
Trong những năm gần đây, tình hình ma túy ở Việt Nam và thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Không chỉ là vấn nạn về sức khỏe, ma túy còn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với đạo đức, an ninh, trật tự và sự phát triển bền vững của xã hội. Đặc biệt, giới trẻ - trong đó có học sinh, sinh viên - đang ngày càng trở thành nhóm đối tượng bị lôi kéo, dụ dỗ sử dụng các loại ma túy mới với hình thức trá hình ngày càng tinh vi.
1. Ma túy là gì và các dạng phổ biến hiện nay
Ma túy là các chất kích thích, gây nghiện, làm thay đổi trạng thái tâm thần và hành vi con người. Có thể chia ma túy thành hai nhóm chính:
- Ma túy tự nhiên: như thuốc phiện, cần sa.
- Ma túy tổng hợp: như heroin, methamphetamine (ma túy đá), ketamine, thuốc lắc, nước vui, bóng cười…
Hiện nay, nhiều loại ma túy được ngụy trang dưới dạng thực phẩm, thuốc lá điện tử, bánh kẹo… khiến người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ, dễ tiếp cận và mất khả năng nhận diện.
2. Tác hại và hậu quả nghiêm trọng của ma túy
* Đối với cá nhân:
- Gây rối loạn thần kinh, suy kiệt sức khỏe, mất kiểm soát hành vi, dễ dẫn đến trầm cảm, tự hủy hoại bản thân hoặc phạm pháp.
- Mất khả năng học tập, lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai và nhân cách.
* Đối với gia đình:
- Gây khủng hoảng về kinh tế, tinh thần, đổ vỡ tình cảm, mất niềm tin.
- Tác động xấu đến con cái và các thế hệ kế tiếp.
* Đối với xã hội:
- Gia tăng tội phạm, bạo lực, tai nạn giao thông và các tệ nạn khác.
- Lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, sự phát triển bền vững của đất nước.
3. Nguy cơ thâm nhập học đường
Ma túy đang tìm cách xâm nhập vào môi trường học đường thông qua:
- Tâm lý tò mò, thích thử cái mới của giới trẻ.
- Sự nhẹ dạ, thiếu kỹ năng từ chối, thiếu hiểu biết của học sinh, sinh viên.
- Các mối quan hệ xã hội thiếu lành mạnh, ảnh hưởng từ mạng xã hội, các trào lưu lệch chuẩn.
4. Vai trò và trách nhiệm của cán bộ, nhà giáo, người lao động
Là lực lượng chủ chốt trong giáo dục, mỗi cán bộ, nhà giáo, người lao động cần:
- Gương mẫu chấp hành pháp luật, sống lành mạnh, nói không với ma túy.
- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục học sinh, sinh viên về tác hại và kỹ năng phòng chống ma túy trong các hoạt động chuyên môn, ngoại khóa, sinh hoạt lớp…
- Quan sát, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, tâm lý thay đổi của người học để kịp thời tư vấn, phối hợp hỗ trợ.
- Tham gia các chương trình hành động, tập huấn, sinh hoạt chuyên đề về phòng, chống ma túy trong nhà trường và địa phương.
5. Thông điệp hành động
- Đừng tò mò, đừng thử dù chỉ một lần.
- Mỗi thầy cô là một người bảo vệ thầm lặng cho học sinh của mình.
- Phòng, chống ma túy là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó nhà trường giữ vai trò nòng cốt.

Hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2025 Công đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội kêu gọi toàn thể cán bộ, giảng viên, người lao động phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, phối hợp với nhà trường và các tổ chức liên quan nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, trong sạch, nói không với ma túy. Vì một mái trường không có ma túy - Vì một thế hệ trẻ bản lĩnh, nhân văn và phát triển toàn diện.
Ban Tuyên giáo - Truyền thông