Sốt xuất huyết: những lưu ý cần biết phòng chống và điều trị

Bệnh sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra với 4 típ gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 típ gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và gây dịch. Do đó sau khi đã mắc bệnh vẫn có thể mắc bệnh sốt xuất huyết lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những típ khác nhau. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.

Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.

Biểu hiện của bệnh

Sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, có thể cả sốt nóng và lạnh, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt.

Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu, đau bụng, đau họng.

Xuất hiện chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, kinh nguyệt kéo dài, vết bầm tím chỗ tiêm.

Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã mệt mỏi, đi cầu phân đen. Biến chứng nguy hiểm là sốc do giảm thể tích máu lưu hành hoặc xuất huyết do giảm tiểu cầu, đặc biệt là xuất huyết não, xuất huyết nội tạng, nguy cơ gây tử vong rất cao.

Cần làm gì khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết?

Khi bị sốt cao, cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Các cơ sở y tế sẽ tiến hành các xét nghiệm máu cần thiết để xác định bệnh. Nếu được xác định bị sốt xuất huyết cần lưu ý một số điểm sau đây để bệnh không diễn biến nặng lên:

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu hằng ngày hoặc cách ngày theo chỉ định và yêu cầu của bác sĩ điều trị để theo dõi sự diễn biến của tiểu cầu.

Nếu tiểu cầu xuống dưới 50.000 thì phải vào viện vì lúc này xuất hiện các nguy cơ chảy máu, thậm chí xuất huyết não, chảy máu nội tạng gây nguy hiểm.

Dùng thuốc và ăn uống

Chỉ dùng thuốc hạ sốt Paracetamol, uống đúng liều, đúng quy định 6h/ lần. Không dùng loại thuốc hạ sốt khác. Không tự ý dùng kháng sinh và ibuprofen. Nếu có viêm nhiễm chỗ khác phải có chỉ định của bác sỹ mới dùng thuốc.

Uống nhiều nước điện giải (Oresol 2-3 lít/ngày, pha đúng tỷ lệ với nước sôi để nguội và chỉ dùng trong 24h).

Ăn thức ăn lỏng, hơi nguội (cháo, sút, phở,…) để giảm tải cho dạ dày, vì khi sốt xuất huyết dạ dày dễ bị chảy máu. Tránh ăn những thức ăn quá nhiều dầu mỡ vì sẽ gây đầy bụng, khó tiêu.

Uống nhiều nước cam, bưởi ép, ăn hoa quả và bổ xung vitamin C.

Không tự ý truyền dịch (truyền dịch chỉ dành cho người không ăn uống được).

Thường xuyên đo nhiệt độ để kịp thời hạ sốt.

Cố gắng hạ sốt tự nhiên bằng chườm nước ấm lên trán và cơ thể.

Tuyệt đối không cạo gió để hạ sốt.

Theo dõi phản ứng của cơ thể

Lưu ý giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết (từ ngày thứ 3 - 7). Sau khi hạ sốt mới là lúc nguy hiểm nhất cần theo dõi các biểu hiện của cơ thể:

Đau hốc mắt: mắt có thể đỏ như máu do xuất huyết đáy mắt.

Đau đầu và đau chân tóc: chạm vào tóc là đau, bệnh nhân rất sợ chải đầu.

Chán ăn: miệng đắng, hàm mỏi, nhai cơm như nhai rơm.

Có thể đau họng hoặc không: nếu đau họng không được uống kháng sinh.

Có thể đau bụng đi ngoài.

Phụ nữ đúng vào kỳ kinh nguyệt khi thấy ra máu quá nhiều, cần nhập viện để tiêm thuốc cầm máu tránh nguy cơ băng huyết.

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết

Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

·       Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:

-   Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

-    Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.

-    Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hằng tuần.

-    Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

-    Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

·       Phòng chống muỗi đốt:

-    Mặc quần áo dài tay.

-    Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.

-    Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...

-    Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.

-   Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.

·       Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

 

Tổng hợp: Phòng CTCT - HSSV


Source: 
07-09-2017
Tags