Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tiền thân là trường Sư phạm cao cấp chính thức được thành lập ngày 11/10/1951 theo Nghị định số 276/NĐ của Bộ Quốc gia Giáo dục. Cùng thời gian này, tổ chức công đoàn của Nhà trường cũng được thành lập. Lịch sử xây dựng và phát triển của Công đoàn Đại học Sư phạm Hà Nội trong 65 năm qua luôn gắn liền với lịch sử của trường Đại học Sư phạm Hà Nội và quá trình phát triển của Công đoàn Giáo dục Việt Nam (1951 - 2016).
Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, Công đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã vượt qua biết bao thử thách, khó khăn từ những ngày đầu mới thành lập, trong những năm tháng gian nan, vất vả của cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ… cho đến giai đoạn đổi mới của đất nước, chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường. Dù ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào, Công đoàn Trường cũng luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao đó là xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh, xuất sắc, góp phần xây dựng trường Đại học Sư phạm ổn định và phát triển.
Từ một đơn vị nhỏ bé với mấy chục cán bộ công nhân viên và giáo viên thuộc trường Sư phạm cao cấp ở khu III, khu IV (Thanh Hoá, Nghệ An) và trường Sư phạm cao cấp ở khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc), đến nay, Công đoàn Đại học Sư phạm Hà Nội đã có một đội ngũ nhà giáo, người lao động đông đảo với trên 1.400 đoàn viên công đoàn sinh hoạt tại 50 công đoàn bộ phận và tổ công đoàn trực thuộc. Từ những cán bộ giảng dạy được phân công phụ trách công đoàn, còn hoạt động theo cảm tính, theo vụ việc và kinh nghiệm trong những ngày đầu mới thành lập, đến nay Công đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có một đội ngũ cán bộ công đoàn giàu tâm huyết, nhiệt tình với phong trào, có trình độ chuyên môn, có khả năng tổ chức và vận động, tập hợp quần chúng tham gia vào các phong trào chung của Công đoàn và Nhà trường. Hoạt động của Công đoàn Trường ngày một toàn diện và đạt hiệu quả cao, luôn là đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua và các hoạt động công đoàn khối các trường Đại học, Cao đẳng trực thuộc Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội.
Trải qua 65 năm xây dựng và trưởng thành (1951 - 2016), ở mỗi giai đoạn lịch sử, có sự thay đổi, chia tách cho phù hợp, tính đến nay Công đoàn Trường đã trải qua 16 kỳ Đại hội. Lớp lớp các thế hệ cán bộ, công đoàn viên của trường đã đoàn kết, thống nhất ý chí, hành động, vượt qua mọi thử thách, hy sinh gian khổ, hoàn thành mọi nhiệm vụ của Công đoàn cấp trên và Nhà trường giao phó. Công đoàn Trường thực sự trở thành tổ chức tập hợp đông đảo nhà giáo, người lao động toàn trường và là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường. Nhiều cán bộ, công đoàn viên của Nhà trường đã trở thành các cán bộ quản lý, nhà hoạt động chính trị có uy tín, nhà khoa học nổi tiếng, mà tên tuổi của họ mãi làm rạng danh nền học vấn nước nhà như: Giáo sư Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Trần Văn Giàu, Cao Xuân Huy, Phạm Huy Thông, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Lân ….; Nhiều đồng chí Chủ tịch Công đoàn trường đã trở thành những lãnh đạo công đoàn xuất sắc của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn Giáo dục Việt Nam như: Ông Đinh Văn Phiêu, Bà Nguyễn Thị Tú Anh, Ông Lê Hồng Sơn…. ; Nhiều cán bộ, công đoàn viên của trường đã tham gia và có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng và phát triển công đoàn các trường ĐHSP trong cả nước như: ĐHSP Vinh, ĐHSP Việt Bắc, ĐHSP Hà Nội 2, ĐHSP Huế, ĐHSP thành phố Hồ Chí Minh,....
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, sự lãnh đạo của Đảng ủy Trường, sự phối hợp chặt chẽ của Ban Giám hiệu, các Phòng Ban chức năng và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trường, Công đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt.
Công đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã thực sự là hạt nhân đoàn kết, thống nhất, tập hợp được đông đảo cán bộ, công đoàn viên thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, thực hiện tốt nội quy, quy chế của cơ quan, tích cực tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực chuyên môn, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Nhà trường. Công đoàn đã phát huy được vai trò chủ động, sáng tạo, tuyên truyền vận động công đoàn viên tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn trong ngành và xã hội, tiêu biểu là cuộc vận động hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào vùng thiên tai lũ lụt... Phối hợp với chính quyền thực hiện tốt công tác chăm lo, nâng cao đời sống và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Các phong trào hoạt động của Công đoàn Trường được tổ chức thường xuyên, sôi nổi, thiết thực và đạt hiệu quả cao:
- Trong những năm gần đây, Công đoàn Trường đã tổ chức thường xuyên các hoạt động văn nghệ, thể thao, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của công đoàn viên và xây dựng hạt nhân cho các phong trào. Công đoàn tham gia đạt thành tích cao tại các Hội diễn văn nghệ của thành phố và của ngành như: Liên hoan Văn nghệ Công đoàn các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội do LĐLĐ thành phố tổ chức (các năm từ 1997 - 2003); Giải Nhất toàn đoàn và nhiều Huy chương Vàng, Bạc, Đồng tại Liên hoan Tiếng hát Giáo viên toàn quốc lần thứ I (năm 2001), lần thứ II (năm 2006), lần thứ III (năm 2011), lần thứ IV (năm 2016); Giải Nhất, Nhì Ba tại các giải Thể thao do Công đoàn Giáo dục Việt Nam, LĐLĐ thành phố Hà Nội, Hội Thể thao Đại học Hà Nội tổ chức như: Giải Cầu lông Người giáo viên nhân dân, Giải Bóng chuyền cúp Báo Lao động thủ đô....; Tổ chức các giải Cầu lông, Bóng bàn truyền thống, Bóng chuyền hơi, Bóng đá cán bộ, Cờ vua - Cờ tướng cán bộ, học sinh, sinh viên....
- Công đoàn Trường tham gia đạt giải tại các cuộc thi: Giải Ba cuộc thi Tuyên truyền viên giỏi về tư tưởng Hồ Chí Minh (năm 2004), Giải Khuyến khích cuộc thi An toàn vệ sinh viên giỏi (năm 2007), Giải Nhì cuộc thi Tìm hiểu Luật Giáo dục (năm 2008), Giải Ba cuộc thi Tìm hiểu kiến thức pháp luật trong hệ thống Công đoàn Giáo dục Việt Nam (năm 2015)....
Với bề dày truyền thống và thành tích xuất sắc đã đạt được trong những năm qua, Công đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba năm 1997, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2001, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2006, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2010), nhiều Cờ thi đua và Bằng khen của Tổng Liên đoàn Việt Nam, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội.
Từ thực tiễn hoạt động của Công đoàn trường, một số bài học kinh nghiệm được rút ra như sau:
Thứ nhất, trong quá trình hoạt động, Công đoàn Trường đã xây dựng được khối đoàn kết nhất trí, phát huy tinh thần dân chủ, tính năng động sáng tạo của toàn thể cán bộ, nhà giáo và người lao động. Công đoàn thực sự là “tổ ấm” để nơi đó, cán bộ công đoàn viên yêu thương, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi công việc, mọi nơi, mọi lúc.
Thứ hai, sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Giám hiệu và Ban chấp hành Công đoàn Trường trong mọi hoạt động của tổ chức công đoàn. Từ thực tiễn hoạt động của Công đoàn Đại học Sư phạm Hà Nội trong những năm qua đã chứng minh điều đó: Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Trường, Công đoàn Trường thường xuyên phối hợp với Chính quyền trong công tác quản lý Nhà trường, xây dựng quy chế phối hợp công tác, tham gia cùng với chính quyền trong các công tác tổ chức cán bộ, phát triển nguồn nhân lực, kế hoạch công tác, chăm lo, nâng cao đời sống và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động…. Công đoàn luôn bám sát những nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của Nhà trường để đề ra phương hướng và những giải pháp cụ thể cho hoạt động của công đoàn.
Thứ ba, Công đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội có một đội ngũ cán bộ công đoàn có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn cao, có năng lực hoạt động đoàn thể, tâm huyết, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao, mặc dù đa số là cán bộ công đoàn kiêm nhiệm, nhiều người chưa từng được tham gia các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ công đoàn.
Thứ tư, Công đoàn Trường luôn luôn xác định rõ mục tiêu, phương hướng hoạt động của mình trong từng nhiệm kỳ và trong từng giai đoạn lịch sử nhất định, trên cơ sở vận dụng một cách sáng tạo những quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước, những chủ trương và ý kiến chỉ đạo của Công đoàn cấp trên, những Nghị quyết và mục tiêu phấn đấu của Đảng bộ và Chính quyền trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong việc xây dựng trường Đại học Sư phạm trọng điểm. Từ mục tiêu đã đề ra phương hướng hoạt động và các giải pháp cụ thể, có tính khả thi, phù hợp với vai trò, vị trí, chức năng của công đoàn trong từng giai đoạn lịch sử.
Với mục tiêu đã đề ra, trong 65 năm qua, Công đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội luôn luôn phát huy tính độc lập, tự chủ của mình trên mọi phương diện công tác, đồng thời lấy lợi ích của công đoàn viên làm mục tiêu phấn đấu trên các mặt hoạt động của Công đoàn. Trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, Công đoàn Trường tập trung xây dựng khối đoàn kết nhất trí; tuyên truyền, vận động cán bộ, nhà giáo, người lao động thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định của Nhà trường; tổ chức tốt các phong trào thi đua và các hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi, thiết thực. Trong công tác chuyên môn, Công đoàn tham gia quản lý nhà trường, tuyên truyền, vận động cán bộ công đoàn viên thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Công đoàn phối hợp với Chính quyền luôn quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của đoàn viên công đoàn, thăm hỏi công đoàn viên, thực hiện chế độ hiếu hỷ kịp thời; Thực hiện tốt công tác xây dựng tổ chức công đoàn và tích cực tham gia xây dựng Đảng bộ trường trong sạch, vững mạnh. Công đoàn Trường liên tục được công nhận là Công đoàn vững mạnh xuất sắc. Năm 2016, Công đoàn Trường Đại học Sư phạm là 1 trong 5 công đoàn cơ sở tiên phong trong các hoạt động công đoàn, đứng đầu khối các trường công lập trong chấm điểm lĩnh vực công tác 14 của Công đoàn Giáo dục Việt Nam.
Trải qua hơn nửa thế kỷ hoạt động, Công đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã đoàn kết nhất trí, phát huy trí tuệ và sức mạnh tập thể, thực hiện thắng lợi chương trình và kế hoạch công tác, duy trì và đẩy mạnh các phong trào thi đua, góp phần tích cực vào việc xây dựng trường Đại học Sư phạm Hà Nội trọng điểm “hội nhập, năng động và phát triển”, thực hiện công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo của đất nước.
Ban Tuyên giáo - Truyền thông
Công đoàn Trường