Mùa con ong đi lấy mật!

Những ngày nắng đầu mùa của Hà Nội cũng là dịp nắng như đổ lửa của Tây Nguyên. Khi thời tiết Hà Nội vẫn còn ẩm, nồm, lúc se lạnh, lúc oi ả thì Tây Nguyên đang rạng rỡ với trắng muốt của hoa cafe, xanh bạt ngàn của rừng tiêu, rừng điều, rừng cao su. Cái nắng, cái gió cái bạt ngàn của núi rừng Tây Nguyên cùng với những hồn hậu trong tâm thức “vạn vật hữu linh” của đồng bào vùng cao đã thôi thúc chúng tôi có một chuyến hành trình Tây Nguyên – mùa con ong đi lấy mật những ngày tháng Ba đầy đáng nhớ của Công đoàn Khoa Triết học.

Với đặc thù chuyên môn của Khoa Triết học – giảng dạy các môn lý luận, nên chúng tôi rất cần những chất liệu phong phú của cuộc sống, và như vậy các chuyến đi đến những vùng đất mới là các chuyến đi luôn có ý nghĩa về mặt chuyên môn cũng như làm cho cuộc sống với lo toan, với phấn trắng bảng đen của chúng tôi thêm muôn màu sắc. Để thực hiện các chuyến đi thực tế, công đoàn khoa luôn sát cánh cùng các tổ chuyên môn lo toan các hoạt động hậu cần, kết nối các thành viên và kết nối với cơ sở địa phương nhằm mục đích đạt kết quả cao nhất cho các chuyến đi.

Các công việc dần được triển khai, người được phân công lên kế hoạch tour tổng thể qua ba tỉnh: Kon Tum – Gia Lai và Đăck Lăck; người phụ trách đặt vé, tìm vé rẻ nhất, thời gian phù hợp nhất, người được phân công liên hệ chỗ ăn, chỗ nghỉ. Ở đâu, đi đâu, bữa nào ăn gì đã được lên kế hoạch, mặc dù không chuyên nghiệp như các công ty du lịch, nhưng sau khi bản kế hoạch chi tiết được thiết lập, với kinh nghiệm tổ chức các hoạt động đi xa, chúng tôi còn phải liên hệ với các học viên cũ để xác tín lại cho bản kế hoạch của mình. Váy, áo, tư trang, tinh thần và sức khỏe đã sẵn sàng để bay.

Vì chuyến bay sớm nên chúng tôi lại đặt xôi khúc, giò cho bữa ăn sáng, rồi lỉnh kỉnh tư trang. Nơi đầu tiên chúng tôi đặt chân đó là Măng Đen – mảnh đất được ví như Đà Lạt cách đây 20 năm. Quả thực, Măng đen không có gì ngoài núi, rừng, những con dốc cao quanh co, những đồi thông, hoa và hoa. Chúng tôi lựa chọn một Homestay do anh chị người Hà Nội vào thiết kế và xây dựng nên căn phòng chúng tôi ở giống như căn nhà của  người miền Bắc xưa: hai gian buồng to hai bên, gian giữa là phòng khách và các giường tầng – đúng kiểu sinh hoạt cộng đồng. Chúng tôi được ăn bữa cơm như bữa cơm của gia đình có nhiều người lớn tuổi. Quả thật, khi không còn công việc chuyên môn, bữa ăn cơm ngon hơn hẳn, những câu chuyện cười với cây hài Ngọc Anh, những màn pha trò gay cấn của cô Nguyễn Thị Vân, làm cho bữa ăn với những tiếng cười vang nơi núi rừng vắng vẻ. Bữa ăn kết thúc cũng là lúc chúng tôi lại ngồi kể chuyện, pha cafe cho nhau uống, pha trà, rồi nhâm nhi chén rượu cùng với gia đình bác chủ homestay. Qua câu chuyện, chúng tôi hiểu hơn cách sống của bà con dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên, cách mà có lẽ cũng có thể dự báo được 5 năm nữa, Măng Đen lại có thể đông vui và tấp nập như các trung tâm du lịch khác. Đến Tây Nguyên, các nhà thờ Công giáo và các nhà nguyện của các Hội thánh Tin Lành đan xen trong những mái nhà Rông cao chót vót, thấp thoáng đâu đó là mái chùa – không giống với chùa của miền Bắc: có sự pha lẫn giữa phong cách của Nhật Bản, Trung Quốc và Tây Tạng. Chùa không nhiều, nhưng hễ có chùa là những ngôi chùa lớn, thậm chí rất lớn, rất nguy nga. Ba tỉnh của Tây Nguyên với 3 ngôi chùa, có lẽ, đó cũng là một đặc trưng của không gian tôn giáo Phật giáo ở đây. Chúng tôi đến thăm các nhà thờ, đặc biệt nhà thờ Gỗ ở Kon tum và nhà thờ Đức Mẹ ở Măng đen, điểm nổi bật, kiến trúc Gothic pha lẫn kiến trúc của nhà Rông cũng làm cho những ngôi giáo đường mang đậm nét văn hóa đặc trưng của Tây Nguyên.

Di chuyển từ Kon tum sang Gia Lai, từ Gia Lai sang Đăck Lăck chúng tôi được biết đến với màu đỏ vàng màu mỡ của đất đỏ bazan, vùng đất trên cao với nhiều gió, nhiều nắng. Những cánh đồng quạt gió sản xuất điện là một nét mới trong đời sống kinh tế của Tây Nguyên, sản lượng điện gió không chỉ cung cấp được nhu cầu của địa phương mà còn mang bán sang các nước xung quanh. Vậy là, khai thác các thế mạnh từ những điều kiện của tự nhiên trở thành ưu thế cạnh tranh kinh tế trong phát triển kinh tế vùng hiện nay là một việc vô cùng quan trọng. Đi qua những rừng tiêu, rừng điều, chúng tôi nói đùa: Việt Nam là quốc gia số 1 về tiêu điều. Câu nói này,, dĩ nhiên đều mang tính chất khẳng định Việt Nam là nơi cung cấp gia vị, hương liệu số một trên thế giới, và cũng chính từ đây, các trang trại lớn, các cánh đồng điều, tiêu đang dần thay thế lối sống du canh, du cư của bà con đồng bào Tây Nguyên.

Chúng tôi còn gặp lại rất nhiều học trò cũ của Khoa ở vùng đất Tây Nguyên, có điểu vô cùng hạnh phúc với những người thầy, người cô đó và sự trưởng thành, đó là tình cảm, là sự nhiệt tình trân trọng của học viên cũ dành cho thầy cô. Có bạn tâm sự: với cô, gọi bằng mẹ thì quá trẻ mà gọi bằng cô lại không nói hết được tình cảm thiêng liêng mà chúng em dành cho cô,... Quả thật, lúc ấy, mới thấy yêu hơn nghề làm thầy giáo, cô giáo bởi có những học trò luôn biết ơn, kính trọng và quý mến chân thành.

Ấn tượng nhất đó là chuyến thăm Làng Cafe của thương hiệu cafe nổi tiếng Việt Nam: Trung Nguyên. Ngồi nhâm nhi ly cafe và ngẫm nghĩ tới mong ước và triết lý căn bản về cafe và cách thưởng thức cafe mà ông chủ của Trung Nguyên mong ước: Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới – Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống của nhân loại để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”. Không biết triết lý hay hay những câu chuyện mà chúng tôi bàn đến về một người đàn ông có tư tưởng lớn, rồi về trách nhiệm, về nghĩa vụ trong gia đình, xã hội. Câu kết luận về sự tôn trọng sự khác biệt trong đa dạng tính cách cũng như lựa chọn giá trị cuộc sống cũng là cái kết của câu chuyện để chúng tôi kịp rời Làng cafe ra sân bay trở lại Hà Nội.

Mỗi một chuyến đi – tính đến nay, có 12 chuyến đi thực tế cũng là 12 chuyến đi du xuân và vô số những chuyến đi xa, đi gần chúng tôi đi cùng nhau.  Những chuyến đi bất đắc dĩ nhất là những chuyến đi vì đám hiếu của một trong số những người thân của các thành viên trong khoa. Dù xa, dù gần nhưng bao giờ cũng là sự quan tâm, chia sẻ của các thầy cô trong khoa, của Ban chấp hành công đoàn trong khoa với những mất mát của các gia đình. Lúc nào cũng vậy, thắm đượm, đầm ấm, đủ để bao dung, để chia sẻ, tôn trọng.

Mỗi một năm qua đi, có bao nhiêu bộn bề của cuộc sống, của công việc, nhưng ý thức về trách nhiệm một công đoàn viên, một thành viên trong Khoa luôn thôi thúc chúng tôi hoàn thành trách nhiệm và hoàn thành thật tốt nhất. Những tháng ngày sinh hoạt trong Ban chấp hành Công đoàn tuy vất vả hơn những anh chị em khác nhưng cho chúng tôi biết và được chia sẻ những vui, buồn của các thầy cô trong khoa, trong trường. Dù còn nhiều khó khăn, do hạn chế về thời gian, do số lượng công đoàn viên có hạn, do kinh nghiệm của những người làm công đoàn của Khoa Triết học, nhưng với những sự nỗ lực, cố gắng chúng tôi bước đầu cũng đạt được rất nhiều thành tích trong các phong trào thi đua của Nhà trường, của Công đoàn trường phát động. Chúng tôi cũng vô cùng biết ơn sự chỉ đạo, đồng hành của Ban chấp hành Công đoàn nhà trường đã luôn sát cánh cùng các Công đoàn Bộ phận để chúng tôi có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình,

Không có vinh quang nào đo bằng niềm vui khi đồng nghiệp của mình thành công, hạnh phúc và đạt được những thành tích. Với công đoàn bộ phận của các khoa chuyên môn, chúng tôi cũng tự hào vì mình đã một phần làm nên những thành tích của đơn vị, mang sứ mệnh nhà giáo được tiếp lửa, truyền trao cho lớp lớp các thế hệ sinh viên, học viên trong Khoa và trong Trường.

Với những tình cảm đặc biệt nhất trong không khí chào mừng Đại hội Công đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chúng tôi lấy cảm hứng về chuyến đi Tây Nguyên; Tháng 3 mùa con ong đi lấy mật để nói về những hoạt động và đóng góp của Công đoàn Khoa Triết học cũng như tinh thần của những anh em làm công đoàn: Luôn mong muốn mang những yêu thương và hạnh phúc đến cho các công đoàn viên.


Source: 
22-09-2023
Tags