PGS.TS Nguyễn Văn Minh
Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội
Ngày 21 tháng 10 năm 2014 Trường Đại học sư phạm Hà Nội kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ về thăm trường lần cuối (21/10/1964). Sự kiện trọng đại và ý nghĩa này diễn ra trong thời điểm rất đặc biệt: Thời điểm mà toàn Đảng, Toàn quân và toàn dân kỉ niệm 45 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; thời điểm mà toàn ngành giáo dục nói chung, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói riêng đang triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đây cũng là dịp để thầy và trò Nhà trường ôn lại, nhận thức sâu sắc hơn những lời dạy của Người và quan trọng hơn là học và làm theo lời dạy của Bác nhằm xây dựng và phát triển nhà trường, góp phần đưa nền giáo dục đi lên. Tư tưởng về giáo dục đào tạo, về người thầy của Bác quá đồ sộ, đã và đang có nhiều công trình nghiên cứu. Ở đây, chúng tôi chỉ tìm hiểu một vài ý trong bài nói chuyện của Bác nhân dịp về thăm trường tháng 10 năm 1964.
Tầm nhìn giáo dục toàn diện
Chúng ta nhớ rằng, tháng 8/1964, Hoa Kỳ tạo ra cái gọi là “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” nhằm leo thang đánh phá miền Bắc. Trong bối cảnh đang lo đối phó với chiến tranh xâm lược của Hoa Kỳ, vừa tiếp tục xây dựng kinh tế, xã hội, văn hóa ở miền Bắc, lo chi viện cho chiến trường miền Nam, Bác đã đến thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và nhắn nhủ: “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức”. Bác diễn đạt rất giản dị, dễ hiểu: “Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”. Đây là vấn đề mang tính chân lý vì rằng văn minh nhân loại được tạo dựng từ những con người có “tài lẫn đức”.
Người nhấn mạnh rằng: “Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học và hành phải kết hợp với nhau”. Khái niệm “vượt khỏi tháp ngà” được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước công nghiệp, trước hết ở Hoa Kỳ, khi mà nhân loại tin tưởng rằng, những tri thức được kiến tạo trong hệ thống đại học sẽ sớm được kiểm chứng và đưa vào thực tiễn để phụng sự cho con người. “Học và hành phải kết hợp với nhau” là đúc kết quí giá, kết tinh của giá trị giáo dục đất nước với tinh hoa của giáo dục tiến bộ của thế giới. Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong quá trình xây dựng và phát triển nhà trường, thầy và trò Trường ĐHSP Hà Nội luôn chú trọng giáo dục toàn diện cho sinh viên vì đây chính là đội ngũ quan trọng để hình thành tư cách công dân cho các thế hệ tương lai của đất nước. Chúng ta tự hào vì Trường ĐHSP Hà Nội đã đào tạo được các thế hệ thầy cô giáo có phẩm chất và năng lực phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong suốt chặng đường lịch sử vừa qua. Các thế hệ học sinh, sinh viên, cán bộ trưởng thành từ mái trường này, nhiều người đã trở thành những nhà khoa học, nhà giáo mẫu mực, nhà quản lý, nhà thơ, nhà văn, nhà văn hóa nổi tiếng. Sinh viên tốt nghiệp ra trường luôn được các cơ sở trong hệ thống giáo dục quốc dân, các cơ quan nghiên cứu và toàn thể xã hội đánh giá cao về chuyên môn và phẩm chất đạo đức. Trong bối cảnh hiện nay, để vượt qua được cái bẫy “thu nhập trung bình”, phát triển kinh tế - xã hội, để xây dựng và bảo vệ toàn vẹn Tổ quốc, những con người có tài và có đức càng trở nên vô cùng quan trọng. Điều này cho thấy vai trò của giáo dục, của người thầy và trọng trách của Trường ĐHSP Hà Nội với sự nghiệp giáo dục đất nước.
Trong sự nghiệp đổi mới giáo dục hiện nay, quan niệm giáo dục toàn diện của Bác càng sáng tỏ. Việc chuyển giáo dục từ chủ yếu truyền thụ kiến thức sang hình thành và phát triển năng lực của người học chính nằm trong lời dạy “học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tế”.
Tư tưởng nhân văn
Người không nói về bình đẳng giới một cách trực diện mà chỉ nói “các cháu gái chưa được giúp đỡ tốt”. Một đất nước vừa thoát khỏi ách thực dân nửa phong kiến, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” thành truyền kiếp, thì cách đặt vấn đề của Bác trong một môi trường đào tạo giáo viên có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc. Trước đây, thân phận của người phụ nữ An Nam đã có mặt rất sớm trong các bài viết của Người. Từ năm 1922, trên tờ Le Paria Bác có bài viết nhan đề “Phụ nữ An Nam và sự đô hộ của Pháp” đã bóc trần thực tế của sự đối xử tàn bạo của chế dộ thực dân đối với phụ nữ nước ta. Sau cách mạng tháng Tám, tháng 10 năm 1960, Người viết bài “ Phải thực sự tôn trọng quyền lợi của phụ nữ” (Báo Nhân Dân số ra ngày 23/10/1960). Chúng ta biết rằng, cho đến nay định kiến giới vẫn tồn tại dai dẳng trong mỗi người dân, cộng đồng và xã hội là một rào cản lớn trong việc thực hiện bình đẳng giới.
Trong bài nói chuyện tạ Trường ĐHSP Hà Nội, Bác nêu số liệu và đánh giá “100 học sinh dân tộc thiểu số. Bác thấy vậy còn ít, cần dần dần có thêm”. Trong tư tưởng của Bác, vấn đề dân tộc thiểu số có mối quan hệ biện chứng với vấn dề giải phóng và phát triển của dân tộc Việt Nam. Trong sâu thẳm tình cảm của mình, Bác luôn dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số tình thương yêu bao la. Ngay sau khi về nước, nơi Người đặt chân đến đầu tiên là nơi có nhiều dân tộc thiểu số. Để giải phóng đất nước, không thể thiếu sự đóng góp của các dân tộc thiểu số. Với tư tưởng nhất quán, nước Việt Nam là một; dân tộc Việt Nam là một, Bác đã kiên trì xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở bình đẳng, xóa bỏ thành kiến dân tộc, chăm lo mọi mặt để miền núi tiến kịp miền xuôi.
Nếu chúng ta nhớ lại hoàn cảnh đất nước những năm 60, khi nước nhà đang còn bị chia cắt, khi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc đang còn nửa chặng đường, khi điều kiện đất nước đang vô vàn khó khăn thì mới thấy được sự vĩ đại trong tư duy, sự nhân văn cao cả của Người.
Dự báo tương lai trong niềm tin thống nhất
Bác nhấn mạnh rằng: “Trong mọi việc, việc dạy và việc học cũng thế, mọi người phải làm việc bằng hai để đền đáp cho đồng bào miền Nam ruột thịt. Ở đây cũng như các ngành khác, phải đào tạo cán bộ cho miền Nam để đến ngày nước nhà thống nhất, các cháu ấy về góp phần xây dựng miền Nam thân yêu”. Nỗi niềm đau đáu trong tim Bác là thống nhất non sông là “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Niềm tin son sắt về ngày thống nhất đất nước và xây dựng một nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” không chỉ hiện thân trong tình cảm mà ngay trong việc làm của Bác đó là chuẩn bị nhân lực. Sinh thời, Bác Hồ nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “công việc có thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Trong Di chúc, Bác còn nhắc nhở: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một công việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Lời nhắn nhủ của Bác sau hơn 10 năm mới thấy hết giá trị to lớn, khi mà đại thắng Mùa Xuân năm 75 đưa giang sơn về một mối, khi đó mới thấy sự chuẩn bị của Bác cho tương lai. Niềm tin vào chân lý, vào chính nghĩa đã giúp Bác tiên lượng tương lai của đất nước. Điều này cũng cho thấy tầm nhìn thời đại của Người.
Vị thế nhà trường và trọng trách nhà giáo
Cuối bài phát biểu Bác dặn: “làm thế nào để nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước”. Chúng ta có thể hiểu được vị thế của một nhà trường đào tạo thầy cô giáo qua lời dặn của Bác. Trong quá trình xây dựng của mình, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội luôn là nơi đào tạo đội ngũ thầy cô giáo mẫu mực về cả phẩm chất và năng lực, được nhân dân tin yêu, xã hội đánh giá cao. Thực tiễn cũng cho thấy rằng, ĐHSPHN luôn là nơi khơi nguồn cho những sáng tạo trong khoa học giáo dục và khoa học cơ bản, là bà đỡ cho các tài năng của đất nước, những nhà sư phạm, nhà văn hóa, những học giả lớn trong quá khứ và hiện tại. Cũng từ mái trường này, nhiều cán bộ đã tiếp tục xây dựng các trường sư phạm khác như Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Đại học Sư phạm Vinh… Sau ngày miền Nam giải phóng, nhiều cán bộ của trường đã vào Nam để tiếp tục xây dựng hệ thống đại học suốt từ miền Trung đến miền Nam, tiếp tục góp phần phát triển giáo dục đất nước. Trường ĐHSP Hà Nội luôn giữ được ngọn cờ đầu trong hệ thống các trường sư phạm với những chuẩn mực “mô phạm” như lời Bác dặn. Trong quá trình phát triển, Trường ĐHSP Hà Nội luôn ý thức được vai trò và vị thế của mình đối với hệ thống các trường sư phạm.
Bác đánh giá nghề giáo “là rất quan trọng, rất vẻ vang”. “Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được ?”. Vốn là một nhà giáo và khi trở thành lãnh tụ, Người thấu hiểu được tầm quan trọng của nghề dạy học, hiểu được vai trò của nhà giáo. Ngày nay, ngẫm lại mới thấy tầm chiến lược của Bác. Thời đại ngày nay, khi kinh tế tri thức đã hiện hữu và một đất nước muốn phát triển bền vững thì cần có một nền giáo dục phát triển, trong đó nhân tố có vai trò đặc biệt là người thầy.
Ngày nay, dù đã 50 năm, những lời nhắn nhủ của Bác vẫn còn mang giá trị thời đại. Thầy và trò trường ĐHSP Hà Nội đã nỗ lực phấn đấu trên nhiều mặt để thực hiện lời dạy của Bác và đã đạt được một số thành quả nhất định. Tuy nhiên, còn nhiều việc chưa được như mong muốn, còn nhiều việc phải làm; nhất là trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà với vai trò của một trường trọng điểm. Hiện nay, toàn trường đang triển khai việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng các việc làm cụ thể, thiết thực và ý nghĩa. Trong đó, một số việc cần tập trung sau đây:
Một là, xây dựng khối đoàn kết trong nhà trường, tạo được môi trường làm việc dân chủ, thuận lợi; môi trường học tập văn minh và hiện đại; môi trường phục vụ chuyên nghiệp, hiệu quả. Thường xuyên nâng cao nhận thức tốt của cán bộ, học sinh và sinh viên về lí tưởng, đạo đức và lối sống; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, sinh viên và học viên.
Hai là, xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ giảng viên, chuyên viên cả về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và trình độ lý luận.
Ba là, xây dựng chương trình đào tạo hiện đại, thiết thực gắn bó mật thiết với chương trình phổ thông giúp đào tạo đội ngũ giáo viên không chỉ có năng lực dạy học mà còn làm tốt chức năng giáo dục toàn diện cho học sinh; xây dựng và đưa vào vận hành chương trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm theo hướng dạy học hiện đại.
Bốn là, xây dựng nền tảng nghiên cứu khoa học cả khoa học giáo dục và khoa học cơ bản mang tính chiến lược trong phát triển nhà trường.
Năm là, xây dựng lộ trình về đầu tư cơ sở vật chất phục vụ tốt cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ trong đời sống xã hội.
Sáu là, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị đối với phát triển giáo dục các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc anh em.
Nhà trường nỗ lực làm tốt những công việc này là hành động thiết thực để ghi nhớ công ơn của Bác và thực hiện lời dặn dò của Người, góp phần vào sự nghiệp đổi mới giáo dục Việt Nam.