Nhìn lại quan điểm Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021) về chủ trương phát triển giáo dục Việt Nam trong bối cảnh mới

           Đây là kỳ Đại hội có số lượng đại biểu tham dự đông đảo nhất - 1587 đại biểu đại diện cho hơn 5 triệu đảng viên trong cả nước, trong đó 1067 đại biểu có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, 71 đại biểu có học hàm giáo sư, phó giáo sư; 222 đại biểu là nữ, 1579 đại biểu có trình độ cử nhân và cao cấp lý luận chính trị. Đại hội đã thu hút sự quan tâm rộng lớn của toàn dân, toàn hệ thống chính trị và truyền thông trong nước, quốc tế. Với khát vọng đổi mới và sáng tạo, Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục cho thấy những quan điểm đúng đắn và tinh thần quyết tâm thực hiện các mục tiêu, trong đó có lĩnh vực giáo dục đào tạo.

            1. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII- Đại hội đổi mới, sáng tạo và khát vọng phát triển đất nước

            Bên cạnh những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường của tình hình trong nước, quốc tế, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII bổ sung và nhấn mạnh đến hai điểm có ảnh hưởng mạnh đến chủ trương phát triển của đất nước đó là “biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh” và “những thành tựu ngoạn mục của khoa học và công nghệ”. Đây sẽ là những nhân tố ảnh hưởng quan trọng đến việc xác định các mục tiêu, phương hướng phát triển toàn diện của Việt Nam trong nhiệm kỳ Đại hội XIII và trong những năm tiếp theo.

            Nhìn lại 35 năm đổi mới, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đánh giá khái quát những dấu ấn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm, đạt nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật mang tính toàn diện. Báo cáo chính trị cũng đã phân tích, ghi nhận những dấu ấn của toàn Đảng, toàn dân trong năm 2020, “nhờ phát huy được sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc, sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, sự tham gia đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng lòng của nhân dân, chúng ta đã từng bước kiểm soát thành công đại dịch Covid-19; từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh và các hoạt động kinh tế- xã hội; ổn định đời sống, góp phần cùng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; khẳng định bản lĩnh, ý chí, truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, dân tộc ta”[2; tr.78].

            Song song với các thành tựu và nguyên nhân thành tựu, với tinh thần nghiêm khắc kiểm điểm, nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật, Báo cáo chính trị cũng nêu rõ 8 điểm hạn chế, tồn tại trong nhiệm kỳ Đại hội XII. Nhìn lại 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển năm 2011), 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2011-2020, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta thừa nhận “một số chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội…và việc tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được mục tiêu đề ra. Công cuộc đổi mới tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn…” [2; tr.103].

            Qua báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương và Báo cáo chính trị, Đại hội đã tổng kết, rút ra năm bài học kinh nghiệm quan trọng:

            Một là, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng…

            Hai là, trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì bám sát phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… ;

             Ba là, trong lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, tích cực, có bước đi phù hợp; kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc; coi trọng chất lượng và hiệu quả thực tế; tạo đột phá để phát triển;

            Bốn là, tập trung ưu tiên xây dựng đồng bộ thể chế phát triển, đảm bảo sự hài hòa giữa kiên định và đổi mới, kế thừa và phát triển, giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, văn hóa, xã hội…;

            Năm là, chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo đúng tình hình, tuyệt đối không được để bị động, bất ngờ. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đi đôi với giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn để phát triển đất nước.

            Trên cơ sở dự báo tình hình thế giới và đất nước những năm sắp tới hàm chứa cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn thách thức đan xen, trong đó “bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn”, Đại hội đã nêu lên các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu phát triển đất nước trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng và trong những chặng đường tiếp theo. Về xác mục tiêu phát triển, so với Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII thì Đại hội Đảng lần thứ XIII đã làm rõ hơn mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể với nhiều điểm mới trong việc xác định lộ trình sự phát triển của đất nước. Về mục tiêu tổng quát, nếu như  Đại hội XII (2016) xác định mục tiêu tổng quát “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”[1; tr.76], Đại hội Đảng lần thứ XIII (2021) đã bổ sung mốc thời gian “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng XHCN” [2; tr.112].

            Điểm mới của Đại hội XIII của Đảng (2021) là hoạch định lộ trình ba giai đoạn tương ứng với ba nhóm mục tiêu cụ thể:

            Giai đoạn 1: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt mức thu nhập trung bình thấp.

            Giai đoạn 2: Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

            Giai đoạn 3: Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

            Các chỉ tiêu cụ thể được xác định dựa theo ba trục: kinh tế- xã hội- môi trường. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 4700-5000 USD, so với mức 3200-3500 USD/ người vào năm 2020.

            Trên cơ sở mục tiêu, Đại hội đã xác định những định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển đất nước giai đoạn 10 năm (2021-2030):

            (1)Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng hoàn thiện, đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường…;

            (2)Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

            (3)Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

            (4)Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

            (5)Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người.

            (6)Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên.

            (7)Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

            (8)Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá; chủ động tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.

            (9)Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ XHCN, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

            (10)Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước.

            (11)Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện; tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

            (12) Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn: quan hệ giữa ổn định, đổi mới và phát triển; giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng XHCN…

             Không những vậy, Đại hội Đảng lần thứ XIII (2021) còn chỉ rõ, thảo luận thẳng thắn về 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược toàn Đảng, toàn dân, toàn quân sẽ dốc sức thực hiện cho bằng được trong nhiệm kỳ đại hội. Sáu nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Tập trung kiểm soát đại dịch Covid-19, tiêm chủng đại trà vắcxin, phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội; Giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách; Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường. Ba đột phá chiến lược được Đại hội thống nhất cần quyết liệt thực hiện trong 5 năm tới là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.

            Với phương châm Đoàn kết- Kỷ cương- Dân chủ- Sáng tạo- Phát triển, ý thức trách nhiệm cao trước Đảng, nhân dân và đất nước,  Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là đại hội kết tinh bản lĩnh, khát vọng, tinh thần đổi mới, sáng tạo và“trách nhiệm lịch sử to lớn đối với Tổ quốc, đồng bào và dân tộc ta, không chỉ trong giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 mà cho cả những thập niên tới, cho những thế hệ tương lai của đất nước. Với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đổi mới, hội nhập và phát triển, phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức, đồng lòng, kiên định niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn, Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng gắn với việc đánh giá 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới; 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991; 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045” [2; tr.9]

2. Chủ trương của Đại hội lần thứ XIII (2021) về vấn đề đổi mới giáo dục và đào tạo

            Giáo dục, đào tạo- cùng với khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt cho sự phát triển của đất nước. Giáo dục và đào tạo là một trong những vấn đề nổi bật được Đại hội Đảng lần thứ XIII xem như một trong những nhân tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của đất nước trong thời kỳ 2021-2030 và thực hiện thắng lợi các dấu mốc quan trọng vào năm 2025, năm 2030 và năm 2045. Điểm đáng chú ý ở đây là tinh thần xuyên suốt của Đại hội Đảng lần thứ XIII là khơi dậy khát vọng đổi mới và sáng tạo thì giáo dục và đào tạo cũng cần hướng tới hành động giáo dục khát vọng đổi mới và sáng tạo cho người dạy, người học và toàn ngành, toàn hệ thống giáo dục. Bên cạnh đó, xuyên suốt từ quan điểm Đại hội XII đến Đại hội XIII, giáo dục và đào tạo được xem như một yếu tố quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi đột phá chiến lược thứ hai của Đảng- về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

            Dấu ấn của sự tiếp tục tư duy đổi mới về giáo dục và đào tạo của Đảng trước hết thể hiện ở việc nhìn nhận nghiêm túc những kết quả đạt được của giáo dục trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XII (2016-2021). Về thành tựu, cùng với khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo trong giai đoạn 2016-2020 “được đổi mới và có bước phát triển”, được biểu hiện qua kết quả của một số tiêu chí cụ thể như chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được tích cực triển khai; mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo tiếp tục được mở rộng về quy mô; chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới được ban hành và đang tích cực triển khai; phương pháp giảng dạy và học tập có bước đổi mới; quản lý và quản trị đại học từng bước được nâng lên; cơ chế, chính sách tài chính cho giáo dục và đào tạo từng bước được đổi mới…Tuy nhiên, trong 5 năm vừa qua, việc thực hiện các mục tiêu, định hướng đối với giáo dục còn vấp phải nhưng hạn chế là “chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội”. Đổi mới tư duy, hoạt động giáo dục và đào tạo còn chậm, chưa quyết liệt, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Điều đó đặt ra nhiệm vụ cho nhiệm kỳ Đại hội XIII đề ra chủ trương đề cao hơn nữa vai trò của giáo dục và đào tạo trong đổi mới, sáng tạo, phát triển giáo dục con người Việt Nam toàn diện, có trách nhiệm, có bản lĩnh và khát vọng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

            Tư tưởng khơi dậy khát vọng đổi mới, sáng tạo trên lĩnh vực giáo dục của Đảng thể hiện rõ qua mục tiêu và định hướng phát triển. Đảng chủ trương, trong nhiệm kỳ đại hội lần thứ XIII và trong những năm tiếp theo là “tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài” [2; tr.37 & tr115]. Giáo dục nằm trong khâu đột phá chiến lược thứ hai “phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tại đột phá này, Đảng chủ trương “tạo bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng đãi ngộ người tài” [2; tr.54], nhằm hướng tới xây dựng sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

            Với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người, Báo cáo chính trị đã chỉ ra các phương hướng, nhiệm vụ cụ thể trong nhiệm kỳ Đại hội XIII mà giáo dục cần phải thực hiện thắng lợi:

            Thứ nhất, “xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo”, “tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người Việt Nam toàn diện” [2; tr.136]. Việc xây dựng đồng bộ thể chế, là một trong ba đột phá chiến lược mà Đảng xác định là mục tiêu trước mắt và lâu dài của sự nghiệp cách mạng. Bên cạnh đó,  nếu như ở Nghị quyết Đại hội XII, yếu tố giáo dục con người Việt Nam được xác định là “phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, sống tốt và làm việc có hiệu quả” [1; tr.115] thì Nghị quyết Đại hội XIII nhấn mạnh yếu tố giáo dục con người để phát huy đạo đức nhân cách, năng lực sáng tạo, các giá trị cốt lõi và khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trên cơ sở “giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ” [2; tr.136].

            Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân để “mỗi người dân có cơ hội thụ hưởng công bằng thành quả của nền giáo dục”. Bên cạnh các vấn đề về phổ cập giáo dục, về phân luồng và xã hội hoá giáo dục, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng chú trọng hơn đến việc “đẩy mạnh tự chủ đại học. Có chính sách đột phá phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Thúc đẩy các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao” nhằm hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho đất nước. Riêng đối với vấn đề tự chủ đại học, đây là một chủ trương đúng đắn và phủ hợp với xu thể phát triển của giáo dục thế giới.  Vậy nên, nếu như ở Nghị quyết Đại hội XII (2016), Đảng chủ trương “giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đào tao” [1, tr.116] thì lần đầu tiên trong một Nghị quyết một kì đại hội Đảng, vấn đề tự chủ đại học không chỉ được nhắc đến mà còn được nhấn mạnh bằng cụm từ “đẩy mạnh” như một sự quyết tâm hành động trong nhiệm kỳ đại hội XIII. Nhận thức này là kết quả tất yếu của quá trình triển khai tự chủ đại học từ năm 2015 cho đến 2020 gắn với Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ, Luật giáo dục Đại học sửa đổi và Nghị định 99/2019/NĐ-CP.

            Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, lấy chất lượng và hiệu quả đầu ra làm thước đo. Không những vậy, trong định hướng này, Đảng chủ trương “xây dựng và triển khai lộ trình tiến tới miễn học phí đối với học sinh phổ thông, trước hết là đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở”, “quan tâm thích đáng đến phát triển giáo dục ở miền núi, vùng cao, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”- là những vùng khó khăn nhưng giữ vị trí trọng yếu của quốc gia nên phát triển, đầu tư giáo dục không chỉ mang ý nghĩa nhân văn mà còn liên quan mật thiết tới việc nâng cao hàm lượng chất xám trong phát triển kinh tế, xã hội và an ninh, quốc phòng.

            Thứ tư, hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của các cơ sở giáo dục và đào tạo. Gắn kết chặt chẽ giáo dục và đào tạo với nghiên cứu, triển khai, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ mới; hình thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, các nhóm đổi mới sáng tạo mạnh. Riêng đối với vấn đề đội ngũ, nếu như ở Nghị quyết Đại hội XII (2016), Đảng chủ trương “phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý” thì đến Nghị quyết Đại hội XIII (2021), Đảng nâng lên một bước bằng việc nhấn mạnh “cùng với đề cao vị trí, vai trò và trách nhiệm xã hội, cần đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt” [2; tr.138].

            Thứ năm, nhà nước tiếp tục tăng đầu tư cho giáo dục và đào tạo gắn với đổi mới cơ chế, chính sách để đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục và đào tạo đúng hướng, hiệu quả, “xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh”, “hoàn thiện và thực hiện ổn định các phương thức đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục và đào tạo, thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào các trường đại học, cao đằng và đào tạo nghề”. Trên cơ sở đó, nền giáo dục Việt Nam có thể phấn đấu “trở thành một quốc gia mạnh về giáo dục và đào tạo ở khu vực, bắt kịp với trình độ tiên tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế”. Mục tiêu này là sự kế thừa và phát triển lên một bước so với quan điểm của Đại hội XII “phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực” [1; tr.115].

******************************

            Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021) diễn ra khi nhân loại và đất nước ta bước vào thập niên thứ ba của thế kỳ XXI với việc phải đối mặt với nhiều thách thức mới gay gắt hơn như nguy cơ tụt hậu đến từ tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những hệ luỵ đa chiều từ ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là tác động toàn diện của đại dịch Covid-19, sự phức tạp trong quan hệ giữa các cường quốc trên bàn cờ địa chính trị, địa kinh tế thế giới và cả những tồn tại, hạn chế đến từ bên trong sau 35 năm tiến hành đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991. Chính trong hoàn cảnh đặc biệt này, bản lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục được khẳng định qua tư tưởng khơi dậy, đánh thức khát vọng phát triển đất nước và các mục tiêu, định hướng và lộ trình, quyết tâm thực hiện được xác định rõ ràng, đúng tầm mức. Trong 12 định hướng trụ cột, giáo dục và đào tạo là một trong những vấn đề nổi bật thu hút sự quan tâm của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội. Giáo dục và đào tạo không chỉ là quốc sách hàng đầu,  mà còn là động lực then chốt khơi nguồn khát vọng đổi mới, sáng tạo cho mỗi người dân trên chặng đường thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 29 (2013). Sự kiên định với ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân và những điểm mới trong nội dung của Nghị quyết Đại hội XIII, trong đó bao hàm cả tư tưởng đẩy mạnh giáo dục và đào tạo, là kim chỉ nam, nền tảng tạo nên những giá trị cốt lõi được đúc kết về mô hình chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.

           

 

Tài liệu tham khảo

            1.Đảng Cộng sản Việt Nam. 2016. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nxb. CTQG, Hà Nội.

            2.Đảng Cộng sản Việt Nam. 2021. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tập 1, Nxb. CTQG, Hà Nội.

            3.Đảng Cộng sản Việt Nam. 2021. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tập 2, Nxb. CTQG, Hà Nội.

            4. Hội đồng lý luận Trung ương. 2021. 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. CTQG, Hà Nội.

5.Nguyễn Đức Hà. 2021. 10 dấu ấn nổi bật về Đại hội XIII của Đảng.

Nguồn: https://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/10-dau-an-noi-bat-ve-Dai-hoi-XIII-cua-Dang/422654.vgp.

 

           

Nguyễn Thị Thanh Tùng

                                                            Khoa LLCT- GDCD, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

 

 

 

 

           

 

 

 


Source: 
02-02-2023
Tags