Ngày 26/9/2014 tại Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2014 - 2019) chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình. Dự Đại hội có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; các tổ chức quốc tế và 1008 đại biểu chính thức tham dự Đại hội.
Trước đó, chiều 25/9, trong phiên làm việc thứ nhất, Các đại biểu đã được nghe báo cáo kiểm điểm hoạt động của ủy ban, Đoàn Chủ tịch và Ban thường trực ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VII (nhiệm kỳ 2009 - 2014) do Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim trình bày. Các đại biểu đã thảo luận góp ý báo cáo kiểm điểm hoạt động của Ủy ban, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực UBTW MTTQ Việt Nam khóa VII (nhiệm kỳ 2009-2014); hiệp thương cử Đoàn Chủ tịch gồm 56 vị, cử Đoàn Thư ký gồm 5 người; báo cáo tình hình đại biểu dự đại hội; thông qua quy chế, chương trình làm việc của Đại hội.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII MTTQ Việt Nam với chủ đề “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới”.
Ca nhạc chào mừng Đại hội
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ VIII có nhiệm vụ đánh giá về tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc và các tầng lớp nhân dân; đánh giá việc thực hiện 5 Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ VII (2009 - 2014), từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra mục tiêu và các Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ VIII (2014 - 2019). Đại hội sẽ thông qua Điều lệ MTTQ Việt Nam (sửa đổi, bổ sung); hiệp thương dân chủ cử ra Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ mới.
Đoàn đại biểu các tầng lớp nhân dân lên chúc mừng Đại hội
Báo cáo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VII do Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vũ Trong Kim trình bày tại Đại hội nêu rõ: Trong nhiệm kỳ qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục phấn đấu phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Năm chương trình hành động do Đại hội VII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề ra đã được thực hiện tốt, vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được nâng cao. Các cuộc vận động, phong trào thi đua thiết thực hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. Hoạt động đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã góp phần mở rộng đoàn kết hữu nghị và hợp tác, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế... Những kết quả đạt được có ý nghĩa quan trọng, góp phần củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, Báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong công tác mặt trận. Đó làPhương thức vận động, tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc chưa theo kịp những yêu cầu mới trong xã hội. Mặt trận chưa thường xuyên và thiếu cơ chế phối hợp với các tổ chức thành viên trong việc nắm bắt và phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động còn chồng chéo hoặc mang tính hình thức. Ở một số lĩnh vực, địa bàn thực tế, Mặt trận chưa làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Những hạn chế, yếu kém trên là do những nguyên nhân: Một số quan điểm, chủ trương về đại đoàn kết toàn dân tộc, về công tác Mặt trận chậm được cụ thể hóa bằng cơ chế, chính sách; việc tổng kết và phát triển lý luận về công tác Mặt trận chưa được triển khai đúng mức do đó động lực đổi mới bên trong hệ thống Mặt trận chưa mạnh; nhiều cán bộ, đảng viên và không ít cấp ủy Đảng, chính quyền chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và còn xem nhẹ công tác Mặt trận.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội
Phát biểu tại Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, 5 năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã triển khai thực hiện có kết quả Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VII, qua đó có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Mặt trận đã tích cực vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ, Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư thực sự là lực lượng nòng cốt trong công tác vận động nhân dân và là mối liên kết hiệu quả trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực sự trở thành mái nhà chung để mọi tầng lớp nhân dân, mọi dân tộc, tôn giáo, mọi lứa tuổi và kiều bào ta ở nước ngoài phát huy lòng yêu nước, ý chí, trí tuệ và khả năng của mình để xây dựng đất nước.
Trong nhiệm kỳ tới, với vai trò đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, Mặt trận có trách nhiệm vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, vững mạnh, thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội, chủ động góp ý kiến với Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định cơ chế, chính sách. Mặt trận cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động hướng về cơ sở, thiết thực, hiệu quả, tránh hành chính hoá, sát với dân.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh lưu niệm tại Đại hội
Trong phiên làm việc chiều 26/9, Trình bày báo cáo sửa đổi Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trước Đại hội, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha nêu rõ: Kế tục và phát huy vai trò lịch sử của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam qua các thời kỳ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay chủ trương phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, quá khứ, ý thức hệ và chính kiến, miễn là tán thành công cuộc đổi mới, nhằm mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh", góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; nơi hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động của các thành viên. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiệm vụ tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sau thảo luận Đại hội đã thống nhất thông qua điều lệ MTTQ Việt Nam khóa VIII.
Trong nội dung hiệp thương cử Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh trình bày Tờ trình về công tác hiệp thương số lượng, cơ cấu thành phần Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII. Đại hội đã nhất trí hiệp thương cử 383 ủy viên tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII.
Kết thúc phiên làm việc chiều 26/9, thay mặt Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vũ Trọng Kim đã trao tặng phẩm lưu niệm của Đại hội cho các vị ủy viên Ủy ban Khóa VII không tiếp tục tham gia Ủy ban khóa VIII.