Hoạt động này nhằm tạo ra một không gian đối thoại và hợp tác giữa các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia, giáo viên, học sinh, sinh viên và những người quan tâm đến các vấn đề về giáo dục biến đối khí hậu, năng lượng tái tạo hướng đến sự phát triển bền vững.
Diễn đàn “Giáo dục về năng lượng tái tạo và biến đổi khí hậu” đã thu hút 120 đại biểu đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trươntg, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các chuyên gia, nhà khoa học, thầy cô giáo và các em học sinh.
GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phát biểu khai mạc diễn đàn
Phát biểu khai mạc, GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh: Việt Nam rất quan tâm đến lĩnh vực năng lượng tái tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu, cam kết để phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng là đất nước phải hứng chịu ảnh hưởng to lớn bởi biến đối khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan. Như trong thời gian vừa rồi cơn bão Yagi đã gây tổn hại lớn cả và người và của ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Ngành Giáo dục có vai trò quan trọng trong tăng cường nhận thức về biến đối khí hậu, năng lượng tái tạo không chỉ trong khuôn khổ nhà trường mà còn tạo ra hiệu ứng tích cực về nhận thức trong xã hội. “Diễn đàn lần này được tổ chức nhằm thảo luận các vấn về giáo dục biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo từ chính sách đến cấp độ tích hợp, lồng ghép ở cấp độ nhà trường. Để thực hiện thành công điều này chúng ta cần sự chung tay từ các bên liên quan để cùng lập kế hoạch giáo dục, triển khai những sáng kiến khả thi”, GS Lê Anh Vinh cho biết.
Theo GS.TS Lê Anh Vinh, cần thiết kế giáo dục tích hợp, lồng ghép năng lượng tái tạo và thích ứng với biến đổi khí hậu vào chương trình giảng dạy của nhà trường. Đồng thời thiết lập các chương trình đào tạo nhằm khuyến khích nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực này.
Phiên thảo luận bàn tròn tại diễn đàn
Nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục biến đổi khí hậu và năng lượng tái tạo chuẩn bị cho thế hệ trẻ sẵn sàng đối mặt với những thách thức toàn cầu như, Đại diện UNICEF Việt Nam, bà Lê Anh Lan, chuyên gia chương trình giáo dục đồng thời giới thiệu các chương trình giáo dục về lĩnh vực biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo của UNICEF toàn cầu, UNICEF Việt Nam. Đặc biệt, theo bà Lê Anh Lan khi ứng phó với các thảm thảm họa xảy ra, UNICEF luôn đồng hành cùng với Chính phủ Việt Nam, chính quyền địa phương để cùng thúc đẩy quá trình phục hồi và tăng khả năng chống chọi trong tương lai.
Trong bài trình bày đề dẫn, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường chia sẻ các chính sách, chiến lược quốc gia về năng lượng tái tạo và biến đổi khí hậu trên thế giới cũng như sự chú trọng vấn đề này ở Việt Nam.
TS Đỗ Anh Dũng, Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong tham luận với chủ đề “Giáo dục biến đổi khí hậu trong cơ sở giáo dục phổ thông” đã đưa ra thông tin liên quan đến chính sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo về cách thức hướng dẫn nhà trường, giáo viên lồng ghép, tích hợp nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời cũng cho rằng để có thể triển khai một cách hiệu quả thì cần có sự chủ động lớn từ mỗi thầy cô giáo.
Các em học sinh sôi nổi thảo luận tại diễn đàn
Tại diễn đàn, các đại biểu cũng được lắng nghe các bài trình bày về việc triển khai giáo dục biến đổi khí hậu của TS. Chotima Nooprick trong bối cảnh Thái Lan; báo cáo “Nghiên cứu thực trạng giáo dục biến đổi khí hậu và năng lượng tái tạo tại nhà trường THCS Việt Nam” và báo cáo “Một số vấn đề về giáo dục biến đổi khí hậu và năng lượng tái tạo ở trung học cơ sở”; việc triển khai thực tiễn tại Ninh Thuận về giáo dục bảo vệ môi trường, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, thông qua các môn học và hoạt động giáo dục...
Trong phiên thảo luận bàn tròn, các diễn giả, các thầy cô giáo và các em học sinh đã cùng thảo luận chia sẽ các góc nhìn để chung tay thúc đẩy giáo dục biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo. Trong đó, các ý kiến đều cho cần chung tay hành động và truyền tải thông điệp môi trường thông qua giáo dục, các trường học có thể góp phần xây dựng thế hệ công dân toàn cầu ý thức được tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, vì mục tiêu chung xây dựng đất nước phát triển bền vững.
Nguồn: moet.gov.vn