Về đội ngũ cán bộ
Ngay từ khi mới được thành lập đến nay, bộ môn Tâm lí học lứa tuổi và sư phạm đặc biệt quan tâm, chăm lo phát triển đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Nhờ vậy, bộ môn luôn có đội ngũ giảng viên và cán bộ nghiên cứu giàu nhiệt huyết nghề nghiệp, say mê nghiên cứu và có năng lực, trình độ cao. Nhiều người là chuyên gia đầu ngành. Trong những năm 1997 - 2000, bộ môn có 15 thành viên cơ hữu và kiêm nhiệm, trong đó có: 01 giáo sư, 04 phó giáo sư, 01 tiến sĩ khoa học, 6 tiến sĩ và 4 thạc sĩ. Năm học 2006, một số cán bộ của bộ môn được tách ra thành lập bộ môn mới: Bộ môn Tâm lí học ứng dụng. Hiện nay bộ môn có 5 thành viên đang công tác và 01 đang học tiến sĩ ở nước ngoài, 01 cán bộ hợp đồng. Trưởng bộ môn là PGS.TS. Lê Minh Nguyệt. Tất cả thành viên của bộ môn đều có trình độ tiến sĩ, trong đó có 01 phó giáo sư và đều đang trong tuổi trưởng thành nhất về phẩm chất, năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Công tác đào tạo
Trong suốt 42 năm hoạt động, cùng với các bộ môn khác của khoa Tâm lí - Giáo dục học, bộ môn Tâm lí học lứa tuổi và sư phạm đã tham gia đào tạo hàng ngàn cử nhân Sư phạm Tâm lí - Giáo dục và cử nhân Tâm lí học, hàng ngàn thạc sĩ khoa học giáo dục và hàng trăm tiến sĩ Tâm lí học chuyên ngành. Bên cạnh đó, bộ môn còn đảm trách giảng dạy môn Tâm lí học đại cương, Tâm lí học phát triển,Tâm lí học sư phạm, Giao tiếp sư phạm và kĩ năng nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên các khoa của Trường ĐHSP Hà Nội. Các cán bộ của bộ môn tham gia đào tạo cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ cho các cơ sở đào tạo khác trong nước và nước ngoài như Ăng-gô-la, Lào, Cam-pu-chia. Thời kì đầu, bộ môn Tâm lí học lứa tuổi và sư phạm chủ yếu nghiên cứu và đào tạo cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ về Tâm lí học lứa tuổi và Tâm lí học sư phạm. Từ những năm 1990, do yêu cầu phát triển của khoa học tâm lí và nhu cầu đào tạo, bộ môn mở rộng phạm vi hoạt động sang các chuyên ngành: Các lí thuyết về phát triển tâm lí người, Tâm lí học gia đình, Tâm lí học trí tuệ, Tâm lí học giới tính, Tâm lí học pháp lí; Tâm lí học trẻ em có hành vi lệch chuẩn, Tâm lí học tham vấn và trị liệu,Tâm lí học trường học, Tâm lí học sáng tạo, Tâm lí học sư phạm hiện đại, Các lí thuyết về học tập và mô hình dạy học, Phương pháp và kĩ thuật nghiên cứu tâm lí học, Quản lí hành vi lớp học. Từ năm học 2014, bộ môn tham gia giảng dạy các chuyên đề cho học viên thạc sĩ chuyên ngành Giáo dục và phát triển cộng đồng, trực tiếp tham gia giảng dạy các môn học như: Phát triển cộng đồng, Các lí thuyết phát triển cộng đồng, Đánh giá và quản lí dự án phát triển cộng đồng, Chăm sóc sức khỏe cộng đồng... Đây là những chuyên ngành có tính ứng dụng cao của Tâm lí học. Điều này đã giúp bộ môn, một mặt vẫn duy trì và phát triển hướng đào tạo và nghiên cứu khoa học có tính nền tảng, cốt lõi là Tâm lí học phát triển và Tâm lí học sư phạm. Mặt khác, mở ra nhiều hướng mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của khoa học và của thực tiễn, qua đó nâng cao năng lực nghiên cứu và đào tạo của cán bộ trong bộ môn.
Nghiên cứu và phổ biến khoa học
Cùng với hoạt động đào tạo, nghiên cứu và phổ biến khoa học là “ba trục xoay” của bộ môn Tâm lí học lứa tuổi và sư phạm. Theo định hướng đó, từ khi thành lập đến nay, cán bộ của bộ môn đã chủ trì và tham gia hàng trăm đề tài khoa học từ cấp trường đến cấp Nhà nước. Các đề tài nghiên cứu đều tập trung vào các lĩnh vực khoa học bộ môn đảm nhận trong đào tạo đại học và sau đại học, có tính ứng dụng cao và hướng đến giải quyết những vấn đề cấp thiết về lí luận và thực tiễn của các chuyên ngành Tâm lí học. Đồng thời đây cũng là những lĩnh vực khoa học thuộc thế mạnh của bộ môn từ trước tới nay. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học, bộ môn đã viết và đăng tải hàng trăm bài báo trên các tạp chí khoa học và báo cáo trong các kỉ yếu khoa học quốc gia, quốc tế. Đã biên soạn và xuất bản nhiều giáo trình và chuyên khảo có giá trị khoa học cao như: Tâm lí học, Tâm lí học lứa tuổi và sư phạm, Tâm lí học sư phạm; Tâm lí học phát triển, Tâm lí học trí tuệ, Các lí thuyết phát triển tâm lí người, Dạy học và phương pháp dạy học trong nhà trường; Cơ sở triết học và tâm lí học của trực quan trong dạy học; Cơ sở triết học và tâm lí học của đổi mới dạy học trong nhà trường; Bộ tài liệu ôn tập và đánh giá kết quả học tập tâm lí học dành cho sinh viên Đại học Sư phạm... Chỉ tính riêng từ năm 2012 đến 2017, với 5 cán bộ đương nhiệm, bộ môn đã chủ nhiệm 10 đề tài khoa học, trong đó có 02 đề tài cấp trường, 03 đề tài cấp Bộ, 02 đề tài Quỹ Nafosted, 02 đề tài cấp thành phố Hà Nội và 01 đề tài độc lập cấp Nhà nước. Từ kết quả nghiên cứu các đề tài trên, trong 5 năm qua bộ môn đã đăng tải 51 bài báo trên các tạp chí khoa học trong nước, 14 báo cáo trong kỉ yếu hội thảo quốc tế và 03 bài báo đăng tạp chí nước ngoài; Chủ biên và tham gia biên soạn 03 giáo trình, 05 chuyên khảo khoa học, trong đó 02 chuyên khảo được xuất bản ở nước ngoài và 06 sách tham khảo.
Bên cạnh hoạt động đào tạo, nghiên cứu và phổ biến khoa học, bộ môn Tâm lí học lứa tuổi và sư phạm rất quan tâm, động viên cán bộ tự giác tham gia các hoạt động, sinh hoạt chính trị xã hội và các hoạt động, giao lưu tập thể do khoa, trường tổ chức. Qua đó, tăng cường sự hiểu biết, thân thiện, đoàn kết, đồng cảm và chia sẻ giữa các thành viên của bộ môn và các thành viên trong khoa, trong trường. Một trong những điểm nổi bật và rất đáng tự hào của bộ môn là truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái. Mọi thành viên của bộ môn qua các thế hệ đều coi bộ môn là ngôi nhà thứ hai và luôn trân trọng gìn giữ như tài sản quý giá trong cuộc đời và sự nghiệp của mình.
Định hướng phát triển bộ môn
Xuất phát từ yêu cầu của đổi mới giáo dục và đào tạo giáo viên, trước nhu cầu ứng dụng tâm lí học vào thực tiễn cuộc sống, phát huy truyền thống của bộ môn những năm qua, bước sang thời kì mới, bộ môn Tâm lí học lứa tuổi và sư phạm tiếp tục phát huy thế mạnh đã có về chuyên môn và nghiên cứu khoa học của bộ môn như: Mở rộng thêm các lĩnh vực mới, đáp ứng yêu phát triển các ngành đào tạo của khoa, của trường và của các cơ sở đào tạo tạo khác; Đẩy mạnh hoạt động xuất bản các tài liệu khoa học và học tập, chú trọng tới việc công bố các bài báo khoa học của cán bộ bộ môn trên các tạp chí khoa học của ngành, các tạp chí khoa học quốc tế; Xuất bản, công bố giáo trình, chuyên khảo, dành cho cán bộ, học viên, sinh viên chuyên ngành Tâm lí học. Phấn đấu để các cán bộ của bộ môn trở thành chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn, góp phần thúc đẩy khoa học tâm lí học và thực tiễn phát triển theo đúng sứ mạng và truyền thống của bộ môn.
Với tinh thần lao động hăng hái, luôn vươn lên những khó khăn để cống hiến cho sự nghiệp chung của khoa, của trường và của ngành giáo dục, từ năm 2012 đến 2017, tập thể Bộ môn Tâm lí học lứa tuổi và sư phạm - Khoa Tâm lí Giáo dục nhiều năm liền được Đảng uỷ Trường và Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng công nhận là chi bộ trong sạch, tiêu biểu, các cá nhân đạt danh hiệu đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tập thể Bộ môn cũng vinh dự được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen năm 2015. Nhiều cá nhân đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp Bộ, và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Và mới đây nhất, Bộ môn đã đạt Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Trường ĐHSP Hà Nội năm 2017 và được Hiệu trưởng nhà trường tặng Giấy khen.
Năm 1965 khoa Tâm lí - Giáo dục học được thành lập, với hai tổ bộ môn: Tâm lí học và Giáo dục học. Năm 1975, Tổ Tâm lí học được tách thành 3 tổ: Tâm lí học đại cương, Tâm lí học lứa tuổi và sư phạm và Tâm lí học nhân cách. Bộ môn Tâm lí học lứa tuổi và sư phạm được chính thức ra đời từ đó.
Nguồn: bantin.hnue.edu.vn