Công đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tham dự Hội nghị lần thứ 37 Hội đồng giáo giới ASEAN+1

           

Tham dự Hội nghị, có hơn 600 cán bộ, giáo viên đến từ các tổ chức công đoàn giáo dục, công đoàn giáo viên và hiệp hội giáo viên của 9 nước thành viên gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Lào, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Hàn Quốc. Hội nghị do Công đoàn giáo dục Malaysia  (NUTP ) chủ trì.

Ảnh 1. Hơn 600 đại biểu tham dự Hội nghị Hội đồng Giáo giới ASEAN và Hàn Quốc lần thứ 37

Đoàn đại biểu Công đoàn Giáo dục Việt Nam do TS Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch dẫn đầu gồm 24 thành viên là cán bộ Công đoàn trong ngành giáo dục, giảng viên các trường đại học và giáo viên các trường phổ thông.

PGS.TS. Trần Thị Thanh Huyền – Phó Chủ tịch Công đoàn Trường, Trưởng ban Chuyên môn đã được cử đại diện cho Công đoàn trường ĐHSP Hà Nội tham dự Hội nghị.

Ảnh 2. Đoàn đại biểu Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Hội nghị diễn ra gồm phiên hội thảo, phiên trình bày các báo cáo Quốc gia và 4 phiên họp song song về các chủ đề:

1. Khuyến khích sử dụng các hoạt động trò chơi để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập sử dụng kỹ thuật số.

2. Sử dụng kỹ thuật số trong giảng dạy để ứng phó với các thách thức trong tương lai.

3. Khuyến khích nghiên cứu trực tuyến phục vụ giáo dục trong tương lai.

4. Trao quyền cho đội ngũ lao động kỹ thuật số.

Đoàn Việt Nam đã trình bày báo cáo Quốc gia với chủ đề “Kết hợp hình thức dạy học trực tuyến và trực tiếp để truyền tải kiến thức cho người học ở các cấp” và báo cáo chuyền đề “Đào taọ kỹ năng kỹ thuật số trong nhà trường thông qua các bài giảng mẫu”.

Các bài báo cáo trong Hội nghị đều nhận thấy: Dạy và  học kỹ thuật số thông qua hình thức học phối hợp hai hình hình thức trực tiếp và trực tuyến giúp việc học trở thành tích cực, cá nhân hóa và tự điều chỉnh thời gian học hơn đối với học sinh bằng việc cân đối khả năng học của mình  sử dụng kỹ thuật số. Kỹ thuật số có thể nâng cao chất lượng giáo dục và hỗ trợ người học tự định hướng việc học của mình bằng việc tạo môi trường giáo dục có tính tương tác và thu hút cao. Giáo dục kỹ thuật số giúp trang bị cho người học các kỹ năng để hội nhập vào một thế giới số và thành công trong thế kỷ 21.

Đại diện của các nước cũng đã thảo luận và đưa ra dự báo về tương lai của giáo dục nói chung cũng như sự thích ứng của giáo dục trước những biến đổi của thế giới, cũng như đề ra những giải pháp phù hợp với xu thế phát triển giáo dục trên thế giới nói chung và trong khu vực nói riêng.

Hội nghị ACT +1 lần thứ 37 cũng đã có những cam kết về Định hướng tương lai giáo dục thông qua Giáo dục kỹ thuật số thông qua các nội dung như:

Các trường cần đánh giá năng lực kỹ thuật số phục vụ cho việc dạy học trực tuyến của mình và cần nâng cấp hạ tầng cơ sở kỹ thuật số để đáp ứng nhu cầu của hình thức giáo dục phối hợp trực tiếp và trực tuyến. Các trường cũng cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu, tăng cường bổ sung nội dung tài liệu học trực tuyến nhằm mục đích  chia sẻ và trao đổi các nguồn học liệu phục vụ cho việc sử dụng kỹ thuật trong giảng dạy.

Khuyến khích giáo viên và các trường thiết kế và chia sẻ nội dung bài giảng trực tuyến để đáp ứng nhu cầu và phương pháp học tập đa dạng của người học hiện nay.

Cần đào tạo, khuyến khích giáo viên và học sinh  để họ có đủ kỹ năng sử dụng các công cụ, ứng dụng kỹ thuật số để tham gia  một cách tích cực một cách đúng đắn vào các hoạt động học trực tuyến.

Khuyến khích giáo viên sử dụng các yếu tố trò chơi để thiết kế nội dung bài giảng cho học sinh của mình, và với mục tiêu đề ra, xây dựng một chiến lược thiết kế bài giảng trực tuyến dựa trên nhu cầu và đặc điểm của người học.

Kêu gọi Chính phủ thực thi các chế độ khuyến khích giáo viên và học sinh tích cực tham gia học tập kỹ thuật số hướng tới sự phát triển bền vững của một nền gáo dục chất lượng cao.

Kêu gọi Chính phủ có các chính sách toàn diện và chỉ đạo trao quyền cho đội ngũ lao động kỹ thuật số tiềm năng và tăng cường kết nối để chương trình đào tạo ngày càng đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Ảnh 3. Các bàn thảo luận tại Hội nghị

Trong khuôn khổ hội nghị, đoàn Việt Nam cũng tham gia các hoạt động giao lưu, biểu diễn văn nghệ và trưng bày giới thiệu sản phẩm với nhiều loại cà phê. Gian hàng đã thu hút được sự đón nhận nồng nhiệt của bàn bè quốc tế. Bên cạnh đó, một số nước như Malaysia, Philippines cũng trưng bày những mô hình giáo dục mới, điều khiển robot, hấp dẫn sự sáng tạo của học sinh.

Ảnh 4. Gian hàng giới thiệu sản phẩm của đoàn Việt  Nam

Hội nghị ACT +1 lần thứ 37  đã để lại những kỉ niệm khó quên đối với đoàn Việt Nam và các nước bạn. Bên cạnh các vấn đề chuyên môn được chia sẻ, trao đổi về ứng dụng kỹ thuật số trong giảng dạy, đoàn Việt Nam còn có những hoạt động giao lưu, tặng quà lưu niệm với các đại biểu các nước. Hội nghị lần này, đoàn Việt Nam đã thu được rất nhiều kinh nghiệm quý về giáo dục từ các nước và quan trọng hơn hết là đưa thế giới đến gần hơn với Việt Nam, cho các bạn quốc tế biết đến một Việt Nam đang thay đổi từng ngày, đang chuyển mình trong giáo dục chuyển đổi số có hiệu quả để kỳ vọng vào sự đổi mới của giáo viên trong kỷ nguyên số, đồng thời hy vọng những thế hệ học sinh, sinh viên nối tiếp sẽ luôn nỗ lực trước những thách thức trong quá trình đổi mới giáo dục để trở thành công dân toàn cầu.

Ảnh 5. Chụp ảnh giao lưu, kỷ niệm với  đoàn đại biểu các nước bạn

 

PGS.TS Trần Thị Thanh Huyền - Phó CTCĐ Trường


Source: 
25-09-2023
Tags