Đồng chí Trần Phú (01-01-1904 - 06-9-1931), Tổng Bí thư đầu tiên, nhà lý luận xuất sắc của Đảng
1.Khái quát về tiểu sử đồng chí Trần Phú
Trong biên niên sử đấu tranh cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam về các lãnh tụ cách mạng, đồng chí Trần Phú là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta, người cộng sản kiên cường, mẫu mực, người con ưu tú của Đảng và dân tộc ta. Là người học trò xuất sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh, ông là tấm gương mẫu mực của người chiến sĩ luôn “giữ vững chí khí chiến đấu”, dành hết tâm trí nhiệt huyết với trí tuệ, lý tưởng, mục tiêu cách mạng được Đảng và nhân dân giao phó.
Đồng chí Trần Phú ngày 1/5/1904, tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; nguyên quán là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Trong tiến trình lịch sử dân tộc và của vùng đất Nghệ Tĩnh, địa danh Tùng Ảnh, một xã nằm ở phía tây bắc của huyện Đức Thọ, là quê cha đất tổ của đồng chí Trần Phú, là vùng đất nghèo khó, lam lũ, quanh năm đối mặt với sự thịnh nộ của thiên nhiên (lũ lụt, hạn hán), song nhân dân Tùng Ảnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh) cũng giống như bao miền quê khác hun đúc cho vùng đất này từ bao đời truyền thống yêu nước, có bề dày văn hoá, tinh thần hiếu học, giàu trí sáng tạo và cần cù lao động, sống có tình nghĩa, thủy chung, biết yêu thương đùm bọc, tảo tần, chịu thương chịu khó. Nói đến vùng đất Hà Tĩnh nói chung, xã Tùng Ảnh - Đức Thọ nói riêng là nói đến mảnh đất hiếu học lưu danh sử sách, dù phải ăn rau, ăn cháo, nhiều gia đình vẫn dành dụm chung nhau góp tiền, góp gạo nuôi thầy, cho con cháu ăn học. Do đó trong công trình “Trần Phú tiểu sử” thuộc Chương trình viết sử các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các tác giả đều nhận định “Tinh thần hiếu học, khổ học được xem như là một thứ đạo của người dân Hà Tĩnh và của Tùng Ảnh, Đức Thọ. Đạo học rèn luyện cho người dân ở đây một ý chí quyết học và quyết đỗ; điều này được phản ánh qua câu: “Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa. Ông đỗ, cha đỗ, con đỗ, đỗ cả nhà”[1].
Về gia đình, đồng chí Trần Phú sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, thương dân, hiếu học, trong học và được vinh danh khoa bảng ở các kì thi Nho học thời phong kiến. Cha là nhà nho Trần Văn Phổ (1865), đậu Tú tài khoa Nhâm Ngọ đời vua Tự Đức (1882); đậu Giải nguyên khoa Đinh Dậu đời vua Thành Thái (1897), giữ chức quan soạn thảo các văn bản của vua. Mẹ của đồng chí Trần Phú là bà Hoàng Thị Cát- sinh ra trong một gia đình quan lại tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông nội cụ Trần Viết Tiến, từng được coi là “ân xứ lão niên, giáp nội thủ chỉ” (người cao tuổi và có uy tín, đứng đầu một giáp trong làng) và nổi danh với việc đậu hai khoa Tú tài năm Đinh Mão và Canh Ngọ, sung chức hậu bổ tỉnh Quảng Ngãi. Thân phụ và thân mẫu đồng chí Trần Phú sinh được 8 người con, trong đó đồng chí Trần Phú là người con thứ 7, được sinh ra tại Tuy An, Phú Yên vào năm 1904 sau khi thân phụ được triều đình điều vào làm Giáo thụ tại đây. Bước ngoặt thời niên thiếu của đồng chí Trần Phú diễn ra vào năm 1908 và năm 1910 sau khi thân phụ tuẫn tiết không nghe theo lệnh triều đình đàn áp nhân dân Quảng Ngãi nơi ông giữ chức Tri huyện (1908) và thân mẫu vì vất vả, bệnh nặng qua đời “Hình ảnh người cha thân yêu tuẫn tiết trước công đường, hình ảnh người mẹ hiền dịu vì phải tảo tần kiếm sống đã qua đời trong vất vả cực nhọc bởi bọn thực dân xâm lược và bọn phong kiến bán nước đã trở thành vết thương nhức nhối trong tâm hồn Trần Phú”[2].
Mặc dù gia đình có nhiều khó khăn nhưng anh chị em đồng chí Trần Phú đều luôn yêu thương, bao bọc lẫn nhau, động viên nhau học hành. Nhờ đó, Năm 1918, đồng chí Trần Phú học xong chương trình tiểu học, vào học tiếp Trường Quốc học Huế từ năm 1918-1922. Tại trường Quốc học Huế, đồng chí Trần Phú đã được gặp gỡ những người đã làm thức tỉnh tinh thần yêu nước và chí hướng đấu tranh giải phóng dân tộc, tiêu biểu có thầy giáo Võ Liêm Sơn (bạn học của chủ tịch Hồ Chí Minh), đồng chí Hà Huy Tập (bạn học có cùng cảnh ngộ và chí hướng).
Như vậy, với việc sinh ra trong một gia đình và quê hương có truyền thống yêu nước, bất khuất và khoa bảng, hiếu học, cộng với chứng kiến cảnh đất nước, nhân dân nô lệ, gia đình gặp nhiều biến cố đã ảnh hưởng lớn tới sự hình thành tư tưởng yêu nước và khát vọng dân tộc trong con người đồng chí Trần Phú ngay từ thời niên thiếu, đặt nền móng cho những bước chuyển lớn về chí hướng, con đường cách mạng của lãnh tụ về sau này.
2. Những hoạt động cách mạng từ năm 1922 đến 1931 và đóng góp của Tổng Bí thư Trần Phú
Tháng 9 năm 1922, sau khi tốt nghiệp Thành Chung, Trần Phú được bổ nhiệm về dạy học tại Trường tiểu học Cao Xuân Dục (Vinh, Nghệ An), với mục đích góp phần đào tạo ra lớp người có chí hướng, làm lợi cho dân, cho nước, cùng chí hướng, lý tưởng đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân. Tại đây, khi tổ chức yêu nước Hội Phục Việt được thành lập ở Vinh với mục đích đoàn kết các lực lượng yêu nước để làm cách mạng đánh đuổi giặc Pháp xâm lược, lật đổ bè lũ vua quan bán nước, đem lại độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho đồng bào, đồng chí Trần Phú đã tích cực tham gia và trở thành một trong những người lãnh đạo của tổ chức. Chính quá trình tham gia vào các hoạt động cách mạng sôi nổi, nhiệt huyết ở các địa phương, tích cực gây dựng cơ sở phong trào yêu nước cho tổ chức tại miền Trung và cả Lào đã trở thành trường học thực tiễn khẳng định năng lực vận động quần chúng, tư duy chính trị và năng lực tổ chức, lãnh đạo phong trào của đồng chí Trần Phú.
Từ năm 1926 đến 1928, đồng chí Trần Phú được tổ chức cử sang Quảng Châu bàn về công tác tổ chức. Chính tại đây, đồng chí được trực tiếp tham gia vào các lớp huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do trực tiếp Nguyễn Ái Quốc giảng dạy, tuyên truyền. Giống như các thanh niên Việt Nam yêu nước khác, khoá học này đã trang bị cho đồng chí Trần Phú “một cuốn cẩm nang thần kỳ”, đó là lý luận chủ nghĩa Mác- Lênin và con đường cách mạng vô sản. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt đánh dấu bước chuyển trong tư tưởng của đồng chí Trần Phú từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác- Lênin, đồng thời chuyển sang giai đoạn đấu tranh cách mạng theo con đường cách mạng vô sản. Đồng thời, đồng chí Trần Phú là người có công trong việc hướng tổ chức Tân Việt cách mạng đảng (trước tên là Hội Phục Việt, sau đổi thành Việt Nam cách mạng Đảng và 7/1928 đổi thành Tân Việt cách mạng Đảng) đi theo con đường của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, đưa tổ chức chuyển dần theo quỹ đạo cách mạng vô sản. Nhờ có năng lực lãnh đạo và những cống hiến xuất sắc, đồng chí đã được cử sang Đại học phương Đông (Liên Xô) để tiếp tục học tập.
Đóng góp đặc biệt to lớn của đồng chí Trần Phú chính là ở vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam và Đông Dương trong giai đoạn 1930-1931. Sau khi hoàn thành khóa học tại Trường Đại học Phương Đông (Liên Xô), tháng 4/1930 theo Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Trần Phú trở về nước hoạt động và đến tháng 7/1930, đồng chí được bổ sung vào Ban chấp hành lâm thời của Đảng, tích cực chuẩn bị cho Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ nhất (10-1930) và xây dựng Luận cương chính trị để báo cáo trình bày và thông qua tại Hội nghị. Tháng 10/1930, tại Hội nghị Ban chấp hàng Trung ương Đảng đã quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương, bầu đồng chí Trần Phú là Tổng Bí thư và thông qua Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú soạn thảo, hoạch định đường lối chính trị cho cách mạng Động Dương trong tình hình mới. Đánh giá về những đóng góp to lớn của đồng chí Trần Phú trong công tác tổ chức lãnh đạo, xây dựng Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã khẳng định: “Trên cương vị Tổng Bí thư đầu tiên, Trần Phú đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đồng chí tranh thủ mọi điều kiện để trang bị lý luận Mác - Lênin cho cán bộ, đảng viên, kiên quyết đấu tranh khắc phục những biểu hiện ấu trĩ tả khuynh, hữu khuynh trong Đảng. Đồng chí dành nhiều công sức để xây dựng và củng cố tổ chức, kiện toàn các cơ quan từ trung ương đến các xứ ủy và các đảng bộ, nhất là ở những vùng quan trọng, bị địch đàn áp. Đồng chí Trần Phú thường chỉ thị cho các cấp ủy Đảng phải xem xét tình hình địa phương mà đề ra chủ trương, biện pháp cho phù hợp”[3]. Ngày 18-4-1931, Tổng Bí thư Trần Phú sa lưới kẻ thù. Bất chấp mọi thủ đoạn tra tấn tàn bạo và dụ dỗ của kẻ thù, Tổng Bí thư Trần Phú không hề khuất phục và đã hi sinh anh dũng khi tuổi đời đang tràn đầy khát vọng, ý chí đấu tranh và nhiệt huyết cách mạng, để lại lời nhắn gửi cuối cùng ở tuổi 27 là: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”.
3. Luận cương Chính trị- dấu ấn lớn của Tổng Bí thư Trần Phú
Năm 1930 là một năm đặc biệt trong biên niên sử của Đảng với sự ra đời của hai văn kiện có tầm vóc như một Cương lĩnh chính trị, đó là Cương lĩnh Chính trị đầu tiên (thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng) và Luận Cương Chính trị (được thông qua tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10/1930). Qua các nội dung cơ bản của Luận cương Chính trị thể hiện ở phần I, II, III có thế thấy, Luận cương Chính trị tháng 10/1930 đã vạch ra nhiều vấn đề cơ bản thuộc về chiến lược và sách lược của cách mạng Đông Dương lúc bấy giờ như tính chất và mâu thuẫn cơ bản, con đường, phương hướng, lực lượng, lãnh đạo, phương pháp cách mạng, quan hệ quốc tế, đáp ứng những yêu cầu đặt ra của cách mạng lúc bấy giờ. Thứ hai, Luận cương chính trị đã làm rõ hơn con đường phát triển tất yếu của cách mạng Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia) sau khi cách mạng giành thắng lợi đó là xây dựng chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, tức là bổ sung làm rõ hơn con đường của cách mạng Việt Nam được bàn đến trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng trước đó. Thứ ba, Luận cương chính trị là sản phẩm trí tuệ của tập thể, nhưng trước hết thuộc về đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Sau này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta khẳng định: "Luận cương chính trị là văn kiện quan trọng của Đảng, đã vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa và những luận điểm cơ bản trình bày trong Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng. Những văn kiện đó đã xác định rõ con đường phát triển của cách mạng Việt Nam là đánh đổ chủ nghĩa đế quốc và phong kiến tay sai giành độc lập dân tộc, thực hiện người cày có ruộng và tiến lên xây dựng xã hội cộng sản"[4].
Tuy nhiên, Luận cương Chính trị cũng bộc lộ những điểm khác và hạn chế do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể:
Thứ nhất, Luận cương chính trị chưa thấy được mâu thuẫn chủ yếu của Đông Dương là mâu thuẫn giữa dân tộc với đế quốc xâm lược. Cho nên không nhấn mạnh nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Luận cương chính trị cho thấy sự tồn tại những nhận thức giáo điều về vấn đề dân tộc và giai cấp, nhấn mạnh vấn đề đấu tranh giai cấp theo quan điểm của Quốc tế cộng sản, đề cao nhiệm vụ đấu tranh giai cấp chống phong kiến hơn nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc. Điều này không phù hợp với bức tranh xã hội Đông Dương dưới ách thống trị của đế quốc, thực dân Pháp với sự tồn tại của mâu thuẫn dân tộc diễn ra gay gắt. Do ảnh hưởng tả khuynh của quốc tế cộng sản, Luận cương chính trị quá chú trọng đến mục tiêu đấu tranh giai cấp, nặng về cách mạng ruộng đất và cách mạng khu vực mà chưa chú ý đến những đặc điểm riêng của cách mạng mỗi nước.
Thứ hai, Luận cương chính trị chưa đánh giá đúng mức vai trò cách mạng của tiểu tư sản, phủ nhận mặt tích cực của tư sản dân tộc, cường điệu mặt hạn chế của họ, chưa thấy được khả năng phân hóa, đóng góp tích cực đối với cách mạng của một bộ phận tư sản dân tộc, địa chủ vừa và nhỏ, tiểu tư sản trí thức trong cách mạng giải phóng dân tộc. Từ những vấn đề trên có thể thấy hai thiếu sót lớn của Hội nghị Trung ương tháng 10/1930 nên Luận cương chính trị chưa thể hiện được chiến lược để đoàn kết rộng rãi “toàn dân tộc” như trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Những hạn chế này xuất phát từ việc Ban chấp hành Trung ương lúc đó còn nhiều nhận thức chưa đúng đắn do ảnh hưởng “Tả khuynh” của phong trào cộng sản quốc tế, vận dụng máy móc quan điểm của Quốc tế Cộng sản và do nhận thức chưa đầy đủ thực tế Đông Dương, nên đã phê phán gay gắt quan điểm đúng đắn trong Chính cương vắn tắt, sách lược vắn tắt ở Hội nghị thành lập Đảng. Đó là một quyết định không đúng mà sau này Đảng đã phải sửa chữa.
Mặc dù vậy, Luận cương Chính trị tháng 10/1930 của Đảng vẫn là một trong những văn kiện có tầm vóc hết sức quan trọng, thể hiện trên tất cả các mặt thuộc về đường lối chiến lược và sách lược, phương pháp cách mạng, lực lượng cách mạng, đoàn kết quốc tế…Những luận điểm mang tính đúng đắn trong nội dung của Luận cương chính trị đã được thực tiễn cách mạng chứng minh và những hạn chế, sai lầm của Đảng trong nhận thức một số vấn đề đã được khắc phục trong quá trình lãnh đạo đấu tranh cách mạng.
Không những vậy, văn kiện Luận cương chính trị và những nhiệt tình, hăng say hoạt động, cống hiến to lớn đối với cách mạng, khí phách kiên cường, bất khuất trước kẻ thù với lời nhắn nhủ “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” trước khi mất của Tổng Bí thư Trần Phú là tấm gương sáng ngời cho thế hệ sau trong học tập lý tưởng, cốt cách, tấm gương các lãnh tụ cách mạng của Đảng:
"Trần Phú anh ơi đã thác rồi,
Thác mà như thế đẹp gương soi.
Bao phen sóng gió đâu sờn dạ,
Mấy trận đòn tra chẳng hở môi.
Giọt máu anh hùng dù tơi tả,
Trái tim vô sản vẫn không rơi.
Tuy anh đã thác gương còn sáng,
Thác được như anh sáng suốt đời"1.
PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Tùng
Công đoàn Khoa LLCT-GDCD
[1] Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: Trần Phú - tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.14.
[2] Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: Trần Phú - tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.18
[3] Lời điếu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Phạm Thế Duyệt - Ủy viên Thường vụ, Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đọc tại Lễ truy điệu và di dời hài cốt đồng chí Trần Phú, ngày 12-01-1999, Báo Nhân dân, 13-01-1999
[4] Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc tại Lễ truy điệu và di dời hài cốt đồng chí Trần Phú, Báo Nhân Dân, ngày 13-1-1999.
1. Những người cộng sản trên quê hương Nghệ Tĩnh, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Nghệ Tĩnh xuất bản, 1978, tr.183.