QĐND - Nhân kỷ niệm 5 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, ngày 22-12-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Trong thư, Người nêu rõ: “Quân đội ta quen gọi Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là “Anh Cả”. Cách gọi thân ái ấy rất đúng với tinh thần và lịch sử của dân tộc ta: Vì từ ngày thành lập đội Nam tiến đến nay, Đảng và Chính phủ đã ủy thác cho đồng chí Giáp và một số cán bộ phụ trách tổ chức, huấn luyện và lãnh đạo quân đội ta”.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thông qua bản tin "Chiến thắng Buôn Ma Thuột" tháng 3-1975, do Cục trưởng Cục Tuyên huấn báo cáo. Ảnh tư liệu. |
Nội dung và ý nghĩa danh hiệu “Anh Cả” của quân đội mà Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp được Bác Hồ trao tặng, trước hết phải nói đến thiên tài về chỉ huy quân sự, cũng như trí tuệ siêu việt mà Đại tướng đã được bồi dưỡng qua thực tiễn của hai cuộc kháng chiến giải phóng và thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Trong quá trình chỉ đạo chiến tranh, nhất là trong những chiến dịch lớn đánh dấu sự thắng lợi của từng giai đoạn chiến lược, ông có khả năng khái quát được những hình thái của chiến dịch, từ đó định hình quá trình phát triển một cách biện chứng của chiến trường. Những điều đó có ý nghĩa tác động rất quan trọng đến thắng lợi của từng chiến dịch. Điển hình như trong chiến dịch giải phóng Cao-Bắc-Lạng mở thông đường liên lạc với quốc tế diễn ra vào mùa thu 1950. Lúc đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Chiến dịch đã đề ra khẩu hiệu: “Kiên trì chờ địch”, quán triệt cho đến cấp đại đội, của các đơn vị tham chiến, đồng thời giải thích cho cán bộ chỉ huy từ đại đoàn trở xuống: “Có kiên trì chờ đợi mới tạo được thời cơ lớn”. Sự chỉ dẫn kỳ diệu đó đã đưa lại những kết quả hết sức to lớn trong Chiến dịch Biên Giới 1950...
Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là một tướng quân có lòng nhân nghĩa sâu rộng cảm phục được cán bộ, chiến sĩ toàn quân, khiến mọi người đều đồng tâm hiệp sức với ông để giành thắng lợi cho cuộc chiến tranh giải phóng. Ông thường qua lòng mình mà hiểu lòng người. Ông hiểu thấu được nguyện vọng sâu sắc của mọi cán bộ, chiến sĩ, ai cũng muốn phát huy mọi khả năng của mình trong cuộc đấu tranh chống quân thù. Những biểu hiện về điều cao quý này, chính ông đã nhìn thấy và hiểu thấu qua những trận đánh và chiến dịch mà ông trực tiếp chỉ đạo. Từ đó, ông rất tin vào cán bộ, chiến sĩ có khả năng hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu. Trong những lúc hết sức khó khăn và phức tạp, chính họ cũng rất tin vào khả năng tổ chức và chỉ đạo của ông trong các chiến dịch.
Trong con người Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, người chỉ huy cao nhất, ta vẫn thấy là người thông cảm sâu sắc nhất đối với những gian khổ hy sinh của chiến sĩ và những người phục vụ chiến đấu trực tiếp trên chiến tuyến như thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Rất nhiều cán bộ cơ quan chỉ đạo Trung ương trong các chiến dịch lớn đã thấy đôi mắt ông đỏ hoe sau những trận đánh quyết định của ta mà mỗi thắng lợi thì lại có thêm sự hy sinh, mất mát của đồng đội. Tại chiến trường Điện Biên Phủ-ông đã từng nhắc nhở nhiều cộng sự ở cơ quan chỉ đạo lúc đó: Chúng ta cần hết sức thận trọng khi tiếp cận công tác và cần hết sức khiêm nhường khi triển khai mọi việc, dù là chỉ đạo chiến đấu hay là phục vụ chiến đấu, bởi vì chỉ có như vậy mới có thể tránh khỏi những sự đánh giá tình hình một cách vội vàng, dễ đưa đến những tổn thất cho bộ đội, đồng thời mới giúp trên dưới hiểu nhau được sâu sắc, đồng tâm hiệp lực phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, trở ngại để đi đến giành thắng lợi cho cuộc chiến...
Một điểm nổi bật nữa trong mọi hoạt động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dù trước hay trong một chiến dịch, là nghị lực phi thường của cá nhân thể hiện ở sự cần mẫn, bền bỉ để nghiên cứu, suy nghĩ quyết định các vấn đề. Điều đó khiến cho ông lúc nào cũng giữ được một nét điềm tĩnh rất đáng quý trong khi thảo luận với các cấp để giải quyết những khó khăn, trở ngại mà họ đang gặp, đồng thời giữ được một tinh thần tỉnh táo đặc biệt làm nhiều người phải cảm phục. Những cán bộ đã được làm việc gần ông trong các chiến dịch đều thừa nhận là ông đã làm việc say mê quên mình, nhằm tìm hiểu cho ra những yếu tố đang tác động đến sự phát triển chiến đấu trên chiến trường.
Tài năng và tính nhân văn trong con người Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp chính là sự hợp nhất sâu sắc giữa quyết tâm và kế hoạch của ông với nguyện vọng và bản lĩnh của cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền nhằm hướng tới một mục đích chung là hoàn thành mọi nhiệm vụ mà dân tộc, Đảng và Bác Hồ giao cho. Để xây dựng được sự liên hệ mật thiết đó phải trải qua nhiều chặng đường chiến đấu gian nan, trong đó sự nỗ lực, hy sinh của người chỉ đạo cao nhất là tấm gương cổ vũ cho mọi hành động của cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường. Những phẩm chất cao quý đó đã được Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gìn giữ phát huy trong suốt chặng đường lịch sử chiến đấu lâu dài cùng QĐND Việt Nam.
Giờ đây, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã đi xa, nhưng danh hiệu cao quý Bác Hồ tặng cho Đại tướng mãi mãi là niềm tự hào của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam và sẽ là một điểm sáng luôn luôn bừng lên trong hồi ức của mỗi chúng ta...
Đại tá, CCB NGUYỄN BỘI GIONG