|
Ảnh minh họa ITN |
Vì vậy, đạo đức nghề giáo không chỉ là những chuẩn mực, quy tắc được hình thành trong lịch sử, lưu truyền, sàng lọc qua thực tiễn đời sống xã hội, mà còn được đề cập trong hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia.
Tại Việt Nam, Luật Giáo dục trước đây và Luật Giáo dục năm 2019 đều quy định điều kiện để trở thành giáo viên phải là người có đạo đức tốt. Năm 2008, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT quy định về đạo đức nhà giáo. Tuy vấn đề đạo đức nhà giáo được pháp luật điều chỉnh nhưng thực tế cho thấy vẫn còn khá tản mạn trong nhiều văn bản pháp luật.
Hiện nay các quy định về đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo gần như chỉ tác động đến đội ngũ thầy cô trong đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập, chưa tính đến cơ sở giáo dục ngoài công lập và cơ sở giáo dục của nước ngoài tại Việt Nam, hay cơ sở đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, văn hóa ngoài giờ. Quy định về đạo đức của nhà giáo cũng chưa phản ánh đầy đủ các khía cạnh của nghề.
Trong khi đó, thời gian qua, vẫn còn tình trạng giáo viên có hành vi thiếu chuẩn mực, vi phạm đạo đức. Mặc dù đây chỉ là hiện tượng cá biệt, được xử lý nghiêm minh nhưng các hành vi vi phạm đã tác động lớn đến tâm lý xã hội, gây ảnh hưởng đến hình ảnh nhà giáo cũng như uy tín toàn ngành. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần đưa đạo đức nhà giáo vào luật để nâng cao hơn nữa tính pháp lý.
Luật Nhà giáo từ khi mới xây dựng và trải qua nhiều lần lấy ý kiến góp ý đều nhận được khuyến nghị về việc cần quy định rõ về đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo để áp dụng chung cho cả khu vực công và tư, cho cả nhà giáo nước ngoài làm việc ở các cơ sở giáo dục của Việt Nam. Nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội đặc biệt lưu ý quy định đạo đức nhà giáo không chỉ mang tính tự nguyện mà còn bắt buộc thi hành, trở thành tiêu chuẩn để được hành nghề hoặc bị xử lý theo quy định của pháp luật, tước bỏ danh xứng nhà giáo.
Luật hóa quy định về đạo đức nhà giáo trong văn bản luật chuyên ngành là đặt ra yêu cầu ngày càng cao về chuẩn mực đạo đức người thầy. Đây sẽ là cơ sở quan trọng giúp đội ngũ nhà giáo cả nước thêm nỗ lực tự rèn luyện để phù hợp với nghề dạy học, khẳng định vị thế của mình, đồng thời bảo vệ học sinh.
Thế nhưng cũng phải thấy một thực tế hiện nay, nhà giáo phải chịu rất nhiều áp lực đến từ công việc, đánh giá của xã hội, kỳ vọng của học sinh và phụ huynh; Thu nhập nhà giáo chưa bảo đảm đời sống và tái sản xuất sức lao động… Vì thế, cần bảo đảm các điều kiện để thầy cô thực thi và giữ gìn phẩm giá, thực hiện và bảo vệ đạo đức của bản thân, tăng cường trau dồi, tu dưỡng, rèn luyện đạt được những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc và đặc thù nghề nghiệp.
Đáng mừng là cùng với việc đặt ra yêu cầu cao về đạo đức, chuẩn mực người thầy, dự thảo Luật Nhà giáo xây dựng được những quy định mới có tính ưu việt như: Đãi ngộ, tôn vinh và bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp, an sinh; Xếp lương nhà giáo cao nhất; bảo đảm bình đẳng giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập… Rất mong những chính sách mới này sớm được Quốc hội thông qua, áp dụng vào thực tiễn, tạo điều kiện tốt nhất giúp thầy cô rèn mình thành gương sáng, làm tròn sứ mệnh cao cả trồng người.
Theo: Gia Khánh - giaoducthoidai.vn