Biện pháp xây dựng “Thế trận lòng dân” trên không gian mạng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

1. Tầm quan trọng của xây dựng “Thế trận lòng dân” trên không gian mạng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, vấn đề hưng thịnh hay suy vong của các triều đại xuất phát chủ yếu từ yếu tố lòng dân được quan tâm hay bị xem thường. Các triều đại vững mạnh nhất, hưng thịnh nhất đều xuất phát từ việc xây dựng thế trận lòng dân kiên cố, vững chắc. Có thể khẳng định, xây dựng “thế trận lòng dân” là tư tưởng chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam. Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh vai trò của lòng dân: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”.

Trong bối cảnh hiện nay, để đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, trong đó xây dựng thế trận lòng dân nói chung và xây dựng thế trận lòng dân trên không gian mạng nói riêng là một trong những nhiệm vụ trọng yếu nhất. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm của đất nước trong giai đoạn phát triển mới: “Xây dựng “thế trn lòng dân”, thế trn quc phòng toàn dân và thế trn an ninh nhân dân vững chắc làm nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”. Văn kiện cũng chỉ rõ bài học kinh nghiệm: “Trong mi công vic ca Đảng và Nhà nước, phi luôn quán trit sâu sc quan đim “dân là gc”; tht s tin tưởng, tôn trng và phát huy quyn làm ch ca nhân dân, kiên trì thc hin phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kim tra, dân giám sát, dân th hưởng”.2

Xây dựng “thế trận lòng dân” là hoạt động có mục đích của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm dựa vào dân, thông qua sự ủng hộ của nhân dân, bằng sức mạnh của nhân dân hình thành tổ chức và lực lượng để thực hiện một mục tiêu nào đó. Trong bối cảnh không gian mạng phát triển phức tạp, đa chiều “với mạng lưới kết nối của hạ tầng công nghệ thông tin bao gồm mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống xử lí và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian”, việc xây dựng “thế trận lòng dân” để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các luận điệu sai trái, thù địch có ý nghĩa hết sức quan trọng. Xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng là dựa vào nhân dân, thông qua sự ủng hộ của nhân dân trên không gian mạng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch. Có thể khái quát tầm quan trọng của việc xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng ở các khía cạnh như sau:

Một là, xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng góp phần đảm bảo sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận của xã hội và niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Theo Tổng cục thống kê, quy mô dân số nước ta sẽ chạm mốc 100 triệu dân vào năm 2023. Theo Sách trắng Thương mại điện tử của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), có khoảng 75% triệu người Việt tiếp cận với internet (năm 2022); người Việt ở độ tuổi 16 – 64 dành 6 giờ 38 phút mỗi ngày để sử dụng internet. Con số này gần tương đương với mức độ trung bình toàn cầu và cao hơn một số quốc gia như Hàn Quốc, Đức.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình 1. Thời gian trung bình truy cập Internet của một số quốc gia

 

Với số lượng người dùng đông đảo như trên có thể thấy việc truyền tải thông tin qua internet có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tuyên truyền, góp phần đảm bảo sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Thông qua các công cụ lưu trữ, những tài liệu, ấn phẩm, nghiên cứu về Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được phổ biến trên mạng với tốc độ cao, không bị giới hạn bởi thời gian và không gian, tạo điều kiện cho người dân có thể tìm hiểu mọi lúc, mọi nơi, tạo sự đồng thuận của xã hội và niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Hai là, xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Ngày nay, không gian mạng vừa là môi trường làm việc, vừa phản ánh đầy đủ các hoạt động của con người và đời sống xã hội như môi trường thực. Những hoạt động, suy nghĩ, tình cảm và cả thái độ chính trị của con người cũng có thể được phản ảnh và truyền tải trực tiếp trên không gian mạng. Với đặc tính mở, tự do, bình đẳng, đa nguyên và bùng nổ, không gian “ảo” đã tạo ra những điều kiện cho các hệ tư tưởng, luận điểm cả chính thống và phi chính thống; thông tin đáng tin cậy và sai lệch; tin xấu, độc,…cùng tồn tại đan xen. Với sự gia tăng số lượng người sử dụng các công cụ tìm kiếm, công cụ lưu trữ và nền tảng mạng, các thế lực thù địch đã sử dụng các thông tin trái chiều để công kích vào nền tảng tư tưởng của Đảng. Có thể thấy, các đặc tính của không gian mạng dễ dàng tạo cơ hội cho các thế lực thù địch, phản động sử dụng thông tin trái chiều, nhiễu loạn, thậm chí xuyên tạc để tiến hành tấn công vào các nền tảng tư tưởng của Đảng. Không gian mạng phát triển với đã làm cho các thể lực thù địch có thể mở rộng không gian chống phá và lực lượng chống phá ngày càng đa dạng với phương thức, thủ đoạn chống phá ngày càng tinh vi, hiện đại. Mục đích chúng hướng tới là chống phá Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ, xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để đạt được mục tiêu đó, chúng sử dụng các các nội dung và thủ đoạn chống phá rất đa dạng, lợi dụng những vấn đề phức tạp, nổi cộm trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường để suy diễn, quy chụp, khuyếch đại. Để đấu tranh chống lại những thế lực đó, việc xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”.

Ba là, xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng. Hiện nay, vấn đề xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong đó, các thế lực thù địch chống phá quyết liệt bằng chiêu bài “Diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của ta. Không gian mạng gắn với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế số, mặt trái của cơ chế thị trường đã dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí đang tác động mạnh mẽ và nhanh chóng đến nhận thức, suy nghĩ, tình cảm của mọi tầng lớp nhân dân, làm suy giảm lòng tin với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Do đó, xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng càng trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh phức tạp hiện nay.

2. Một số thách thức trong xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng nỗ lực xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng vẫn còn tồn tại một số những thách thức lớn, cụ thể:

(1) Về nội dung và phương pháp truyền thông để xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có những giải pháp để đẩy mạnh nội dung truyền thông nhằm xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng. Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để nhận diện, phản bác các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, từ đó nâng cao nhận thức, niềm tin và sự ủng hộ của “lòng dân”. Các cơ quan có liên quan đã huy động sức mạnh của toàn dân để tham gia đấu tranh phản các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; đổi mới nội dung và phương pháp đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bên cạnh những kết quả đạt được, có thể thấy nội dung và phương pháp truyền thông xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống lại các thông tin xấu độc, sai trái còn hạn chế. Nội dung thông tin còn thiếu tính hấp dẫn, cập nhật; phương pháp truyền thông chưa thu hút được người sử dụng mạng xã hội. Việc đấu tranh còn chưa thường xuyên, chưa kịp thời, chưa có cách thức và biện pháp cụ thể, chưa đủ sức thuyết phục để tạo nên “thế trận lòng dân” nhằm chống lại các hoạt động chống phá, thù địch.

(2) Về mặt công cụ truyền thông để xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng: Các công cụ truyền thông truyền thống còn chậm và chưa thực sự hiệu quả; chưa tận dụng lợi thế của các công cụ truyền thông hiện đại để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Hiện nay, các công cụ truyền thông chúng ta đang sử dụng vẫn chủ yếu là truyền hình, phát thanh, sách, báo, tạp chí, phim ảnh, bảng tin, khẩu hiệu cổ động…Những công cụ này tỏ ra kém phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của một bộ phận nhân dân, đặc biệt là giới trẻ. Điều này làm cho công tác tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Ngày nay, với sự phát triển của không gian mạng và công nghệ số, những công cụ truyền thông hiện đại ngày càng đa dạng, phổ biến như:

Hình 2. Một số công cụ truyền thông trên không gian mạng

 

Những công cụ truyền thông này phù hợp với nhu cầu sử dụng, thị hiếu, tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ, nhận thức và hành động của người sử dụng internet ở nhiều độ tuổi khác nhau, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa tận dụng, khai thác nhiều các công cụ này để tuyên truyền, giáo dục và củng cố hệ tư tưởng của Đảng.

(3) Về mặt phương thức truyền thông để xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng: Hiện nay chúng ta vẫn sử dụng chủ yếu các phương thức truyền thông truyền thống, trực tiếp, một chiều, ít có sự tương tác (tổ chức học tập trực tiếp các nghị quyết, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng), đối tượng được tiếp nhận thông tin còn ít; trong khi đó không gian mạng (với các phương thức truyền thông đa chiều, kết hợp thực và ảo, tăng cường sự tương tác, số lượng người dùng tiếp cận lớn) còn chưa được phổ biến. Khi truy cập vào các nền tảng mạng xã hội, chúng ta thấy thông tin tuyên truyền, phổ biến các luận điểm còn chưa nhiều, chưa đa dạng, phong phú. Trong khi đó, các thế lực thù địch ngày càng tăng cường sử dụng các nền tảng này để tấn công vào các nền tảng tư tưởng của Đảng. Theo Sách trắng Thương mại điện tử của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), tỉ lệ người dùng internet với mục đích tham gia diễn đàn, mạng xã hội chiếm tỉ lệ tới 53%. Trên không gian mạng, những người dùng này có thể tự do bày tỏ ý kiến của mình (một cách ẩn danh) và tương tác, trao đổi, chia sẻ thông tin với người khác. Điều này tạo môi trường thuận lợi cho các thế lực thù địch có thể ngụy tạo, phổ biến tràn lan các luận điểm sai trái trên các nền tảng mạng xã hội. Đây thực sự là thách thức lớn với niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

(4) Về công tác quản lí: Thời gian gần đây, chúng ta đã có được sự chủ động trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đặc biệt Luật An ninh mạng (Luật số 24/2018/QH14 ngày 12/6/2018 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ) đã “quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan”. Tuy nhiên công tác quản lí nhằm xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng vẫn còn tồn tại những cấp bật, hạn chế trong việc ngăn chặn, kiểm soát các thông tin trên không gian mạng. Các thế lực thù địch đã sử dụng nhiều chiêu thức để tấn công phủ nhận Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo của Đảng. Không gian mạng hiện nay có hàng nghìn trang mạng đăng tải các bài viết tấn công, bôi nhọ, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng. Bên cạnh các trang mạng công khai, chúng còn tạo lập các nhóm kín trên mạng xã hội theo vùng/ khu vực nhằm thu hút và tập hợp lực lượng tham gia chống phá với nhiều hình thức như đưa tin, viết bài, phỏng vấn, livestream để chống phá sự nghiệp cách mạng và phủ nhận những thành tựu đổi mới của dân tộc ta. Những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị lôi kéo cộng đồng mạng tham gia vu khống, bôi nhọ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; chúng đòi từ bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi thực thi chế độ chính trị đa nguyên, đa đảng đối lập; đối lập kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa; khoét sâu các mâu thuẫn, bất công trong xã hội nhằm phá vỡ sự đoàn kết toàn dân; đối lập Đảng với nhân dân… Đây thực sự là thách thức lớn đối với công tác xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta trong bối cảnh hiện nay.

3. Đề xuất một số biện pháp xây dựng “Thế trận lòng dân” trên không gian mạng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Một là, để xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cần quán triệt quan điểm “lấy dân làm gốc”; phát huy vai trò, trách nhiệm của đảng viên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng hiện nay

Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh: phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là bài học về thắng lợi của cách mạng Việt Nam, là động lực của quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh hiện nay, để xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng cần thấm nhuần quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí trung tâm của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quán triệt quan điểm “lấy dân làm gốc” trên không gian mạng đòi hỏi các cơ quan Đảng và Nhà nước cần giữ được tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận, đồng lòng, ý chí quyết tâm…của toàn thể cư dân mạng. Để cư dân mạng tin tưởng vào nền tảng tư tưởng của Đảng, cần tập trung vào công tác tư tưởng, cách ứng xử trên không gian mạng. “Lấy dân làm gốc” trên không gian mạng chính là nói lên tiếng nói của người dân, bảo vệ cư dân, đứng về phía quyền lợi của cư dân mạng. Khi lợi ích của cư dân mạng thống nhất với lợi ích của dân tộc thì cư dân mạng sẽ có thêm niềm tin và sức mạnh để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Hiện nay, một phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, nhận thức không đúng về nền tảng tư tưởng của Đảng. Thực trạng này làm cho công tác xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng gặp phải nhiều khó khăn. Vì vậy, để xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng mang lại hiệu quả thiết thực, mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đấu tranh một cách quyết liệt, không khoan nhượng với những quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch trên không gian mạng hiện nay. Mỗi đảng viên cần ra sức học tập, tu dưỡng để nhận thức sâu sắc về nền tảng tư tưởng của Đảng và nâng cao hơn nữa bản lĩnh cách mạng trong cuộc đấu tranh chống lại các thế lực thù địch trên không gian mạng.

Hai là, đổi mới nội dung, phương pháp truyền thông để xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng

Về mặt nội dung: Để xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cần tập trung giáo dục về chủ nghĩa yêu nước, phát huy tính tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc; tinh thần đại đoàn kết toàn dân; giáo dục nhận thức, niềm tin của cư dân mạng về bản chất cách mạng của Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế; xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng để bảo vệ chủ quyền biển đảo; bồi đắp nền tảng tinh thần, lí tưởng cách mạng cao đẹp, lan tỏa những tấm gương tập thể, cá nhân điển hình để nhân lên sức mạnh chiến đấu của các tầng lớp nhân dân, xây dựng và bảo vệ môi trường không gian mạng lành mạnh. Khi xây dựng nội dung cần đảm bảo phù hợp với độ tuổi, vùng, miền để đảm bảo hiệu quả của công tác xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng. Thay vì đưa tin tuyên truyền bằng một bài viết dài dòng khiến cư dân mạng cảm thấy nhàm chán, hãy thiết kế những nội dung kết hợp hài hòa kênh chữ và kênh hình, kênh hình ở đây không chỉ là minh họa mà còn phải thể hiện nội dung, đảm bảo tính thẩm mỹ, hiện đại…Đồng thời, cần thiết kế nội dung sao cho có sự tương tác, phản hồi để cộng đồng mạng có thể nói lên tiếng nói của mình, qua đó các cơ quan Nhà nước cũng sẽ nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của nhân dân để điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tiễn của đất nước, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lí của Nhà nước. Nội dung tuyên truyền cũng cần phải đổi mới, thời sự, cập nhật, chính xác, phù hợp với đối tượng tiếp nhận.

Về mặt phương pháp: Cần đổi mới các phương pháp tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức đấu tranh phản bác nhằm thu hút lực lượng cộng đồng mạng tham gia. Như trên đã phân tích, người sử dụng internet hiện nay rất thường xuyên sử dụng các nền tảng mạng xã hội để trao đổi, tương tác, học tập…Vì vậy, cần đổi mới phương pháp đấu tranh theo hướng thiết lập và sử dụng các nền tảng mạng xã hội để đăng tải các bài viết với nội dung tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Để thu hút cộng đồng mạng theo dõi, cần thiết kế dưới những hình thức khác nhau như xây dựng các đồ họa thông tin (infographic) đảm bảo tính khoa học, thẩm mỹ, phù hợp thị hiếu người dùng; hay xây dựng video tuyên truyền với thông điệp rõ ràng, cụ thể có sự tương tác với người xem…

Ba là, để đẩy mạnh hiệu quả công tác xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng cần mở rộng đối tượng tuyên truyền, lôi cuốn toàn thể cộng đồng mạng tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giữ cho “trong ấm, ngoài êm” để tạo sức mạnh, nâng cao vị thế của đất nước.

Như trên phân tích, hiện nay việc tuyên truyền về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vẫn còn hạn chế ở đối tượng tiếp nhận. Do đó, một bộ phận không nhỏ nhân dân còn chưa có những hiểu biết về nền tảng tư tưởng của Đảng. Khi người dân còn chưa hiểu biết về nền tảng tư tưởng của Đảng, đứng trước các thông tin xấu, độc, phản cách mạng tràn lan trên không gian mạng, cư dân mạng cũng không thể nào đủ niềm tin và sự sẵn sàng để bảo vệ. Do đó, trong thời gian tới, để công tác xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng thực sự có hiệu quả, chúng ta cần phải lôi cuốn được toàn thể nhân dân Việt Nam nói chung và cư dân mạng nói riêng; trong truyên truyền, giáo dục nền tảng tư tưởng của Đảng cần nhất quán, không phân biệt giới tính, tôn giáo, dân tộc, vùng miền, tuổi tác, không phân biệt sống trong nước hay nước ngoài. Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường sự đoàn kết quốc tế, giữ cho “trong ấm, ngoài êm”, đẩy mạnh thu hút cả những cư dân mạng yêu chuộng hòa bình trên thế giới để tham gia vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta.

Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo, quản lí của các cấp ủy Đảng, các cơ quan quản lí nhằm nhận diện và đấu tranh với các luận điệu sai trái trên không gian mạng. Trong quá trình xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng cần gắn kết giữa “xây” và “chống”. Các cơ quan nhà nước cần đóng vai trò “gác cổng” không gian mạng. Để “gác cổng” hiệu quả, các cơ quan quản lí cần hoàn thiện cơ sở pháp lí; cơ sở vật chất, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin; bổ sung nguồn nhân lực chuyên trách đảm nhận xử lí các thông tin xấu, độc, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng. Sử dụng các công cụ hiện đại để thiết lập hàng rào kĩ thuật nhằm sàng lọc, xét duyệt, ngăn chặn các thông tin phản cách mạng. Để không bị động trước những thông tin chống phá của các thế lực thù địch, cần xây dựng dữ liệu đấu tranh, tập hợp lực lượng nhân dân có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư duy nhạy bén, có khả năng lập luận, phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.

Có thể nói, công cuộc xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng là nhiệm vụ lâu dài, khó khăn với vô vàn thách thức. Vì vậy, để công tác này thực sự mang lại hiệu quả thiết thực cần phối hợp nhiều biện pháp thực hiện. Trong quá trình triển khai, cần chủ động nắm bắt tình tình tư tưởng, dư luận trên không gian mạng để kịp thời định hướng cư dân mạng, củng cố niềm tin vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tích cực phản bác các quan điểm sai trái, thù địch./.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương (2022), Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022, tr.34, tr.37.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, tr.49, tr.96.

3. Nguyễn Tài Đông (2021), Đấu tranh với các luận điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, Tạp chí Tuyên giáo, số 3, tr.26-30.

4. Phạm Văn Giang (2022), Xây dựng thế trận lòng dân trong đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Tạp chí Phát triển nhân lực, số 01, tr.5 – 12.

5. Phạm Đức Kiên, Trần Minh Văn (2021), Xây dựng các công cụ truyền thông trên không gian mạng phục vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, Tạp chí Khoa học Chính trị, số 10, tr.26 – 32.

6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, NXB CTQG, H.2011, tr.19.

7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, NXB CTGQ. H.2011, tr.335.

8. Trần Văn Phòng (2021), Xây dựng "thế trận lòng dân" trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 8, tr.81-86.

9. Nguyễn Đình Phúc (2021), Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động đấu tranh chống các luận điệu sai trái, thù địch trên không gian mạng, Tạp chí Khoa học Chính trị, số 8, tr.31 – 35.

10. Trương Tất Thắng, Nguyễn Thị Nhung (2022), Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng theo tinh thần nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 05, tr.65-69.

11. Nguyễn Văn Tỵ, Nâng cao ý thức làm chủ và bảo vệ không gian mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, http: tuyengiao.vn.

 

Tác giả: Hoàng Thị Thinh, Ngô Thái Hà, Nguyễn Thị Mai

                                                                        Công đoàn Khoa LLCT- GDCD


Source: 
11-04-2024
Tags