Kính thưa những người phụ nữ kính quý của HNUE!
Ngày 8/3 có ý nghĩa kỉ niệm “ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, là ngày biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng”, được khởi xướng từ những cuộc đấu tranh đòi quyền bầu cử, đòi bánh mỳ và hòa bình của phụ nữ Mỹ, Nga… Ngày này ở hầu khắp mọi nơi trên thế giới, phụ nữ được tôn vinh từ một nửa còn lại với những hoạt động kỉ niệm vô cùng phong phú: được giảm giờ làm chính thức hoặc không chính thức, được trao tặng những đóa hoa tươi xinh mà theo thống kê, ở nhiều nơi, lượng hoa được bán ra xung quanh ngày này cao gấp 2-3 lần những ngày còn lại của năm… Với phụ nữ Việt Nam, ngày 8/3 còn có một ý nghĩa đặc biệt khác, được dệt lên từ hoàn cảnh đặc biệt trong lịch sử và truyền thống văn hóa bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Ngay từ buổi đầu dựng nước và giữ nước, những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam đã tỏa sáng trong tinh thần đấu tranh quật cường của dân tộc với những tấm gương tiêu biểu như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, nữ tướng Bùi Thị Xuân..., khẳng định vai trò của phụ nữ trong tham gia lãnh đạo đất nước và chống giặc ngoại xâm. Trong cách mạng tháng Tám, các tổ chức với các tên gọi khác nhau như tổ chức Phụ nữ Giải phóng (1930 - 1936), Hội Phụ nữ Dân chủ (1936 - 1939), Hội Phụ nữ Phản đế (1939 - 1941), Đoàn Phụ nữ Cứu quốc (1941 - 1945) đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của Cách mạng. Tiêu biểu cho giai đoạn này là tấm gương hy sinh của chị Nguyễn Thị Minh Khai, nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, một trong những người lãnh đạo cao trào cách mạng 1936 - 1939 ở Sài Gòn. Thành công của Cách mạng tháng Tám đã tạo điều kiện cho phụ nữ Việt Nam tham gia ngày càng tích cực vào hệ thống chính trị các cấp. Trong vùng địch tạm chiếm, “Đội nữ du kích Hoàng Ngân”, các Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, Mạc Thị Bưởi, “Nữ kiệt miền Đông” Hồ Thị Bi... là những tấm gương làm rạng danh phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn lịch sử oanh liệt này. Khi đế quốc Mỹ tăng cường mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, tháng 3-1965, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phát động phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”, huy động được sức mạnh tổng hợp của hàng chục triệu phụ nữ từ mọi miền đất nước, góp phần đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Nhiều tấm gương phụ nữ đã thể hiện bản lĩnh chính trị và khả năng lãnh đạo xuất sắc, như đồng chí Nguyễn Thị Thập, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam và là người phụ nữ đầu tiên được bầu là Phó Chủ tịch Quốc hội liên tục từ khóa III đến khóa VI (1964 - 1981); đồng chí Nguyễn Thị Định, Hội trưởng Hội LHPN Giải phóng miền Nam, là người phụ nữ đầu tiên được phong hàm cấp tướng trong Quân đội nhân dân Việt Nam (năm 1974) và cũng là người phụ nữ đầu tiên được bầu là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (năm 1987); đồng chí Nguyễn Thị Bình là nữ Bộ trưởng đầu tiên của ngành Ngoại giao (năm 1969), Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (1976 - 1987), đồng thời là nữ thành viên Chính phủ đầu tiên và cũng là nữ Phó Chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam (1992 - 2002)[1]. Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, trong công cuộc kiến thiết đất nước, vai trò của phụ nữ Việt Nam và công tác phụ nữ luôn được Đảng ghi nhận và đánh giá cao. Đảng luôn nhấn mạnh phụ nữ là một lực lượng quan trọng của công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội. Ngày nay, phụ nữ Việt Nam tham gia vào hầu khắp các lĩnh vực của kinh tế - xã hội, có đóng góp không hề nhỏ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Bảo tàng phụ nữ Việt Nam với minh chứng sống động về thiên chức của phụ nữ, những gánh hàng rong, gánh hàng hoa, những gương mặt Bà mẹ Việt Nam anh hùng, sự kết tinh của tín ngưỡng thờ Mẫu… là những thanh âm làm nên một bản hùng ca về người phụ nữ Việt Nam đẹp dung dị trong đời thường mà anh dũng, kiên trung trong đạn bom, binh lửa. Chúng ta có quyền tự hào về điều đó!
Kính thưa chị em!
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chính thức được thành lập ngày 11/10/1951 theo Nghị định của Bộ Quốc gia Giáo dục. Nhà trường có vinh dự được hai lần đón Bác về thăm vào năm 1960 và năm 1964. Lời căn dặn của Người: "Làm thế nào để Nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước”, "Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không được đăng trên báo, không được thưởng Huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh” đã trở thành niềm tự hào và mục tiêu phấn đấu của lớp lớp thế hệ cán bộ và sinh viên của Nhà trường[2]. Trong lịch sử phát triển, Nhà trường vẫn luôn giữ vững vị trí là trường ĐHSP đầu ngành, trọng điểm, là cái nôi của ngành sư phạm cả nước, có đóng góp đáng kể cho giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của nước nhà. Không những vậy, sau khi được thành lập, trong kháng chiến Chống Mỹ cứu nước, Trường ĐHSPHN là một trong những cái nôi của “Phong trào Ba sẵn sàng”, là nơi hàng nghìn sinh viên và cán bộ ưu tú đã "xếp bút nghiên lên đường ra trận”, hàng trăm giáo viên và sinh viên đã “vượt Trường Sơn” vào miền Nam xây dựng nền giáo dục cách mạng ở vùng giải phóng.
Hiện nay, với số lượng chiếm hơn 60% trong tổng số cán bộ của nhà trường, nữ cán bộ Trường ĐHSP Hà Nội là những người có năng lực, phẩm chất chính trị vững vàng, là một bộ phận quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Nhà trường. Phát huy truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, của nữ cán bộ, nhà giáo trường ĐHSP Hà Nội, chị em trường ta hôm nay mỗi người mỗi vị trí, mỗi nhiệm vụ đã nỗ lực hết mình để đóng góp vào việc thực hiện tầm nhìn, tuyên bố sứ mệnh và trách nhiệm xã hội của nhà trường. Nhân ngày lễ trọng đại này, có thể không đánh giá cho hết được nhưng BCH Công đoàn trường xin được nhìn nhận, đánh giá về đóng góp của chị em cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nhà trường trên một số phương diện tiêu biểu:
Trong công tác chuyên môn, chị em là những người cần mẫn, tận tụy và trách nhiệm. Các nữ giảng viên thực hiện tốt nội quy dạy học, đảm bảo số lượng giờ lên lớp đạt và vượt chuẩn, tích cực tham gia phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong dạy và học (tiêu biểu các khoa Sinh học, Tiếng Anh, Ngữ văn, Địa lý, CTXH, LLCT-GDCD, TLGD, GDĐB, Hóa học, Vật lý, SPKT...). Nhiều nữ giảng viên tham gia huấn luyện đội tuyển học sinh, sinh viên tham gia các kỳ thi Olympic, thi học sinh giỏi quốc gia đạt giải cao. Nhiều nữ giảng viên tham gia đào tạo Tiến sĩ, Thạc sĩ, tham gia dạy các khóa học bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ trong và ngoài trường. Nhiều nữ giảng viên đã tham gia biên soạn tài liệu, giáo trình với tư cách là chủ biên, tác giả, đồng tác giả. Nữ cán bộ làm công tác hành chính phục vụ đào tạo đã thường xuyên trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp, văn minh, hiệu quả. Nhiều nữ CBNGNLĐ đã chủ nhiệm và tham gia các đề tài NCKH, dự án cấp Bộ, cấp Nhà nước đã được đánh giá xuất sắc; nhiều đề tài có đóng góp thiết thực, hiệu quả và được ứng dụng thực tế như đề tài của nữ cán bộ các khoa khoa Hóa học, Vật lý, Lý luận chính trị - Giáo dục Công dân, Ngữ văn, Địa lý, Sinh học, Giáo dục Tiểu học…
Trong công tác quản lý, chị em là những người nỗ lực không mệt mỏi, đáng nể phục. Với sự quan tâm tạo điều kiện của Đảng ủy- Ban Giám hiệu Nhà trường, nhiều chị em của trường ta đã đảm trách các vị trí trưởng, phó đơn vị và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chị Nguyễn Thu Anh (nguyên Hiệu trưởng trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành), chị Lưu Kim Nhung (trưởng khoa tiếng Anh), chị Bùi Thị Lâm (trưởng khoa Giáo dục Mầm non), chị Khuất Tuệ Minh (Kế toán trưởng), chị Dương Giáng Thiên Hương (Giám đốc trung tâm Khảo thí và KĐCL), chị Đinh Minh Hằng (trưởng phòng Hành chính Đối ngoại), chị Ngô Vũ Thu Hằng (Hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Tất Thành), chị Ngô Khánh Chi (trưởng bộ môn tiếng Trung)... là những tấm gương về sự đam mê, say sưa, trách nhiệm và nhiệt tâm cống hiến của nữ cán bộ trường ĐHSP Hà Nội. Các chị đã khẳng định được bản lĩnh chính trị, khả năng tập hợp và năng lực lãnh đạo, quản lý tốt của những người phụ nữ có chuyên môn, nghiệp vụ cao.
Trong các hoạt động tập thể, phong trào, chị em là những người sáng tạo, nhiệt huyết và có trách nhiệm cộng đồng. Tập thể nữ CBNGNLĐ đã tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động của trường và của ngành, được Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ghi nhận. Tiêu biểu là phong trào “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” gắn với việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” được quan tâm phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Cùng với phong trào chung của Ngành, của Nhà trường, nữ CBNGNLĐ cũng thường xuyên tham gia các công tác xã hội, từ thiện, quyên góp quần áo, sách vở, đồ dùng và tiền mặt ủng hộ cho các địa phương còn gặp khó khăn, hỗ trợ giáo viên và học sinh miền núi: 100% nữ CBNGNLĐ tham gia các đợt vận động trích 01 ngày lương và thường xuyên phát tâm quyên góp để ủng hộ, hỗ trợ các cuộc vận động lớn, các chương trình từ thiện, nhân đạo. Các hoạt động, các cuộc thi như cuộc thi: “Khỏe và khéo” (năm 2019), “Cả nhà vui” (năm 2019), “Gửi chị Hằng” (năm 2020), “Cuộc sống quanh em mùa Covid”, “Em chơi trăng trên Google form” (năm 2021) “Phụ nữ sư phạm và mái ấm” (năm 2022); Chương trình “Rạng rỡ tháng Ba” (lần thứ nhất năm 2022), “Một ngày không internet” (năm 2022)… là những sáng tạo của Công đoàn trường đã được chị em hưởng ứng nhiệt tình, trở thành sợi dây gắn kết tập thể cán bộ của Nhà trường trong những năm vừa qua.
Trong gia đình, chị em là những người mẹ đảm đang, những người con hiếu thảo, trách nhiệm.Với đặc thù nghề nghiệp và phát huy truyền thống nuôi con khỏe, dạy con ngoan của các thế hệ đi trước, nữ cán bộ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội luôn đề cao việc xây dựng gia đình hạnh phúc, con cái chăm ngoan là nền tảng để chị em có thể vững bước trong sự nghiệp. Con cái của các chị không ít người đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, thi đỗ vào nhiều trường, nhiều ngành học danh tiếng hoặc đạt học bổng du học tại các nước có nền giáo dục tiên tiến. Đặc biệt hơn, không ít chị em không may mắn gặp phải hoàn cảnh khó khăn và nhiều thử thách có thể nói là rất khốc liệt trong cuộc sống, bản thân ốm đau, bệnh tật, thiếu thốn kinh tế nhưng chị em vẫn không ngừng nỗ lực vươn lên trong công tác chuyên môn, đóng góp công sức vào sự nghiệp giáo dục – đào tạo của Nhà trường.
Và, hơn hết, chúng ta tự hào vì phần đa nữ cán bộ của trường ta, lặng lẽ và âm thầm, bé nhỏ và khiêm nhường ngày đêm cặm cụi để từng bước đưa sự nghiệp giáo dục của nước nhà cập bến vinh quang, những chị Hải chị Lý, những chị Hương chị Dung, những chị Lan chị Huệ... mỗi người một cái tên giản dị khiêm nhường mà có những đóng góp không hề nhỏ vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo lớp lớp trò giỏi cho nền giáo dục nước nhà. Có thể nói, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của các chị em chính là hình ảnh sống động về chuẩn mực nữ giáo chức Việt Nam, có tác động mạnh mẽ đến tình cảm và nhận thức của sinh viên sư phạm, góp một phần rất lớn vào sự nghiệp trồng người.
Với ý nghĩa lớn lao của ngày Quốc tế Phụ nữ mùng 8 tháng 3, một lần nữa, thay mặt BCH Công đoàn trường, xin được gửi lời kính chúc tới toàn thể chị em trường ta lời chúc SỨC KHỎE – HẠNH PHÚC VÀ THÀNH CÔNG! Chúc cho ngôi trường thân yêu HNUE của chúng ta ngày càng phát triển!
TS Nguyễn Thị Thu Hoài
Phó Chủ tịch, trưởng ban Nữ công Công đoàn Trường
[1] Tạp chí Cộng sản, truy cập hồi 5 giờ ngày 8/3/2023
[2] Hnue.edu.vn, truy cập hồi 5g30 ngày 8/3/2023