Đã từ lâu, tôi nghiên cứu nền giáo dục Nhật Bản. Tuy nhiên những nghiên cứu trước đây chỉ dừng lại ở góc độ họ đã đưa kiến thức nhân loại vào trong nhà trường Nhật Bản như thế nào, từ đó tìm cách đưa vào nhà trường của ta những gì phù hợp nhất.
Sau này đọc những tác phẩm như Minh Trị duy tân 150 năm nhìn lại, Khuyến học, tôi nhận ra rằng kiến thức chỉ là phần rất nhỏ trong thành tựu của nền giáo dục Nhật Bản và nền giáo dục ấy tạo nên sự phồn thịnh của dân tộc, quốc gia họ như ngày hôm nay. Vậy bí quyết của nền giáo của họ là gì mà tạo nên kỳ tích ấy?
Một xã hội tự do và công bằng
Thời kỳ Minh trị lên cầm quyền khoảng năm 1868 đã chấm dứt 265 năm cai trị của thời kỳ phong kiến Mạc phủ và mở ra một chương mới trong lịch sử với công cuộc hiện đại hóa Nhật Bản. Họ bắt đầu mở cửa giao lưu với tất cả các nền văn minh khác của nhân loại.
Trong nước, họ xem tự do và công bằng là nền tảng để xã hội phát triển. Địa vị xã hội được xác định theo tài năng, phẩm cách và vai trò của mỗi người. Quan chức chính quyền được bổ nhiệm theo tài năng và nhân cách.
Sự khác nhau giữa những con người trong xã hội là có kiến thức và không có kiến thức. Họ khuyến khích người có học vấn. Để có học vấn thì cần biết chữ và vì thế, giáo dục đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi cá nhân.
Tuy vậy họ còn xác định “chỉ cần biết chữ” là chưa đủ mà cần con người có học vấn - nghĩa là có tri thức nhưng phải ứng dụng tri thức vào hành động thực tế làm ra của cải, vật chất trong kiến thiết xã hội.
Họ xem “những kẻ không học hành là ngu dốt”, không những không có lợi cho đất nước mà còn là gánh nặng, là nỗi khổ cho xã hội. Xã hội phải dùng sức mạnh của luật pháp để răn đe, trấn áp những hành động bạo lực, phá rối họ gây ra. Và từ đó giáo dục lại đóng vai trò hình thành xã hội văn minh, xã hội của những người có học vấn, có tri thức.
Hun đúc, nuôi dưỡng chí khí độc lập tạo ra tinh thần dân tộc...
Giáo dục Nhật Bản cho rằng mỗi người Nhật Bản phải có trách nhiệm bảo vệ , giữ gìn đất đai, sẵn sàng dâng hiến tính mạng và tài sản cho tổ quốc. Chính phủ hay nhân dân chỉ là sự phân chia vai trò, vị trí khác nhau ở công việc. Mỗi người đều song hành giữa quyền lợi và trách nhiệm với đất nước.
Giáo dục của họ còn đưa vào trách nhiệm cá nhân đối với đất nước, xem “nỗi hổ nhục của cá nhân cũng là nỗi hổ nhục của quốc gia”. Thương nhân Nhật không được cúi rạp mình trước thương nhân của nước khác giàu có. Chính phủ dù có đưa ra nhiều chính sách, ban hành nhiều đạo luật, hướng dẫn chỉ đạo làm kinh tế, thương mại nhưng người dân không có học hành, nhu nhược cũng không vực dậy được đất nước. Tư tưởng lớn của người Nhật trong thời kỳ này là “Chúng ta không chỉ là những người Nhật, chúng ta phải là quốc dân Nhật”.
Họ thay đổi tư tưởng “Làm quan không phải là cái đích của cuộc đời” - nghĩa là quyền lực không phải chìa khóa vạn năng để thành công. Từ đó rũ bỏ được thói xu nịnh để tiến thân, không cần học vẫn làm quan trong xã hội.
Người Nhật cũng giáo dục rằng, cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận lợi, khó khăn luôn có thể đến và chúng ta phải vượt qua.
...đến một nền giáo dục văn minh, tiến bộ
Giáo dục được coi là "chiếc chìa khoá bí mật tạo nên sức mạnh của phương Tây và nó cũng không phải là thứ không thể tiếp thu được” - đây là tư tưởng lớn để nước Nhật đuổi kịp phương Tây.
Nhà cải cách giáo dục bậc thầy Fukuzawa Yukichi cho rằng học không chỉ là học thuộc những kiến thức có sẵn mà phải gắn với nhu cầu của cuộc sống hiện đại như đọc, viết (đặc biệt là ngoại ngữ), làm tính... để giao dịch, trao đổi với bên ngoài hiệu quả.
Theo ông, các nước phương Đông sở dĩ chậm tiến trong thời cận đại là bởi giáo dục Nho giáo quá thiên về hư học. Vì vậy, chú trọng việc trang bị kiến thức khoa học và thực nghiệm là mục tiêu quan trọng của giáo dục Nhật Bản. Trước hết Nhật Bản áp dụng chế độ giáo dục bắt buộc và đưa những thành tựu khoa học - kỹ thuật vào giảng dạy.
Ngay từ đầu, Chính phủ đã xây dựng một đường hướng, chính sách, nội dung giáo dục toàn diện theo các cấp trình độ của học sinh. Tùy theo từng lứa tuổi và trình độ nhận thức, Bộ Giáo dục Nhật Bản tổ chức thành các bậc học (tiểu học, trung học, đại học...).
Các vấn đề khoa học đều được coi trọng và đưa vào chương trình dạy - học nhằm đào tạo đội ngũ chuyên viên kỹ thuật, kỹ sư có trình độ cao, đuổi kịp trình độ tiên tiến của phương Tây. Đội ngũ giáo viên được coi trọng, thực hiện nhiều chính sách ưu tiên với người học sư phạm, đồng thời cũng có quy định chặt chẽ rằng người tham gia đào tạo để trở thành giáo viên phải cam kết không được bỏ nghề.
Với tinh thần “Học tập phương Tây, đuổi kịp phương Tây, đi vượt phương Tây” ở mức độ cao nhất, mặc dù gặp nhiều khó khăn về tài chính, chính quyền Minh Trị vẫn dành khoản tiền lớn cho việc mời các chuyên gia đầu ngành từ các nước Âu - Mỹ sang Nhật Bản để xây dựng và phát triển các ngành khoa học, đồng thời khuyến khích mở rộng các ngành khoa học thực nghiệm theo quan điểm Âu học.
Khi mời chuyên gia nước ngoài, Nhật Bản chọn lựa những chuyên gia hàng đầu trong từng lĩnh vực của từng nước để giúp đẩy nhanh quá trình hiện đại hoá nước mình.
Khi gửi sinh viên ra nước ngoài học tập, Chính phủ Minh Trị có chính sách tuyển chọn khắt khe và giao cho các trường danh tiếng thực thi. Sinh viên được tuyển chọn không những có trình độ chuyên môn tốt mà còn phải nắm vững ngoại ngữ do giáo viên nước ngoài thẩm định, đồng thời chấp nhận học các ngành nghề do nhà nước phân công.
Những chính sách như vậy đã giúp Nhật Bản có nền giáo dục tiến tiến, hiện đại và nước Nhật phát tiển như ngày nay.
Một vài gợi ý cho Việt Nam
Trong những năm gần đây, Việt Nam học hỏi các nước phát triển như Nhật Bản và Hàn Quốc,... và đạt thành quả nhất định. Tuy nhiên nhìn vào thực tiễn, chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc về giáo dục để đất nước phát triển.
Thứ nhất, coi phát triển giáo dục là chìa khóa để phát triển dân tộc nhưng không coi cải cách giáo dục là tất cả. Hãy để giáo dục phát triển có định hướng nhưng cũng song hành với quá trình tự nhiên của nó. Nghĩa là sự phát triển của khoa học công nghệ trên thế giới phải được đưa vào kịp thời trong chương trình giáo dục chứ không chờ đến cải cách giáo dục mới đưa vào. Đợi đến lúc đó, mọi thứ đã rất chậm, nhất là thời kỳ công nghệ số hiện nay.
Thứ hai, chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm giáo dục từ các nước phát triển để chắt lọc tinh hoa nhân loại vận dụng cho Việt Nam.
Thứ ba, hãy đưa tinh thần tự hào dân tộc, coi sự phát triển đạo đức con người song song với phát triển năng lực học tập. Một khi đạo đức con người được rèn giũa thông qua giáo dục, chúng ta sẽ có một xã hội văn minh, luật pháp bớt đi những điều hà khắc, con người thân thiện hơn với nhau, biết tự trọng, không còn coi “làm quan” là con đường duy nhất, mà chính học vấn mới tạo ra của cải và vị thế của mỗi công dân.
Thứ tư, độc lập dân tộc phải được hiểu theo nhiều nghĩa. Theo nghĩa rộng tức là toàn vẹn lãnh thổ, tự quyết định vận mệnh của mình, bình đẳng với các dân tộc khác trên thế giới... Theo nghĩa hẹp, độc lập dân tộc được hiểu là phát huy thế mạnh của dân tộc mình trong mọi lĩnh vực: con người, tài nguyên, văn hóa,...
Học hỏi những tiến bộ của các nước tiên tiến với tinh thần cầu thị nhằm nâng cao năng suất lao động, công ăn việc làm. Giáo dục tinh thần đoàn kết người dân với nhau, giữa người dân với chính quyền chung một lòng vì dân tộc để phát triển.
Giáo dục là chìa khóa để phát triển đất nước. Mỗi người dân phải có trách nhiệm với dân tộc, với đất nước, với chính quyền các cấp. Ngược lại, chính quyền phải tạo động lực cho giáo dục phát triển, coi việc học là bắt buộc, là trách nhiệm của nhân dân để tạo ra của cải và tinh thần Việt Nam trong thời kỳ mới.
TS Hoàng Xuân Vinh (Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN)
Nguồn: vietnamnet.vn