Phát triển thương hiệu cơ sở giáo dục đại học trong bối cảnh đổi mới, hội nhập qua giải pháp nâng cao vai trò của chủ thể văn hóa nhà trường

1. Đặt vấn đề

            Trong gần hai thập niên đầu thế kỷ XXI, hệ thống giáo dục Việt Nam nói chung, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng nói riêng đang có những đổi thay mang tính nghịch lý trước tác động to lớn từ yêu cầu đổi mới giáo dục, sự dịch chuyển vị thế các ngành học theo yêu cầu của xã hội, vấn đề hội nhập quốc tế và những thuận lợi, khó khăn do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với giáo dục…Để thích ứng với những thay đổi chóng mặt đó, giữ vững và phát triển thương hiệu nhà trường cần nhiều giải pháp có tính đồng bộ mà biện pháp quan trọng chính là hình thành văn hoá làm việc, ứng xử mang tính chuyên nghiệp trong chính các chủ thể văn hoá của nhà trường thông qua trục tam giác: giảng viên – sinh viên – các cấp quản lý. Trên cơ sở khảo sát cụ thể từ trường Đại học Sư phạm Hà Nội, bài viết nhằm mục đích làm sáng tỏ hai vấn đề: Thứ nhất, vì sao phát triển văn hoá nhà trường có mối liên hệ mật thiết với tính chuyên nghiệp của các chủ thể văn hoá; Thứ hai, định hướng giải pháp, khung tiêu chí thể hiện tính chuyên nghiệp dành cho các chủ thể văn hoá nhà trường.

2. Nội dung nghiên cứu

            2.1. Các quan niệm về văn hoá tổ chức, văn hoá nhà trường và vai trò của văn hoá nhà trường với sự phát triển thương hiệu của các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam

            Văn hoá nhà trường là một thuật ngữ tuy không mới nhưng chưa được nghiên cứu đúng tầm mức ở Việt Nam trong những năm vừa qua. Khái niệm này khởi nguồn từ quan niệm của các nhà nghiên cứu quốc tế khi tiếp cận về vấn đề “văn hoá tổ chức”. Theo Farmer (1990): “Văn hóa tổ chức được hiểu là tổng của các quan niệm, niềm tin, giá trị - những yếu tố mà các thành viên của tổ chức chia sẻ, chuyển tải thông qua: "Làm cái gì ? Làm như thế nào? và Ai làm?"”[1]. Văn hóa tổ chức là những niềm tin, thái độ, giá trị tồn tại phổ biến và tương đối ổn định trong tổ chức. Nói cách khác, văn hóa tổ chức là hệ thống các giá trị, niềm tin, truyền thống và thói quen có khả năng quy định hành vi của mỗi thành viên trong tổ chức, mang lại cho tổ chức một bản sắc riêng, ngày càng phong phú thêm và có thể thay đổi theo thời gian.

Trên cơ sở xem xét nhà trường cũng như một tổ chức lưu giữ và phát triển văn hoá, các nhà nghiên cứu giáo dục, văn hoá lần lượt đưa ra định nghĩa về văn hoá nhà trường, vai trò, đặc điểm, cấu trúc, thành tố của văn hoá nhà trường. Nhà nghiên cứu Barbara Fralinger, trong bài viết “Văn hoá tổ chức ở cấp độ một trường đại học: Một nghiên cứu dựa trên bộ công cụ đánh giá tổ chức OCAI” quan niệm “văn hoá tổ chức là một thành tố cơ bản trong việc đưa ra quyết định ở các trường đại học, để các nhà quản lý, giảng viên và nhân viên có thể phối hợp hiệu quả với nhau nhằm tạo ra một môi trường học thuât hữu hiệu cho một nền giáo dục lành mạnh”[2].  Nhà nghiên cứu Kent.D.Peterson đưa ra định nghĩa: “Văn hóa nhà trường là tập hợp các chuẩn mực, giá trị và niềm tin, các nghi lễ và nghi thức, các biểu tượng và truyền thống tạo ra "vẻ bề ngoài" của nhà trường”[3]. Nhà nghiên cứu Elizabeth R. Hinde cho rằng: “Văn hóa nhà trường không phải là một thực thể tĩnh. Nó luôn được hình thành và định hình thông qua các tương tác với người khác và thông qua những hành động đáp lại trong cuộc sống nói chung. Văn hóa nhà trường phát triển ngay khi các thành viên tương tác với nhau. Nó trở thành chỉ dẫn cho hành vi giữa các thành viên của nhà trường”[4]. Văn hóa nhà trường theo quan điểm của Stephen Stolp: “Văn hóa nhà trường như là một cấu trúc, một quá trình và bầu không khí của các giá trị và chuẩn mực dẫn dắt giáo viên và học sinh đến việc giảng dạy và học tập có hiệu quả”[5].

Ở Việt Nam, tác giả Phạm Quang Huân có đưa ra quan niệm cho rằng “Văn hóa tổ chức của một nhà trường là hệ thống niềm tin, giá trị, chuẩn mực, thói quen và truyền thống hình thành trong quá trình phát triển của nhà trường, được các thành viên trong nhà trường thừa nhận, làm theo và được thể hiện trong các hình thái vật chất và tinh thần, từ đó tạo nên bản sắc riêng cho mỗi tổ chức sư phạm”[6].

Như vậy, hiểu một cách đơn giản, văn hóa nhà trường (trong đó có văn hoá trường đại học) là một tập hợp một hệ thống chuẩn mực, các giá trị, niềm tin và hành vi ứng xử do các chủ thể văn hoá nhà trường đặt ra và thống nhất hành động. Văn hoá nhà trường liên quan đến toàn bộ đời sống vật chất, tinh thần của nhà trường, được cấu trúc quan các thành tố về tầm nhìn, sứ mạng, triết lí, mục tiêu, các giá trị, phong cách lãnh đạo, quản lí, giá trị của các mối quan hệ giữa các chủ thể văn hoá trong nhà trường, định hình thành hệ thống quy chuẩn tốt đẹp và được các chủ thể có liên quan trong nhà trường chấp nhận.

Đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với hệ thống giáo dục cao nhất của hệ thống giáo dục quốc dân nên việc phát triển văn hoá nhà trường ở bậc giáo dục đại học có vai trò rất quan trọng. Thứ nhất, với tư cách là một hệ thống các giá trị, chuẩn mực, được chính các giảng viên, sinh viên, các nhà quản lý trong cơ sở giáo dục đại học duy trì, lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác, nên văn hoá nhà trường chính là một động lực tinh thần cần thiết thúc đẩy sự phát triển thương hiệu của nhà trường nói chung, thúc đẩy ý thức tự thân từ bên trong mỗi chủ thể văn hoá trong nhà trường nói riêng nhằm đáp ứng thời cơ, thách thức mới của giáo dục. Đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang chuẩn bị các điều kiện cho sự nghiệp đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW (năm 2013) của Đảng, những tác động to lớn từ yêu cầu hội nhập quốc tế về giáo dục đại học và cách mạng công nghiệp 4.0 buộc các chủ thê văn hoá trong nhà trường cần có một cuộc cách mạng từ tư duy, nhận thức đến hành động thực tiễn. “Nếu như nền văn minh công nghiệp tạo ra một xã hội nhất định có thể dự đoán trước, thì nền văn minh tin học với công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại đã làm cho môi trường mới trở nên phức tạp, bất định và thường xuyên biến đổi buộc con người phải tự biến đổi để thích nghi và sáng tạo…”[7]. Thứ hai, văn hoá nhà trường được đảm bảo sẽ góp phần duy trì dân chủ nhà trường, nuôi dưỡng bầu không khí cởi mở, thân thiện giữa các chủ thể trong nhà trường với nhau và giữa chủ thể văn hoá nhà trường với các yếu tố bên ngoài, củng cố cho việc định hướng niềm tin, sứ mệnh cho từng thành viên trong nhà trường, đặc biệt là trong lực lượng sinh viên. Thứ ba, đảm bảo văn hoá nhà trường góp phần kích thích tư duy sáng tạo cho các chủ thể của tổ chức nhà trường. Hàng năm, việc các lãnh đạo nhà trường, các cấp quản lý tổ chức đối thoại, chia sẻ mục tiêu, sứ mệnh, tầm nhìn, lắng nghe và chia sẻ các khó khăn từ phía sinh viên, học viên và giảng viên sẽ góp phần tạo  “môi trường văn hoá thân thiện”, tạo động lực cho giảng viên, nhà nghiên cứu và sinh viên kích thích năng lực sáng tạo, xây dựng được định hướng, mục tiêu, trách nhiệm và quyết tâm lành mạnh cho quá trình học tập, giảng dạy. Thứ tư, văn hoá nhà trường với hệ thống các quy tắc, quy chuẩn giá trị, chuẩn mực nên có vai trò thúc đẩy những mặt tích cực, khắc phục, uốn nắn những hạn chế trong tư cách, lối sống, giao tiếp, hành động của các chủ thể văn hoá trong nhà trường, hướng tới các giá trị chân – thiện – mỹ và tính chuyên nghiệp của mỗi cá nhân trong quá trình hội nhập và đổi mới. Văn hoá nhà trường chính là nơi hội tụ những nét tinh hoa văn hoá dân tộc và nhân loại gips cho các chủ thể văn hoá điều chỉnh đạo đức, hành vi “nay có ý thức về bản ngã và cá tính, về quyền năng và quyền lợi của bản thân, từ đó có khát vọng được thể hiện, tự khẳng định mình…nền kinh tế thị trường tạo không gian giao tiếp rộng lớn và phong phú cho mỗi con người đổi mới tư duy, phát triển đời sống tinh thần”[8].

Thực trạng và các xu hướng phát triển của giáo dục Việt Nam hiện nay đòi hỏi sự phát triển thương hiệu mạnh mẽ cho các cơ sở giáo dục đại học thông qua chính các chủ thể văn hoá của chính nhà trường đó, góp phần vừa duy trì các giá trị bản sắc truyền thống[9] như Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII bàn về văn hoá đã đề cập, vừa tăng cường đẩy mạnh các yếu tố hội nhập quốc tế, đáp ứng với xu thế phát triển của giáo dục đại học thế giới cũng như những nghịch lý của cuộc cách mạng 4.0. Tuy nhiên, để giáo dục đại học hội nhập nhưng không đánh mất mình thì “hợp tác quốc tế về giáo dục của trường đại học phải đảm bảo giáo dục người học về nhân cách, phẩm chất và năng lực công dân, tôn trọng bản sắc văn hoá dân tộc, thực hiện mục tiêu giáo dục, yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục phù hợp với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học; làm cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài hiểu về đất nước, con người Việt Nam và hệ thống giáo dục Việt Nam; đáp ứng yêu cầu hợp tác của đối tác nước ngoài theo khả năng của nhà trường trên nguyên tắc bình đẳng, các bên cùng có lợi”[10]. Bên cạnh đó, thực trạng của văn hoá tổ chức nhà trường với đầy đủ những mặt tích cực và tồn tại của nó đòi hỏi các chủ thể văn hoá nhà trường đại học cùng toàn xã hội cần nhìn nhận một cách nghiêm túc về sự phát triển thương hiệu của chính cơ sở giáo dục đại học dựa trên những nỗ lực tự thân của lực lượng giảng viên, sinh viên và các cấp quản lý, ban hành những khung quy chuẩn nâng cao tính chuyên nghiệp vê năng lực chuyên môn, đạo đức, hành vi và các năng lực hội nhập khác cho các thành viên trong tổ chức giáo dục đại học.

2.2. Một số định hướng giải pháp, khung tiêu chí thể hiện tính chuyên nghiệp dành cho các chủ thể văn hoá nhà trường

 Các chủ thể văn hoá nhà trường có vai trò quyết định đến chất lượng, thương hiệu của mỗi cơ sở giáo dục đại học nơi bản thân đang sống và làm việc. Trong Tuyên bố của Unesco về Giáo dục đại học năm 1998 đã khẳng định “Sứ mệnh của giáo dục đại học và góp phần vào yêu cầu phát triển bền vững và phát triển xã hội nói chung”[11]. Bước sang  thế kỷ XXI, những tác động của xu hướng quốc tế hoá và toàn cầu hoá đã tác động mạnh mẽ đến vị thế, chỗ đứng và thương hiệu của các cơ sở giáo dục đại học – môi trường tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Trong nghiên cứu về các xu thế phát triển của giáo đục đại học thế kỷ XX, một số nhà nghiên cứu cho rằng “toàn cầu hoá, một thực tế quan trọng của thế kỷ XXI, có ảnh hưởng sâu sắc tới giáo dục đại học”[12]. Đó là một xu thế khách quan, vừa đan xen sự hợp tác phát triển, vừa là quá trình đấu tranh bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của nhà trường, của dân tộc, đòi hỏi mỗi cơ sở giáo dục đại học cần đề xuất định hướng giải pháp toàn diện, đồng bộ, trong đó có giải pháp liên quan tới từng chủ thế văn hoá của nhà trường. Ở Việt Nam, để đáp ứng tình hình mới, năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành 10 tiêu chuẩn “tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học” trong đó có một số nội dung tiêu chí đề cập ở mức độ nhất đinh đến văn hóa nhà trường. Trong những năm qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát động phong trào “Xây dựng nhà trường thân thiện, học sinh tích cực” trong toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó có giáo dục đại học. Tại các cơ sở giáo dục đại học hiện nay, để quảng bá và phát triển thương hiệu, đặc biệt ở các trường sư phạm đều đã và đang thiết kế các khung quy chuẩn, các biện pháp, chế tài liên quan tới chuẩn mực văn hoá của giảng viên, sinh viên, cán bộ quản lý nhằm nâng cao chất lượng hình ảnh, thương hiệu của nhà trường.

Đối với đội ngũ giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học – nguồn nhân lực chất lượng cao, hội tụ các giá trị, tinh hoa và góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, các giá trị văn hoá đặc sắc của nhà trường. Vai trò chủ thể văn hoá nhà trường của giảng viên thể hiện rõ nét trong tính chuyên nghiệp của lực lượng này dựa trên các chuẩn tư cách: nhà chuyên môn, nhà giáo dục, nhà khoa học và nhà tâm lý, hoạt động xã hội. Cách mạng công nghiệp 4.0 được đặc trưng bởi kết nối Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo và sự tích hợp các công nghệ, sự hợp nhất của các ngành nghề, sự ra đời của những ngành nghề mới... Điều đó đòi hỏi một xu hướng, một nền giáo dục mới – Giáo dục 4.0 - có khả năng cung ứng cho xã hội nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu của công nghiệp và kinh tế 4.0.  Để có được mô hình giáo dục ấy, Bộ Giáo dục và đào tạo, lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng là lực lượng quyết định nhưng giảng viên mới là "chìa khóa then chốt" để thực hiện thành công các yêu cầu của giáo dục 4.0. Họ cần được định hướng một tư duy giáo dục mới, trang bị tri thức chuyên môn, kỹ năng, năng lực cần thiết để phát triển tư duy và năng lực sáng tạo, thích ứng của sinh viên đáp ứng yêu cầu của thị trường. Quan trọng nhất là mỗi giảng viên phải tự nuôi dưỡng bên trong mình những phẩm chất đạo đức nhà giáo, sự tâm huyết khai phóng, niềm khao khát tri thức mãnh liệt để trở thành người "truyền lửa", "soi đường" và khai phóng mọi tiềm năng của người học giúp sinh viên hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế 4.0, nền công nghiệp 4.0 trên thế giới.

Đối với sinh viên, để giúp cho sinh viên nhận thức được văn hoá nhà trường là một thứ tài sản to lớn của bất kỳ một tổ chức nào, thì bản thân mỗi sinh viên – với tư cách là một trong các chủ thể văn hoá nhà trường – cần được giáo dục và bản thân phải tự giáo dục về ý thức, trách nhiệm với việc giữ gìn, duy trì, phát triển các giá trị văn hoá nhà trường đó. Nếu như các khung quy chuẩn trong xây dựng văn hoá nhà trường đối với giảng viên xoay quanh các trục: văn hoá học thuật (liêm chính khoa học), văn hoá đạo đức và văn hoá ứng xử thì khung quy chuẩn đối với sinh viên cũng có những nét tương đồng, bao gồm tiêu chí học tập, tiêu chí đạo đức -hành vi, tiêu chí thể chất, tiêu chí kỹ năng mềm và cả tiêu chí ngoại ngữ, tin học. Văn hoá học thuật (academic culture) với sinh viên được ngầm hiểu là những ứng xử nghiêm túc, đúng đắn trong quá trình học tập, thi cử, nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên nhằm tập dượt, làm quen, xây dựng động cơ, hứng thú chuyên ngành đúng đắn. Cũng trong quá trình tương tác đó tạo ra mối quan hệ dân chủ, gắn bó giữa giảng viên – sinh viên, tạo động lực để phát huy năng lực, phẩm chất của thầy và trò, đóng góp vào thành tựu và thương hiệu của nhà trường. Trong môi trường đại học, những tác động tiêu cực của xã hội và mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng đòi hỏi bản thân mỗi sinh viên cần tuân thủ các khung quy phạm về văn hoá đạo đức, văn hoá ứng xử một cách chuyên nghiệp thông qua các biểu hiện về lý tưởng sống, đạo đức lối sông, các cử chỉ, hành vi ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, văn hoá trang phục…Tất nhiên, truyền thống của văn hoá Việt Nam nói chung, văn hoá nhà trường nói riêng chính là “truyền thống vượt gộp”, có nghĩa là “tiếp thu được cái mới nhưng đổi mới được nó trên cơ sở một cái cũ cũng đã được đổi mới cho thích hợp với hoàn cảnh mới. Nó có nghĩa là bảo vệ được cả cái cũ lẫn cái mới sao cho thích hợp với sự đổi mới cần được tiến hành. Như vậy vượt gộp không phải là nhắm mắt chạy theo cái mới, vứt bỏ cái cũ, cũng không phải là khư khư giữ lấy cái cũ, từ bỏ cái mới”[13]. Do đó, với việc xây dựng các khung tiêu chí, thang đo chuẩn mực đối với sinh viên cũng cần chú ý đến tính vừa sức, tính lịch sử và đặc điểm tâm sinh lý, chuyên ngành đào tạo của sinh viên cho phù hợp với chiến lược của tổ chức văn hoá trường đại học đó.

Đối với các cấp quản lý của cơ sở giáo dục đại học, đội ngũ cán bộ quản lý của trường bao gồm Ban Giám hiệu, Hội đồng Trường, các phòng, ban, trung tâm chức năng... có vai có vai trò trực tiếp đối với việc gây dựng thương hiệu, hình ảnh văn hoá nhà trường do thường xuyên tiếp xúc với các nhân tố bên ngoài. Do đó yêu cầu xây dựng khung quy chuẩn, thang đo về tính chuyên nghiệp, năng lực và phẩm chất của các cấp quản lý trong công việc, ứng xử phải càng cao, thậm chí cao hơn các chủ thể khác một bậc. Cán bộ quản lý trong cơ sở giáo dục đại học phải gương mẫu đi đầu về phẩm chất đạo đức, chuẩn mực sống; có trình độ chuyên môn và năng lực quản lý; có tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm trong công việc, biết tư vấn, tham mưu cho lãnh đạo trường trong việc tổ chức, triển khai và phát động các phong trào xây dựng và phát triển văn hoá nhà trường tại đơn vị do mình quản lý; duy trì sự đoàn kết, chia sẻ khó khăn, đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch, tiên phong trong xây dựng tác phong công nghiệp cho bản thân và các thành viên trong tổ chức; xây dựng cơ chế thưởng, phạt nghiêm minh...nhằm “nuôi dưỡng bầu không khí cởi mở, dân chủ, hợp tác, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau”[14], xây dựng môi trường văn hoá trường đại học tích cực, lành mạnh, đổi mới, phát triển.

3. Kết luận và khuyến nghị

Xây dựng, phát triển văn hoá nhà trường trong hệ thống giáo dục đại học đang là vấn thu hút sự quan tâm của các cấp quản lý cũng như toàn xã hội, đòi hỏi ý thức, trách nhiệm chung tay xây dựng của tất cả các thành viên trong cơ sở giáo dục đại học, từ các cấp quản lý cho đến lực lượng giảng viên, học viên và sinh viên. Văn hoá nhà trường trong các cơ sở giáo dục đại học là nơi hội tụ các giá trị, tinh hoa, kết tinh trí tuệ, niềm tin, đạo đức, chuẩn mực của nhân loại và dân tộc qua dòng chảy lịch sử nhằm tạo ra các sản phẩm đào tạo chất lượng cho xã hội về phẩm chất và năng lực.

Do đó, xây dựng văn hoá và thương hiệu nhà trường là yêu cầu khách quan, tất yếu trong tổng thể chiến lược phát triển tầm nhìn, sứ mệnh của mỗi nhà, là một trong những tiêu chí quan trọng trong thang đo thương hiệu, tính chuyên nghiệp của mỗi cơ sở giáo dục đại học. Mỗi chủ thể văn hoá trong hệ thống giáo dục đại học cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với quá trình xây dựng nhà trường thành tổ chức văn hoá xã hội, một trung tâm văn hoá giáo dục khơi nguồn cho sự sáng tạo, nhân văn, dân chủ trong môi trường giáo dục đại học thế kỷ XXI.

 

                                                                                                                                                                                                             TS Nguyễn Thị Thanh Tùng - Khoa LLCT - GDCD

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[1] Farmer, D.W. (1990). “Strategies for change. In D.W. Steeples (Ed.), Managing change in higher education (pp. 7-18)”, New directions for higher education, Vol. 71. San Francisco: Jossey-Bass Publishers, p.18

[2] Barbara Fralinger, Văn hoá tổ chức ở cấp độ một trường đại học: Một nghiên cứu dựa trên bộ công cụ đánh giá tổ chức (OCAI).  Nguồn: lypham.net

[3] Kent D. PetersonTerrence E. Deal (2009), The Shaping School Culture Fieldbook, 2nd Edition, p.8.

[4] Elizabeth R. Hinde (2010), School Culture and Change, p.11.

[5] Stephen Stolp (2005), Leadership for School Culture, ERIC Digest, Number 91, p.5.

[6] Phạm Quang Huân (2007), Văn hóa tổ chức, hình thái cốt lõi của văn hóa nhà trường, Báo cáo Khoa học đăng trên Kỷ yếu Hội thảo Văn hóa học đường do Viện NCSP, Trường ĐHSP Hà Nội, tr.3

[7] Phạm Đức Dương, 2013, Từ văn hoá đến văn hoá đọc, NXB Văn hoá thông tin, Hà Nội, tr.11.

[8] Đào Thị Oanh (chủ biên) (2015), Văn hoá công nghiệp lý luận và thực tiễn, NXB ĐHSP, Hà Nội, tr.83

[9] Trong Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII có nêu rõ “Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp từ lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc….”

[10] Nguyễn Trọng Thà, Nguyễn Thị Ngọc Linh, 2013, Phong cách lãnh đạo dành cho hiệu trưởng trong trường học, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, tr.385

[11] Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (2018), Tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên chính hạng II, NXB ĐHSP, Hà Nội, tr.10

[12] Philip G. Altbach, Liz Reisberg, Laura E. Rumbley (2013), Trends in Global Higher Education: Tracking an Academic Revolution, Published with support from SIDA/SAREC,  p.7

[13] Phan Ngọc (1998), Bản sắc văn hoá Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội, tr.31.

[14] Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (2018), Tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên chính hạng II, NXB ĐHSP, Hà Nội, tr.204.


Source: 
02-05-2019
Tags