Thực trạng phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng bởi thiên tai
Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi thiên tai, và phụ nữ cùng trẻ em gái thường là những đối tượng chịu thiệt thòi nhất. Theo tổ chức Phụ nữ Liên Hiệp Quốc (UN Women), “biến đổi khí hậu gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến các nhóm dân cư nghèo khó, 70% trong số này là phụ nữ. Phụ nữ và trẻ em là những người dễ bị tổn thương gấp 14 lần so với nam giới trong các thảm họa thiên nhiên”. Mỗi năm, thiên tai khiến gần 500 người thiệt mạng và gây thiệt hại hàng tỷ USD.
Năm 2020, theo số liệu từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và các thành viên nhóm giới và bảo vệ (Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ - UN Women, Quỹ Dân số Liên hợp quốc - UNFPA...), các đợt mưa lũ tại các tỉnh, thành phố miền Trung đã làm 123 phụ nữ tử vong. Tính đến ngày 12/9/2024, bão lũ, sạt lở đất tại các tỉnh, thành phố miền Bắc sau cơn bão Yagi gây tổn thất lớn về người với 330 người chết, mất tích, tuy nhiên chưa có số liệu chi tiết về giới.
Trong các tình huống khẩn cấp, phụ nữ thường phải đối mặt với nhiều thách thức như mất việc làm, thiếu cơ hội tiếp cận các dịch vụ cứu trợ, và thậm chí là bạo lực giới. Họ chiếm tỷ lệ lớn trong nhóm người bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau mỗi trận bão hoặc lũ lụt, đặc biệt với những người phụ nữ đơn thân, phụ nữ làm chủ hộ, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, phụ nữ tàn tật, khuyết tật...
Ngoài ra, trong bối cảnh thiên tai, phụ nữ và trẻ em gái còn đối diện với nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm và bệnh phụ khoa cao hơn nam giới. Điều này càng làm tăng thêm gánh nặng cho họ, đặc biệt là ở những khu vực nông thôn, nơi điều kiện sống và chăm sóc y tế còn nhiều hạn chế.
Nguyên nhân
Sự bất bình đẳng giới là nguyên nhân chính dẫn đến tính dễ bị tổn thương của phụ nữ và trẻ em gái trong thiên tai. Trong các cộng đồng, phụ nữ thường không được tham gia vào quá trình ra quyết định về quản lý rủi ro thiên tai. Họ cũng thiếu quyền tiếp cận các nguồn lực như đất đai, tài chính, và các chương trình cứu trợ, làm cho khả năng chống chịu của họ trước thiên tai thấp hơn.
Thêm vào đó, vai trò truyền thống của phụ nữ trong gia đình là chăm sóc trẻ em và người già đã tạo nên gánh nặng lớn khi họ phải đảm bảo sự an toàn cho cả gia đình trong các tình huống khẩn cấp. Tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi phụ nữ thường phải gánh vác 60% khối lượng công việc chăm sóc gia đình trong khi nam giới chỉ tham gia 40%.
Giải pháp
Sự bất bình đẳng giới và những tác động từ thiên tai không chỉ khiến phụ nữ chịu thiệt hại về tài sản mà còn làm suy giảm khả năng phục hồi của họ sau thiên tai. Họ phải đối mặt với mất mát về sinh kế, gia tăng áp lực về chăm sóc gia đình, và nguy cơ bị lạm dụng tình dục.
Để giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của phụ nữ và trẻ em gái trước thiên tai, cần có những giải pháp toàn diện. Một trong những biện pháp quan trọng là tăng cường vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong quản lý rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu. Phụ nữ nên được tham gia vào các quá trình ra quyết định để đảm bảo rằng nhu cầu và mối quan tâm của họ được lắng nghe và giải quyết một cách hợp lý.
Ngoài ra, cần phát triển các chương trình đào tạo và nâng cao nhận thức về quản lý rủi ro thiên tai cho phụ nữ và trẻ em gái. Những chương trình này giúp họ trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình và gia đình trong các tình huống khẩn cấp.
Cuối cùng, việc cải thiện khả năng tiếp cận tài nguyên và các dịch vụ xã hội, đồng thời bảo vệ phụ nữ khỏi bạo lực giới trong các tình huống thiên tai, là những bước quan trọng để tăng cường sức mạnh của họ trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc tạo ra một môi trường bình đẳng trong ứng phó với thiên tai sẽ không chỉ giúp giảm thiểu thiệt hại mà còn góp phần xây dựng một xã hội phát triển bền vững hơn.
TS Nguyễn Lê Hoài Anh - Khoa Công tác xã hội