I. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ TRƯỞNG CÔNG ĐOÀN.
Tổ trưởng công đoàn là người sống và làm việc hàng ngày với đoàn viên và CNLĐ, do đoàn viên trong tổ bầu ra, đại diện trực tiếp cho đoàn viên, công nhân viên chức, lao động trong tổ. Tổ trưởng công đoàn có trách nhiệm đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân lao động trong tổ; trực tiếp giải quyết các vướng mắc của đoàn viên, xây dựng cũng cố tập thể tổ đoàn kết, vận động các thành viên trong tổ tích cực sản xuất, kinh doanh, thực hiện nghiêm các chế độ chính sách của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Tổ trưởng công đoàn hoạt động tích cực, có hiệu quả thì tổ công đoàn sẽ mạnh và ngược lại. Nội dung hoạt động chủ yếu của tổ trưởng công đoàn cần tập trung vào những vấn đề sau:
1. Tìm hiểu để nắm vững chủ trương đường lối của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, công tác ở tổ:
- Để hoạt động của tổ công đoàn có hiệu quả, thiết thực, là người đứng đầu tổ công đoàn, tổ trưởng công đoàn cần tranh thủ thời gian nghiên cứu, nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công nhân, viên chức, lao động ở tổ, đặc biệt cần nắm vững những quy định của Bộ luật lao động về quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động, về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi về chính sách bảo hiểm xã hội. Nắm chắc những nội dung của thỏa ước lao động tập thể ở cơ sở, đây là căn cứ để tổ trưởng công đoàn vận động, tổ chức cho công nhân lao động và đoàn viên công đoàn trong tổ thực hiện. Đồng thời là cơ sở để tổ trưởng công đoàn hướng dẫn, giúp đỡ các thành viên trong tổ ký giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động và đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, lao động trong tổ.
Nắm các quyền công đoàn được quy định trong luật Công đoàn. Bộ luật lao động và trong các Nghị định của Chính phủ để thực hiện quyền đại diện bảo vệ quyền, lợi ích của công nhân, viên chức, lao động trong tổ, quyền tham gia quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của công nhân, lao động.
- Nắm vững tình hình sản xuất, kinh doanh, công tác của đơn vị, chương trình kế hoạch hoạt động của CĐCS, Công đoàn bộ phận để đề ra chương trình, kế hoạch hoạt động và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động tổ công đoàn cho phù hợp.
2. Tổ chức thực hiện các nội dung hoạt động của tổ công đoàn.
Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế, tổ công đoàn cần phải không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động cho phù hợp với điều kiện cụ thể của tổ công đoàn và tình hình mới. Hoạt động của tổ công đoàn, tổ trưởng công đoàn cần tập trung chỉ đạo hoạt động vào một số nội dung cơ bản sau:
2.1. Chỉ đạo hoạt động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân lao động trong tổ:
Lợi ích hợp pháp, chính đáng cơ bản của CNVC-LĐ nói chung, của công nhân, lao động trong tổ nói riêng gồm lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần. Trong điều kiện hiện nay lợi ích vật chât của công nhân, lao động là đảm bảo việc làm ổn định và thu nhập tương xứng với sức lao động của họ bỏ ra, là được đảm bảo về điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh, được quan tâm thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách, như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Lợi ích tinh thần của công nhân, lao động là được tôn trọng và đối xử bình đẳng, được tạo cơ hội, điều kiện để học tập, làm việc, được quan tấm đến các hoạt động văn hóa, xã hội… Để đảm bảo lợi ích vật chất, tinh thần của người lao động trong tổ, một mặt tổ công đoàn cần vận động, tổ chức để cùng nhau lao động làm việc với năng xuất, chất lượng và hiệu quả cao, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đối với tổ công đoàn, công chức, viên chức phấn đấu hoàn thành và hoàn thành đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, để cơ quan, doanh nghiệp không ngừng phát triển, người lao động có việc làm ổn định, và thu nhập đảm bảo cuộc sống.
Mặt khác để bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, lao động. Tổ trưởng công đoàn cần quan tâm đến các nội dung hoạt động sau:
- Giúp đỡ, hướng dẫn công nhân, lao động trong tổ kí giao kết HĐLĐ với người sử dụng lao động theo đúng quy định của pháp luật.
- Vận động, giúp đỡ người lao động thực hiện nghiêm những quy định trong hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể.
- Giám sát thực hiện đúng các điều khoản đã giao kết trong HĐLĐ và thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước. Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những bức xúc của công nhân, lao động để có biện pháp cụ thể trong tổ chức hoạt động tổ công đoàn, nhằm đáp ứng yêu cầu, tâm tư, nguyện vọng của công nhân, lao động, ngăn chặng kịp thời đình công không theo đúng trình tự của pháp luật.
- Tổ chức cho công nhân lao động trong tổ tham gia quản lý sản xuất, kinh doanh, tham gia thoả ước lao động tập thể (khi công đoàn cơ sở xây dựng xong dự thảo TƯLĐTT và lấy ý kiến người lao động).
- Đại diện người lao động trong tổ đề xuất, kiến nghị với người sử dụng lao động, cải thiện điều kiện lao động, thực hiện nghiêm các chế độ chính sách đối với người lao động.
2.2. Chỉ đạo công tác tham gia quản lý của tổ công đoàn:
Tổ công đoàn tham gia quản lý, thực chất là để chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích trước mắt và lâu dài của công nhân lao động trong tổ tốt hơn, là hình thức tổ chức để công nhân lao động trong tổ phát huy dân chủ, đóng góp chí tuệ của mình vào tìm biện pháp tổ chức sản xuất kinh doanh, quản lý các nguồn lực của tổ, của cơ quan, doanh nghiệp để hiệu quả sản xuất, kinh doanh của cơ quan, doanh nghiệp ngày một tăng. Do vậy tổ trưởng công đoàn cần quan tâm tổ chức cho công nhân, lao động và đại diện cho công nhân, lao động trong tổ tham gia với tổ trưởng sản xuất, với người sử dụng lao động tổ chức sản xuất, quản lý tổ và cơ quan doanh nghiệp ngày một tốt hơn. Nội dung tham gia quản lý của tổ trong điều kiện hiện nay nên tập trung vào tìm các biện pháp tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả, như tham gia phân công, bố trí, sử dụng lao động phù hợp với năng lực, sở trường của người lao động nhằm đảm bảo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên trong tổ, tham gia tìm biện pháp mở rộng thị trường tạo việc làm và điều kiện làm việc cho người lao động, tham gia trong công tác tổ chức tiền lương, định mức lao động, tham gia xây dựng, hoàn thiện nội quy, quy chế cơ quan, doanh nghiệp và tổ chức thực hiện nghiêm nội quy, quy chế doanh nghiệp hoặc cơ quan, đơn vị…
a. Các hình thức công đoàn tham gia quản lý.
Để phát huy dân chủ, tập hợp trí tuệ của công nhân, lao động trong tổ, tham gia quản lý có hiệu quả, tổ trưởng công đoàn cần nắm vững và vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức tham gia cơ bản sau, cho phù hợp với điều kiện cụ thể của tổ:
- Tổ chức hội nghị công nhân, lao động trong tổ, để dân chủ bàn bạc, thảo luận những vấn đề liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, đến thu nhập, các biện pháp đảm bảo đời sống của công nhân, lao động.
- Tổ chức cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tham gia xây dựng Thoả ước lao động tập thể, tìm biện pháp thực hiện những nội dung của Thoả ước lao động tập thể, đảm bảo hài hoà lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động và lợi ích Nhà nước.
- Giám sát việc thực hiện nội quy, quy chế cơ quan, doanh nghiệp, hợp đồng lao động, Thoả ước lao động tập thể, các chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của công nhân, viên chức, lao động trong tổ.
- Đề xuất, kiến nghị với CĐCS, với tổ sản xuất hoặc tổ công tác, đặc biệt là với người sử dụng lao động để họ quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, quan tâm đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của công nhân, lao động trong tổ, để người lao động có đủ điều kiện, năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt cần chú trọng đề xuất với người sử dụng lao động quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, nhằm tạo động lực gắn bó với người lao động với tập thể góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
b. Vận động, tổ chức công nhân lao động trong tổ hưởng ứng các phong trào thi đua do công đoàn cơ sở tổ chức, phát động.
Thi đua là giải pháp quan trọng để khơi dạy mọi tiềm năng trong CNVC-LĐ, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Do vậy khi công đoàn cơ sở tổ chức phát động các phong trào thi đua, một mặt tổ công đoàn cần tuyên truyền vận động để mọi công nhân, lao động nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác thi đua, lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích xã hội của thi đua để cổ vũ nâng cao tinh thần trách nhiệm của tất cả các thành viên trong tổ nỗ lực tham gia thi đua. Mặt khác tổ trưởng công đoàn cần cùng các thành viên trong tổ bàn bạc tìm các giải pháp tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu, nội dung của phong trào thi đua. Đồng thời thông qua việc tổ chức hưởng ứng các phong trào thi đua, tổ công đoàn lựa chọn những cá nhân điển hình tiên tiến để đề nghị động viên, khen thưởng kịp thời và để tuyên truyền nhân rộng các điển hình tiên tiến.
2.3. Chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao năng lực làm chủ cho CNVC-LĐ.
Tuyên truyền giáo dục công nhân lao động là chức năng của tổ chức Công đoàn, các cấp công đoàn cần quan tâm tổ chức thực hiện tốt chức năng này. Đối với tổ công đoàn, tổ trưởng công đoàn cần quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:
a). Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết của cấp ủy Đảng của công đoàn cấp trên, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của công nhân, lao động.
Tổ trưởng công đoàn cần tập trung tuyên truyền, phổ biến những quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động, tuyên truyền, phổ biến nội dung của Thỏa ước lao động, các nội quy, quy chế ở cơ quan, đơn vị, để mọi thành viên trong tổ nắm vững và tự giác phấn đấu thực hiện nhiệm vụ được quy định trong nội quy, quy chế và trong Thỏa ước lao động tập thể. Đồng thời để công nhân, lao động trong tổ tự bảo vệ quyền và lợi ích của mình khi bị vi phạm.
- Cần tuyên truyền, phổ biến về vị trí, vai trò, chức năng của công đoàn, quyền lợi nghĩa vụ của đoàn viên công đoàn, sự cần thiết phải gia nhập công đoàn và tham gia hoạt động công đoàn, nhằm nâng cao tinh thần tự giác của công nhân, lao động đối với việc gia nhập công đoàn và tự giác tham gia hoạt động công đoàn.
Tuyên truyền vận động công nhân lao động trong tổ chấp hành nghiêm chế độ chính sách của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, doanh nghiệp, phấn đấu lao động với năng xuất, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao, tích cực tham gia đời sống văn hóa, đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội, xây dựng tập thể đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.
b. Vận động, giúp đỡ công nhân, viên chức học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ.
Học tập nâng cao trình độ học vấn chuyên môn nghề nghiệp đáp ứng được yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế là yêu cầu khách quan và nhiệm vụ cấp bách của mỗi người, mỗi tập thể trong giai đoạn hiện nay. Đối với người lao động thực chất của việc học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp là để có điều kiện thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao, để giữ được việc làm ổn định và nâng cao thu nhập. Tổ trưởng công đoàn, cần quan tâm tuyên truyền, vận động để công nhân lao động nhận thức được lợi ích của việc học tập, cổ vũ mọi công nhân lao động tự giác khắc phục khó khăn, phấn đấu học tập nâng cao trình độ. Mặt khác tổ trưởng công đoàn cần quan tâm vận động, tổ chức công nhân lao động trong tổ giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp. Tổ trưởng công đoàn cần đề xuất, kiến nghị người sử dụng lao động quan tâm, tạo điều kiện về thời gian, về vật chất để mọi công nhân lao động được học tập đồng thời đề xuất những biện pháp khích lệ kịp thời về tinh thần nhằm khuyến khích, động viên công nhân, lao động trong tổ học tập nâng cao trình độ.
c) Vận động, tổ chức đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tham gia các hoạt động như: Văn nghệ, thể thao, tham quan, du lịch, các hoạt động vui chơi giải trí, các hoạt động nhằm đấu tranh ngăn chặn các tệ nạn xã hội, nhằm cải thiện đời sống tinh thần cho công nhân, viên chức, lao động góp phần nâng cao dân trí, xây dựng môi trường sống, làm việc lành mạnh.
2.4. Phân công đoàn viên hoạt động:
Sức mạnh của tổ công đoàn là chỗ thu hút được đông đảo công nhân lao động trong tổ tự giác gia nhập công đoàn và tham gia hoạt động công đoàn. Nên căn cứ để đánh giá kết quả hoạt động của tổ công đoàn là chỗ tổ công đoàn có thu hút được đông đảo công nhân, lao động gia nhập công đoàn và gắn bó với tổ chức công đoàn không.
Do vậy trong tổ chức hoạt động tổ công đoàn, tổ trưởng công đoàn cần chú trọng công tác phân công đoàn viên hoạt động. Khi phân công đoàn viên hoạt động, tổ công đoàn cần căn cứ vào năng lực, sở trường của từng đoàn viên để phân công công việc cho phù hợp.
Nội dung công tác phân công đoàn viên đảm nhận một, hay một vài nội dung hoạt động công đoàn:
Một là: Phân công cho cá nhân đoàn viên hoặc một nhóm đoàn viên đảm nhận từng nội dung hoạt động cụ thể như: phân công đoàn viên theo dõi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, phân công đoàn viên theo dõi thực hiện các chỉ tiêu thi đua, theo dõi thực hiện an toàn, vệ sinh lao động, phân công đoàn viên phụ trách hoạt động văn nghệ, thể thao, phụ trách hoạt động trong lĩnh vực đời sống, thăm hỏi đoàn viên ốm đau hoặc gia đình đoàn viên có người ốm đau…
Hai là: Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giúp đỡ đoàn viên hoạt động để thực hiện tốt những nội dung hoạt động đã được phân công.
Ba là: Trong sinh hoạt tổ công đoàn, tổ trưởng công đoàn cần công khai nhận xét, đánh giá khách quan những kết quả thực hiện nhiệm vụ của tổ giao cho đoàn viên, khi nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ cần nêu rõ số lượng và chất lượng công việc đã hoàn thành của từng người hoặc của mỗi nhóm đoàn viên, chú trọng động viên, khích lệ kịp thời những đoàn viên tích cực và có biện pháp giúp đỡ những đoàn viên chưa hoàn thành nhiệm vụ giao.
Bốn là: Đề xuất với công đoàn cơ sở, khen thưởng những cá nhân, tập thể đạt kết quả hoạt động xuất sắc ở tổ công đoàn.
* Trong các định hướng nội dung cơ bản về tổ chức hoạt động của tổ trưởng công đoàn nêu trên tổ trưởng công đoàn trong các thành phần kinh tế, các loại hình cơ sở cần nghiên cứu vận dụng linh hoạt, sáng tạo cho phù hợp với đặc điểm cụ thể của đơn vị mình, tổ mình, nhằm vận động, tập hợp đông đảo đoàn viên nổ lực lao động, sản xuất và tham gia công tác công đoàn, góp phần tạo nên sức mạnh đồng thuận vượt qua mọi khó khăn gian khổ góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của công đoàn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh.
II. PHƯƠNG PHÁP HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ TRƯỞNG CÔNG ĐOÀN.
Để tổ trưởng công đoàn hoạt động tốt chức năng nhiệm vụ của mình, góp phần xây dựng tổ công đoàn không ngừng lớn mạnh. Trong tổ chức hoạt động, tổ trưởng công đoàn cần nắm vững và vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp hoạt động cơ bản sau:
1. Liên hệ chặt chẽ với đoàn viên, CNVC-LĐ:
Công đoàn là tổ chức quần chúng rộng lớn của CNVC-LĐ, do vậy liên hệ chặt chẽ với đoàn viên, CNVC-LĐ là yêu cầu không thể thiếu được đối với bất kỳ cán bộ công đoàn nào. Đặc biệt đối với tổ trưởng công đoàn người trực tiếp đại diện cho đoàn viên, công nhân, lao động trong tổ, người trực tiếp vận động, tổ chức đoàn viên tham gia hoạt động công đoàn, thì liên hệ chặt chẽ với đoàn viên trong tổ để hiểu người, rõ việc, nắm được tâm tư, nguyện vọng và những bức xúc của đoàn viên, CNVC-LĐ là phương pháp hoạt động quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ công đoàn. Do vây trong tổ chức hoạt động cũng như trong sinh hoạt, tổ trưởng công đoàn cần đặc biệt quan tâm đến phương pháp hoạt động này, để nắm được tình hình thực tế trong tổ, cùng nhau dân chủ bàn bạc giải quyết những công việc trong tổ, hoặc phản ánh với công đoàn cơ sở giải quyết những tâm tư nguyện vọng và bức xúc của đoàn viên, công nhân, lao động, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp của tổ để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Trong tổ chức hoạt động, tổ trưởng công đoàn cần có sổ công tác công đoàn, để theo dõi những nội dung, chương trình kế hoạch hoạt động của tổ trong từng thời gian cụ thể, theo dõi việc đoàn viên thực hiện những nội dung công việc đã được phân công, để nắm được những nội dung nào đã tổ chức thực hiện, những nội dung nào chưa tổ chức thực hiện, những mặt còn tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức hoạt động, cần tiếp tục tháo gỡ. Thực tế trong tổ chức hoạt động công đoàn cho thấy, nếu tổ trưởng công đoàn nào có sổ công tác công đoàn và tiến hành ghi chép một cách chi tiết, khoa học những nội dung chương trình, kế hoạch công tác của tổ công đoàn thì hoạt động của tổ trưởng đó có chất lượng, hiệu quả vì vậy tổ công đoàn ở đó càng mạnh.
2. Xây dựng chương trinh, kế hoạch hoạt động của tổ công đoàn theo tháng, quý.
Tổ chức hoạt động theo chương trình, kế hoạch hoạt động là phương pháp tổ chức hoạt động khoa học, nó giúp cho hoạt động không bị chồng chéo, bỏ sót những nội dung cần tập trung tổ chức hoạt động, đồng thời giúp cho công đoàn có thể tập trung được những nội dung hoạt động trọng tâm trong từng thời gian cụ thể.
- Để tổ chức hoạt động của tổ công đoàn được tiến hành thường xuyên có kế hoạch, đạt hiệu quả cao, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong từng thời gian cụ thể, tổ trưởng công đoàn cần quan tâm xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể.
Khi xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động của tổ công đoàn, tổ trưởng cần căn cứ vào chỉ đạo hướng dẫn của công đoàn bộ phận, công đoàn cơ sở căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho tổ trong từng thời gian cụ thể, trên cơ sở đó xác định rõ những nội dung và thời điểm tổ công đoàn cần tổ chức hoạt động. Khi đề ra nội dung hoạt động công đoàn ở từng thời điểm, tổ trưởng công đoàn cần xác định rõ mục tiêu cụ thể của việc thực hiện nội dung đó, các phương pháp tổ chức hoạt động để thực hiện các nội dung hoạt động và phân công người chịu trách nhiệm chính đối với từng nội dung hoạt động tổ công đoàn, cụ thể như: nội dung tổ chức sinh nhật cho đoàn viên, thì trong tháng có mấy đoàn viên sinh nhật, hình thức tổ chức sinh nhật như thế nào, ai chịu trách nhiệm tổ chức?... Đối với nội dung vận động đoàn viên thi đua lao động, sản xuất, cần cụ thể nội dung thi đua, mục tiêu của thi đua, thời gian diễn ra thi đua, ai chịu trách nhiệm chủ yếu trong tổ chức theo dõi thi đua…
- Tổ trưởng công đoàn phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và có biện pháp hướng dẫn, giúp đỡ đoàn viên thực hiện chương trình, kế hoạch công tác theo đúng tiến độ. Cần gần gũi đoàn viên, nắm được những khó khăn, thuận lợi của đoàn viên khi thực hiện nhiệm vụ được giao, đánh giá đúng kết quả công tác của đoàn viên, CNVC-LĐ của nhóm đoàn viên, để động viên khích lệ kịp thời những đoàn viên tích cực hoạt động có hiệu quả, có biện pháp giúp đỡ, uốn nắn những hoạt động lệch lạc, chưa có hiệu quả của đoàn viên…
3. Duy trì sinh hoạt tổ công đoàn đều đặn.
Sinh hoạt tổ công đoàn có nề nếp sẽ tạo được bầu không khí dân chủ, tập hợp được trí tuệ của các thành viên trong tổ để tổ chức hoạt động. Đồng thời tạo cho mọi đoàn viên gắn bó với tổ, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong tham gia hoạt động công đoàn.
Do vậy tổ trưởng công đoàn là người đứng đầu tổ công đoàn, cần có biện pháp cụ thể để duy trì nề nếp sinh hoạt tổ công đoàn và cần chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp sinh hoạt để sinh hoạt tổ công đoàn thực sự hấp dẫn, thiết thực đối với đoàn viên. Muốn vậy tổ trưởng công đoàn cần nắm và vận dụng linh hoạt tổ công đoàn chủ yếu sau:
- Sinh hoạt định kỳ: Là hình thức sinh hoạt được tiến hành theo đúng định kỳ quy định, như sinh hoạt theo tháng, quý. Khi tiến hành sinh hoạt tổ công đoàn theo định kỳ, tổ trưởng công đoàn có trách nhiệm chuẩn bị kỹ chương trình, nội dung sinh hoạt, chuẩn bị báo cáo kết quả hoạt động của tổ công đoàn thời gian qua, phương hướng, nhiệm vụ hoạt động của tổ trong thời gian tới. Tổ trưởng công đoàn có trách nhiệm chủ trì để đoàn viên thảo luận, đánh giá kết quả hoạt động của tổ công đoàn theo nội dung chương trình đã đề ra, bàn quyết định chương trình, kế hoạch hoạt động tổ công đoàn thời giam tới. Khi điều hành sinh hoạt tổ công đoàn, tổ trưởng công đoàn cần khéo léo đặt vấn đề, gợi mở vấn đề để khuyến khích đoàn viên phát biểu, cần chú ý hướng các ý kiến phát biểu của đoàn viên vào những vấn đề trọng tâm. Đặc biệt khi chủ trì sinh hoạt tổ công đoàn, phải chú ý tạo được bầu không khí dân chủ cởi mở.
- Sinh hoạt triển khai thực hiện chương trình công tác của công đoàn cấp trên, là hình thức sinh hoạt để nghe phổ biến và bàn biện pháp triển khai chương trình, kế hoạch công tác của công đoàn cấp trên.
Để tổ chức tốt hình thức sinh hoạt này, tổ trưởng cần nghiên cứu kỹ chương trình, kế hoạch công tác (nghị quyết) của công đoàn cơ sở, công đoàn bộ phận, xác định rõ nhiệm vụ cụ thể nào tổ công đoàn phải có trách nhiệm triển khai thực hiện, yêu cầu cần đạt được khi tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, tiến độ (thời gian) thực hiện. Trên cơ sở đó tổ trưởng công đoàn đề xuất nội dung, phương pháp, biện pháp tổ chức hoạt động tổ công đoàn và dự kiến phân công đoàn viên thực hiện, để đưa ra tổ dân chủ thảo luận…
- Trao đổi trực tiếp giữa tổ trưởng, tổ phó với đoàn viên, CNVC-LĐ trong tổ.
Hình thức sinh hoạt này nếu được áp dụng thường xuyên sẽ có tác dụng quan trọng đến việc đôn đốc, giúp đỡ và nâng cao tinh thần trách nhiệm của đoàn viên, CNVC-LĐ trong thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Để việc trao đổi giữa tổ trưởng, tổ phó công đoàn với đoàn viên có kết quả, trước khi tiến hành trao đổi tổ trưởng công đoàn cần lựa chọn trước những vấn đề cần đưa ra cho phù hợp và có hiệu quả, thường có các cuộc trao đổi sau trong tổ công đoàn:
+ Hội ý trao đổi với đoàn viên, CNVC-LĐ (hoặc nhóm đoàn viên, CNVC-LĐ) nhằm bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ công đoàn triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.
+ Hội ý, trao đổi với đoàn viên để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các nhiệm vụ của đoàn viên, CNVC-LĐ đã được phân công, hoặc bàn giao tháo gỡ những vướng mắc trong nội bộ tổ công đoàn.
+ Hội ý, trao đổi với đoàn viên, để thống nhất đánh giá kết quả hoạt động của tổ công đoàn, thống nhất đề xuất, kiến nghị với công đoàn cơ sở, công đoàn bộ phận để thống nhất đề xuất giải quyết những vướng mắc, đề xuất biểu dương khen thưởng những đoàn viên. CNVC-LĐ hoạt động xuất sắc.
Trên đây là các định hướng nội dung, phương pháp hoạt động cơ bản của tổ trưởng công đoàn trong tổ chức hoạt động thực tiễn. Tổ trưởng công đoàn cần nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, sáng tạo cho thích hợp với điều kiện công tác của đơn vị mình nhằm đem lại hiệu quả cao.
4. Hội nghị tổ công đoàn.
Theo Điều lệ công đoàn Việt Nam khóa X tổ công đoàn, tổ nghiệp đoàn mỗi năm tổ chức hội nghị toàn thể một lần, để tổng kết đánh giá hoạt động của tổ công đoàn, đề ra chương trình, kế hoạch hoạt động trong năm tiếp theo và bầu tổ trưởng, tổ phó công đoàn.
Để tổ chức hội nghị tổ công đoàn thiết thực, có hiệu quả cao, khi tiến hành hội nghị tổ công đoàn, tổ trưởng công đoàn cần chỉ đạo triển khai thực hiện một số nhiệm vụ cơ bản sau:
4.1. Công tác chuẩn bị: Sau khi nhận được kế hoạch tổ chức đại hội của công đoàn cơ sở. Tổ trưởng công đoàn triển khai các nhiệm vụ sau:
Xây dựng báo cáo tổng kết hoạt động của tổ công đoàn và phương hướng, nhiệm vụ hoạt động của tổ công đoàn nhiệm kỳ tới. Khi xây dựng báo cáo tổng kết cần căn cứ vào phương hướng nhiệm vụ của tổ công đoàn mà hội nghị nhiệm kỳ trước đề ra, kết quả hoạt động của tổ công đoàn từng tháng, quý. Căn cứ vào báo cáo tổng kết của CĐCS, công đoàn bộ phận, để phân tích đánh giá, những mặt làm được, chưa làm được của tổ công đoàn, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động tổ công đoàn cho nhiệm kỳ tới.
NỘI DUNG CƠ BẢN BÁO CÁO CỦA TỔ CÔNG ĐOÀN TẠI HỘI NGHỊ TỔ CÔNG ĐOÀN GỒM CÁC PHẦN SAU:
Phần I
TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CÔNG ĐOÀN
NHIỆM KỲ QUA
Phần này cần tập trung đánh giá hoạt động tổ công đoàn trên một số lĩnh vực sau:
- Đánh giá về thực hiện nhiệm vụ công tác, sản xuất kinh doanh của tổ sản xuất (tóm tắt bằng các số liệu, nguyên nhân làm được và chưa làm được…).
- Đánh giá kết quả hoạt động tổ công đoàn trên một số lĩnh vực sau:
* Hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động trong tổ.
Nội dung này cần tập trung:
+ Đánh giá việc thực hiện các điều khoản trong thỏa ước lao động tập thể, việc thực hiện HĐLĐ, những vướng mắc tồn tại và nguyên nhân.
+ Đánh giá tổ công đoàn triển khai thực hiện chương trình công tác của công đoàn bộ phận, CĐCS, làm rõ ưu, khuyết điểm…
+ Tổ công đoàn với hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, lao động trong tổ, như thăm hỏi động viên, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, thăm quan, du lịch…
* Hoạt động tham gia quản lý ở tổ, cơ quan, doanh nghiệp, nội dung này cần tập trung đánh giá:
- Đánh giá việc tổ công đoàn phối hợp với tổ chuyên môn, hoặc tổ sản xuất tổ chức ĐHCNVC, hội nghị công nhân lao động, phát huy dân chủ trong tổ.
- Tổ công đoàn tham gia xây dựng Thỏa ước lao động tập thể. Giám sát thực hiện HĐLĐ, thỏa ước lao động tập thể trong tổ.
- Tổ công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện các nội quy, quy chế quản lý doanh nghiệp, cơ quan, quy chế tổ chức tiền lương, thưởng.
* Hoạt động tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, công nhân lao động của tổ công đoàn.
Đánh giá hoạt động tuyên truyền giáo dục của tổ cần tập trung vào các hoạt động chủ yếu sau:
- Tổ công đoàn tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền về công đoàn cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động trong tổ.
- Tổ công đoàn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tham quan du lịch.
- Tổ công đoàn tổ chức triển khai thực hiện phong trào học tập văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, tổ công đoàn với việc xây dựng, củng cố đoàn kết nội bộ.
- Tổ công đoàn tuyên truyền vận động công nhân lao động xây dựng đời sống văn hóa, phòng chống các tệ nạn xã hội…
Khi đánh giá cần chỉ ra những ưu, khuyết điểm và nguyên nhân.
* Đánh giá kết quả việc phân công đoàn viên hoạt động.
Kết quả hoạt động của đoàn viên, nhóm đoàn viên… (ưu điểm, khuyết điểm).
Đề xuất biểu dương khen thưởng, các đoàn viên hoạt động tốt.
Những mặt hoạt động khác của tổ chức công đoàn.
Phần II
PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG TỔ CÔNG ĐOÀN
NHIỆM KỲ TỚI
- Nhiệm vụ sản xuất kinh doanh công tác của tổ.
- Dựa trên cơ sở nội dung và phương pháp hoạt động của tổ công đoàn nói trên, đặc điểm cụ thể, yêu cầu nhiệm vụ sản xuất công tác của tổ để xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, hoạt động của tổ công đoàn.
Kết luận:
Nêu bật ý nghĩa, tầm quan trọng của các mặt tổ công đoàn làm được, chưa làm được và bài học kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động, nêu một số nhiệm vụ trọng tâm của tổ công đoàn nhiệm kỳ tới.
4.2. Tổ chức hội nghị tổ công đoàn.
a) Thành phần hội nghị:
Mời tất cả đoàn viên, CNLĐ trong tổ tham dự đại hội.
Đại biểu mời gồm: Tổ trưởng Đảng, đại diện công đoàn cơ sở, công đoàn bộ phận, đại diện chuyên môn đến dự hội nghị tổ công đoàn.
b). Nội dung, chương trình hội nghị tổ công đoàn:
- Chào cờ.
- Giới thiệu đại biểu.
- Giới thiệu chủ tọa, thư ký đại hội và lấy biếu quyết nhất trí bằng giơ tay.
- Tổ trưởng công đoàn trình bày báo cáo tổng kết nhiệm kỳ trước và phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ tới.
- Thảo luận, xây dựng báo cáo tổng kết và phương hướng hoạt động tổ công đoàn.
- Mời đại biểu cấp trên phát biểu ý kiến…
- Bầu tổ trưởng, tổ phó công đoàn và đại biểu đi dự đại hội công đoàn cấp trên (nếu có), chú ý chỉ có đoàn viên mới được tham gia bầu cử.
- Giới thiệu danh sách bầu cử BCH công đoàn bộ phận hoặc, BCH công đoàn cơ sở (nếu có).
- Chủ tọa thông qua Nghị quyết hội nghị tổ công đoàn.
- Tổ trưởng công đoàn mới trúng cử phát biểu ý kiến.
- Chủ tọa tổng kết hội nghị, cảm ơn các đại biểu và tuyên bố bế mạc hội nghị tổ công đoàn.
Trích sách: Nhà xuất bản Lao động