mặt nhận thức của người trí thức Việt Nam đầu thế kỉ XX về vấn đề phụ nữ và bình đẳng nam nữ. Các cuốn sách về đề tài này có ý nghĩa như di sản tinh thần của người trí thức Việt Nam trong bối cảnh xã hội đầy biến động, góp phần khẳng định và khơi dậy các quan điểm, phong trào đấu tranh giải phóng phụ nữ khỏi những luân thường đạo lý được cho là khắt khe, cổ hủ với phụ nữ Việt Nam. Đi đầu đầu trong phong trào đấu tranh giải phóng phụ nữ và lên tiếng đòi xóa bỏ gia đình phụ quyền, xóa bỏ những lễ giáo khắt khe đối với người phụ nữ,... diễn ra mạnh mẽ trên các báo Đông Dương tạp chí, Nam Phong, Nữ giới chung, Phụ nữ tân văn,... Cùng với việc đấu tranh vì sự tự do trong hôn nhân của nam nữ, chế độ đa thê bị lên án. Xã hội hướng tới sự đấu tranh vì một chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Năm 1914, trên Đông Dương tạp chí đã cất tiếng lên án và phê phán việc lấy lắm vợ là trái với đạo đức, là biểu hiện của thói ăn ở đen bạc, là bất nhân, là bất trắc, “đối với gia đạo thì lấy lắm vợ cũng là điều nghịch vì không cực người trước cũng khổ kẻ sau” [9; tr.9].

Như vậy, việc đề cập tới quyền của người phụ nữ (quyền bình đẳng giới, quyền được tham gia các hoạt động xã hội) cũng như việc đấu tranh xóa bỏ những lễ giáo phong kiến khắt khe và vô lí đối với người phụ nữ Việt Nam nhằm hướng tới chế độ tình yêu tự nguyện, hôn nhân bình đẳng, hôn nhân một vợ một chồng và gia đình hạnh phúc,... là những tư tưởng tiến bộ dưới sự tác động với văn hóa phương Tây, văn hóa Pháp. Trong dòng vận động tiến bộ và tích cực ấy, người trí thức Việt Nam đóng vai trò nòng cốt nhất, từ việc đón nhận, phổ biến, lên tiếng đấu tranh vì quyền của người phụ nữ Việt Nam. Qua đó cho thấy, tác động của văn hóa phương Tây, văn hóa Pháp thực sự trở thành động lực thôi thúc người trí thức Việt Nam trong quá trình đón nhận và thực hiện hóa những vấn đề tiến bộ trong đời sống xã hội.   

 

************************

Trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, những năm đầu thế kỉ XX là những năm ghi dấu mốc vào lịch sử dân tộc. Đó là thời điểm người Việt Nam quyết gạt bỏ ý thức hệ phong kiến, bỏ học chữ Hán, bỏ lối thi kiểu Nho giáo đã tồn tại từ thời Lý, thời Trần xuyên suốt tới thời Nguyễn (từ thế kỉ XI đến hết thế kỉ XIX) đón nhận hệ tưởng mới- hệ tưởng dân chủ tư sản, tuy chỉ là một thử nghiệm, nhưng là sự thử nghiệm cần thiết để có được sự nhận thức đúng đắn và lựa chọn đúng đắn trước khi chuyển sang hệ tư tưởng vô sản.

Người trí thức Việt Nam đầu thế kỉ XX trên cơ sở nhận thức về những vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, đã biết tiếp thu những nét tiến bộ của văn minh phương Tây, đưa ra những quan niệm mới trong nhận thức về người phụ nữ được quan tâm và được đề cao quyền con người và quyền làm người, để lại bài học quý giá cho lịch sử trí thức dân tộc trong quá trình đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những giai đoạn về sau.

                              



                                                                       TS Nguyễn Thị Thanh Tùng - Khoa LLCT-GDCD

 

Tài liệu tham khảo

[1]  Đặng Văn Bảy, Nam nữ bình quyền, 1928, Sách lưu tại Trung tâm Thông tin thư viện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

[2] Phan Bội Châu, Vấn đề phụ nữ, Tân dân thư xã, 1929, tr.8-10

[3] Phan Bội Châu, Vấn đề phụ nữ, Tân dân thư xã, 1929, tr.11

[4]  Đặng Thai Mai, Hồi ký, Hà Nội, Nxb Tác phẩm mới, 1985.

[5] Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Hà Nội, Nxb Văn học, 2005.

[6] Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Hà Nội, Nxb giáo dục, 1999.

[7] Trần Thiện Tỵ và Bùi Thế Phúc, Vấn đề phụ nữ ở Việt Nam, 1932, tr.64

[8] Văn thơ Đông Kinh nghĩa thục, Hà Nội, Nxb Văn hóa thông tin, 1997

[9] Nguyễn Văn Vĩnh, Nhời đàn bà: Lắm vợ, Đông Dương tạp chí, số 22, 1913, tr.9

 

 


Source: 
03-03-2020
Tags