Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo trong các nghiên cứu và đào tạo của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài, khoảng 3.260 km, trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó Hoàng Sa và Trường Sa là 2 quần đảo có ý nghĩa chiến lược về tài nguyên, an ninh, quốc phòng. Đường bờ biển trải dài qua 28 tỉnh, thành phố đã mang lại nhiều lợi ích trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tài nguyên biển và hải đảo bao gồm tài nguyên sinh vật và tài nguyên phi sinh vật thuộc khối nước biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển, vùng đất ven biển và quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Biển đã mang lại nguồn thức ăn, thuốc chữa bệnh, khoáng sản, giá trị cảnh quan... cho con người. Để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, con người đã khai thác, sử dụng các giá trị từ biển mang lại ngày càng mạnh mẽ. Nhiều ngành kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên biển như du lịch biển, khai thác dầu khí và khoáng sản biển, kinh tế hàng hải, khai thác và nuôi trồng hải sản, năng lượng tái tạo... Tuy nhiên, tài nguyên biển và hải đảo không phải là vô tận nếu chúng ta không khai thác bền vững. Những vẫn đề như ô nhiễm môi trường biển, suy giảm đa dạng sinh học biển, rác thải nhựa đại dương, khai thác quá mức nguồn lợi hải sản đang là mối lo ngại đến tính bền vững của tài nguyên biển và hải đảo.

Trước thực trạng đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 3/4/2023 phê duyệt “Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2050” như là sự cam kết của Chính phủ trong việc bảo vệ các giá trị tài nguyên biển và hải đảo.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là trường trọng điểm quốc gia về giáo dục thông qua các chương trình nghiên cứu, hợp tác đào tạo đại học và sau đại học chất lượng cao. Để thực hiện tầm nhìn 2030 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ đạt được những kết quả vượt trội trong nghiên cứu khoa học công nghệ, các nhóm nghiên cứu đa ngành bắt đầu được hình thành và cùng thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu nhằm phát huy thế mạnh của từng lĩnh vực. Các chương trình nghiên cứu về biển và hải đảo được các nhà khoa học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội rất quan tâm, điều đó thể hiện trách nhiệm với đất nước trong việc bảo vệ các giá trị tài nguyên. Các nghiên cứu về biển và hải đảo của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã đi đúng định hướng khoa học, công nghệ biển và hải đảo trong giai đoạn mới của Chính phủ. Dự án Cộng đồng Đại dương (Blue Community) từ 2018 – 2022 là sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà khoa học của Khoa Sinh học, Địa lí, Công tác xã hội của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với các nhà khoa học đến từ các Trường Đại học và Viện nghiên cứu của Vương Quốc Anh, Malaysia, Inđônêxia, Philippin về những vấn đề liên quan đến hệ sinh thái biển, tác động của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và tự nhiên đến môi trường biển ... khu vực biển Đông Nam Á (Việt Nam chọn nghiên cứu điển hình ở Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An). Những đóng góp quan trọng về các nghiên cứu của Trường Đại học Sư phạm được khẳng định qua sự hợp tác trong nghiên cứu thực địa, phân tích dữ liệu, chia sẻ thông tin trực tiếp và online (trong thời kỳ đại dịch covid 19) qua các hội thảo và công bố quốc tế. Kết quả nghiên cứu của Hung N. Dao, Hang T. Vu (Khoa Địa lí), Susan Kay và Sevrine Sailley (Vương Quốc Anh) về “Tác động của nhiệt độ bề mặt nước biển đến rạn san hô trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Nghiên cứu ở Khu dự trữ Sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An”  (https://doi.org/10.3389/fmars.2021.704682) đã sử dụng mô hình khí hậu toàn cầu để phân tích sự thay đổi của nhiệt độ bề mặt nước biển có tác động như thế nào đến hệ sinh thái rạn san hô của Cù Lao Chàm (Quảng Nam), từ đó có những đề xuất để bảo vệ tốt hơn rạn san hô. Đề tài độc lập cấp Quốc gia

“Nghiên cứu, xây dựng mô hình thử nghiệm nâng cao năng lực thực hiện phát triển bền vững ở các khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam, góp phần thực hiện kế hoạch hành động Lima” giai đoạn 2021 – 2024 là sự hợp tác đa ngành, đa lĩnh vực của Khoa Sinh học, Địa lí và Công tác xã hội. Một trong những nội dung nghiên cứu của đề tài cũng đề cập đến vấn đề khai thác, sử dụng bền vững các giá trị tài nguyên của Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà.

Bên cạnh các hoạt động nghiên cứu về biển và hải đảo, các hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức cho sinh viên Sư phạm về biển và hải đảo đã được tích hợp trong các chủ đề của các học phần có liên quan ở học phần Địa lí tự nhiên Việt Nam, Cơ sở Địa lí tự nhiên 2. Kiến thức về biển và hải đảo là một trong những nội dung dạy học bắt buộc ở học phần Môi trường và Con người và thực địa Địa lí tự nhiên tổng hợp. Thông qua giáo dục, sinh viên Sư phạm được tiếp cận các giá trị của biển và hải đảo, có thêm kiến thức, hình thành phẩm chất yêu tài nguyên thiên nhiên, có trách nhiệm bảo vệ các giá trị đó cho đất nước.

          Thực hiện chiến lược khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo của Chính phủ là trách nhiệm của mỗi ngành, địa phương và của từng cá nhân. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với trọng trách là cái nôi đào tạo giáo viên của cả nước sẽ không ngừng đổi mới, tăng cường hợp tác để đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu về biển và hải đảo, đưa nội dung về biển và hải đảo vào trong chương trình giảng dạy ở một số học phần có khả năng tích hợp nhằm thực hiện kế hoạch hành động quốc gia vì biển và hải đảo.

         

Nhóm nghiên cứu Dự án Cộng đồng Xanh

 

Sinh viên năm thứ 2 Khoa Địa lí đi thực địa nghiên cứu biển tại Quảng Bình

 

Vũ Thị Hằng - Chủ tịch Công đoàn Khoa Địa lý


Source: 
05-07-2023
Tags