CÔNG ĐOÀN KHOA NGỮ VĂN: ẤM ÁP YÊU THƯƠNG

Là một khoa giàu truyền thống, gặt hái nhiều thành công và có đông sinh viên bậc nhất của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa Ngữ văn cũng đồng thời có số lượng cán bộ giảng viên đông đảo. Có thời điểm số lượng Công đoàn viên toàn Khoa lên tới hơn trăm thành viên. Khi ấy, có thầy cô còn đùa rằng: “Khoa mình có 108 vị anh hùng”. Thực vậy, đi cùng những biến động của đất nước, Khoa Ngữ văn được xây dựng và trưởng thành từ những năm chiến tranh gian khó, những năm tháng thời bao cấp thiếu thốn đến quay quắt, những thời điểm phải lo toan để dần thích nghi với nền kinh tế thị trường…, dù trong hoàn cảnh nào, đội ngũ cán bộ Khoa Ngữ văn vẫn luôn giữ được hào khí anh hùng để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Nhà trường giao phó. Và cái tên Văn khoa (cái tên thương mến và trân trọng vẫn được mọi người dành gọi Khoa Ngữ văn) nhờ đó vẫn nức tiếng gần xa hơn 70 năm qua, đi cùng bước chân thầy và trò Khoa Ngữ văn đi tới khắp mọi miền của Tổ quốc, góp phần nhỏ bé vào công cuộc xây dựng đất nước ngày một phồn thịnh hơn.

Hoạt động Công đoàn trong những năm gần đây ngày càng hướng vào những nội dung hoạt động thiết thực, gắn bó với đời sống của mỗi người lao động hơn. Năm 2013, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI thống nhất đề ra mục tiêu, phương hướng tổng quát, trong đó có đoạn: “Vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn…”; Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ XIV nêu cao khẩu hiệu hành động: “Vì nhà giáo và người lao động…”. Thực hiện nhiệm vụ Công đoàn cấp trên giao phó, cùng với hào khí anh hùng, tiếp nối truyền thống Văn khoa, cán bộ nhân viên và người lao động Khoa Ngữ văn đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực với đời sống bằng những tình cảm ấm áp yêu thương.

Đó là tình cảm ấm áp yêu thương giữa những người đồng nghiệp, đồng chí. Hàng loạt phong trào thi đua như "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", "Học tập nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển", "Giỏi việc nước, đảm việc nhà", "Đẩy mạnh cải cách hành chính", "Thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí", thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng người CBCCVC “Trung thành, sáng tạo, tận tuỵ, gương mẫu”… đã giúp tình cảm gắn bó các thành viên trong đơn vị thêm thắt chặt, đồng thời giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, gặt hái nhiều thành công trong công việc. Công đoàn viên Văn khoa cũng tích cực tham gia nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao do Công đoàn cấp trên tổ chức và thường xuyên đoạt nhiều giải cao. Công đoàn phối hợp cùng chính quyền hết sức quan tâm công tác phát triển đội ngũ, nâng cao chuyên môn cho cán bộ, góp phần khiến đội ngũ cán bộ Văn khoa luôn giữ chất lượng hàng đầu cả nước. Công đoàn cũng tổ chức được nhiều chuyến đi tham quan thực tế trong (Quảng Ninh, Thanh Hoá, Hoà Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Thái Bình….) và ngoài nước (Nga, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Myanmar…) giúp các cán bộ trong Khoa có thêm cơ hội gia tăng hiểu biết lẫn nhau, hiểu biết thêm lịch sử – văn hoá – xã hội của những vùng đất mà đoàn đặt chân tới. Mỗi dịp 8/3, 1/6, 20/10, 20/11…, Công đoàn Khoa luôn tổ chức các hoạt động giao lưu và tặng quà động viên. Công tác hiếu hỉ, thăm hỏi người đau ốm, quan tâm cán bộ hưu trí trong các dịp lễ tết… tiếp tục được Công đoàn Khoa duy trì thành nề nếp… Người Văn khoa buồn vui luôn có nhau là như vậy.

Đó là tình cảm ấm áp yêu thương các Công đoàn viên Văn khoa dành cho học trò, cho Trường, cho Khoa, cho đồng bào ruột thịt với nhiều hoạt động như các phong trào viết về mái trường, thầy cô, bè bạn (đã ra được 2 ấn phẩm để lưu lại), phong trào thiện nguyện (tặng quà bằng tiền mặt, sách vở, quần áo, lương thực… cho nhiều địa phương có khó khăn tại Hà Giang, Sơn La, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Campuchia…).

Bởi thế, mỗi cá nhân đều luôn cảm thấy ấm áp, tự hào khi là thành viên của “đại gia đình” Văn khoa.

 

Các đồng chí từng giữ chức Chủ tịch Công đoàn Khoa Ngữ văn

  1. Trần Văn Mười
  2. Quách Hy Dong
  3. Hồ Văn Nho
  4. Nguyễn Ngọc Ảnh
  5. Đào Nguyên Tụ
  6. Đinh Việt Anh
  7. Nguyễn Hải Hà
  8. Đỗ Bình Trị
  9. Thành Thế Thái Bình
  10. Đoàn Trọng Huy
  11. Hoàng Dung
  12. Phùng Văn Tửu
  13. Đặng Thị Lanh
  14. Tôn Gia Các
  15. Phạm Đăng Dư
  16. Đinh Văn Thiện
  17. Phạm Thu Yến
  18. Trần Mạnh Tiến
  19. Đinh Thị Khang
  20. Trần Hạnh Mai
  21. Nguyễn Thị Mai Chanh
  22. Dương Tuấn Anh
  23. Thành Đức Hồng Hà

Tin và bài: Công đoàn khoa Ngữ văn


Source: 
10-07-2023
Tags