Các thầy cô giáo không quản đèo cao núi thẳm đến từng nhà vận động học sinh tới lớp; gương mặt trò nghèo rạng rỡ tỏa sáng trên sân chơi trí tuệ quốc tế; nhiều giảng viên miệt mài đêm ngày cho ra đời những công trình khoa học làm thay đổi cuộc sống bao người... Bao hình ảnh có sức lay động to lớn đó chính là kết quả từ những phong trào thi đua đầy ý nghĩa của ngành Giáo dục.
Sự lan tỏa mạnh mẽ của các phòng trào thi đua trong ngành Giáo dục đã thổi bùng nhiệt huyết, ý chí phấn đấu, cống hiến trong tất cả học sinh, sinh viên, cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên khắp mọi miền Tổ quốc.
Những bông hoa “Dạy tốt - Học tốt”
“Dạy tốt – Học tốt” là nội dung cốt lõi, xuyên suốt của phong trào thi đua “Hai tốt” làm theo lời Bác với lực lượng nòng cốt là giáo viên, giảng viên và học sinh, sinh viên.
Xúc động biết bao trước hình ảnh các giáo viên trường mầm non, “cô giáo - mẹ hiền” không quản thời gian, tận tình chăm sóc, nuôi dạy trẻ; luôn tranh thủ từng chút thời gian ít ỏi, tận dụng vật liệu sẵn có tự làm đồ dùng, đồ chơi, giúp học sinh thân yêu được phát triển toàn diện.
Đó còn là các thầy giáo, cô giáo phổ thông đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động giáo dục, đi đầu trong đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển năng lực, phẩm chất người học; bám trường, bám lớp ở các buôn, làng, xóm, ấp ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa để duy trì sĩ số học sinh, phụ đạo học sinh yếu, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bồi dưỡng học sinh giỏi, giáo dục hòa nhập cộng đồng cho học sinh khuyết tật, khiếm thính, khiếm thị và giáo dục nhân cách cho học sinh. Nhiều thầy, cô giáo đã dành tất cả tâm huyết, thời gian cho việc dạy học, giáo dục học sinh.
Đó là những giảng viên, nhà khoa học ở các ĐH, học viện, trường CĐ đi đầu kết hợp giảng dạy với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học trẻ. Rồi hàng ngàn học sinh, sinh viên tiêu biểu mỗi năm được Bộ trưởng tuyên dương, tặng bằng khen. Đặc biệt đáng tự hào, đã xuất hiện nhiều học sinh giỏi quốc gia, quốc tế ở vùng núi, vùng còn nhiều khó khăn.
Cùng giáo dục mũi nhọn, giáo dục đại trà bậc học phổ thông cũng tiếp tục có những chuyển biến, tiến bộ theo hướng nâng cao chất lượng. Nhiều học sinh đạt điểm xuất sắc, thủ khoa trong các trường đại học, các khối thi là những tấm gương vượt khó học giỏi ở các cơ sở giáo dục phổ thông.
Tự hào đạo đức, trí tuệ nhà giáo
Từ năm 2007, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” thực sự có sức lan tỏa vô cùng mạnh mẽ trong đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Với mục đích hình thành phong cách, ý thức tự rèn luyện, tự giáo dục trong đội ngũ nhà giáo, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả GD&ĐT, ngành Giáo dục đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về ý nghĩa, tầm quan trọng của “tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo” trong các hoạt động giáo dục, với những nội dung, hình thức phù hợp.
Bộ GD&ĐT cũng đã phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức các cuộc thi viết: “Viết về nhà giáo trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; “Câu chuyện tình huống đạo đức và pháp luật”; “Cô giáo của tôi”…
Những cuộc thi này đã góp phần tuyên truyền, giáo dục trong đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động về ý thức nghề nghiệp, đạo đức, lối sống và ý thức chấp hành pháp luật.
Thay đổi nhận thức về cách làm giáo dục
Sau 5 năm (2008 - 2013) thực hiện, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong và ngoài Ngành, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương và đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Kết quả nổi bật rõ nét là nhận thức về cách làm giáo dục ở nhiều nơi thay đổi rõ rệt; ý thức trách nhiệm của toàn xã hội đối với hoạt động giáo dục được cải thiện; chủ trương thực hiện “3 đủ” được xã hội đồng thuận và các ngành tích cực tham gia.
Kết quả của phong trào thi đua không chỉ là phát triển giáo dục mà còn là phát triển văn hóa và phong trào thanh thiếu niên, phát huy vai trò, giá trị của mỗi gia đình, dòng họ.
Các bộ, ngành, đoàn thể đều tham gia và đóng góp sức lực, trí tuệ của mình trong sự phát triển, tiến bộ của các thế hệ học sinh và chính học sinh lại là người tuyên truyền, chuyển tải những thông điệp, công việc của Ngành cho xã hội và cho các thế hệ mai sau. Phong trào đồng thời phát huy được tính tích cực, sáng tạo của học sinh, giáo viên...
Chiếm lĩnh tri thức khoa học
Công tác nghiên cứu khoa học của đội ngũ nhà giáo, học sinh và sinh viên luôn được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo góp phần phát hiện, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Chính vì vậy, các phong trào nghiên cứu trong giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên luôn được quan tâm chỉ đạo, tổ chức hàng năm tại các cơ sở giáo dục trong toàn quốc với mục tiêu gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu, giữa các cơ sở đào tạo với cơ sở sản xuất, kinh doanh; xây dựng và áp dụng các chính sách khuyến khích nhà giáo, học sinh, sinh viên nghiên cứu khoa học; đổi mới hình thức và phương pháp dạy. Bộ GD&ĐT cũng đã có những chỉ đạo cụ thể, sát sao đến các Sở GD&ĐT, trường tiểu học, phổ thông về nội dung này.
Đối với học sinh THCS, THPT, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học. Các cuộc thi đã thu hút hàng ngàn lượt học sinh tham gia, giúp các em phát huy ý tưởng mới và rèn luyện năng lực sáng tạo, phong cách làm việc khoa học của học sinh.
Giáo viên phổ thông cùng các giảng viên ĐH, các nhà khoa học phối hợp hướng dẫn học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng trong hoạt động nghiên cứu khoa học, giải quyết các vấn đề thực tiễn. Bước đầu, các công trình, dự án của học sinh Việt Nam đã được ghi nhận về tính ứng dụng và ý tưởng sáng tạo tại các cuộc thi trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, chỉ tính trong 5 năm qua đã có hơn 1.000 đề tài nghiên cứu khoa học của học sinh, sinh viên đạt giải thưởng Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia và giải thưởng Tài năng khoa học trẻ. Công tác nghiên cứu khoa học của giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục cũng được triển khai mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả.
Bộ GD&ĐT phê duyệt và triển khai thực hiện hơn 1000 đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ. Từ năm 2010 đến tháng 5/2015, các đơn vị trực thuộc Bộ công bố được hơn 4.000 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học, hội thảo khoa học quốc tế; 15.000 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học trong nước.
Hài hòa phát triển Đức - Trí - Thể - Mỹ
Các hoạt động từ cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” đã góp phần đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện, nâng cao chất lượng, đạo đức và năng lực nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo.
Các phong trào và hoạt động văn hóa, văn nghệ giáo dục truyền thống, giáo dục pháp luật, tinh thần yêu nước, tương thân, tương ái đã vận động một lực lượng đông đảo sinh viên tham gia vào nhiều lĩnh vực mới, địa bàn khó khăn mà ở đó đòi hỏi sức trẻ, nhiệt huyết và tri thức.
Bằng sức lực, tri thức của mình, qua các công trình, phần việc cụ thể, học sinh, sinh viên đã góp sức vào sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở nhiều địa phương. Các phong trào trong trường học đã góp phần tạo môi trường cho học sinh, sinh viên thực hành, trải nghiệm sáng tạo, rèn luyện kiến thức chuyên môn, phát huy tri thức, năng lực cá nhân ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Chung sức xây dựng nông thôn mới
Cùng với các cấp, các ngành, các đối tác xã hội, ngành Giáo dục đã và đang nỗ lực tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển nông thôn mới trên cơ sở phạm vi hoạt động của ngành, với các mục tiêu, giải pháp cụ thể cho giai đoạn 2010 - 2015.
Đó là việc chỉ đạo và triển khai thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015 và Chương trình giáo dục mầm non mới; củng cố và phát triển hệ thống mạng lưới các trung tâm GDTX theo mô hình dạy văn hóa phối hợp với hướng nghiệp, dạy nghề; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng; củng cố vững chắc kết quả chống mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học...
Sau 5 năm thực hiện, ngành Giáo dục đã thu được những kết quả đáng khích lệ như quy mô, mạng lưới trường lớp ở vùng nông thôn đã được tăng lên và mở rộng đáng kể, theo đó các chỉ số về cơ sở vật chất, phổ cập giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực nông thôn đều đạt và đạt vượt mức kế hoạch, chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2011.
Vì biển đảo quê hương - Vì biên cương Tổ quốc
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng, bảo vệ và phát triển biển, đảo, các tập thể, cá nhân ngành Giáo dục đã tích cực tham gia, thực hiện chương trình hướng về biển, đảo.
Các cuộc thi tìm hiểu về biển đảo; các hoạt động quyên góp được tổ chức đồng loạt tại các đơn vị giáo dục trên toàn quốc đã giúp học sinh, sinh viên nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình trong việc phải cố gắng học tập, rèn luyện đạo đức để trở thành công dân hữu ích cho xã hội; bồi dưỡng tinh thần yêu nước và truyền thống tương thân, tương ái cho thế hệ trẻ.
DẤU ẤN THI ĐUA, KHEN THƯỞNG GIAI ĐOẠN 2010 - 2015
2 Số lượng khối thi đua khen thưởng: Khối giáo dục địa phương, gồm 63 Sở GD&ĐT, được chia thành 7 vùng thi đua; Khối giáo dục ĐH được chia thành các cụm thi đua theo nhóm quản lý của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
10 Số tập thể trong ngành Giáo dục được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
15 Số nhà giáo được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
22 Số Huân chương Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ xét, trình và được Chủ tịch nước tặng thưởng tính đến tháng 5/2015.
44 Số lãnh đạo địa phương được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng bằng khen và Kỷ niệm chương
100 Trong 5 năm qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức gần 100 lượt thi đua và xét khen thưởng sơ kết, tổng kết theo đợt và theo chuyên đề.
189 Số tập thể, cá nhân ngành Giáo dục được khen thưởng bậc cao (1 Huân chương Sao Vàng, 13 huân chương Hồ Chí Minh, 167 Huân chương Độc lập cho các tập thể, 8 Huân chương Độc lập cho các cá nhân).
236 Số lượng tập thể, cá nhân hảo tâm có đóng góp lớn cho ngành Giáo dục
1.330 Số lượng NGND (79), NGƯT (1.251) được Chủ tịch nước phong từ năm 2011 đến nay.
Theo: Giáo dục và Thời đại