Chúng ta kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam trong bối cảnh toàn ngành đang triển khai công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà. Trong đó, người thầy được khẳng định là một nhân tố đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Trường ĐHSP Hà Nội là một trường lớn, một trường đóng vai trò đầu tàu trong tiến trình phát triển giáo dục đất nước. Trường ĐHSP Hà Nội có một đội ngũ giảng viên vượt trội để thực hiện các trọng trách đổi mới giáo dục. Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là nhân dân đang trông đợi sự đóng góp của nhà trường với sự nghiệp phát triển giáo dục…
Bối cảnh hội nhập và yêu cầu đặt ra đối với giáo dục
Đất nước chúng ta đang hội nhập sâu vào sân chơi quốc tế. Năm 2007 chúng ta chính thức gia nhập WTO (World Trade Organization). Cuối năm nay chúng ta thực thi cam kết Cộng đồng kinh tế Asean. Xa hơn là Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, TPP (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement). Trong đó, TPP với mục tiêu chính là mở cửa thị trường, xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu trong các nước thành viên; thống nhất qui tắc chung về sở hữu trí tuệ, chất lượng sản phẩm. Hơn thế nữa, TPP đặt ra các luật quốc tế vượt qua cả phạm vi của WTO. Tham gia TPP sẽ nâng cao vị thế và tạo cơ hội phát triển đất nước, bên cạnh đó là sức ép mở cửa thị trường, sự cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp, của nguồn nhân lực và sự quan ngại về năng lực quản lí của chúng ta; nhiều qui định phải sửa đổi... Tất cả là những vấn đề mà chúng ta sẽ phải đối mặt.
Ngày nay, chỉ cần một cái nhấp chuột mọi thông tin cần thiết có thể xuất hiện. Thế giới phẳng và kinh tế tri thức không còn đơn thuần là khái niệm mà đã hiện hữu và bản thân nó tạo nên những cuộc chạy đua đối với mọi quốc gia. Cùng một quãng thời gian nhưng tốc độ thay đổi đã tăng lên nhiều bậc, tác động lên mọi mặt của đời sống xã hội loài người. Đây là gốc rễ của sự gia tăng cách biệt giữa các nước giàu và nước nghèo.
Xã hội chúng ta đang chịu sự tác động nhiều chiều của các yếu tố khác nhau. Từ kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, quan niệm xã hội. Đặc biệt, ở mức độ nào đó, một bộ phận giới trẻ có dấu hiệu chưa ý thức đủ về năng lực công dân thời hội nhập; thiếu khả năng tiếp thu có chọn lọc, có định hướng trong một thế giới hiện đại và đa dạng dẫn đến những khủng hoảng về quan niệm sống, về các giá trị cơ bản.
Những thành công, những thất bại, những tụt hậu suy cho cùng là do yếu tố con người. “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn.” (Thân Nhân Trung).
Trong bối cảnh nêu trên, giáo dục không thể cứ loay hoay trong những cách làm cũ. Đơn cử, chúng ta có thể thấy, vận động viên bơi lội Ánh Viên muốn khẳng định ở đấu trường quốc tế thì ngoài yếu tố năng khiếu còn cần phải học hỏi, tập luyện trong chế độ đặc biệt khoa học và nghiêm ngặt của chuẩn quốc tế. Điều mà chỉ bằng kinh nghiệm chúng ta không thể làm được.
Rõ ràng, ngày nay đất nước cần những công dân toàn cầu mang bản sắc Việt. Đây là những vấn đề cơ bản mà ngành giáo dục có nghĩa vụ và trách nhiệm phải quan tâm.
Hiển nhiên, nếu không có công dân mới, không nâng cao chất lượng nhân lực thì đất nước khó có thể vượt qua đói nghèo. Chúng ta nghĩ gì khi từ rất lâu chỉ đặt ra vấn đề tìm hiểu và tiếp cận; Chỉ đặt ra vấn đề nhập khẩu sản phẩm rẻ; Chỉ lo lắng bị xâm thực về văn hóa? Đã đến lúc chúng ta phải đào tạo những thế hệ có đủ tầm vóc về trí tuệ, đủ bản lĩnh và nhân cách để rũ bỏ những mặc cảm nhược tiểu; không đơn thuần là thích ứng với mọi môi trường mà phải làm chủ trong mọi hoàn cảnh. Chỉ có thế mới hi vọng đưa đất nước thoát khỏi cảnh nghèo khó và mới cất cánh được. Chỉ có thế mới đảm bảo chủ quyền đất nước, bảo tồn được bản sắc và văn hóa dân tộc. Tự bảo vệ và mong muốn phát triển trong thế cô lập là không thể và không còn phù hợp với thời đại ngày nay.
Những vấn đề này đặt ra những trọng trách đối với giáo dục, trong đó có ngôi trường chúng ta.
Trách nhiệm đổi mới giáo dục của trường ĐHSP Hà Nội
Lịch sử hơn 64 năm của trường ĐHSP Hà Nội gắn liền với nền giáo dục cách mạng là những trang vàng chói lọi. Chúng ta có quyền tự hào rằng, bằng ấy thời gian, cán bộ và sinh viên nhà trường đã có những đóng góp quan trọng đối với giáo dục đất nước, góp phần đào tạo những thế hệ công dân có trách nhiệm với Tổ quốc, có nghĩa tình và tinh thần phụng sự nhân dân. Chúng ta tự hào đã có nhiều nhà khoa học đầu ngành, nhiều nhà giáo dục nổi tiếng. Nhấn mạnh điều này để những thế hệ hiện tại và tương lai xây dựng niềm tin, xác định trách nhiệm và nỗ lực phấn đấu sao cho không hổ thẹn với tiền bối, với lịch sử nhà trường. Tự hào về ngày nhà giáo, chúng ta càng khắc sâu những giá trị thiêng liêng này để phục vụ đất nước tốt hơn.
Trong bối cảnh mới, tự thân chúng ta và đòi hỏi thời đại, buộc chúng ta phải đổi mới. Singapore đã sớm nhận thức được phát triển giáo dục theo hướng quốc tế hoá, trong đó tiếng Anh như là chìa khoá cho lộ trình này. Song song với đó là hàng loạt hoạt động giáo dục để giữ gìn bản sắc quốc đảo của họ. Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã ý thức sớm điều này và họ liên tục làm mới cách thức dạy và học trong nhà trường ở mọi bậc học.
Trong thời đại ngày nay, không một ngành học riêng biệt nào có thể giải quyết trọn vẹn một vấn đề thực tiễn. Vì vậy, gần đây một số ngành học mới ra đời như quang điện tử (optoelectronics), spin tử (spintronics), công nghệ y - sinh, công nghệ lí - sinh, công nghệ nano... Trong khoa học xã hội cũng đã có nhiều thay đổi, những đối tượng khoa học xã hội (social science) và khoa học tự nhiên (natural science) đã có tác động qua lại và quan hệ rất mật thiết. Rõ ràng, thế độc tôn và cô lập của các ngành học không còn nữa. Điều này cũng đặt ra cho giáo dục phải tìm con đường mới để đào tạo giáo viên và giáo dục học sinh.
Muốn đổi mới phải bắt đầu từ giảng viên của chúng ta. Ngày hôm qua đã là quá khứ và thuộc về lịch sử. Cái khó của chúng ta là làm hôm nay nhưng chuẩn bị cho tương lai. Dự báo đúng, tìm hướng đi, tìm cách làm đúng thì kết quả tốt và ngược lại. Thay đổi mô hình, chương trình là cần thiết, nhưng sống còn là thay đổi từ giảng viên. Với cách nghĩ cũ, với cách làm cũ, với cách tiếp cận cũ, rời xa với yêu cầu đổi mới của thực tiễn, không vươn tầm nhìn ra thế giới, thì sẽ mãi mãi tự an ủi mình, ru ngủ mình, hài lòng với mình mà không biết là mình đang trở thành vật cản.
Nhân dịp này, với lòng tự trọng và khát khao tiến bộ, tôi hi vọng mỗi thầy cô sẽ ý thức nhiều hơn về trọng trách của mình đối với công việc, đối với nghề và đối với nhà trường, với ngành. Đi theo hướng đào tạo nào, theo cách truyền thống hay cải tiến, hay tìm cách đi mới là câu hỏi lớn mà thầy trò nhà trường phải trả lời được, để có những thế hệ sinh viên đảm đương được công tác giáo dục và dạy học trong tương lai.
Trọng trách của các giáo sư, phó giáo sư
Thay mặt lãnh đạo nhà trường và tư cách cá nhân, tôi xin chúc mừng các tân giáo sư, phó giáo sư được bổ nhiệm dịp này. Đây là sự ghi nhận về những nỗ lực không mệt mỏi của các đồng chí. Đặc biệt nhiều cán bộ nữ đã vượt qua những khó khăn nhiều mặt, bền bỉ phấn đấu trong nghiên cứu, trong đào tạo để có kết quả vinh dự và tự hào này. Thay mặt lãnh đạo Nhà trường, tôi xin biểu dương các đồng chí.
… Học hàm, học vị là quan trọng nhưng không phải là tất cả. Bằng cấp, hàm vị là sự ghi nhận nỗ lực của cá nhân từ ngày hôm qua. Bản thân bằng cấp, hàm vị không sinh ra ý tưởng mới, không tạo ra giá trị mới thay cho chủ nhân của nó. Tôi mong các đồng chí nghĩ về trọng trách của mình từ ngày hôm nay. Sau khi đạt học hàm ta sẽ làm gì, đó là mong muốn cao hơn của nhà trường và cả xã hội.
Giáo sư, phó giáo sư là những học hàm cao quí đối với giảng viên. Bản thân nó bao hàm tầm chuyên môn và tầm văn hoá. Tôi hi vọng rằng, cùng với đội ngũ các giáo sư và phó giáo sư, các tân giáo sư, tân phó giáo sư sẽ là hạt nhân đoàn kết, tập hợp đội ngũ, có những ý tưởng mới triển khai trong thực tiễn nghiên cứu và đào tạo. Tôi cũng mong muốn rằng, các tân giáo sư, phó giáo sư, cùng với cán bộ của nhà trường sẽ là những người có chuẩn mực về văn hoá, có tinh thần cầu thị, có lối sống bao dung và tinh thần tương trợ.
Chúng ta đang thiếu các nhóm nghiên cứu mạnh, thiếu hẳn các trường phái. Đây là lỗ hổng của đại học. Trong khoa học không có cái cuối cùng. Kiêu ngạo trong khoa học, tự mãn trong kết quả không phải là phẩm chất của trí thức. Tôi may mắn, vài lần được làm việc với một số nhà khoa học từng đạt giải Nobel. Điểm chung ở họ là luôn toát lên sự khiêm nhường, độ lượng và sẵn lòng sẻ chia. Tôi cứ nghĩ mãi, có phải những nhân cách khoa học lớn bắt nguồn từ sự giản dị và bao dung? Và có phải trước khi trở thành một vĩ nhân bạn hãy làm một người bình thường với cuộc đời này để cảm, để hiểu, để sẻ chia, làm nền tảng cho một nhân cách lớn sau này?
Tôi cũng day dứt hoài khi tiếp xúc với một vài người khi có biểu hiện kiêu căng và khinh thường người khác. Tối kị nhất trong khoa học là sự đố kị, ghen tỵ và tìm cách cản đường người khác. Tôi luôn mong và tin tưởng rằng, chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng một môi trường học thuật văn hoá và tiến bộ. Hầu hết sáng tạo của nhân loại bắt nguồn từ các đại học. Muốn được như vậy, phải xây dựng môi trường học thuật thông thoáng, tạo cho mỗi cá nhân không gian tự do cả trong nghĩa đen và nghĩa bóng. Quản trị đại học là tìm hành lang tốt nhất để nhà khoa học sáng tạo và do đó phải thường xuyên làm mới qui định. Thành công của các tân giáo sư, phó giáo sư ngày hôm nay sẽ tiếp thêm sinh lực và góp phần xây dựng môi trường khoa học của Nhà trường sáng tạo, đổi mới.
Đôi lời chia sẻ
Trong những biến động của thời đại, nhiều khái niệm mới, giá trị mới xuất hiện, nhiều sản phẩm mới ra đời, nhưng có những giá trị là vĩnh hằng. Trong đó, truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc luôn được giữ gìn.
Chúng ta còn nhiều khó khăn, nghề giáo còn nhiều vất vả, thiếu thốn. Các cán bộ trẻ của nhà trường còn phải lo toan nhiều thứ. Tôi xin chia sẻ với quý thầy cô và các đồng chí. Đảng ủy, Ban Giám hiệu và bản thân tôi đã nỗ lực nhưng chưa làm được nhiều hơn để nâng cao điều kiện làm việc, điều kiện sống cho các đồng chí. Đây là trăn trở lớn trong tôi.
Những biến tướng của cái gọi là tôn trọng làm chúng ta đau lòng. Chúng ta thường đổ lỗi cho cơ chế thị trường vì mặt trái của nó; đổ lỗi sự vô cảm là do thái độ thờ ơ của đồng loại; đổ lỗi bạo lực là do tác động của phim ảnh, nhưng có lẽ chúng ta sẽ phải nhìn lại chúng ta, nhìn lại cách giáo dục của chúng ta, nhìn lại vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc hình thành những nền tảng cơ bản, hình thành nhân cách, hình thành các giá trị cho một công dân đã đầy đủ hay chưa để tìm ra giải pháp.
Những gì chúng ta đã và đang làm rất có ý nghĩa và là tâm huyết của bao thế hệ thầy cô và sinh viên. Chúng ta trân trọng và nâng niu thành quả đó. Nhưng đã đến lúc, không thể khác là cần đổi mới. Nhưng đổi mới cái gì, đổi như thế nào là vấn đề trọng đại cần trí tuệ và tình cảm của quí thầy cô. Cái tốt, cái đẹp phải biết giữ lại, tiếp thu cái tiến bộ để làm mới mình là điều cần thiết. Có những cái tốt nhưng không phù hợp thì cũng cần phải cất giữ và thay bằng cái tốt phù hợp hơn.
Giáo dục mang tính nhân văn cao nhất, nhưng giáo dục và khoa học hàn lâm nếu không được thúc đẩy tiến bộ, đổi mới sẽ trở thành thành trì của bảo thủ.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng ta như làm mới lại tinh thần, khắc sâu những giá trị cao đẹp của nghề giáo, nguyện cùng nhau tạo dựng các giá trị văn minh, tiến bộ phù hợp thời đại và làm cho những giá trị này đi vào thực tiễn cuộc sống, xứng đáng là thầy cô, sinh viên trường ĐHSP Hà Nội thân yêu của chúng ta và của nhân dân.
GS.TS Nguyễn Văn Minh
Hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội
Theo Bản tin trường ĐHSP Hà Nội.