Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh và những giá trị trong việc phát triển văn hóa nhà trường sư phạm hiện nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, đồng thời Người còn là một danh nhân văn hoá kiệt xuất. Người đã để lại cho chúng ta nhiều di sản, báu vật có giá trị trường tồn về tấm gương, tư tưởng, đạo đức, phong cách, trong đó có vấn đề văn hoá ứng xử. Xoay quanh chủ đề này, nhiều học giả đã quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu từ khá sớm, tiêu biểu có thể kể đến một số công trình sau: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch của Trần Dân Tiên [11]; Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử của Viện Hồ Chí Minh [12]; Đặc trưng văn hoá ứng xử Hồ Chí Minh của Cao Thị Hải Yến [12]; Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh của Viện Hồ Chí Minh [14]; Tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh của Nguyễn Duy Niên [10],... Các công trình, bài viết đã đề cập đến văn hoá ứng xử Hồ Chí Minh ở các khía cạnh khác nhau. Tất cả đều có giá trị tham khảo tốt. Nội hàm văn hoá ứng xử Hồ Chí Minh khá rộng, cơ bản có thể hiểu là: thái độ, hành động (hành vi) của Hồ Chí Minh đối với bản thân, với người khác, công việc và môi trường thiên nhiên. Trong khuôn khổ của một bài viết, trên cơ sở kế thừa kết quả của những nhà nghiên cứu đi trước, chúng tôi tập trung tìm hiểu, khai thác và làm sâu sắc hơn thái độ, hành vi của Hồ Chí Minh đối với người khác, từ đó tổng kết những giá trị cần vận dụng trong nhà trường sư phạm nói chung, trường đại học sư phạm nói riêng của nước ta hiện nay.

 NỘI DUNG

Văn hoá ứng xử Hồ Chí Minh

Đối với người thân trong gia đình, anh em, họ hàng

Do điều kiện, hoàn cảnh và yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn hoạt động cách mạng,
Hồ Chí Minh xa người thân trong gia đình của mình từ khá sớm và Người cũng không lấy vợ, sống một mình, hiến dâng cả cuộc đời cho dân tộc Việt Nam. Mẹ mất sớm từ năm 1901 (lúc Người 11 tuổi), từ năm 1911, sau khi rời xa Tổ quốc đi tìm đường cứu nước, hiếm khi Người được gặp lại người thân trong gia đình. Chính vì vậy, có nhiều người được Hồ Chí Minh coi như người thân trong gia đình mình, như: các đồng chí thư kí riêng (Đỗ Đình Thiện, Vũ Kỳ); các đồng chí cộng sự (Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai, Nguyễn Khánh Toàn, Cù Huy Cận,...); những người con đỡ đầu, cùng gia đình của các cháu (ông bà Raymông Ôbrắc cùng con gái đỡ đầu Êlidabét; nữ phóng viên người Pháp Ma đơ len Rípphô; Knuth Wolfgang Walther Hartmann cùng bố mẹ người Đức; Irina Đimitơriépna Đênia cùng bố mẹ người Liên Xô; Hoàng thân Xuphanuvông – Lào),... 

Với những người kể trên, Hồ Chí Minh thường cư xử, giao tiếp rất thân mật, tình cảm sâu nặng. Mỗi khi gặp mặt trực tiếp, hay liên lạc gián tiếp, Người vẫn gọi họ là chú/thím, cô/chú, ông/bà, con hoặc tên riêng (đối với những người con đỡ đầu). Ví dụ, năm 1947, khi nghe tin tư gia, đồn điền của thư kí Đỗ Đình Thiện bị máy bay Pháp ném bom, Hồ Chí Minh đã gửi thư thăm hỏi, động viên. Người cũng thường xuyên viết thư thăm hỏi tới những người con nuôi, đỡ đầu ở nước ngoài như Giăng Pie, Catêrin (con đẻ của ông bà Ôbrắc ở Pháp); Irina Đimitơriépna Đênia (con đẻ của ông Đimitơri Gơrigôrêvích ở Liên Xô),... 

Đối với những người thân tộc, anh chị em trong họ mạc, gia đình, do bận việc nước, nên Người không có điều kiện, nhiều thời gian quan tâm, chia sẻ, đỡ đần họ. Tuy vậy, Người vẫn luôn nặng lòng và cư xử đúng đạo lí.

Cuối năm 1946, nghe tin em trai mình là Chủ tịch nước, bà Thanh (chị gái Bác Hồ) đã từ quê Nghệ An ra Hà Nội thăm Người. Cuộc hội ngộ thật xúc động, ấm áp tình thân “Bác khóc, nước mắt Bác thấm vào cánh tay áo của bà”. Khi bà Thanh hỏi Người khi nào về thăm quê hương, Hồ Chí Minh đã trầm ngâm một lát và nói: “Em cũng muốn về thăm quê, nhưng chắc chắn còn lâu, vì việc nước còn nặng nề lắm” [17].

Năm 1950, khi nghe tin ông Nguyễn Sinh Khiêm (anh trai của Hồ Chí Minh) qua đời, Người đã gửi một bức điện cho họ Nguyễn Sinh, nội dung như sau: 

“Nghe tin anh Cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu.

Than ôi! Tôi chịu tội bất đệ (không trọn tình anh em) trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng (thứ lỗi) cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước” [5; tr.463].

2.1.2. Đối với bạn bè quốc tế

Hồ Chí Minh luôn có tinh thần xây dựng, vun đắp, phát triển tình bạn, tình hữu nghị quốc tế. Chúng ta đều biết, bạn bè quốc tế của Hồ Chí Minh (bao gồm cá nhân, tổ chức hay quốc gia) cũng là bạn bè của nhân dân Việt Nam và ngược lại. Vì cả cuộc đời của Người đã hành động cho độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc và nhân dân
Việt Nam. Bạn bè quốc tế (ở góc độ cá nhân) của Hồ Chí Minh rất đa dạng, bao gồm các nhà chính trị, nhà văn, nhà báo, hoạ sĩ, những người công nhân, nông dân,...
Năm 1911, Hồ Chí Minh lên con tàu La-tu-sơ sang phương Tây tìm đường cứu nước. Những năm đầu tiên bôn ba qua nhiều nước, khắp châu Âu, Phi, Mỹ, Hồ Chí Minh đã trải nghiệm, khám phá và nhận ra nhiều điều mới lạ, có sự đồng cảm với những người “cùng khổ”, cảm tình với những con người tiến bộ, đó cũng là thời điểm Người bắt đầu nghĩ đến việc thiết lập các mối quan hệ quốc tế. Tiếp xúc với người dân Pháp ở chính quốc, Người đã có những nhận xét có tính chất phát hiện: “người Pháp ở Pháp tốt, lễ phép hơn người Pháp ở Đông Dương” [11; tr.18]. Sau này, trong một bài viết, Người cũng từng tuyên bố: “Đừng nói là xứ Đông Dương bị nước Pháp ngược đãi, mà phải nói là nó bị những người Pháp xấu sống bám vào nó ngược đãi; hai việc đó không phải là một” [1; tr.24]. Đặc biệt, sự kiện Bản Yêu sách của nhân dân An Nam do Người kí tên gửi đến Hội nghị của các nước đế quốc thắng trận ở Véc Xây năm 1919 không được quan tâm, luận bàn (mặc dù đã có tiếng vang lớn sau đó) đã làm cho Người bừng tỉnh và đưa ra kết luận dứt khoát, rõ ràng về bạn và thù: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một tình hữu ái là thật mà thôi: Tình hữu ái vô sản” [1; tr.287].

Những nhận thức đúng đắn ban đầu về các mối quan hệ quốc tế rất quan trọng đối với Hồ Chí Minh. Nó đã giúp Người từng bước tạo dựng được sức mạnh thời đại cho cách mạng Việt Nam sau này.

Hồ Chí Minh luôn nhiệt huyết, chân thành trong các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với những người bạn hoặc đối tác mới quen biết. Thời kì hoạt động cách mạng ở Pháp (khoảng từ năm 1911 đến 1923), Người đã có được những người bạn quý trọng, đặc biệt là các đảng viên của Đảng Cộng sản Pháp như: Macxen Casanh (chủ nhiệm báo Nhân đạo), Pôn Vayăng Cutuyrie (nghị sỹ Quốc hội Pháp), Leo Pondex (chủ nhiệm câu lạc bộ Phơbua), Giắc Duyclô (Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản và phó Chủ tịch Quốc hội Pháp), Gátxtông Môngmutxô (chủ nhiệm báo Đời sống công nhân), Phrăngxoa Biu
(uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, chủ nhiệm tờ báo Nước pháp mới),... 

Nhớ lại thời điểm Hồ Chí Minh bắt đầu viết báo bằng tiếng Pháp, Người đã đến gặp Gátxtông Môngmutxô đặt vấn đề muốn viết bài đăng trên báo Đời sống công nhân do ông làm chủ nhiệm. Ngài Môngmutxô đã vui vẻ nhận lời và còn hứa sẽ giúp đỡ Hồ Chí Minh sau khi Người đã thành thật nói ông ấy: “mình còn kém tiếng Pháp” [11; tr.35]. Ngoài ra, Jean Laurent Frederick Longuet (chủ nhiệm báo Dân chúng, cháu ngoại của Karl Marx); ông Marcel Cachin (chủ nhiệm báo Nhân đạo) cũng đã mời Hồ Chí Minh cộng tác viết bài. Sau này, khi Nguyễn Ái Quốc bị bắt ở Hồng Kông (năm 1931), các đồng chí đảng viên Đảng Cộng sản Pháp đã cho đăng tải nhiều bài viết bênh vực Hồ Chí Minh, lên án chủ nghĩa đế quốc và liên lạc với Quốc tế Cộng sản để tìm cách giải cứu thành công và đưa Người về Liên Xô an toàn trong năm 1933.

Năm 1958, Hồ Chí Minh đến thăm Ấn Độ, Người đã để lại trong lòng nhân dân và lãnh đạo nhà nước Ấn Độ nhiều tình cảm sâu sắc, khó quên. Đến đất nước bạn, Người vẫn đi đôi dép cao su thường ngày, Người cởi dép để bên ngoài khi ghé thăm một ngôi chùa, dừng lại bắt tay người chở xích lô khi đi ngoài phố,... Trong sự kiện chiêu đãi
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Ấn Độ đã bày tỏ lòng mến mộ đối với Hồ Chí Minh: “Tôi không có nhiệm vụ trong cuộc chiêu đãi này, nhưng tôi cũng cố gắng đến tham gia vì là chiêu đãi Hồ Chủ tịch... Hồ Chủ tịch là một nhân vật đặc biệt, tính rất giản đơn nhưng lòng rất rộng rãi. Hôm qua khi từ sân bay về, Hồ Chủ tịch nói với tôi rằng
ngài có đem từ Hà Nội sang một vòng hoa và một cây Đại để đặt và trồng ở nơi kỉ niệm Thánh Găngđi. Ngài còn nói thêm rằng cũng có đưa vòng hoa và cây Đào để kỉ niệm ông cụ thân sinh tôi. Hồ Chủ tịch gặp ông cụ thân sinh tôi ở thủ đô Bỉ năm 1927 trong cuộc Hội nghị quốc tế chống chủ nghĩa thực dân. Một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi và cách đây đã lâu năm mà Hồ Chủ tịch còn nhớ đến cụ thân sinh tôi. Đó tuy là một việc bình thường nhưng nó chứng tỏ một cách rõ rệt phẩm chất vĩ đại của Hồ Chủ tịch” [10; tr.145]. Cũng trong thời gian này, Hồ Chí Minh có chuyến ngoại giao đến Miến Điện (Mianma), trong suốt các cuộc gặp gỡ, hai nguyên thủ quốc gia đã dùng tiếng Anh để nói chuyện với nhau rất thân mật, không cần đến phiên dịch. Không chỉ bàn về công việc, tổng thống Miến Điện và Hồ Chí Minh còn cùng nhau đi dạo, vãn cảnh quanh hồ và một số nơi khác.

Người mãi khắc ghi công ơn của các ân nhân đã giúp đỡ, ủng hộ cá nhân mình và dân tộc Việt Nam. Đó là lối sống tình nghĩa, thuỷ chung. Năm 1946, khi trở lại thăm nước Pháp với tư cách là Thượng khách, nguyên thủ quốc gia, Người đã tìm gặp lại những người bạn thân thiết, quý mến năm xưa của mình và thường xuyên nhắc đến những người bạn đã mất. Phát biểu tại Đại hội III của Đảng (1960), Người cũng bày tỏ: “Chúng ta cũng thành thực tỏ lòng biết ơn các đảng anh em khác, nhất là Đảng Cộng sản Pháp, đã tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta” [7; tr.672].

Trong bài phát biểu trong chuyến thăm Ấn Độ, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhân dân hai nước chúng ta đã có những quan hệ anh em từ lâu đời. Nền văn hoá và đạo Phật của Ấn Độ đã truyền sang Việt Nam từ thời cổ. Dưới ách thống trị của thực dân, quan hệ giữa hai nước chúng ta bị gián đoạn trong một thời kì. Nhưng tình hữu nghị cổ truyền luôn luôn gắn bó hai dân tộc chúng ta” [6; tr.257].

Năm 1960, để bày tỏ tình cảm của bản thân và nhân dân Việt Nam đối với luật sư Francis Henry Loseby (người đã giúp Bác thoát khỏi nhà tù của thực dân Anh tại Hương Cảng năm 1933), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời luật sư cùng gia đình sang thăm Việt Nam. Cuộc tiếp đón và gặp gỡ gia đình luật sư diễn ra một cách trọng thị và xúc động. Cá nhân Hồ Chí Minh và đông đảo nhân dân Việt Nam đã thể hiện lòng biết ơn với luật sư Francis Henry Loseby. Tuy nhiên, ngài luật sư đã nói: “không phải là tôi đã cứu Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính chủ nghĩa nhân đạo của Người đã cứu Người,... dân tộc Việt Nam luôn sống có nghĩa có tình” [9; tr.275].

Năm 1963, khi tiếp Đoàn lãnh đạo cấp cao nước bạn Lào thăm Việt Nam, Hồ Chí Minh đã nói: “Hai dân tộc Việt và Lào sống bên nhau trên cùng một dải đất, cùng có chung một dãy núi Trường Sơn. Hai dân tộc chúng ta đã nương tựa vào nhau, giúp đỡ lẫn nhau như anh em,... Tình nghĩa láng giềng anh em Việt – Lào thật là thắm thiết không bao giờ phai nhạt được” [8; tr.48].

Cách ứng xử, lối sống thuỷ chung, nghĩa tình đã giúp Hồ Chí Minh có được nhiều người bạn (cá nhân và tổ chức) quốc tế yêu quý, luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ, sát cánh với Hồ Chí Minh cũng như sự nghiệp cách mạng của Việt Nam ở mọi thời điểm, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn.

Biết kiên nhẫn, bình tĩnh và bản lĩnh đối với những người bạn, các đồng chí quốc tế khi có thái độ hoài nghi về mình. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, có những thời điểm Hồ Chí Minh phải đối mặt với những khó khăn, thử thách, sức ép không hề nhỏ về mặt tinh thần từ những người bạn, tổ chức cách mạng của mình. Đỉnh điểm của tình trạng ấy là việc Quốc tế Cộng sản thành lập Ban thẩm tra vụ việc Nguyễn Ái Quốc vào tháng 2 năm 1936 (vụ việc liên quan đến Nguyễn Ái Quốc đứng ra thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 và Người được thả tự do khỏi nhà tù của thực dân Anh
ở Hồng Kông năm 1933 – vụ án Hương Cảng). Kể từ ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đến năm 1938 (trừ thời gian Hồ Chí Minh bị bắt giam ở nhà tù Victoria từ năm 1931 đến năm 1933), mặc dù là Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, nhưng về cơ bản, Hồ Chí Minh không được tham dự vào công việc của Quốc tế Cộng sản và không khí nghi ngờ trong tổ chức bủa vây, trói buộc Người. Đó thực sự là một “tình cảnh đau buồn”, như lời trong bức thư Người đã viết gửi một đồng chí trong Quốc tế Cộng sản vào năm 1938 [2, tr.117]. Sự kiên định trong lập trường tư tưởng và cách ứng xử phù hợp của Hồ Chí Minh, cuối cùng Quốc tế Cộng sản (thông qua các hình thức, hành động khác nhau) cũng đã thừa nhận sự đúng đắn trong tư tưởng và sự trong sáng trong nhân cách của Hồ Chí Minh. Đơn cử như: Sự kiện Đại hội VII (1935) của Quốc tế Cộng sản chỉ đạo thành lập Mặt trận thống nhất ở tất cả các nước trên thế giới, đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân trong mặt trận chống đế quốc đã phản ánh tư tưởng đại đoàn kết, giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc trong Bản Cương lĩnh chính trị đầu tiên; Ban thẩm tra vụ việc Nguyễn Ái Quốc cũng đã có những kết luận trong năm 1936: “Ban thẩm tra không tìm ra chứng cứ nghi ngờ nào về sự trung thành chính trị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và hồ sơ vụ việc về Nguyễn Ái Quốc được
huỷ bỏ” [15]; Cuối năm 1938, Quốc tế Cộng sản đã chấp nhận, hỗ trợ, giúp đỡ
Nguyễn Ái Quốc trở về Việt Nam lãnh đạo cách mạng,... 

Ở góc độ quốc gia, sau ngày Việt Nam độc lập (năm 1945), với những lí do khách quan, chủ quan khác nhau, các nước trên thế giới (đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc) chưa công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước ta. Ngày 18 tháng 1 năm 1950, Trung Quốc là nước đầu tiên công nhận nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà, sau đó là Liên Xô và các nước dân chủ ở Châu Á và Đông Âu. Để có được kết quả này, Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng đoàn ngoại giao Việt Nam miệt mài, kiên trì, nỗ lực thăm hỏi thường xuyên lãnh đạo và nhân dân các nước. Vào những năm 60, quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc có dấu hiệu rạn nứt. Tuy nhiên, Đảng và Nhà nước Việt Nam (đứng đầu là Hồ Chí Minh) luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, dùng ngoại giao để hàn gắn, phát triển mối quan hệ giữa hai nước. Theo thông lệ, đến ngày sinh nhật các nhà lãnh đạo Liên Xô và Trung Quốc, các nước vẫn gửi điện đến để chúc mừng. Tuy nhiên, thời gian này, “Trung Quốc chủ trương không gửi điện mừng sinh nhật lãnh đạo các nước khác và cũng đề nghị các nước anh em không gửi điện mừng lãnh đạo Trung Quốc nữa. Tháng 4 năm 1964, nhà lãnh đạo Liên Xô Khơruxốp tròn 70 tuổi. Với N. S. Khơruxốp, Việt Nam cần thể hiện thân thiện, nhưng thể hiện sao cho phù hợp với tình hình lúc đó. Trước ngày sinh nhật Khơruxốp, Bác Hồ mời Đại sứ Liên Xô đến Phủ Chủ tịch dùng cơm tối. Mở đầu, Bác nâng ly rượu chúc sức khoẻ đồng chí Nikita Sécgâyêvích Khơruxốp nhân dịp sinh nhật lần thứ 70. Đồng chí Đại sứ hết sức ngạc nhiên, bất ngờ và xúc động, hứa báo cáo ngay về nước cử chỉ thân thiện rất đặc biệt này của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Báo chí Việt Nam không đưa tin này, nhưng sau đó, Đại sứ Liên Xô đã gặp lại Bác chuyển lời “đồng chí Khơruxốp chân thành cảm ơn đồng chí Hồ Chí Minh”” [10; tr.103].

Theo Mạch Quang Thắng: “Cái đúng không phải bao giờ dễ chấp nhận. Hồ Chí Minh vững tâm và tỏ rõ bản lĩnh ấy nhất là trong những lúc khó khăn nhất của cuộc đời mình và trong những lúc vận mệnh của dân tộc rất hiểm nghèo như “trứng treo đầu đẳng”. Bản lĩnh đó của Hồ Chí Minh thể hiện ở không ít thời kì. Và cũng lạ thay, chính trải qua những sóng gió của quá trình bị hiểu lầm đó, Hồ Chí Minh đã thay đổi được khẩu khí và tính cách có lúc “cứng” của mình để không những vẫn giữ được quan điểm, nguyên tắc, nhưng đã “mềm” hơn rất nhiều trong các mối quan hệ,... Những năm không vui 1934 – 1938 đã rèn cho Hồ Chí Minh nhiều điều, rèn dũa thêm tính kiên trì, mềm mỏng hơn trong các mối quan hệ nội bộ, trầm lắng và khôn khéo hơn. Qua từng thời kì, từng giai đoạn sóng gió của thời cuộc và của cuộc đời mình, Hồ Chí Minh đã học, đã thấm và đã chuốt được thêm chữ “Nhẫn”. Điều này không dễ và không phải ai cũng làm được” [15].

Đối với đồng chí, đồng bào 

Trong mọi hoàn cảnh, Hồ Chí Minh luôn gương mẫu, gần gũi, kính trọng và yêu thương nhân dân. Người đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, không giữ riêng cho mình một thứ gì ngoài hạnh phúc của nhân dân, thương yêu, quý trọng nhân dân hơn cả bản thân mình. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dân tộc ta phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, thiếu thốn mọi thứ. Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta (đứng đầu là Hồ Chí Minh) đã phát động nhiều phong trào thiết thực như: Hũ gạo cứu đói; Nhường cơm sẻ áo; Diệt giặc đói; Diệt giặc dốt,... và Hồ Chí Minh luôn luôn tiên phong, gương mẫu thực hiện đầu tiên. Khi mới nhận được chiếc áo mới do nhân dân tặng, Hồ Chí Minh đã chuyển biếu lại cụ
Đinh Công Phủ, kèm theo bức thư có đoạn: “Tôi gửi biếu Cụ một chiếc áo trấn thủ.
Áo này là của đồng bào Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây biếu tôi. Cụ mặc ấm, cũng như tôi mặc ấm” [13; tr.154].

Mặc dù là Chủ tịch nước, lãnh tụ của cách mạng Việt Nam, nhưng Người rất khiêm tốn, đặt nhân dân cao hơn mọi chức vụ. Đơn cử như: Trong thư gửi cụ Phùng Lục (người
Hà Đông) vào năm 1948, Hồ Chí Minh đã xưng là cháu thân mật đối với cụ [4; tr.521].

Sự gương mẫu của Người là một trong những yếu tố quan trọng, tác động mạnh mẽ tới ý thức và hành vi của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân. Năm 1924, trong bức thư gửi một đồng chí ở Quốc tế Cộng sản, Hồ Chí Minh đã viết: “Các dân tộc Phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” [1; tr.284]. Gương mẫu là hành vi giao tiếp đặc biệt của con người. Qua đây, chủ thể giao tiếp vừa ứng xử với mình và vừa ứng xử với người khác; có thể không cần sử dụng lời nói, nhưng sự gương mẫu vẫn làm cho người khác tự giác hành động theo. Sức mạnh, sự lan toả, lôi cuốn và lay động của những tấm gương tốt được phát huy ở bất cứ một cá nhân nào, đặc biệt từ những người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Khi nói chuyện với giáo viên trong một lớp học chính trị năm 1959, Người đã nói: “... Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu,... Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức. Ví như bảo học trò phải dậy sớm mà giáo viên thì trưa mới dậy. Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con. Trách nhiệm đó rất là vẻ vang, quan trọng” [7; tr.269 – 270].
Sẽ không có lời lẽ, ngôn từ nào có thể nói hết, diễn tả hết giá trị của sự gương mẫu, kính trọng, yêu thương nhân dân của Hồ Chí Minh. Tư tưởng, nhân cách vĩ đại của Người đã, đang dẫn dắt dân tộc ta đi theo và lay động trái tim của nhân loại. Đúng như lời cảm tưởng của Thủ tướng Ấn Độ Neru năm 1958: “Chúng ta được tiếp xúc với một người, người ấy là một phần lịch sử của châu Á. Ngoài phần gặp gỡ một con người vĩ đại, chúng ta không chỉ được tăng thêm về sự hiểu biết, mà chúng ta còn lớn lên về tầm vóc. Được gặp người ấy, một con người từng trải khiến chúng ta trở nên tốt hơn” [16].

Nhân văn, bao dung, cảm hoá, thức tỉnh và hướng thiện đối với những người lầm đường, lạc lối. Trong tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính” xuất bản năm 1949, Hồ Chí Minh đã viết: “Sông to, biển rộng thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng của nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn, thì một chút nước cũng tràn đầy, vì độ lượng của nó hẹp và nhỏ. Người mà tự kiêu, tự mãn cũng như cái chén, cái đĩa cạn” [5; tr.130].

Nhân ái, nhân văn, bao dung là những phẩm chất tốt đẹp của con người. Nó phản chiếu tư tưởng và những hành động chuẩn mực hết sức cao thượng, rộng lượng, yêu thương trong thực tiễn đời sống xã hội. Lòng nhân ái, bao dung ở thời điểm nào cũng đều đáng quý, nhưng lòng nhân ái, bao dung của Hồ Chí Minh trở nên đặc biệt quý giá trong thời đại của chủ nghĩa đế quốc, thực dân hằng ngày gieo rắc nỗi đau khổ cho người lao động, nhất là những nơi, con người bị coi là “súc vật”, “công cụ biết nói”–
đó là các nước thuộc địa. 

Năm 1947, Hồ Chí Minh đã gửi thư tới Chính phủ, cùng nhân dân Pháp và kêu gọi: “chúng tôi muốn hoà bình ngay để máu người Pháp và Việt ngừng chảy. Những dòng máu đó chúng tôi đều quý như nhau” [4; tr.24].

Mặc dù những kẻ xâm lược, thống trị, bóc lột nhân dân Việt Nam hết sức tàn bạo, độc ác. Tuy nhiên, khi chúng ta đã giành được chiến thắng, Hồ Chí Minh lại rất khoan hồng với các tù binh chiến tranh. Trong thư gửi tù binh Pháp nhân dịp Giáng sinh năm 1950, Người đã viết: “Nhân dân Việt Nam xem các bạn như những người bạn và tìm mọi cách để cuộc sống của các bạn được tốt hơn” [13; tr.492].

Khi đi thăm lại chiến trường Việt Bắc sau Chiến dịch Biên giới năm 1950, Hồ Chí Minh chưa thật sự hài lòng về cách đối xử của một số cán bộ đối với tù binh chiến tranh. Người đã nhắc nhở quân và dân ta cần đối xử khoan hồng với tù binh, hàng binh. Người chỉ thị: “Đối với những người Pháp bị bắt trong lúc chiến tranh, ta phải canh phòng cẩn thận, nhưng phải đối đãi với họ cho khoan hồng. Phải làm cho thế giới, trước hết là làm cho dân Pháp biết rằng: Chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do, chứ chúng ta không vì tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước” [3; tr.29 – 30]. Cũng thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí quyết định ân xá, thả hai sĩ quan chỉ huy binh đoàn Lơ-pa-giơ và Sác-tông, cùng hàng trăm tù binh của Pháp. Đến năm 1953 (trước khi tiến hành Chiến dịch Điện Biên Phủ), Người tiếp tục kí quyết định thả 200 tù binh người Bắc Phi.

Sự bao dung, nhân ái của Người đã góp phần quan trọng thức tỉnh lương tri,
lương tâm của nhân loại (kể cả những kẻ xâm lược) và những người lầm đường, lạc lối; đồng thời, thúc dục, lôi cuốn mạnh mẽ hơn nữa lực lượng tiến bộ của thế giới tham gia ủng hộ cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Sau năm 1945, Hồ Chí Minh đã cảm hoá, thuyết phục được nhiều trí thức, quan lại có uy tín thời phong kiến Nhà Nguyễn tham gia và đóng góp quan trọng cho cách mạng, điển hình phải kể đến: cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Linh mục Phạm Bá Trực, Hoà thượng Thích Đôn Hậu (Huế) tham gia chính phủ mới. Sau này Hoà thượng Thích Đôn Hậu đã viết: “Tất cả những người đã đến với Hồ Chủ Tịch thì không bao giờ từ giã Người cả. Tôi đã hiểu vì sao là một lãnh tụ sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam mà Người vẫn thu hút được tất cả các thành phần khác nhau trong xã hội đứng chung quanh mình làm việc lớn cho dân, cho nước” [14; tr.162]. Một học giả nước ngoài cũng có những đánh giá tương tự: “Cụ Hồ là một người xây dựng lương tri,
xây dựng nó khi nó thiếu, tái tạo khi nó mất, Cụ thức tỉnh kẻ mê, ân cần nâng đỡ người trượt ngã, biến vạn ức người dân bình thường thành anh hùng vô danh và hữu danh trong lao động, chiến trường, trong ngục tối, trước máy chém” [12; tr.10].

2.2. Những giá trị trong việc phát triển văn hoá nhà trường sư phạm hiện nay 

Tìm hiểu vấn đề nêu trên, chúng tôi bước đầu đúc rút ra được một số giá trị cơ bản cần vận dụng vào công tác trong các trường đại học sư phạm nước ta hiện nay như sau:

Nêu cao sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong nhà trường. Sự thịnh vượng của mỗi quốc gia cơ bản đều nhờ vào sự phát triển, tiến bộ của lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Ý thức rõ điều này, Đảng Cộng sản Việt Nam sớm đã coi giáo dục và đào tạo là “quốc sách hàng đầu” (từ nghị quyết Trung ương 4 khoá VII năm 1993). Các trường đại học sư phạm là nơi đào tạo ra đội ngũ giáo viên cho toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân (từ cấp đại học xuống mầm non). Người thầy đóng vai trò quan trọng đối với sản phẩm giáo dục của nhà trường. Sự gương mẫu của giáo viên sẽ tạo ra động lực, niềm tin và là một trong những phương pháp, kĩ thuật giáo dục hiệu quả đối với người học. Đúng như Hồ Chí Minh đã từng nói: “Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu”. Điều đó cũng có nghĩa rằng, sự gương mẫu của giáo viên có tác động không hề nhỏ tới sự phát triển của ngành giáo dục và đào tạo. Người xưa có câu: “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Vì vậy, để sự gương mẫu trở nên phổ biến, có hiệu ứng mạnh mẽ và thấm sâu vào mọi hoạt động trong nhà trường, đòi hỏi trước hết sự gương mẫu ở những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Cán bộ, viên chức cần phải luôn nhiệt huyết, chân thành với nghề, đồng nghiệp và học trò. Chúng tôi cho rằng, bất kì nghề nào cũng cần tới sự tâm huyết mới có thể thành công và kết quả tốt. Nghề dạy học lại càng phải như thế, vì đó là nghề hết sức đặc biệt, sản phẩm của nó là con người hoặc liên quan đến con người (ở góc độ xã hội). Trong thời đại bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ số, thế giới đang đổi thay mau lẹ, các giá trị tạo ra đều có tính xã hội hoá cao. Các quốc gia đang đứng trước nhiều cơ hội cho sự phát triển, nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức. Để nắm bắt tốt thời cơ, hạn chế tối đa những rủi ro, thách thức, chúng ta cần có sự chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ, cộng tác với nhau một cách thật sự và lâu dài. Các trường sư phạm cũng không nằm ngoài xu thế chung đó. Trong hoạt động thực tiễn, đòi hỏi ở mỗi cán bộ, viên chức phải có thái độ, cử chỉ chân thành với nhau. Sự chân thành sẽ tạo ra niềm tin và giá trị kết nối mọi người. Cách ứng xử này sẽ ảnh hưởng, lan toả tích cực và góp phần vào việc phát triển nhân cách người học.

Xây dựng, phát huy lối sống tình nghĩa, nhân ái, bao dung trong các trường sư phạm. Như Hồ Chí Minh đã nói: “Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức”. Đạo đức nói chung, tình nghĩa, nhân ái, bao dung nói riêng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, Hồ Chí Minh đã tiếp biến truyền thống ấy lên tầm cao mới, phù hợp với xu thế của thời đại. Người coi đạo đức là gốc, rễ của người cách mạng và luôn lưu ý, nhắc nhở mọi người phải sống với nhau “có tình, có nghĩa”. Các trường sư phạm đang giữ một trọng trách to lớn đối với sự nghiệp trồng người, sự an lành của xã hội và phồn thịnh của đất nước. Vì vậy, bên cạnh việc dạy chữ, đào tạo tay nghề, các trường sư phạm cần chú trọng, đẩy mạnh hơn việc dạy người, tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng cho người học (trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính; sống có tình, có nghĩa; có tinh thần quốc tế trong sáng, vô tư,...). Phải tạo cho người học được sống trong môi trường tình nghĩa, nhân ái, bao dung. Để có được điều này, đòi hỏi trước tiên và quan trọng là sự tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong trường (như đã nói ở trên). Thầy giáo của các trường sư phạm tốt sẽ đào tạo ra nhiều học trò tốt (đa số trong số đó sẽ trở thành giáo viên sau này), nhiều học trò tốt sẽ tạo ra một xã hội tốt, đất nước ổn định và giàu mạnh.

Luôn bình tĩnh, thận trọng xử lí các sự cố, tình huống diễn ra trong thực tiễn cuộc sống và công việc. Cuộc sống của con người bao gồm tổng hoà rất nhiều các mối quan hệ xã hội khác nhau, vô cùng phong phú, nhưng cũng hết sức phức tạp. Để thích ứng với mọi sự thay đổi nhanh chóng, biến nguy cơ thành thời cơ, người học trong các trường sư phạm (nhà giáo tương lai) cần được trang bị nhiều kĩ năng mềm, trong đó có cách ứng xử bình tĩnh, thận trọng, phải biết kiên nhẫn trước các thử thách, tình huống diễn ra trên giảng đường cũng như ngoài giảng đường. Nhẫn không có nghĩa chịu đựng tiêu cực, không hành động gì. Nhẫn để tạo ra hoà hợp, nhẫn để chờ đợi thời cơ, nhẫn để hoàn thành công việc,... Nhẫn cũng là biểu hiện của phương pháp “lấy nhu thắng cương”, “lấy tĩnh chế động”. Những kĩ năng này đặc biệt cần thiết đối với mỗi giáo viên khi tương tác với những học sinh “cá biệt”, thậm chí là phụ huynh “cá biệt”. Giống như các giá trị nêu trên, rèn luyện cho người học cách ứng xử văn hoá không chỉ giúp ích cho các em trong cuộc sống mà quan trọng hơn, đây là một trong những hành trang cần thiết để các em hành nghề, lan toả các giá trị tới các thế hệ học trò của mình. 

 KẾT LUẬN

Tư tưởng, đạo đức, phong cách, phương pháp Hồ Chí Minh, trong đó có văn hoá ứng xử là sức mạnh mềm, tài sản, báu vật tinh thần vô giá của dân tộc ta. Bất kì người nào đã từng tiếp xúc với Hồ Chí Minh, thậm chí cả một số nhân vật bên kia chiến tuyến đều yêu quý, kính trọng, nể phục Người. Có những người vô cùng ngạc nhiên và thốt lên rằng: “từ Nguyễn Ái Quốc đã toả ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá Âu Châu, mà có lẽ là một nền văn hoá của tương lai” (Ô.Manđenxtam).

Mỗi đối tượng, tình huống, công việc,... Hồ Chí Minh có những cách ứng xử khác nhau. Nhưng nhìn chung, tất cả đều toát lên ở Người sự gương mẫu, tình nghĩa, nhân ái, bao dung, nhiệt huyết, chân thành và kiên nhẫn,... Đó là những nội dung, biểu hiện cơ bản, đồng thời cũng là những đặc trưng riêng ở văn hoá ứng xử Hồ Chí Minh đối với người khác.

Các trường sư phạm (bao gồm cao đẳng và đại học sư phạm) là nơi đào tạo ra đội ngũ giáo viên cho tất cả các cấp học trong cả nước, những người có tầm ảnh hưởng lớn tới sự hưng thịnh của quốc gia. Vai trò, sứ mệnh này đòi hỏi nhà trường phải có sự tiên phong, chuẩn mực về mọi mặt, trong đó có vấn đề ứng xử. Một số hiện tượng không tốt trong cách ứng xử diễn ra ở chốn học đường ở nơi này, nơi kia trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh, sự cao quý của nghề dạy học nói chung, các trường sư phạm nói riêng.

Để có các dòng sông trong sạch, trước tiên cần phải có những con nước, mạch nước đầu nguồn phải sạch. Muốn có học trò tốt, trước tiên phải có người thầy tốt. Các trường sư phạm là nơi đào tạo ra các nhà giáo, nơi đầu nguồn của hệ thống giáo dục quốc dân nên càng phải nêu cao sự chuẩn mực, tiên phong về mọi mặt. Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách, phương pháp Hồ Chí Minh nói chung, văn hoá ứng xử nói riêng cần phải được đẩy mạnh và ráo riết hơn tại các địa chỉ này.

 

Trịnh Thị Vân, TS. Dương Văn Khoa - Khoa LLCT - GDCD

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1].    Hồ Chí Minh, 2011, Toàn tập, tập 1, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

[2].    Hồ Chí Minh, 2011, Toàn tập, tập 3, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

[3].    Hồ Chí Minh, 2011, Toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

[4].    Hồ Chí Minh, 2011, Toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

[5].    Hồ Chí Minh, 2011, Toàn tập, tập 6, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

[6].    Hồ Chí Minh, 2011, Toàn tập, tập 11, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

[7].    Hồ Chí Minh, 2011, Toàn tập, tập 12, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

[8].    Hồ Chí Minh, 2011, Toàn tập, tập 14, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

[9].    Trần Ngọc Linh, Lương Văn Phú, 2001, Kể chuyện Bác Hồ, tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội.

[10].  Nguyễn Duy Niên, 2008, Tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh, NXB Chính trị
quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

[11].  Trần Dân Tiên, 1975, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

[12].  Cao Thị Hải Yến, 2007, Đặc trưng văn hoá ứng xử Hồ Chí Minh, Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, số 11.

[13].  Viện Hồ Chí Minh, 2006, Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[14].  Viện Hồ Chí Minh, 1993, Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, tập 3, Viện Hồ Chí Minh xuất bản, Hà Nội.

[15].  https://www.qdnd.vn/da-phuong-tien/longform/ky-5nhu%CC%9B%CC%83ng-na%CC%86m-thang-lam-nen-di-bat-bien-661687

[16].  https://tennguoidepnhat.net/2012/02/19/th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi-noi-v%E1%BB%81-ng%C6%B0%E1%BB%9Di/

[17].  https://baonghean.vn/nhung-cuoc-gap-cam-dong-cua-bac-ho-voi-nguoi-than-post135779.html

 


Source: 
19-05-2023
Tags