Vị trí, vai trò của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và những nguyên tắc tổ chức hoạt động

1. Khi cách mạng chưa giành được chính quyền về tay nhân dân, theo yêu cầu của cách mạng, Mặt trận có lúc đã thực hiện chức năng của chính quyền trong vùng giải phóng. Ngay sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân, Mặt trận đã trở thành một bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị nước ta. Mặt trận và các tổ chức khác trong hệ thống chính trị nước ta tuy có vai trò, vị trí, chức năng và phương thức hoạt động khác nhau nhưng đều là công cụ thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân nhằm một mục đích chung là: Phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế.

Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Điều đó khẳng định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận không thể thiếu được của hệ thống chính trị nước ta.

Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá X, kỳ họp thứ 5 đã thông qua ngày 12/6/1999, trong đó đã khẳng định:

"Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của dân, nơi hiệp thương phối hợp và thống nhất hành động của các thành viên, góp phần giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh". (Khoản 2, Điều 1)

Như vậy, vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do chính nhân dân, chính lịch sử xác định và thừa nhận.

2. Thực tiễn của cách mạng Việt Nam càng khẳng định vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị nước ta từ trước đến nay:

Thắng lợi huy hoàng của cách mạng tháng 8/1945 gắn liền với sự nghiệp của Mặt trận Việt Minh. Thành tích của Mặt trận Việt Minh chính là sự kế tục sự nghiệp cách mạng đã được chuẩn bị từ trước của Hội phản đế đồng minh (1930-1936) và của Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939).

Tiếp theo Mặt trận Việt Minh là Mặt trận Liên Việt đã góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi.

Kế tục Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời (1955) đã đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, làm hậu thuẫn vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cùng với Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình Việt Nam đoàn kết nhân dân cả nước làm tròn sứ mệnh lịch sử vẻ vang: giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc XHCN, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.

Từ khi đất nước thống nhất, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giữ vai trò quan trọng trong việc củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ cách mạng mới.

Con đường lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là quá trình lâu dài, trải qua nhiều chặng đường với nhiều thành phần kinh tế, đại diện cho mỗi thành phần kinh tế là một bộ phận trong nhân dân, một lực lượng xã hội. Cùng với sự cạnh tranh kinh tế để phát triển là sự phân hoá giầu nghèo. Nhiều tổ chức xã hội, nghề nghiệp ra đời. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ,  sự giao lưu văn hoá sẽ tác động đến lối sống và cách nghĩ của mỗi người và của mọi tầng lớp trong xã hội. Mặt khác, các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu thực hiện chiến lược diễn biến hoà bình nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Trong giai đoạn mới của cách mạng, với nền dân chủ ngày càng phát triển thì vai trò, của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân ngày càng quan trọng, nhiệm vụ càng nặng nề hơn.

Nâng cao vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội là một yêu cầu khách quan, có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm cho sự phát triển vững chắc của đất nước ta hiện nay.

NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM.

Tại Khoản 1, Điều 1 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ rõ:

 "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp và tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài".

Liên minh chính trị là sự liên kết giữa các lực lượng với nhau thành một khối thống nhất để thực hiện mục tiêu chính trị chung. Mục tiêu chung đó ở mỗi giai đoạn có khác nhau phù hợp với nhiệm vụ cách mạng và lợi ích cơ bản của các lực lượng tham gia liên minh chính trị. Mục tiêu chung trong giai đoạn cách mạng hiện nay là giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu tiến lên dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nền tảng của sự liên minh trong Mặt trận là khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức.

Các thành viên trong liên minh chính trị (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) bao gồm:

Tổ chức chính trị là Đảng Cộng sản Việt Nam;

Các tổ chức chính trị - xã hội là: Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam;

Các tổ chức xã hội: Hội Chữ thập đỏ, Hội Người cao tuổi, Hội Người mù, Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Y học cổ truyền Việt Nam v.v...;

Tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp: Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam...;

Các tổ chức xã hội - nghề  nghiệp: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hội Sinh vật cảnh, Hội Châm cứu ...;

Quân đội nhân dân Việt Nam mà tiền thân là Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, là thành viên của Mặt trận Việt Minh, nay kế tục truyền thống đó là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

Các cá nhân tiêu biểu trong các giai tầng xã hội: nhân sĩ, trí thức, người dân tộc thiểu số, chức sắc các tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài... Đó là những người có uy tín cao, có quan hệ và ảnh hưởng tốt, có sức thuyết phục đối với mỗi giai cấp, tầng lớp xã hội, mỗi dân tộc, mỗi tôn giáo, mỗi cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài... Thông qua những cá nhân tiêu biểu, Mặt trận Tổ quốc tăng cường tập hợp lôi cuốn lớp người mà họ có quan hệ và ảnh hưởng tham gia vào khối đại đoàn kết dân tộc, cùng nhau thực hiện chương trình phối hợp thống nhất hành động chung vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được qui định trong Điều 3 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phù hợp với Hiến pháp và pháp luật.

Tổ chức, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp thống nhất hành động.

 Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở mỗi cấp là cơ quan chấp hành của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, do Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp đó hiệp thương cử ra có trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam".

Các thành viên gia nhập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, tán thành điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở mỗi cấp xem xét công nhận. Quan hệ giữa các thành viên trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là hợp tác, bình đẳng, đoàn kết chân thành, tôn trọng lẫn nhau để cùng thực hiện các nhiệm vụ chính trị kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Đảng, Nhà nước và các chương trình của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trong sinh hoạt, các thành viên được tự do bày tỏ chính kiến của mình, cùng nhau bàn bạc, hiệp thương dân chủ để đạt tới sự nhất trí, không dùng mệnh lệnh, áp đặt. Nếu có những ý kiến khác nhau trên những vấn đề cụ thể thì cùng nhau trao đổi, thuyết phục, giúp nhau giải quyết. Khi phối hợp và thống nhất hành động, các thành viên phải thoả thuận với nhau về chương trình hành động chung và có nghĩa vụ phối hợp giúp đỡ nhau để thực hiện chương trình hành động đã được thoả thuận, đồng thời các tổ chức thành viên của Mặt trận vẫn giữ tính độc lập của tổ chức mình.

MỐI QUAN HỆ GIỮA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM VÀ CÁC TỔ CHỨC TRONG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ.

 1. Mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Đảng Cộng sản Việt Nam: Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên vừa là người lãnh đạo Mặt trận.

- Đảng thực hiện vai trò lãnh đạo đối với Mặt trận bằng cách đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn, xuất phát từ thực tế, tôn trọng quy luật khách quan, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng và lợi ích của các tầng lớp nhân dân; Đảng tiến hành công tác tuyên truyền vận động, thuyết phục, tổ chức kiểm tra và bằng sự gương mẫu của đảng viên trong sinh hoạt và hoạt động của Mặt trận.

Để lãnh đạo Mặt trận, Đảng phải ở trong Mặt trận, là một thành viên của Mặt trận.Thực tiễn lịch sử từ ngày thành lập Mặt trận đến nay đã chứng tỏ các thành viên tham gia Mặt trận đều tự giác thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.

- Là thành viên, Đảng tham gia Mặt trận như mọi thành viên khác. Đảng thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ và các hoạt động của tổ chức mình trong chương trình thống nhất hành động của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp. Đại diện cấp uỷ đảng trong Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc có trách nhiệm tham gia sinh hoạt đầy đủ, thực hiện hiệp thương dân chủ và phối hợp thống nhất hành động. Cấp uỷ đảng phải giáo dục, yêu cầu đảng viên của mình gương mẫu thực hiện chương trình hành động chung đã được các tổ chức thành viên thoả thuận và tích cực tham gia công tác Mặt trận.

2. Quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Nhà nước:

Điều 5 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qui định:

- Quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Nhà nước là quan hệ phối hợp để thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

- Quan hệ phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Nhà nước được thực hiện theo Quy chế phối hợp công tác do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan nhà nước hữu quan ở từng cấp ban hành.

- Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoạt động có hiệu quả.

Nhà nước điều hành, quản lý xã hội bằng luật pháp, nhân dân là người trực tiếp thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhà nước phải tôn trọng và tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ và sức mạnh có tổ chức của nhân dân tham gia xây dựng, quản lý và bảo vệ Nhà nước.

Nhà nước phối hợp với Mặt trận trong việc chăm lo lợi ích chính đáng của nhân dân, trong việc vận động các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh phong trào hành động thực hiện thắng lợi các chương trình kinh tế - xã hội.

3. Quan hệ giữa Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc với các tổ chức thành viên cùng cấp:

Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc mỗi cấp chủ trì việc hiệp thương dân chủ giữa các thành viên để bàn bạc thực hiện những vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương, của cuộc sống nhân dân, phối hợp xây dựng chương trình hành động chung và cùng nhau thực hiện chương trình thống nhất hành động đó.

NHIỆM VỤ CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM.

 1. Nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được quy định trong Điều 2 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là:

- Tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân;

- Tuyên truyền, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật.

- Giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức nhà nước; tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội. Các cấp uỷ đảng và các cấp chính quyền tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với cử tri và nhân dân; định kỳ nghe ý kiến của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tham gia xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật sát hợp với cuộc sống. Thực hiện tốt Luật Mặt trận Tổ quốc, Quy chế dân chủ ở từng địa phương, ngành và cơ sở, để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

- Tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân; thực hiện giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.

- Cùng Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

- Tham gia phát triển tình hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới.

Từ nhiệm vụ chung của Mặt trận Tổ quốc nêu trên, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc từng cấp căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ và tình hình cụ thể của mỗi địa phương để đề ra chương trình hành động cho Mặt trận cấp mình trong mỗi kỳ Đại hội, hay chương trình phối hợp thống nhất hành động từng năm một cách phù hợp và có tính khả thi.

2. Phương hướng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong những năm tới là: Tiếp tục tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố mở rộng tổ chức và hoạt động, đồng thời đổi mới và nâng cao chất lượng mọi hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; làm tốt vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, cầu nối vững chắc giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; thực hiện giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; tích cực, chủ động, sáng tạo, tập hợp ngày càng rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường và quyền làm chủ của nhân dân, giữ vững kỷ cương và ổn định xã hội, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế -xã hội, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đẩy mạnh công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Source: 
24-09-2014
Tags