Trong nhiệm kì 2011 - 2013, Ban chấp hành Công đoàn khoa Lịch sử gồm 5 đồng chí. Trong đó, có 3 đồng chí ủy viên BCH tham gia quản lí chuyên môn của đơn vị: đồng chí Nguyễn Thị Huyền Sâm giữ cương vị Phó Trưởng khoa, trực tiếp phụ trách công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học; đồng chí Nguyễn Thị Thế Bình trực tiếp phụ trách công tác nghiệp vụ sư phạm, quản lí sinh viên và bộ phận văn phòng; đồng chí Phạm Thị Tuyết - Phó Trưởng bộ môn Lịch sử Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Văn Bằng vừa đảm nhận cương vị Chủ tịch công đoàn khoa, vừa trực tiếp phụ trách công tác giáo vụ. Do vậy, trong khoa có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa chính quyền và công đoàn trong việc quản lí chuyên môn của đơn vị. Mỗi cá nhân các đồng chí trong BCH Công đoàn và các công đoàn viên trong khoa Lịch sử đều xác định rõ nhiệm vụ và hoàn thành tốt công việc của mình.
Công đoàn khoa Lịch sử tham gia quản lí chuyên môn của đơn vị trên các mặt chủ yếu sau:
Một là, tham gia xây dựng, điều chỉnh chương trình. Đây là nhiệm vụ quan trọng và được thực hiện hằng năm ở Khoa. Thực hiện nguyên tắc dân chủ, tất cả công đoàn viên trong Khoa đều tham gia đóng góp ý kiến để điều chỉnh các chương trình đào tạo (đại học - cao học - tiến sĩ) cho phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đổi mới giáo dục và đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Hai là, tham gia quản lí hoạt động giảng dạy của cán bộ trong Khoa. Đây là nhiệm vụ cốt lõi của công đoàn viên là giảng viên, là tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng giảng viên hằng năm. Vì thế, ngay từ đầu năm học, Đảng ủy - Ban chủ nhiệm - Tổ bộ môn đã phối hợp chặt chẽ với BCH Công đoàn khoa phân công nhiệm vụ giảng dạy cho từng cá nhân. Đảm bảo, 100% công đoàn viên đều tham gia giảng dạy theo đúng chuyên môn và đạt hoặc vượt giờ chuẩn. Sắp xếp khoa học kế hoạch giảng dạy giữa các hệ đào tạo đại học (chính quy – từ xa – tại chức – vừa làm vừa học).
Ba là, công đoàn kết hợp với chính quyền động viên, khuyến khích công đoàn viên trong Khoa đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt - học tốt” do Công đoàn trường phát động. Các tổ công đoàn kết hợp với tổ chuyên môn thường xuyên tổ chức sinh hoạt định kì, trao đổi chuyên môn, học thuật. Trước yêu cầu chuyển đổi mục tiêu dạy học từ cách tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực người học, 100% công đoàn viên trong khoa tích cực thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, dạy cho sinh viên cách học chủ động, sáng tạo, áp dụng hiệu quả nhiều phương pháp dạy học mới như dạy học khám phá, trải nghiệm, xemina, thuyết trình, hoạt động nhóm… Đồng thời, kết hợp đa dạng và linh hoạt các phương pháp dạy học truyền thống với hiện đại; ứng dụng công nghệ thông tin và các kĩ thuật dạy học tích cực vào giờ học (dạy học tình huống; dạy học theo dự án…). Công đoàn phối hợp với chính quyền tổ chức dự giờ một số giảng viên để chia sẻ kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp và ghi nhận sự nỗ lực phấn đấu của họ. Kết quả, có nhiều công đoàn viên đạt giờ dạy tốt, được đông đảo dư luận sinh viên đánh giá cao.
Bốn là, Công đoàn phối hợp chặt chẽ với Ban chủ nhiệm, Bộ môn Phương pháp dạy học và Chi đoàn cán bộ chỉ đạo tốt hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của sinh viên. Duy trì hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ sinh viên rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, thường xuyên hướng dẫn sinh viên rèn luyện các kĩ năng cơ bản, cốt lõi như kĩ năng soạn giáo án và tiến hành một giờ học trên lớp; kĩ năng khai thác và sử dụng đồ dùng dạy học; kĩ năng sử dụng sách giáo khoa và tài liệu tham khảo; kĩ năng tổ chức một giờ sinh hoạt lớp; kĩ năng tổ chức một hoạt động tập thể; kĩ năng thuyết trình; kĩ năng làm việc nhóm; kĩ năng tìm hiểu tâm sinh lí lứa tuổi học sinh; kĩ năng ứng xử trong cuộc sống…
Năm là, Công đoàn khoa phối hợp với chính quyền đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong công đoàn viên. Thường xuyên khuyến khích các công đoàn viên tham gia nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn sâu, rộng. Đặt ra kế hoạch và chỉ tiêu phấn đấu cho từng công đoàn viên. Trong đó, động viên mỗi công đoàn viên ít nhất có một bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành hoặc Hội thảo khoa học. Để làm được điều này, đối với các công đoàn viên có kinh nghiệm lâu năm không khó, nhưng với công đoàn viên trẻ, ngoài sự nỗ lực của từng người, còn có sự dìu dắt, giúp đỡ của các đồng chí có uy tín, có trình độ chuyên môn sâu và thâm niên công tác. Vì vậy, trong khoa có nhiều công đoàn viên viết bài đăng trên tạp chí uy tín trong và ngoài nước; nhiều công đoàn viên làm chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp (Bộ, Trường) đã bảo vệ đạt kết quả tốt; nhiều công đoàn viên tích cực tham gia các Hội thảo khoa học trong và ngoài nước; nhiều công đoàn viên tham gia viết giáo trình, tài liệu học tập, các sách chuyên khảo và tài liệu chính trị cho nhà trường. Đặc biệt, nhiều công đoàn viên tham gia đề án xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa mới sau năm 2015.
Sáu là, Công đoàn phối hợp với chính quyền và tổ chuyên môn khuyến khích, động viên các công đoàn viên trong Khoa tăng cường ý thức tự học, tự nghiên cứu, từng bước nâng cao năng lực nghề nghiệp của mình. Đặc biệt, là sự tham gia nhiệt tình, hiệu quả của đội ngũ công đoàn viên trẻ trong lớp học nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, lớp chính trị cao cấp; nhiều công đoàn viên thi đạt chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh TOEFL trên 500 điểm, ILTS 5,5; Hiện nay, có 7 công đoàn viên đang làm NCS ở nước ngoài (Italia, Pháp, Trung Quốc, Đài Loan, Đức); 4 công đoàn viên đang chuẩn bị đi làm nghiên cứu sinh tại Ôxtrâylia, Nhật Bản, Anh, Pháp; nhiều công đoàn viên đạt chứng chỉ tin học (giáo án điện tử, đào tạo trực tuyến; khai thác mạng, Intel, quản trị văn phòng ...) ; Trong nhiệm kì 2011 - 2013, có 8 công đoàn viên đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ (trong đó, có 3 tiến sĩ bảo vệ tại nước ngoài, 5 tiến sĩ bảo vệ trong nước); có 1 công đoàn viên được phong chức danh Giáo sư (Trần Thị Vinh) và 2 công đoàn viên được phong chức danh Phó giáo sư (Nguyễn Duy Bính, Nguyễn Thị Hạnh).
Bảy là, Công đoàn phối hợp với Ban chủ nhiệm, cố vấn học tập, cán bộ quản lí sinh viên, giáo vụ, liên chi đoàn chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lí sinh viên trong giờ học trên lớp, hoạt động nghiên cứu khoa học, công tác văn hóa, văn nghệ, thể thao, tình nguyện. Qua đó, tạo môi trường rèn luyện toàn diện cho sinh viên, góp phần thực hiện tốt mục tiêu đào tạo.
Có thể nói, công tác quản lí hoạt động chuyên môn của khoa Lịch sử có sự thống nhất và phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức trong khoa. Trong đó, Công đoàn khoa góp phần quan trọng và hiệu quả. Chúng tôi tin tưởng, với môi trường dân chủ, chia sẻ và tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ lãnh đạo khoa và từng công đoàn viên, công đoàn khoa Lịch sử luôn giữ vững và phát huy truyền thống của một tổ chức công đoàn vững mạnh trong trường ĐHSP Hà Nội.
Những hoạt động của Câu lạc bộ sinh viên NCKH của khoa Lịch sử.
Cô Trần Thị Vinh, giảng viên khoa Lịch sử nhận giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư năm 2012 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Cán bộ và sinh viên khoa Lịch sử chúc mừng các thầy cô giáo được bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư năm 2013
Tác giả: TS Nguyễn Thị Thế Bình - Khoa Lịch sử