Cán bộ, nhà giáo, người lao động trường Đại học Sư phạm Hà Nội đồng hành với sinh viên ngày trở lại trường

Chương trình được tổ chức ở cấp Công đoàn liên khoa do sáu đơn vị trực thuộc Công đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức, gồm Công đoàn khoa Công tác Xã hội, khoa Tâm lý Giáo dục, khoa Triết học, khoa Việt Nam học, khoa Sinh học và Giáo dục đặc biệt. Chương trình thu hút hơn 1000 sinh viên, cán bộ, nhà giáo và người lao động của các Khoa tham dự.

Dịch bệnh Covid 19 kéo dài đã gây nhiều hệ luỵ và tác động đến nhiều mặt trong cuộc sống trong đó có giáo dục. Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã phải giãn cách học online trong 7 tháng qua. Theo kế hoạch dự kiến, trong các tuần từ 21/2 và từ 28/2, sinh viên sẽ quay trở lại học tập trực tiếp tại trường trong lo lắng, băn khoăn về việc tổ chức dạy học sao cho an toàn của Nhà trường. Để đồng hành cùng các đơn vị trong tổ chức đào tạo, Công đoàn liên khoa đã nhanh chóng vào việc, cùng với BCN các khoa tổ chức khảo sát nhu cầu của sinh viên trước đó một tuần, xây dựng nội dung, đặt hàng các “chuyên gia” là giảng viên của các khoa Công tác xã hội, Tâm lý giáo dục hỗ trợ tối đa cho sinh viên. 1400 sinh viên, 66 thầy cô tham gia trả lời khảo sát là những tham chiếu quan trọng để Ban tổ chức cùng với PGS.TS Trần Thị Lệ Thu, TS Giáp Bình Nga - Khoa Tâm lý Giáo dục học, TS Phạm Văn Tư - Khoa Công tác xã hội xây dựng các nội dung chia sẻ tại buổi tọa đàm. Các thầy cô đã khắc phục khó khăn về thời gian, gấp rút để chuẩn bị những nội dung tọa đàm, những hồi đáp đánh trúng nhu cầu thiết yếu của cán bộ, sinh viên trước ngày trở lại trường học.

PGS.TS Trần Thị Lệ Thu chia sẻ về những khó khăn tâm lý và cách ứng phó khi thầy, cô và dinh viên quay trở lại giảng dạy và học tập trực tiếp, đặc biệt thu hút sinh viên khi cô nói về những dấu hiệu nhận biết bản thân có bị căng thẳng, stress hay không; những liệu pháp hỗ trợ, cách thức để thầy cô và sinh viên tự chăm sóc và trợ giúp chính bản thân mình để có một thể chất khỏe mạnh và tâm lí vững vàng vượt qua đại dịch… TS. Phạm Văn Tư đã chia sẻ với sinh viên và thầy cô về vấn đề “Những hậu quả của Đại dịch Covid 19”. Thầy khẳng định, trong “nguy” có “cơ”. Việc thích ứng này đã mở ra cho giảng viên, sinh viên cơ hội số hóa nhanh, phản ứng nhanh, chuyển đổi số nhanh với một thái độ tích cực: “nghịch cảnh không ai tránh được, nhưng cái ta có thể chủ động chọn được là thái độ với nghịch cảnh”. TS Giáp Bình Nga nhấn mạnh, công tác phòng chống dịch khi tổ chức dạy học trực tuyến cần được hết sức chú ý, cần có sự nỗ lực của cả thầy trò như quy định về việc thực hiện 5K, quy định về phòng chống dịch của Bộ y tế. Đặc biệt, thầy nhấn mạnh, các em cần khai báo y tế, theo dõi nhiệt độ cơ thể và luôn nhớ rằng, khi có vấn đề gì bất thường về sức khỏe thì báo ngay cho Nhà trường, khoa và cơ sở y tế địa phương để nhận được sự hỗ trợ và hướng dẫn kịp thời.

 

Dưới đây là một số hình ảnh của buổi Tọa đàm:

 Cán bộ, nhà giáo, người lao động và các em tham dự qua phòng zoom

 

TS. Phạm Văn Tư – Phó trưởng Khoa  CTXH chia sẻ với thầy cô và sinh viên

 

Nhắn gửi của các cán bộ, nhà giáo, người lao động đến các các em sinh viên

Đào Thị Sen - Công đoàn Khoa Sinh học

Nguyễn Thị Thu Hoài - Công đoàn Khoa Việt Nam học


Source: 
21-02-2022
Tags