Khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc (1918), thực dân Pháp tiến hành chính sách khai thác thuộc địa lần thứ hai với quy mô và tốc độ lớn hơn trước nhiều lần hòng bù đắp phần nào thiệt hại do chiến tranh thế giới gây ra. Thời kỳ này, số lượng công nhân Việt Nam phát triển nhanh chóng. Theo niên giám thống kê của Pháp thì đến năm 1929 số lượng công nhân trên toàn Đông Dương (chủ yếu là Việt Nam) là 220.000 người. Cùng với sự tăng lên về số lượng, chất lượng chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề của công nhân cũng được nâng lên.
Cho đến trước ngày 19-12-1946 toàn bộ số công nhân ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khoảng 100.000 người, trong đó có 25.000 làm việc tại các xí nghiệp, nhà máy và cơ sở kinh doanh của tư bản Pháp và tư bản ngoại quốc. Công nhân ở Nam Bộ đông hơn nhưng đã bị phân tán và chuyển hóa khá phức tạp khi chiến tranh xảy ra. Kháng chiến càng diễn ra ác liệt tại Nam Bộ thì sự phân tán của đội ngũ công nhân ở đây diễn ra càng mạnh. Tháng 10-1950, chiến dịch Biên giới kết thúc thắng lợi, 5 thị xã, 13 thị trấn cùng nhiều vùng đất dọc theo giải biên giới dài 750 km gồm 35 vạn dân được giải phóng, số lượng công nhân trong các vùng do ta kiểm soát tăng lên đến 346.000 người, trong đó, chủ yếu là thợ thủ công. Càng về những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, số lượng công nhân thủ, công nghiệp càng tăng. Tỷ trọng công nhân công nghiệp (công nghiệp quốc phòng và công nhân kinh tế quốc doanh) rất thấp, chỉ chiếm khoảng 10%.
Như vậy, xét về lịch sử hình thành, giai cấp công nhân Việt Nam ra đời không phải là sản phẩm trực tiếp của nền sản xuất công nghiệp hiện đại Việt Nam mà ra đời từ chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Đại đa số công nhân Việt Nam đều xuất thân từ tầng lớp nông dân với trình độ lao động giản đơn. Vì thế, có thể nhận định khái quát là giai cấp công nhân Việt Nam ra đời muộn hơn so với giai cấp công nhân thế giới, số lượng ban đầu còn ít và trình độ tay nghề thấp.
Ra đời trước giai cấp tư sản dân tộc, vừa mới lớn lên đã tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lê-nin, hệ tư tưởng của giai cấp công nhân quốc tế, nhanh chóng trở thành lực lượng chính trị tự giác thống nhất, được Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục, đã sớm giác ngộ mục tiêu, lý tưởng, chân lý của thời đại: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giai cấp công nhân Việt Nam luôn có tinh thần và bản chất cách mạng triệt để. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, do ảnh hưởng sâu sắc của cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và sự truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phong trào công nhân Việt Nam đã có bước chuyển biến sâu sắc về chất. Giai cấp công nhân đã từng bước giác ngộ về địa vị, vai trò của mình trong xã hội, trong cách mạng Việt Nam và ngày càng tiến tới sự tự giác. Sự ra đời của Công hội đỏ Bắc Kỳ (28-7-1929) và Đảng Cộng sản Việt Nam (03-02-1930) là mốc lịch sử đánh dấu bước phát triển mới về chất của giai cấp công nhân Việt Nam từ sự tự phát lên tự giác.
Từ đây, giai cấp công nhân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã không ngừng vươn lên và phát triển mọi mặt, từng bước giác ngộ và hiện thực hoá sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình. Và cũng từ đây, giai cấp công nhân Việt Nam - thông qua đội tiên phong của mình là Đảng Cộng sản Việt Nam - bước lên vũ đài chính trị nắm quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Cao trào cách mạng năm 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh và cao trào cách mạng dân chủ 1936 - 1939 chứng tỏ sự trưởng thành nhanh chóng, vượt bậc của giai cấp công nhân Việt Nam về mặt chính trị, về ý thức giai cấp, về tinh thần đoàn kết, tính kỷ luật trong đấu tranh cách mạng.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, không những mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc, mà còn là dấu mốc đưa giai cấp công nhân và nhân dân lao động từ địa vị của người dân mất nước, người lao động làm thuê lên địa vị người làm chủ đất nước. Sự thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 cũng chứng tỏ vai trò lãnh đạo không thể thay thế của giai cấp công nhân Việt Nam thông qua đội tiền phong của mình là Đảng Cộng sản Việt Nam. Lịch sử cách mạng Việt Nam hiện đại đã trao cho giai cấp công nhân Việt Nam vai trò sứ mệnh lịch sử ấy và giai cấp công nhân Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, đặc biệt là sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, giai cấp công nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Giai cấp công nhân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội và xuất khẩu với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao. Với số lượng chỉ chiếm 21% tổng số lao động và 11% dân số cả nước, nhưng giai cấp công nhân Việt Nam đã đóng góp hơn 60% tổng sản phẩm xã hội và 70% ngân sách nhà nước(3).
Tuy nhiên, trong điều kiện mới hiện nay, bên cạnh những thành tựu thì giai cấp công nhân ở Việt Nam còn bộc lộ những hạn chế, đó là:
- Sự phát triển của giai cấp công nhân chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, cơ cấu và trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế; thiếu nghiêm trọng các chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề; tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động còn nhiều hạn chế; đa phần công nhân từ nông dân chưa được đào tạo cơ bản và có hệ thống, một bộ phận công nhân chậm thích nghi với cơ chế thị trường.
- Ðịa vị chính trị của giai cấp công nhân chưa thể hiện đầy đủ. Giai cấp công nhân còn chưa phát huy hết vai trò nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị của công nhân không đồng đều; sự hiểu biết về chính sách, pháp luật còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ đảng viên và cán bộ lãnh đạo xuất thân từ công nhân còn thấp. Một bộ phận công nhân chưa thiết tha phấn đấu vào Ðảng và tham gia hoạt động trong các tổ chức chính trị - xã hội. Đặc biệt, tỷ lệ công nhân là đảng viên trong tổng số đảng viên của Đảng những năm gần đây đang giảm dần là một xu hướng rất đáng lo ngại(4).
- Xu hướng phân hóa gay gắt đội ngũ công nhân trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay càng làm cho việc tập hợp đội ngũ và nâng cao vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với toàn thể xã hội trong giai đoạn cách mạng mới càng trở nên khó khăn. Từ thực trạng phân hóa giai cấp công nhân nước ta những năm gần đây cho thấy, bên cạnh các xu hướng phân hóa về số lượng, chất lượng thì các xu hướng về thu nhập, việc làm đã có tác động khá mạnh đến sự phát triển của đội ngũ công nhân trong điều kiện mới, vì đây là mặt dễ làm tổn thương đến đội ngũ những người lao động hiện nay. Kết quả phân hóa trong việc làm và thu nhập của đội ngũ công nhân nước ta trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng cho thấy bên cạnh đời sống của một bộ phận công nhân (chủ yếu là bộ phận công nhân trong các doanh nghiệp nhà nước còn giữ vị thế độc quyền trong nền kinh tế hoặc một bộ phận nhỏ công nhân có trình độ tay nghề cao...) đã được cải thiện đáng kể, thì cạnh đó “…lợi ích một bộ phận công nhân được hưởng chưa tương xứng với những thành tựu của công cuộc đổi mới và những đóng góp của chính mình; việc làm, đời sống vật chất và tinh thần của công nhân đang có nhiều khó khăn, bức xúc, đặc biệt là ở bộ phận công nhân lao động giản đơn tại các doanh nghiệp của tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”(5).
- Tình trạng đình công, bãi công của công nhân, nhất là công nhân trong các khu chế xuất, các khu công nghiệp trong cả nước những năm gần đây ngày càng gia tăng và diễn biến theo xu hướng ngày càng phức tạp. Theo thống kê, năm 2006, cả nước xảy ra 387 vụ đình công, năm 2007 xảy ra 541 vụ(6); Đặc biệt, chỉ riêng 8 tháng đầu năm 2008 đã có tới gần 650 vụ tranh chấp lao động, trong đó phần lớn các vụ tranh chấp đều có nguyên nhân do mức sống của công nhân ngày càng sa sút, mức lương thấp so với điều kiện sống thực tế(7). Trong nền kinh tế thị trường, nhất là kinh tế thị trường còn đang ở giai đoạn sơ khai như nước ta hiện nay thì việc xảy ra hiện tượng đình công, bãi công của công nhân, nhất là công nhân trong các khu vực kinh tế tư nhân (ở nước ta hiện nay chủ yếu là trong khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài) là một xu hướng mang tính tất yếu và có thể lường trước được. Tuy nhiên, hiện tượng đình công của công nhân tại các địa phương những năm gần đây ngày càng gia tăng và có xu hướng diễn biến ngày càng phức tạp đã hàm chứa trong đó những điều bất cập không chỉ từ việc xây dựng, duy trì mô hình nền kinh tế (kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa) mà còn trong việc tìm ra giải pháp khắc phục hiện tượng bất cập được nảy sinh từ nền kinh tế ấy. Từ thực trạng các cuộc đình công của công nhân đang diễn ra ở một số địa phương nước ta hiện nay cũng cho thấy cần phải có sự đổi mới căn bản về mặt nhận thức cũng như các giải pháp thực tiễn để xây dựng và phát triển đội ngũ công nhân.
Những hạn chế, yếu kém trên đây do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nổi lên một số nguyên nhân, như: 1) Mặc dù Ðảng có chú trọng xây dựng giai cấp công nhân, nhưng quan tâm chưa đầy đủ, chưa ngang tầm với vị trí, vai trò của giai cấp công nhân trong thời kỳ mới; 2) Đời sống của một bộ phận công nhân còn gặp nhiều khó khăn; 3) Công tác giáo dục, nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị cho giai cấp công nhân chưa được chú trọng đúng mức; 4) Công tác phát triển Đảng cho đội ngũ công nhân trong hệ thống các doanh nghiệp trong cả nước, nhất là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn, bất cập; 5) Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về giai cấp công nhân chưa được quan tâm và đầu tư thỏa đáng, dẫn đến còn tình trạng nhìn nhận chưa đúng mức về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế; 6) Việc tổ chức và tham gia hoạt động của các tổ chức công đoàn, các tổ chức đoàn thể và chính trị - xã hội trong các hoạt động của đội ngũ công nhân còn mang nặng tính hình thức, hiệu quả chưa cao...
Cố nhiên, để xây dựng và phát triển giai cấp công nhân trong giai đoạn hiện nay xứng đáng với vai trò là “lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh…” như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa X khẳng định đòi hỏi có nhiều giải pháp cấp bách, trong đó theo chúng tôi cần chú trọng vào một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cụ thể hóa những quan điểm, chủ trương lớn của Đảng về giai cấp công nhân, nhanh chóng đưa Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X “Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” vào cuộc sống.
Thứ hai, tạo tiền đề sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng cao ở tất cả các ngành kỹ thuật. Trước hết phải đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn… Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng tạo ra giá trị gia tăng ngày càng cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường.
Thứ ba, đẩy mạnh tri thức hóa công nhân. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng “Quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động; đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo vệ quyền lợi, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân”(8).
Thứ tư, tập trung lãnh đạo nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện những quy định của pháp luật về chế độ, chính sách cho công nhân. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ, chính sách của Nhà nước trong các doanh nghiệp; xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.
Thứ năm, tổ chức công đoàn, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực tham gia công tác tuyên truyền các chế độ chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công nhân lao động, nhất là chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe và môi trường lao động cho công nhân, các quy định về ký kết hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể.
Thứ sáu, chỉ đạo kiểm tra các doanh nghiệp trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế dân chủ; tăng cường các hoạt động đối thoại, thương lượng giữa người sử dụng lao động và người lao động nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Các cấp chính quyền tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện quy chế dân chủ trong các doanh nghiệp.
Thứ bảy, tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch các khu, cụm công nghiệp theo hướng gắn với phát triển các khu đô thị mới, trong đó chú trọng xây dựng nhà ở và các công trình phúc lợi thiết yếu phục vụ chăm sóc sức khỏe, nhu cầu sinh hoạt tinh thần cho công nhân và nhân dân. Trong từng doanh nghiệp phải có quy hoạch bố trí quỹ đất để xây dựng nơi sinh hoạt văn hóa cho công nhân.
Thứ tám, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, củng cố các đoàn thể quần chúng là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với phong trào công nhân hiện nay. Thực tế cho thấy công tác xây dựng Đảng và tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên chưa theo kịp yêu cầu phát triển của sự nghiệp đổi mới. Một mặt, do áp lực của những điều kiện khách quan, mặt khác bản thân các tổ chức đảng, công đoàn cũng bộc lộ những bất cập yếu kém, tự thân không theo kịp yêu cầu của sự phát triển, nhưng không có những chấn chỉnh kịp thời. Đã đến lúc không chỉ dừng lại ở những chỉ thị, nghị quyết mà nên có những văn bản pháp luật, thể chế đưa chỉ thị, nghị quyết thành những quy định cụ thể. Đảng ta là Đảng cầm quyền, hoạt động của các tổ chức đảng, công đoàn, đoàn thanh niên phải được hình thành trong từng doanh nghiệp bất kỳ thuộc thành phần kinh tế nào. Tuy nhiên hoạt động của các tổ chức trên đây phải góp phần làm cho doanh nghiệp phát triển, sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao. Đời sống vật chất, tinh thần và các quyền lợi khác của người công nhân phải được bảo đảm tốt hơn. Các chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải được thực thi và chấp hành nghiêm túc(9).
Thứ chín, tăng cường hơn nữa vai trò và vị trí lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng giai cấp công nhân trong điều kiện cách mạng mới hiện nay. Giai cấp cách mạng muốn trở thành giai cấp lãnh đạo cách mạng thì, về mặt khách quan, phải đại biểu cho phương thức sản xuất mới, và về mặt chủ quan, phải tổ chức ra đội tiên phong - chính đảng, của giai cấp mình. Đội tiên phong của giai cấp phải là bộ phận trí tuệ nhất, tiêu biểu cho trí tuệ của giai cấp và thời đại. Điều đó đúng với các giai cấp cách mạng trước đây cũng như với giai cấp công nhân ngày nay. Đội tiên phong của giai cấp công nhân hiện đại nhất thiết phải là bộ phận trí tuệ nhất của giai cấp, của thời đại mới. Phải tiếp cận những thành tựu mới nhất của văn minh nhân loại, kết hợp với sự phân tích khoa học, trên cơ sở của phép biện chứng mác-xít, những điều kiện của thế giới ngày nay đang chịu sự tác động của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Từ đó, đề ra cương lĩnh, chiến lược, sách lược phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của quốc gia - dân tộc để từng bước tìm con đường giải phóng, vượt qua chủ nghĩa tư bản hiện đại, xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện đại./.
----------------------------------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa X (Lưu hành nội bộ). Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2008, tr.43.
(2) Căn cứ vào những sử liệu như của Hồng Ðức Thiện Chính, Giáo sư Phan Huy Lê cho rằng ngay từ thời phong kiến ở Việt Nam đã tồn tại các “cố công nhân”, họ là những người làm công phục vụ trong các gia đình. Những người làm thuê này còn có loại gọi là “dung nhẫm”, “đinh phu” mà Quốc Triều Hình Luật ghi là “đinh phu thợ thuyền” cùng với “dung phu” là những lao động trong hầm mỏ. Thời Lê Mạt năm 1831, mỏ vàng Chiên Ðàn (Quảng Nam) đã được khai thác với khoảng gần 1000 lao động. Năm 1833, mỏ vàng Tiên Kiều (Tuyên Quang) tập trung tới 3122 công nhân. Tính đến đầu đời Tự Ðức, từ Quảng Nam trở ra đã có 124 mỏ được khai thác trong đó có 3 mỏ vàng, 29 mỏ sắt, 14 mỏ bạc, 9 mỏ đồng, 7 mỏ kẽm, 4 mỏ chì, 1 mỏ thiếc... Lao động công nghiệp và thủ công nghiệp từ Lý - Trần trở đi ngày càng tinh xảo. Từ khi Lý Thái Tổ đời đô ra Thăng Long, kinh tế - văn hóa phát triển mạnh mẽ. Nhiều lao động công nghiệp, thủ công nghiệp đã được huy động vào các công việc xây dựng chùa quán, tô tượng, đúc chuông, làm cầu, đóng thuyền... Công nghệ đóng thuyền tàu đi sông đi biển bấy giờ từng đã được các thương nhân Hà Lan, Bồ Ðào Nha... đánh giá cao. Năm 1820, Ðại tá hải quân Hoa Kỳ J. White sang Việt Nam đã nhận xét “Người Việt Nam quả là những nhà đóng tàu thành thạo. Họ hoàn thành những công trình của họ rất mực chính xác”.
(3) Đặng Ngọc Tùng: Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam vững mạnh (http://laodong.com.vn, ngày 15.1.2011).
(4) Theo số liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương (2008): Năm 2003, số người được kết nạp Đảng là công nhân trực tiếp sản xuất chiếm 7,69% tổng số được kết nạp Đảng (10.723/143.550); năm 2004, tỷ lệ này là 8,19% (12.899/157.510); năm 2005 là 6,87% (11.646/169.461).
(5) Ban Tuyên giáo Trung ương: Tài liệu nghiên cứu các Nghị quyết Trung ương 6, khoá X. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.25.
(6) Báo Lao Động số 117 Ngày 26-05-2008.
(7) Theo VTV1, ngày 15-9-2008.
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại (Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khoá X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, Tr.13.
(9) Xem thêm Trương Giang Long: Giai cấp công nhân Việt Nam - thực trạng và suy ngẫm, Tạp chí Cộng sản số 23 (143) năm 2007.
PGS, TS. Phạm Công Nhất - Đại học Quốc gia Hà Nội
Theo: Tapchicongsan.org.vn