Tham dự Hội nghị có đại diện Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, Hội đồng Trường, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ trường, Ban Chấp hành Công đoàn trường, Đoàn Thanh niên, Trưởng, Phó trưởng các ban công tác của Công đoàn, Ban nữ công Công đoàn trường; Ban Chấp hành Công đoàn Bộ phận; cán bộ, giảng viên các khoa Tâm lý Giáo dục, Công tác xã hội, Quản lý giáo dục Trường ĐHSP Hà Nội.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh, việc tổ chức “Thúc đẩy môi trường làm việc an toàn, bình đẳng, đa dạng và dung hợp” là một chủ đề có ý nghĩa rất quan trọng, phù hợp với môi trường ĐHSP Hà Nội do đặc thù Nhà trường có đông đảo giảng viên, sinh viên là nữ. Giáo sư Hiệu trưởng mong rằng, tinh thần của buổi Tọa đàm cần được lan tỏa tới các chủ thể của nhà trường. Đối với sinh viên và học sinh, thầy cô cần chuyển tải các khái niệm, các nội dung, các thông điệp một cách dễ hiểu, thiết thực, phù hợp với văn hóa Á đông, với đặc trưng của ngành, nghề, tránh hàn lâm, chung chung.
Ảnh:
Mở đầu Chương trình, bà Lê Thị Lan Phương - cán bộ phụ trách chương trình, Cơ quan Liên hợp quốc vì bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam đã trình bày tham luận “Môi trường làm việc đa dạng, dung hợp”. Báo cáo đã trình bày các nội dung thiết thực bao gồm:
- Quan niệm về môi trường làm việc an toàn, bình đẳng, đa dạng và dung hợp.
- 7 nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ.
- Giải pháp phòng ngừa và ứng phó với bạo lực, bình đẳng giới thông qua các sáng kiến cộng đồng. Đây là những căn cứ quan trọng gợi mở cho việc triển khai các nội dung giáo dục phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em qua các hoạt động giáo dục của nhà trường.
Từ những vấn đề mang tính lý luận, báo cáo “Khuôn viên trường đại học an toàn, không bạo lực trên cơ sở giới” của PGS.TS Lê Minh Nguyệt - Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường ĐHSP Hà Nội đã cung cấp số liệu về tình hình an toàn của sinh viên trong các trường đại học, trong đó có trường hợp sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội. Báo cáo tham luận này đã cung cấp những số liệu định lượng, những thí dụ sinh động để đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà quản lý giáo dục hoạch định chính sách, đưa ra quy định, thiết chế nhằm đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, không bạo lực. Đây cũng là những căn cứ quan trọng cho việc đề xuất đưa nội dung giáo dục bình đẳng giới vào chương trình giáo dục trong nhà trường.
Trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, chương trình Toạ đàm được lắng nghe các ý kiến trao đổi, đóng góp từ phía đại biểu, cán bộ, giảng viên của Trường ĐHSP Hà Nội về xây dựng môi trường tích cực hỗ trợ trên cơ sở giới đối với giảng viên, sinh viên nữ và nhóm người yếu thế, vấn đề bình đẳng giới đối với nam giới; giải pháp để tăng cường sự tham gia của các chủ thể trong xây dựng bộ quy tắc ứng xử với nhà trường đại học an toàn. Hai phiên thảo luận đã diễn ra sôi nổi với các đối thoại, chia sẻ của đại biểu và chuyên gia.
Phát biểu với Toạ đàm, PGS.TS Nguyễn Văn Hiền - Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh, việc tổ chức chương trình “Thúc đẩy môi trường làm việc an toàn, bình đẳng, đa dạng và dung hợp” là vấn đề thực sự có ý nghĩa và cần tiếp tục phát huy trong các hoạt động truyền thông, giáo dục trong giai đoạn tiếp theo. PGS.TS Nguyễn Văn Hiền cũng bày tỏ mong muốn, mỗi đồng chí cán bộ Công đoàn nói riêng, cán bộ, giảng viên của Nhà trường nói chung cần tự trau dồi, nâng cao nhận thức đúng đắn để thực hiện tốt hơn việc xây dựng và thực hành bộ quy tắc ứng xử trong xây dựng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dân chủ và phát triển.
Phát biểu kết luận Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hoài - Phó Chủ tịch Công đoàn trường đã khẳng định: Chương trình đã giúp cho cử tọa nhận thức được một cách đúng đắn về bình đẳng giới với các khái niệm, các tuyên bố; cung cấp và chỉ rõ các biểu hiện về ứng xử, bạo lực trên cơ sở giới để mỗi người tự có ý thức bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng, tránh tình trạng có những lời nói, hành vi thiếu chuẩn mực vì nhận thức chưa đầy đủ; chương trình đã cung cấp những kỹ năng bảo vệ và trợ giúp khi cần với thông điệp: chúng ta không cô đơn, chúng ta đang được bảo vệ và sẽ được bảo vệ, quan trọng nhất là mỗi người cần có hiểu biết và có tiếng nói.
Thông qua buổi Tọa đàm, Công đoàn trường ĐHSP Hà Nội mong rằng, mỗi cán bộ công đoàn sẽ lan tỏa những thông điệp của chương trình, góp phần quan trọng vào việc xây dựng môi trường làm việc, môi trường dạy học trong khuôn viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội không có bất kì hình thức bạo lực nào.
Nguyễn Thị Thanh Tùng - Ban Tuyên giáo - Truyền thông