Công đoàn trường với việc triển khai các phong trào thi đua, các cuộc vận động, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo

Ban Chuyên môn Công đoàn Trường ĐHSP Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2019 - 2024 gồm 10 đồng chí được thành lập theo quyết định số 178 /QĐ-CĐ, ngày 5 tháng 9 năm 2019.

Ngay sau khi được thành lập, căn cứ vào Nghị quyết Đại hội Công đoàn Trường và Quy chế hoạt động của BCH Công đoàn trường ĐHSP Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2019 - 2024, Công đoàn Trường đã giao cho Ban Chuyên môn tiếp tục triển khai sâu rộng, cụ thể hoá các phong trào thi đua do Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động với tinh thần động viên và phối hợp. Trên cơ sở đó, Ban Chuyên môn đã đề xuất kế hoạch hoạt động cho cả nhiệm kỳ dựa trên tình hình thực tế của đơn vị và triển khai các hoạt động theo yêu cầu chung của Công đoàn Ngành.

Phong trào thi đua “Giảng dạy tốt, NCKH tốt, phục vụ tốt, quản lý tốt” trong đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động được Công đoàn Trường quan tâm và triển khai thực hiện tốt. Công đoàn đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền triển khai các phong trào thi đua yêu nước; khuyến khích cán bộ, nhà giáo, người lao động cứu khoa học, viết bài báo, tham gia hội nghị, hội thảo trong và ngoài nước; triển khai các giải pháp phù hợp nhằm động viên cán bộ, nhà giáo, người lao động tích cực lao động, học tập, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Đã có nhiều công đoàn viên không chỉ giỏi, vững vàng, uy tín về chuyên môn, NCKH mà còn có năng lực rất tốt trong quản lý cấp khoa, cấp phòng ban.

Ban Chuyên môn đã phối hợp với các ban công tác của Công đoàn Trường, các công đoàn cơ sở tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề như: trao đổi về kinh nghiệm giảng dạy, quản lý, công tác nghiên cứu khoa học, công tác tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ... Qua đó, phát huy tinh thần ham học hỏi, chủ động sáng tạo, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của mỗi cán bộ, viên chức. Tổ chức các sinh hoạt chuyên đề, tọa đàm về đổi mới phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm viết sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu bồi dưỡng, tập huấn giáo viên phổ thông… Động viên, khuyến khích các đơn vị tổ chức các hoạt động sinh hoạt chuyên môn, giao lưu học thuật trong và ngoài khoa, ngoài trường nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Cụ thể hóa nội dung cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” giai đoạn 2018 - 2025 vào các hoạt động cụ thể, tạo thành việc làm thường xuyên, thiết thực, có hiệu quả. động viên khích lệ, tạo động lực cho cán bộ, nhà giáo, người lao động tích cực, tự giác học tập, nâng cao trình độ, chuyên môn, năng lực nghề nghiệp, phẩm chất và phong cách nhà giáo.

Để duy trì hoạt động dạy và học trong thời gian phòng dịch, với phương châm “Nghỉ ở nhà nhưng không nghỉ dạy” để “Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không để học sinh bị bỏ lại phía sau”, năm học 2020 -  2021, 2021 - 2022, BCH Công đoàn Trường đã tích cực động viên, khuyến khích công đoàn viên trong việc tự học, tự bồi dưỡng, từng bước nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ và đặc biệt là ứng dụng CNTT trong hoạt động dạy học, chủ động vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy lòng yêu nghề khắc phục khó khăn để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đạt kết quả cao nhất. Từng công đoàn viên đã tích cực tự bồi dưỡng, tham gia các lớp CNTT, học hỏi trau dồi thêm kỹ năng CNTT và sử dụng hiệu quả, linh hoạt các phần mềm onlie phục vụ cho việc dạy học, tăng cường công tác dạy học trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp. Tiêu biểu là hoạt động của công đoàn viên trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, phát huy vai trò chủ động của các tổ công đoàn trong việc phối hợp chặt chẽ với tổ chuyên môn, thường xuyên tích hợp, lồng ghép các nội dung tuyền truyền, vận động nhà giáo trong trường thực hiện tốt các cuộc vận động Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo, thực hiện tốt các quy tắc ứng xử giao tiếp văn minh trong môi trường học đường, trong mỗi hoạt động chia sẻ chuyên môn giữa các đồng nghiệp, tôn trọng và phát huy năng lực của người học trong mỗi hoạt động dạy học.

Một số  giảng viên tham gia huấn luyện đội tuyển học sinh, sinh viên tham gia các kỳ thi Olympic, thi học sinh giỏi quốc gia đạt giải cao; Nhiều công đoàn viên tham gia đào tạo Tiến sĩ, Thạc sĩ, tham gia dạy các khóa học bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ trong và ngoài trường. Nhiều công đoàn viên là giảng viên đã tham gia biên soạn tài liệu, giáo trình với tư cách là chủ biên, là tác giả, đồng tác giả; đã chủ trì, biên soạn các chương trình môn học, chương trình bồi dưỡng giáo viên, các giáo trình đại học, cao đẳng, sách tham khảo... công đoàn viên ở khu vực hành chính, phục vụ đào tạo đã thường xuyên trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp, văn minh, hiệu quả ở các bộ phận phục vụ trong toàn trường.

Nhóm nhà giáo cùng nhau phát triển” cũng đã được thành lập và duy trì tại các công đoàn bộ phận, tiêu biểu như khoa Toán - Tin, Vật lý, Quản lý giáo dục, Lý luận chính trị - Giáo dục công dân, Triết học, Sinh học, Sư phạm kỹ thuật,… nhằm tập hợp các nhà giáo để cùng động viên, chia sẻ, giúp nhau thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy, sáng tạo, đổi mới nâng cao chất lượng trong công tác quản lý, nghiên cứu khoa học.

Đẩy mạnh hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động, tập trung triển khai phong trào “Hai tốt” với nội dung “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”, hầu hết các công đoàn viên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong công tác giảng dạy và phục vụ đào tạo, thực hiện tốt nội quy dạy học, đảm bảo số lượng giờ lên lớp đạt và vượt chuẩn, tích cực tham gia phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong dạy và học (tiêu biểu các khoa Sinh học, Tiếng Anh, Ngữ văn, Địa lý, Công tác xã hội, Lý luận chính trị - Giáo dục công dân, Giáo dục đặc biệt, Hóa học, Vật lý, Sư phạm kỹ thuật...);

Giáo viên trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành luôn tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý Nhà trường. Những nghiên cứu khoa học giáo dục được áp dụng vào thực tiễn, là những sáng kiến kinh nghiệm hữu ích, đã đạt giải cao cấp trường ĐHSP Hà Nội như sáng kiến “Ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành trường học” của TS. Nguyễn Thị Thu Anh, sáng kiến “Ôn luyện đội tuyển MOSWC giúp học sinh đi thi đạt thành tích cao” của ThS. Đào Hải Tiệp.

Công đoàn Nhà trường đã tích cực tuyên truyền, phổ biến kế hoạch 103 của Công đoàn Giáo dục Việt Nam về nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, nhà giáo, người lao động về việc thường xuyên chú trọng rèn luyện đạo đức và năng lực ứng xử sư phạm của đội ngũ nhà giáo; giúp mỗi cán bộ, nhà giáo, người lao động nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của vai trò của bản thân trong việc xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, văn minh; xây dựng các mối quan hệ trong môi trường học đường thật tốt đẹp, trong đó cán bộ, nhà giáo, người lao động và học sinh luôn yêu thương, tôn trọng, cùng có trách nhiệm xây dựng mái trường mang tên Bác thành “ngôi trường hạnh phúc” như trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành. Một số cán bộ, nhà giáo đã tham gia các hoạt động, chương trình của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, tiêu biểu là cô Nguyễn Thị Thu Anh với các chương trình, hoạt động như:“Triển khai kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo - người lao động - vì trường học hạnh phúc” do VTV7 - Bộ Giáo dục và Đào tạo - Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp tổ chức, toạ đàm “Nhà giáo chúng ta đã thay đổi”, “Hiệu trưởng thay đổi vì trường học hạnh phúc” của VTV7 - Công đoàn Giáo dục Việt Nam & Bộ Giáo dục và Đào tạo, tọa đàm của Công đoàn Giáo dục Việt Nam về “Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo - Hiệu trưởng gieo mầm hạnh phúc”… Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành được lựa chọn làm mô hình điểm “Trường học hạnh phúc - Thầy cô hạnh phúc - Học sinh hạnh phúc”.

Những cá nhân tiêu biểu của Công đoàn Trường ĐHSP Hà Nội trong chương trình Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch 103/KH-CĐN về triển khai nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đước nhà giáo, người lao động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới là: TS. Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành và PGS.TS. Trần Thị Lệ Thu, Giảng viên Công đoàn khoa Tâm lý học Giáo dục.

Năm học 2021 - 2022, Công đoàn Trường đã phát động và triển khai chương trình “Một triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tao, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động và hướng dẫn công đoàn viên khai nộp trên cổng thông tin điện tử của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam http://congdoanvietnam.org. Ở các Công đoàn Bộ phận đã phối hợp với cơ sở, tổ chức cho công đoàn viên đăng ký sáng kiến và hội đồng trường họp xét công nhận - lấy đó làm căn cứ xét thi đua cuối năm. Trên cơ sở các sáng kiến đã đc công nhận, Công đoàn Trường động viên công đoàn viên tham gia “Tuần lễ sáng kiến” do Công đoàn Ngành phát động. Kết thúc “Tuần lễ sáng kiến”, Ban Tổ chức đã nhận được kết quả với 96 sáng kiến của 25 đơn vị thuộc Trường ĐHSP Hà Nội.

Từ 01/11/2022 đến 01/9/2023 Công đoàn Trường phát động toàn thể cán bộ nhà giáo, người lao động tiếp tục hưởng ứng giai đoạn 3 chương trình “Một triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”. Với chương trình này, mỗi công đoàn viên sẽ thấy được giá trị khoa học và thực tiễn của mỗi sáng kiến, ý nghĩa của việc đăng ký sáng kiến và xác định xây dựng, đăng ký sáng kiến trở thành nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cán bộ, nhà giáo, người lao động.

Hướng tới chào mừng Đại hội Công đoàn trường ĐHSP Hà Nội, tiến tới Đại hội XVI Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028, Công đoàn Trường ĐHSP Hà Nội đã phối hợp với các công đoàn thuộc Khối thi đua số 3 - Công đoàn Giáo dục Việt Nam và các trường đại học, học viện khác trong cả nước tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Văn hóa nhà trường Sư phạm - những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Đây là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà giáo, các nhà quản lý, các chuyên gia trao đổi, chia sẻ những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng văn hoá nhà trường sư phạm trong bối cảnh đổi mới giáo dục, đào tạo và hội nhập quốc tế; từ đó rút ra những bài học để vận dụng vào điều kiện cụ thể của các nhà trường sư phạm.

 

 

 

 

 


Source: 
29-06-2023
Tags