Đại hội XII của Đảng xác định đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là một trong mười ba định hướng phát triển lớn để hiện thực hoá mục tiêu phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nội dung quan điểm của Đại hội là bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng ta về giáo dục và đào tạo.
Đại hội XII tiếp tục khẳng định: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, với tiến bộ khoa học – công nghệ, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động”. Đây là quan điểm định hướng cho phát triển giáo dục và đào tạo ở nước ta trong những năm tới. Quan điểm chỉ đạo này là kết quả của thành tựu nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn 30 năm đổi mới lĩnh vực giáo dục vào đào tạo trong công cuộc đổi mới đất nước. Nội dung quan điểm thể hiện sự nhận thức đúng đắn và nhất quán của Đảng ta trong quá trình đổi mới về vai trò quốc sách hàng đầu của giáo dục và đào tạo. Điểm mới trong nội dung quan điểm có ý nghĩa chỉ đạo, định hướng cho phát triển giáo dục và đào tạo là lấy phát triển, hoàn thiện con người làm mục tiêu, động lực; xây dựng một nền giáo dục hiện đại, thực học, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước.
Đại hội XII đề ra mục tiêu đổi mới giáo dục và đào tạo là: “ Phấn đấu trong những năm tới, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”. Đây là mục tiêu tổng quát của sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo nước nhà trong những năm tới. Mục tiêu này hướng đến xây dựng một nền giáo dục hiện đại, nhân văn đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế.
Đại hội XII nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học”. Đây là sự tiếp tục khẳng định quan điểm của Nghị quyết Trung ương 8, khoá XI. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ tư duy, quan điểm đến mục tiêu, hệ thống, chương trình giáo dục, các chính sách, cơ chế và các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục. Đổi mới ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo, ở cả Trung ương và địa phương, ở cả mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Đổi mới để tạo ra chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, nhu cầu học tập của toàn dân.
Đổi mới phải đảm bảo tính hệ thống, có tầm nhìn dài hạn, các giải pháp đồng bộ, khả thi, có cơ sở khoa học; vừa củng cố, phát huy các thành tựu và điển hình đổi mới, vừa kiên quyết xử lý những lệch lạc, những việc làm trái quy luật; khắc phục cơ bản các yếu kém kéo dài đang gây bức xúc; phát triển, nhân rộng các nhân tố tích cực và những mô hình, điển hình mới. Đổi mới có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình phù hợp với thực tiễn đất nước, địa phương.
Trong nội dung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cần nắm vững vấn đề trọng điểm là phải đổi mới chương trình, nội dung giáo dục theo hướng tinh giảm, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề. Đổi mới chương trình nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hoà đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữ và dạy nghề. Đổi mới nội dung giáo dục theo hướng tinh giảm, hiện đại, thiết thực phù hợp với lứa tuổi trình độ và ngành nghề; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân. Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hoá, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hoá nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tăng cường giáo dục thể chất, kiến thức quốc phòng, an ninh và hướng nghiệp. Dậy ngoại ngữ và tin học theo hướng chuẩn hoá, thiết thực, bảo đảm năng lực sử dụng của người học.
Đổi mới phương pháp theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú trọng các hoạt động xã hội, ngoại khoá, nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.
Đại hội XII của Đảng xác định: “Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, cho từng ngành, từng lĩnh vực, với những giải pháp đồng bộ”. Đây là một cách tiếp cận mới về nhiệm vụ của giáo dục và đào tạo. Trong Văn kiện Đại hội XII, lần đầu tiên Đảng ta nêu ra quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo phải gắn với phát triển nguồn nhân lực. Bởi lẽ phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là đột phá chiến lược , là yếu tố quyết định đẩy mạnh, phát triển khoa học và công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, đảm bảo cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Nội dung quan điểm này được thể hiện xuyên suốt trong các Văn kiện Đại hội XII và được xác định là một nội dung trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội. Đó là việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ.
Trên đây là một số nội dung cơ bản, có những bổ sung, phát triển mới trong hệ thống quan điểm Đại hội XII về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực. Những vấn đề này cần được quan tâm nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện nhằm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống./.
(Sưu tầm)