Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, trong những năm gần đây, do công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai rộng khắp trên cả nước với những biện pháp dự phòng tích cực, sớm hơn, đầy đủ hơn và hiệu lực hơn nên số trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm HIV được phát hiện giảm nhanh. Số trẻ nhiễm HIV dưới 6 tuổi được phát hiện năm 2011 là 405 trẻ, số này năm 2012 là 353 trẻ, năm 2013 là 265 và 6 tháng năm 2014 là 131 trẻ. Như vậy, số liệu này năm 2014 đã giảm hơn 1/3 lần so với năm 2011.
Cũng theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, trẻ em nhiễm HIV phát hiện ở độ tuổi tiểu học (7-11 tuổi), độ tuổi học sinh phổ thông cơ sở (12-15 tuổi) và độ tuổi học sinh trung học phổ thông (16-19 tuổi) cũng có chiều hướng giảm trong 3 năm trở lại đây, đặc biệt là ở nhóm tuổi trung học phổ thông (giảm gần 1/3 lần so với 2011).
Kết quả rà soát số người nhiễm HIV trên toàn quốc đến tháng 6 năm 2014, có hơn 203 nghìn người nhiễm HIV hiện còn sống, trong đó có gần 2 nghìn trẻ em dưới 19 tuổi. Trẻ em nhiễm HIV độ tuổi mầm non chiếm 43,8%, tiểu học 15,3%, Phổ thông cơ sở 4,8%, Trung học phổ thông 36,1%. Trên thực tế, hầu hết trẻ nhiễm HIV độ tuổi Tiểu học trở lên đều được đến trường học chung với các trẻ em không nhiễm khác, duy chỉ có trẻ nhiễm HIV độ tuổi mầm non thì được chăm sóc, dạy dỗ tại gia đình hoặc các Trung tâm bảo trợ xã hội do điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng đặc biệt hơn.
Hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận được trường hợp lây nhiễm HIV nào ở học sinh trong môi trường học đường. Trẻ em ở tuổi Tiểu học và Phổ thông cơ sở rất hiếu động, chúng có thể trêu chọc gây xây xát da, chảy máu nhưng nếu máu hoặc dịch tiết của học sinh nhiễm HIV dính vào phần da, niêm mạc lành lặn của trẻ không nhiễm HIV thì cũng không có nguy cơ lây truyền HIV. Khi học sinh nhiễm HIV ngồi học chung lớp, chung bàn, ăn uống chung mâm, vui chơi chung với các học sinh khác thì không thể lây nhiễm HIV sang cho các bạn, vì HIV không lây qua các tiếp xúc thông thường.
Đối với trẻ ở độ tuổi Phổ thông trung học (thanh thiếu niên) ngoài nguy cơ trên có thể trẻ bắt đầu có hành vi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, trẻ nhiễm HIV ở độ tuổi này hầu hết đang được quản lý sức khỏe và được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV) tại các cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS. Chúng được tư vấn rất kỹ về cách phòng, tránh lây nhiễm HIV sang người khác và được hướng dẫn quan hệ tình dục an toàn. Khả năng lây nhiễm HIV qua đường tình dục ở người đang điều trị bằng thuốc ARV là rất thấp. Theo Tổ chức Y tế thế giới, nếu được điều trị bằng thuốc ARV thì làm giảm 96% nguy cơ lây nhiễm HIV sang bạn tình không nhiễm HIV. Chính vì vậy, nguy cơ lây nhiễm HIV trong môi trường học đường là rất hãn hữu.
Hiện nay, do được tuyên truyền nhiều về các kiến thức cơ bản của HIV và chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV nên trẻ em nhiễm HIV đã được đến trường và đã hòa nhập với các học sinh khác. Tuy vây, nếu không may xảy ra tai nạn có tiếp xúc với máu hoặc dịch tiết của học sinh nhiễm HIV thì cần xử trí như sau:
- Ngay sau khi bị tiếp xúc với máu, dịch tiết thì phải xối ngay vết thương dưới vòi nước, để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương, rồi rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch.
- Sau đó đưa trẻ đến cơ sở y tế, có thể là phòng khám ngoại trú HIV gần nhất hoặc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS để các y bác sỹ đánh giá nguy cơ, tư vấn và xử trí kịp thời. Nếu xác định có nguy cơ, trẻ sẽ được điều trị dự phòng bằng thuốc kháng HIV trong vòng 4 tuần. Việc điều trị dự phòng này cần tiến hành sớm ngay sau khi bị phơi nhiễm hoặc thời gian tối đa là trước 72 giờ. Sau 72 giờ việc điều trị là không có tác dụng dự phòng. Như vậy, chỉ điều trị bằng thuốc kháng HIV khi xác định có nguy cơ và phải dùng thuốc đúng phác đồ và trước 72 giờ.
Hiện nay, chủ trương của nước ta là khuyến khích việc đưa trẻ nhiễm HIV đến trường, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các em. Tại Khoản 2, Điều 15 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS cũng quy định: Cơ sở giáo dục không được có các hành vi sau đây: Từ chối tiếp nhận học sinh, sinh viên, học viên vì lý do người đó nhiễm HIV; Kỷ luật, đuổi học học sinh, sinh viên, học viên vì lý do người đó nhiễm HIV; Tách biệt, hạn chế, cấm đoán học sinh, sinh viên, học viên tham gia các hoạt động, dịch vụ của cơ sở vì lý do người đó nhiễm HIV; Yêu cầu xét nghiệm HIV hoặc yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm HIV đối với học sinh, sinh viên, học viên hoặc người đến xin học. Do vậy chúng ta không nên kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.
Các bậc cha mẹ cần chủ động trang bị cho mình các kiến thức phòng, chống HIV/AIDS để tự bảo vệ chính mình, con cái và người thân và khi có bất kỳ sự việc gì xảy ra cũng đủ kiến thức để phân tích, không hoảng loạn hay lo lắng quá mức cần thiết.
Nhà trường cần tuyên truyền, giáo dục cho các em các kiến thức về HIV, kỹ năng sống, điều gì nên làm, điều gì không nên làm và có giám sát các hoạt động vui chơi của các em, đặc biệt là các trò chơi gây xây xát da, chảy máu.