Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của người thầy trong xây dựng và thực hành văn hóa nhà trường sư phạm hiện nay

Ngày nay, cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì nền kinh tế tri thức cũng đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh những cơ hội, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nền kinh tế tri thức cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho mỗi quốc gia trong quá trình phát triển. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, hội nhập nhưng không hoà tan, Việt Nam đã tiến hành đổi mới toàn diện đất nước, trong đó cũng không ngừng đổi mới giáo dục. Trong quá trình đổi mới giáo dục, các trường sư phạm giữ một vai trò vô cùng quan trọng nên cần kế thừa và vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của người thầy nhằm phát huy vai trò của người thầy trong nâng cao chất lượng đào tạo và hướng đến xây dựng văn hoá nhà trường sư phạm hiệu quả làm cơ sở, nền tảng cho quá trình đào tạo ở các trường sư phạm ở Việt Nam.

Đề cập tới nội dung nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh và văn hoá nhà trường sư phạm đã có nhiều công trình nghiên cứu khác nhau như Trương Văn Tuấn (2016), “Vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh về vai trò người thầy vào việc bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục đào tạo” [13]; Phạm Thúy Quỳnh Nga (2020),
“Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của người thầy với sự nghiệp giáo dục trong bối cảnh hội nhập” [10]; Thu Hạnh (2022), “Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, trách nhiệm của người thầy trong sự nghiệp trồng người”, [1]; Nguyễn Thị Minh Nguyệt (2013), “Biện pháp xây dựng văn hoá nhà trường sư phạm ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội” [11]; Nguyễn Thị Ngọc Phương, Đỗ Đình Thái (2018), “Một số vấn đề lí luận về phát triển văn hoá nhà trường” [12];... Với các góc tiếp cận khác nhau, các công trình nghiên cứu đã chỉ ra các nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của người thầy, tầm quan trọng của văn hoá nhà trường, biện pháp xây dựng văn hoá nhà trường sư phạm. Tuy nhiên, chưa có công trình nào trực tiếp đề cập đến việc vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của người thầy trong xây dựng văn hoá nhà trường sư phạm. Chính vì vậy, việc nghiên cứu một cách toàn diện và hệ thống quá trình vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của người thầy trong xây dựng văn hoá nhà trường sư phạm hiện nay có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết nhằm phát triển văn hoá nhà trường sư phạm phù hợp với quá trình đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế.

NỘI DUNG 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của người thầy trong xây dựng văn hoá nhà trường sư phạm

Văn hoá nhà trường sư phạm được hình thành và phát triển gắn với sự phát triển của nhà trường. Nó là kết quả của một quá trình phát triển lâu dài trên nền tảng văn hoá của dân tộc Việt Nam. Văn hoá nhà trường sư phạm đã tích lũy những giá trị tốt đẹp của dân tộc và nâng tầm lên phù hợp với thời đại. Trong đó, mục tiêu chung của văn hoá nhà trường sư phạm là phục vụ cho mục tiêu đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu của xã hội. Vì vậy, văn hoá nhà trường trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển của các trường sư phạm hiện nay.

Văn hoá nhà trường sư phạm thường được thể hiện qua sứ mạng, tầm nhìn; các chuẩn mực, giá trị, niềm tin; các truyền thống, nghi thức, nghi lễ; lịch sử và những câu chuyện; con người và các mối quan hệ trong nhà trường; kiến trúc, biểu tượng và các hiện vật trong nhà trường [11, tr.26]. Thông qua các biểu hiện đó, mỗi trường sư phạm bên cạnh những điểm chung cũng tạo ra những nét đặc trưng riêng, bản sắc riêng phản ánh lịch sử hình thành và phát triển của nhà trường. Các biểu hiện của văn hoá nhà trường sư phạm đã làm cho các chủ thể hiểu và nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình, hình thành một thái độ và niềm tin tích cực. Đồng thời, văn hóa nhà trường sư phạm còn tạo nên một môi trường văn hoá lành mạnh, dân chủ và tiến bộ, góp phần phát huy vai trò của các chủ thể trong thực hiện mục tiêu giáo dục. Từ đó, hạn chế được các xung đột, mâu thuẫn, hướng đến nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả đào tạo của các nhà trường sư phạm.

Khảo cứu tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể thấy, Người không trực tiếp bàn về vai trò của người thầy trong xây dựng văn hoá nhà trường sư phạm nhưng tư tưởng của Người về vai trò của người thầy nói chung được thể hiện trong nhiều quan điểm ở các bài nói, bài viết khác nhau. Do đó, khi nghiên cứu tư tưởng của Người về vai trò của người thầy đặt trong mối quan hệ với xây dựng văn hoá nhà trường sư phạm, bài viết sẽ chỉ ra một số nội dung cơ bản sau đây:

Thứ nhất, người thầy là một trong những chủ thể tham gia xây dựng văn hoá nhà trường sư phạm.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy trong xã hội mới có vai trò khác với người thầy trong chế độ xã hội cũ. Bởi họ không làm nhiệm vụ giáo dục để “kiếm cơm” mà coi đó là một nhiệm vụ vẻ vang, một trách nhiệm cao cả là “trồng người” cho xã hội. Do đó, trong nhà trường nói chung và nhà trường sư phạm nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi người thầy là “những anh hùng vô danh” có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.

Trong nhà trường sư phạm, cùng với người học thì người thầy là một trong những chủ thể của quá trình giáo dục. Người thầy trực tiếp tham gia vào việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện của nhà trường sư phạm trên mọi phương diện. Chính vì vậy, khi xây dựng văn hoá nhà trường sư phạm, tất yếu cần phải phát huy vai trò của người thầy. Tuy nhiên, theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để hoàn thành được vai trò chủ thể tham gia xây dựng văn hoá nhà trường sư phạm, người thầy cần phải có phẩm chất và năng lực nhất định. Người nhấn mạnh: “Trong giáo dục không những phải có tri thức phổ thông mà phải có đạo đức cách mạng. Có tài phải có đức. Có tài mà không có đức, tham ô hủ hoá có hại cho nước. Có đức mà không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích được gì cho ai” [5, tr.345]. Như vậy, với tư cách là một trong những chủ thể tham gia xây dựng văn hoá nhà trường sư phạm, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người thầy phải không ngừng tu dưỡng và rèn luyện nâng cao đạo đức và trình độ chuyên môn của bản thân. Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “đức là chính trị” [7, tr.270] của người thầy, nó làm nền tảng cho nhân cách của người thầy.

Thứ hai, người thầy giữ vai trò dẫn lối cho việc xây dựng văn hoá nhà trường sư phạm.

Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hoá nói chung thì văn hoá chính là toàn bộ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra và phục vụ đời sống của con người. Do đó, văn hoá trong nhà trường sư phạm cũng do các chủ thể sáng tạo ra và thực hiện trong quá trình giảng dạy và giáo dục. Để lan tỏa được văn hoá nhà trường sư phạm cần phát huy vai trò của người thầy nhằm dẫn lối cho người học thực hiện. Qua đó, đưa văn hoá nhà trường sư phạm từng bước thẩm thấu vào trong nhận thức và hành động của người học.

Với vai trò dẫn lối của người thầy trong xây dựng văn hoá nhà trường sư phạm, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao tấm gương của người thầy. Người khẳng định: “Thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu” [3, tr.74]. Tấm gương sáng của người thầy được lan tỏa trong nhà trường sẽ có những tác động mạnh mẽ và tích cực tới nhận thức và làm thay đổi hành vi của người học. Từ đó, sẽ tạo nên văn hoá của nhà trường sư phạm, tạo ra một môi trường lành mạnh hướng người học đến những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Người cũng chỉ rõ: “Thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu” [4, tr.492]. Vì vậy, trong xây dựng văn hoá nhà trường sư phạm, cần phải phát huy vai trò tấm gương điển hình của người thầy, đồng thời, phải kiên quyết phê phán, lên án những hành vi tiêu cực của người thầy.

Bên cạnh đó, khi xây dựng văn hoá nhà trường sư phạm, để thực hiện vai trò dẫn lối của người thầy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta... phải có chí khí cao thượng, phải “tiên ưu hậu lạc” nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ.” [9, tr.403]. Tức là người thầy phải nêu cao tinh thần ý chí vượt khó, vượt khổ trong làm gương cho người học khi xây dựng văn hoá nhà trường sư phạm. Có như vậy, người thầy mới tạo được niềm tin vững chắc cho người học về những giá trị tốt đẹp của văn hoá nhà trường.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ nền tảng để người thầy phát huy vai trò dẫn lối của mình trong xây dựng văn hoá nhà trường sư phạm là yêu nghề, yêu người. Người nhấn mạnh: “Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình. Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản?” [9, tr.2]. Yêu nghề, yêu người không chỉ giúp người thầy vượt qua được khó khăn trong công việc, tích cực xây dựng văn hoá nhà trường sư phạm mà còn tạo ra những thế hệ người học vừa có đức, vừa có tài.

Thứ ba, người thầy là chủ thể tích cực trong thực hành văn hoá nhà trường sư phạm.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của hoạt động thực hành trong đời sống xã hội. Người khẳng định: “Thực hành, hiểu biết. Lại thực hành, lại hiểu biết nữa. Cứ đi vòng như thế mãi, không bao giờ ngừng. Và nội dung của thực hành và hiểu biết lần sau cao hơn lần trước. Đó là nội dung vấn đề hiểu biết trong duy vật biện chứng” [7, tr.270]. Như vậy, giữa thực hành và hiểu biết có mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng với nhau nhằm hướng tới việc nâng cao trình độ nhận thức và hiệu quả hoạt động của con người. Vì vậy, với tư cách là một chủ thể tham gia xây dựng văn hoá nhà trường sư phạm, nhưng cũng đồng thời là chủ thể thực hiện và thụ hưởng các giá trị văn hoá, người thầy phải tích cực thực hành trong hoạt động giáo dục và các mối quan hệ.

Để thực hành văn hoá nhà trường sư phạm, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải có môi trường dân chủ làm “chìa khoá vạn năng”. Người chỉ rõ: “Trong trường, cần có dân chủ. Đối với mọi vấn đề, thầy và trò cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì đều thật thà phát biểu. Điều gì chưa thông suốt, thì hỏi, bàn cho thông suốt. Dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò, chứ không phải là “cá đối bằng đầu”” [4, tr.266). Dân chủ trong nhà trường tạo động lực không chỉ cho người thầy mà còn cho cả người học trong việc tham gia xây dựng và thực hành văn hoá nhà trường sư phạm. Trên cơ sở đó, làm cho văn hoá nhà trường sư phạm ngày càng hoàn thiện hơn và được thực hiện hiệu quả trong mọi hoạt động. Đồng thời, Người cũng khẳng định, dân chủ trong thực hành văn hoá nhà trường sư phạm không phải là dân chủ quá trớn, “cá đối bằng đầu” mà dựa trên các giá trị văn hoá cốt lõi của nhà trường nhằm đảm bảo sự bình đẳng, yêu thương giữa người thầy và người học. Từ đây có thể thấy, dân chủ chính là một trong những nội dung của văn hoá nhà trường sư phạm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khi thực hành văn hoá nhà trường sư phạm, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với dân chủ cần phải tạo ra phong trào thi đua để tạo nên sự thống nhất. Người nêu ra: “Trong một trường học, các thầy nên thi nhau tìm cách dạy sao cho dể hiểu, dễ nhớ, nhanh chóng và thiết thực” [3, tr.120]. Thông qua việc thực hiện thi đua giữa những thầy cô giáo trong nhà trường sẽ tạo ra sức mạnh tập thể to lớn, lan tỏa các giá trị văn hoá nhà trường sư phạm. Từ đó, cũng góp phần củng cố và tăng cường sự đoàn kết, nhất trí của nhà trường.

Văn hoá nhà trường sư phạm được tạo dựng không chỉ bởi những người thầy mà còn là sự thống nhất của nhiều chủ thể khác. Vì vậy, khi thực hành văn hoá nhà trường sư phạm, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Bởi theo Người, kinh nghiệm thực tiễn đã chỉ ra: “Vì giáo dục nhà trường không kết hợp chặt chẽ với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội, cho nên trong giờ học thì cháu nào cũng ngoan, ngoài giờ học thì có một số vì nhàn rảnh và không ai săn sóc mà dễ sinh hư” [8, tr.28]. Người thầy chính là cầu nối giữa gia đình với nhà trường và xã hội nên nếu người thầy thẩm thấu, thực hành được các giá trị văn hoá sẽ góp phần nâng cao vị trí và vai trò của nhà trường trong thực tiễn.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của người thầy trong xây dựng văn hoá nhà trường sư phạm hiện nay

Khi đề cập tới vai trò của nhà trường nói chung, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Từ tiểu học, trung học, cho đến đại học, là nơi rèn luyện nhi đồng và thanh niên” [3, tr.120]. Như vậy, nhà trường có một vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của người học. Thông qua các hoạt động giáo dục và dạy học trong nhà trường, người học không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn từng bước hoàn thiện bản thân.

Từ xa xưa, cha ông ta đã khẳng định: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy”. Ngày nay, trong bối cảnh lịch sử mới, trước yêu cầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, Đảng và Nhà nước ta ngày càng coi trọng vai trò của giáo dục. Do đó, để phát huy vai trò của mình, trong những năm qua, các nhà trường sư phạm đã không ngừng xây dựng các giá trị văn hoá ở bề nổi và chiều sâu để tạo nên giá trị và thương hiệu riêng. Trong quá trình xây dựng văn hoá nhà trường sư phạm, tất yếu phải kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của người thầy nhằm nâng cao chất lượng quá trình giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế. Vì vậy, để phát huy vai trò của người thầy trong xây dựng văn hoá nhà trường sư phạm hiện nay cần tập trung vào một số nội dung cơ bản sau đây:

Thứ nhất, phát huy vai trò của người thầy trong xây dựng các nội dung của văn hoá nhà trường sư phạm.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Số sách vở nhiều hay là ít cũng chứng tỏ trình độ văn hoá của một dân tộc thấp hay là cao” [6, tr.141]. Vì vậy, sách có vai trò quan trọng đối với việc phát triển con người. Thông qua việc đọc sách, con người mở rộng hiểu biết, chia sẻ và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Đối với người thầy làm nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu ở các trường sư phạm hiện nay, họ là những người không chỉ có tri thức chuyên môn tốt mà còn có hiểu biết sâu rộng về nhiều lĩnh vực của đời sống. Vì vậy, họ không ngừng học tập thông qua sách vở, thực tiễn để nâng cao trình độ, phẩm chất và năng lực của bản thân.

Để xây dựng được các nội dung của văn hoá nhà trường sư phạm, cần phải phát huy vốn tri thức của mỗi người thầy. Trên cơ sở lòng yêu nghề, yêu trường, yêu trò, mỗi người thầy sẽ tích cực nghiên cứu lịch sử phát triển của nhà trường, tìm hiểu tinh hoa giáo dục của thế giới để có những đề xuất trong xác định các nội dung của văn hoá nhà trường trên các phương diện khác nhau. Người thầy cần nhận thức được các quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về giáo dục và nghiêm túc thực hiện các quan điểm của Đảng bộ nhà trường trong thực hiện mục tiêu giáo dục và trách nhiệm xây dựng văn hoá nhà trường. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, nhà trường sư phạm cần tạo ra một môi trường dân chủ thực sự, để người thầy có điều kiện đóng góp, chia sẻ các ý kiến của mình trong xây dựng văn hoá nhà trường. Trên cơ sở đó, tạo ra một môi trường trao đổi không chỉ về học thuật mà còn các vấn đề thực tiễn trong phát triển nhà trường nói chung và xây dựng văn hoá nhà trường nói riêng.

Khi phát huy vai trò của người thầy trong xây dựng văn hoá nhà trường, cần đảm bảo thực hiện tư tưởng về đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người chỉ rõ: “Đoàn kết thật sự, giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa trò và trò, giữa cán bộ và công nhân. Toàn thể nhà trường phải đoàn kết thành một khối, đoàn kết phải thật sự trăm phần trăm chứ không phải chỉ là đoàn kết miệng” [5, tr.402]. Tức là, thông qua đoàn kết, người thầy đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ của bản thân do nhà trường giao. Từ đó, đoàn kết trong nhà trường đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp nhà trường hoàn thành mọi mục tiêu.

Bên cạnh đó, các nhà trường sư phạm cần quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sử dụng người thầy. Cụ thể, Người nhấn mạnh: “Người nào có năng lực làm việc gì, thì đặt vào việc ấy. Nếu dùng không đúng, người giỏi nghề thợ mộc thì giao cho việc thợ rèn, người giỏi nghề rèn thì giao cho việc thợ mộc, như thế thì hai người đều thất bại cả hai” [3, tr.119). Chính vì vậy, Ban Giám hiệu nhà trường cần giao đúng người đúng việc cho người thầy nhằm đảm bảo phát huy tối đa trí tuệ và năng lực.

Thứ hai, phát huy vai trò của người thầy trong xây dựng văn hoá giảng dạy tích cực nhằm hiện thực hoá văn hoá nhà trường sư phạm.

Văn hoá nhà trường sư phạm được thể hiện trong hoạt động của người thầy. Một trong những hoạt động chủ yếu của người thầy trong nhà trường sư phạm là giảng dạy. Thông qua giảng dạy, người học đánh giá được nhận thức, thái độ, hành vi của người thầy. Do đó, dù ngày nay công nghệ có phát triển như thế nào thì cũng không thể thay thế được vai trò của người thầy.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ. Chớ tự túc, tự mãn, cho là giỏi rồi thì dừng lại. Mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, mình tự đào thải trước. Cho nên phải cố gắng học tập để cải tạo mình, cải tạo tư tưởng của mình, cải tạo con em và giúp vào việc cải tạo xã hội” [4, tr.489]. Vì vậy, mỗi người thầy cần không ngừng hoàn thiện bản thân trong quá trình giảng dạy. Trong đó, văn hoá giảng dạy của người thầy ở các trường sư phạm được thể hiện ở phẩm chất, đạo đức, năng lực giảng dạy và giáo dục, năng lực nghiên cứu khoa học, khả năng sáng tạo phù hợp với thực tiễn. Khi giáo viên có được văn hoá giảng dạy tích cực thu hút được người học thì đó là con đường hiệu quả để lan tỏa văn hoá nhà trường.

Để xây dựng văn hoá nhà trường sư phạm, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay thì cần đẩy mạnh hơn phong trào thi đua dân chủ giữa những người thầy với nhiều hình thức và nội dung khác nhau. Đồng thời, theo Người: “Cần phải ưu đãi các giáo viên và khen thưởng những lớp tổ chức tốt” [3, tr.311]. Có như vậy, mới tạo động lực cho người thầy trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Trên cơ sở đó, các trường sư phạm cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thi đua dạy tốt, khuyến khích sáng tạo và đổi mới phương pháp giáo dục. Qua đó, góp phần nâng cao văn hoá giảng dạy của người thầy nói riêng và văn hoá nhà trường sư phạm nói chung.

Thứ ba, phát huy vai trò nêu gương của người thầy trong xây dựng và thực hành văn hoá nhà trường sư phạm.

Bàn về vai trò của nêu gương trong giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” [2, tr.284]. Với tư tưởng đó, trong quá trình xây dựng và thực hành văn hoá nhà trường sư phạm cần phát huy vai trò tấm gương sáng của người thầy. Bởi thực tế, mỗi lời nói, hành động của người thầy có ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách của người học. Nhất là đối với người học ở các trường sư phạm, lối sống và ứng xử của thầy cô với học trò sẽ là những bài học quan trọng cho quá trình học tập và làm việc.

Trong xây dựng và thực hành văn hoá nhà trường sư phạm, mỗi người thầy bên cạnh việc tích cực thực hiện quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước thì cần tích cực và trực tiếp thực hiện văn hoá nhà trường. Cụ thể, người thầy cần làm các việc sau đây: 1) Người thầy cần hiểu rõ sứ mạng của nhà trường nơi mình công tác trong sự nghiệp giáo dục của Việt Nam để không ngừng tu dưỡng và rèn luyện bản thân. 2) Người thầy phải nắm được tầm nhìn phát triển của nhà trường trong bối cảnh hiện nay phù hợp với thực tiễn của đất nước và xu thế của thời đại. 3) Người thầy thấm nhuần các giá trị cốt lõi của nhà trường và vận dụng vào quá trình giảng dạy, giáo dục của bản thân. 4) Người thầy luôn hướng đến triết lí giáo dục của nhà trường là luôn hướng tới sự phát triển cộng đồng để không ngừng hành động và chia sẻ các giá trị, tri thức. 5) Ngoài ra người thầy cần tôn trọng và hiểu rõ lịch sử phát triển, các ngày lễ, các công trình mang tính chất lịch sử của nhà trường, tích cực tiếp thu các tinh hoa giáo dục của thế giới. Trên cơ sở đó, người thầy lan tỏa các giá trị của văn hoá nhà trường trong hoạt động của mình.

3.    KẾT LUẬN

Từ những nghiên cứu trên, có thể thấy, trong giai đoạn hiện nay tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của người thầy nói chung và trong xây dựng, thực hành văn hoá nhà trường sư phạm vẫn có giá trị to lớn. Vì vậy, các nhà trường sư phạm cần kế thừa và phát triển tư tưởng của Người một cách linh hoạt, sáng tạo sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn nhằm phát huy hiệu quả vai trò của người thầy trong xây dựng văn hoá nhà trường. Đồng thời, mỗi người thầy cũng cần tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất đạo đức và trình độ năng lực của bản thân xứng đáng với lời vinh danh của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo.

TS. Hoàng Thị Thuận - Khoa LLCT - GDCD

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Thu Hạnh (2022), “Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, trách nhiệm của người thầy trong sự nghiệp trồng người”, Tạp chí Việt Nam hội nhập, số 250 tháng 5/2022, tr.6 – 9.
  2. Hồ Chí Minh, 2011. Toàn tập, Tập 1. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  3. Hồ Chí Minh, 2011. Toàn tập, Tập 5. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  4. Hồ Chí Minh, 2011. Toàn tập, Tập 9. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  5. Hồ Chí Minh, 2011. Toàn tập, Tập 10. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  6. Hồ Chí Minh, 2011. Toàn tập, Tập 11. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  7. Hồ Chí Minh, 2011. Toàn tập, Tập 12. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  8. Hồ Chí Minh, 2011. Toàn tập, Tập 13. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  9. Hồ Chí Minh, 2011. Toàn tập, Tập 14. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  10. Phạm Thúy Quỳnh Nga (2020), “Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của người thầy với sự nghiệp giáo dục trong bối cảnh hội nhập”, Tạp chí Quản lí giáo dục, số 7, tr.67 – 69.
  11. Nguyễn Thị Minh Nguyệt (2013), “Biện pháp xây dựng văn hoá nhà trường sư phạm ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội”, Tạp chí Giáo dục, số 316, kì 2-8/2013, tr.25 – 28.
  12. Nguyễn Thị Ngọc Phương, Đỗ Đình Thái (2018), “Một số vấn đề lí luận về phát triển văn hoá nhà trường”, Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt tháng 8/2018, tr.72 – 78.

Trương Văn Tuấn (2016), “Vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh về vai trò người thầy vào việc bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục đào tạo”, Tạp chí khoa học – Trường Đại học Đồng Nai, số 2, tr.18 – 27

 


Source: 
19-05-2023
Tags