Trình bày dự thảo Báo cáo kết quả thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐVN trong năm 2016, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải cho biết, hưởng ứng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại lễ phát động phong trào thi đua “DN Việt Nam hội nhập và phát triển”, Tổng LĐLĐVN đã triển khai kế hoạch đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, động viên cán bộ, đoàn viên, NLĐ đẩy mạnh phong trào thi đua đồng hành cùng DN… Trong đó, phong trào thi đua “LĐ giỏi - LĐ sáng tạo” được chú trọng phát triển, qua đó có hơn 182.200 sáng kiến của CNVCLĐ được công nhận với tổng giá trị làm lợi trên 8.256 tỉ đồng, tổng số tiền thưởng sáng kiến là hơn 77 tỉ đồng.
Một trong những hoạt động phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ và Tổng LĐLĐVN để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ là Tổng LĐLĐVN đã ký Quy chế phối hợp với BHXH Việt Nam. Thực hiện quy chế, LĐLĐ các tỉnh, thành phố đã ký kết Chương trình phối hợp liên tịch với BHXH đồng cấp nhằm cung cấp thông tin để CĐ thực hiện quyền khởi kiện ra tòa án đối với những DN có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH... Trên cơ sở chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, điều kiện liên quan, đến nay có 11 LĐLĐ các tỉnh, thành phố đã nộp đơn khởi kiện 77 DN nợ BHXH đến các cấp tòa án. Cùng với hoạt động khởi kiện, một số LĐLĐ địa phương phối hợp với BHXH tỉnh, thành tham gia các đoàn liên ngành kiểm tra DN, truy thu nợ BHXH, thông báo dự kiến khởi kiện và nhắc nhở các DN nộp số tiền nợ. Thông qua đó, nhiều DN đã chủ động xây dựng lộ trình nộp tiền nợ BHXH, tổng số tiền thu hồi được gần 211 tỉ đồng, như: TPHCM có 379 DN nộp 176 tỉ đồng; Hà Nội 4,6 tỉ đồng; Khánh Hòa 4,7 tỉ đồng, Đồng Nai có 62 DN nộp 1,9 tỉ đồng...
Đồng chí Trần Thanh Hải đánh giá sự phối hợp hoạt động theo quy chế giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐVN đạt được những kết quả tích cực trong phối hợp xây dựng chính sách pháp luật có liên quan trực tiếp đến CNVCLĐ, qua đó góp phần đảm bảo quyền và lợi ích của nhiều đoàn viên CĐ và NLĐ. Hai bên đã phối hợp thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, góp phần vào thành tựu kinh tế - xã hội chung của đất nước...
Để chương trình phối hợp giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐVN đạt được hiệu quả cao, các Ủy viên Đoàn Chủ tịch đã có ý kiến đóng góp để Tổng LĐLĐVN đề xuất kiến nghị với Thủ tướng. Trong đó, các đại biểu nêu ra các vấn đề cấp thiết như cần có đề án xây dựng kinh phí để tổ chức CĐ triển khai chương trình khuyến khích học tập nâng cao trình độ tay nghề cho NLĐ; Tổng LĐLĐVN cần có kiến nghị với Chính phủ để đoàn viên, NLĐ được hưởng ưu đãi về giá đối với những ngành hàng mà Nhà nước độc quyền quản lý, như giá các dịch vụ bưu chính, viễn thông, điện, nước; hoàn thiện các chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến đoàn viên và NLĐ…
Ưu tiên đoàn viên công đoàn làm việc tại KCN-KCX
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận về kế hoạch tổ chức, triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của CĐ tại các KCN-KCX”. Đồng chí Phan Văn Anh - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Tài chính Tổng LĐLĐVN - đã trình bày đề án. Theo đó, thời gian thực hiện đề án sẽ được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (năm 2017): Triển khai 10 thiết chế tại địa phương. Dự kiến tháng 4.2017, sẽ triển khai tại 3 địa phương: Hà Nam, Quảng Nam, Tiền Giang. Các thiết chế tại các địa phương còn lại (7 thiết chế) sẽ tiếp tục triển khai trong năm 2017. Giai đoạn 2 (năm 2017 - 2020), sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng 40 thiết chế của CĐ tại các KCN, KCX. Giai đoạn 3 (đến năm 2030), Tổng LĐLĐVN phấn đấu tất cả các KCN, KCX trên cả nước đều có thiết chế của CĐ, từ đó nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho đoàn viên, CNLĐ bằng những việc làm cụ thể và thiết thực...
Các cơ sở vật chất thuộc thiết chế CĐ được xây dựng gần các KCN-KCX có đông đoàn viên CĐ, NLĐ và tùy thuộc vào điều kiện thực hiện của từng địa phương, bao gồm: Căn hộ để bán, căn hộ cho thuê, nhà trẻ, mẫu giáo, siêu thị, hiệu thuốc, nhà tập luyện thể thao, trung tâm tư vấn pháp luật và các công trình phụ trợ khác...
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN nhấn mạnh: “Đối tượng ưu tiên “số 1” thụ hưởng các cơ sở vật chất thuộc thiết chế CĐ là các đoàn viên CĐ đang làm việc ở các KCN-KCX. Và họ phải được hưởng chế độ đặc biệt như ưu tiên về giá cả, quyền được sử dụng, được mua, được cung cấp trước - làm sao để “tạo sự khác biệt” so với các đối tượng khác chưa là đoàn viên CĐ. Trước khi xây dựng các thiết chế, thì cần tổng hợp nhu cầu của họ, sau đó mới thực hiện xây dựng cho đồng bộ”.
Góp ý về quy chế quản lý, hoạt động các cơ sở vật chất thuộc thiết chế CĐ, đồng chí Nguyễn Xuân Hải - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Công đoàn Quốc phòng - cho rằng, Tổng LĐLĐVN cần tính kỹ về vấn đề bán hay thuê căn hộ, cần phải tìm biện pháp phù hợp nếu không thì rất khó quản lý, sử dụng và phải để các thiết chế đem lại lợi ích cho các thế hệ đoàn viên CĐ. Theo đồng chí Nguyễn Xuân Hải, về căn hộ, Tổng LĐLĐVN nên cố gắng ở mức 50% bán, 50% cho thuê. Còn các thiết chế khác như hiệu thuốc, nhà tập luyện thể thao, nhà trẻ, mẫu giáo… nên cho thuê lại, nhưng yêu cầu đơn vị thuê khi phục vụ đoàn viên CĐ phải lấy giá thấp hơn các cơ sở kinh doanh khác và phải tuân thủ các quy định của pháp luật…
Sau góp ý của các đại biểu, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường cho rằng: “Cần có hai văn bản “Quy định quản lý thiết chế CĐ…”; “Quy định cho thuê, mua nhà ở”, để làm sao phục vụ đúng đối tượng được thụ hưởng phải là đoàn viên CĐ đang làm việc tại các KCN-KCX, tránh tình trạng “đầu cơ” hoặc “cò” thuê, mua nhà; đề ra những quy định cụ thể để đoàn viên nghiên cứu, quyết định nhu cầu của mình sau đó đăng ký với tổ chức CĐ để làm sao tránh việc xây nhà xong không bán, hay cho thuê được”.
Chủ tịch Bùi Văn Cường cũng khẳng định: “3 địa phương triển khai xây dựng các cơ sở vật chất thiết chế CĐ đầu tiên là Hà Nam, Quảng Nam và Tiền Giang cần phải phối hợp với Ban Chính sách kinh tế - xã hội và Thi đua khen thưởng Tổng LĐLĐVN thực hiện ngay việc thông báo trên các phương tiện truyền thông của LĐLĐ tỉnh, thành phố về tên dự án, chủ đầu tư dự án, địa điểm xây dựng dự án, địa chỉ liên lạc, địa chỉ nộp đơn đăng ký; tiến độ thực hiện dự án, quy mô dự án, số lượng căn hộ cho thuê, bán, diện tích căn hộ, giá cho thuê, bán… để đoàn viên CĐ tham khảo, và đăng ký với tổ chức CĐ, sau đó tiến hành xây dựng ngay vì chính quyền địa phương đã giao “đất sạch” cho tổ chức CĐ, nhu cầu về chỗ ở của đoàn viên CĐ đang có”.
* Trong ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN lần thứ 22, các đại biểu cũng đã thảo luận về các tờ trình: Quy chế quản lý thiết chế CĐ, Quy chế quản lý siêu thị CĐ, ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động nhà trẻ, mẫu giáo trong các thiết chế CĐ tại KCN-KCX, ban hành Quy chế quản lý thiết chế văn hóa thể thao, phòng khám, nhà thuốc thuộc thiết chế CĐ KCN; phương án sắp xếp lại CĐ ngành địa phương; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCH T.Ư Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Chương trình hành động của Tổng LĐLĐVN thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 1.11.2016 của BCH T.Ư Đảng khóa XII “Về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, năng suất LĐ, sức cạnh tranh của nền kinh tế”; Chương trình hành động của Tổng LĐLĐVN thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW của BCH T.Ư Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Hướng dẫn hoạt động CĐ năm 2017 “Vì lợi ích đoàn viên CĐ”; Hướng dẫn giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đại biểu đại hội CĐ các cấp và Đại hội XII CĐVN…