PGS.TS. Nghiêm Đình Vỳ
Viện KHXH - Trường ĐHSP Hà Nội
Hồ Chí Minh đã từng là thầy giáo, thầy Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh (1910), thầy Vương ở lớp huấn luyện cán bộ ở Quảng Châu (1925 - 1927) do Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tổ chức, ở nhiều lớp huấn luyện cách mạng khác trong và ngoài nước. Người là thầy giáo dạy chữ cho cán bộ ở Pác Bó (1941) “học chữ để làm người cách mạng”. Sau này, Người thường xuyên đến thăm các lớp xóa mù chữ, bình dân học vụ, các trường phổ thông, đại học, các lớp bồi dưỡng giáo viên… Người đã đề xuất phong trào “Hai tốt” (dạy tốt, học tốt) của ngành giáo dục. Có thể nói, hiếm có một nguyên thủ quốc gia nào đặc biệt quan tâm đến giáo dục, chăm lo đến thầy giáo, cô giáo, học sinh các cấp như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu làm một bảng thống kê đầy đủ, chúng ta sẽ nhận thấy tỉ lệ các bài viết, những đoạn, những câu liên quan đến giáo dục chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong tổng số các tác phẩm của Hồ Chí Minh đã được thu thập. Chúng tôi chưa thống kê được những cuộc đi thăm, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến các lớp học chống mù chữ, bổ túc văn hoá, các trường, lớp học từ mẫu giáo, vỡ lòng đến phổ thông, đại học, các cuộc hội nghị về giáo viên, những buổi họp mặt, gặp gỡ với thầy, cô giáo, những nhà quản lí giáo dục… nhưng chắc con số này rất nhiều.
Nghiên cứu những bức thư Bác Hồ gửi cho ngành giáo dục và bài nói chuyện của Người khi đến thăm trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐHSPHN), có nhiều vấn đề để chúng ta suy nghĩ, nhận thức, quán triệt và vận dụng vào công tác đào tạo. Hầu hết tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đã thể hiện trong các bức thư Người gửi cho ngành giáo dục. Trong khuôn khổ của bài tham luận chúng tôi chỉ làm rõ thêm quan điểm của Người về giáo dục, nhất là những vấn đề liên quan đế trường Sư pham, đến đào tạo giáo viên trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục và hội nhập quốc tế. Từ cách tiếp cận như vậy, chúng tôi xin nêu ra mấy ý sau về tư tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh để soi đường cho các trường sư phạm trong đào tạo giáo viên:
1. “Nghề thầy giáo là rất quan trọng, rất là vẻ vang” [1]
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh - hệ thống quan điểm về cách mạng Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa - tư tưởng về giáo dục chiếm một vị trí quan trọng. Những quan điểm, tư tưởng về giáo dục của Hồ Chí Minh là một bộ phận hữu cơ của tư tưởng Hồ Chí Minh, được hình thành trong quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân ta và của Hồ Chí Minh. Tư tưởng này không chỉ thể hiện mục tiêu, lí tưởng cách mạng, quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối của Đảng ta mà còn phản ánh tình cảm, nguyện vọng cao cả của Hồ Chí Minh như Người đã từng nói: “Vì lợi ích mười năm, thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm, thì phải trồng người”[2]. Nhiệm vụ “trồng người” quan trọng thì vai trò của “người trồng” càng quan trọng. “Đại kế giáo dục, người thầy là gốc”. Đã bao đời, nhân dân ta truyền tụng câu tục ngữ: “Không thầy, đố mày làm nên”,“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Lịch sử từ xưa đến nay lúc nào cũng có biết bao tấm gương về những người thầy cao quý, có tài, có đức.
Trong 24 bức thư mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho ngành giáo dục có nhiều bài nói tới vai trò của giáo viên, nhất là “Thư gửi anh chị em giáo viên bình dân học vụ” vào tháng 5/1946 đánh giá rất cao vị trí, vai trò của giáo dục và đào tạo, vai trò của người thầy giáo. Người viết: “Anh chị em là những người “vô danh anh hùng”. Tuy vô danh nhưng rất hữu ích. Một phần tương lai của dân tộc nước nhà nằm trong sự cố gắng của anh chị em”;... “để mở mang tri thức phổ thông cho đồng bào, để xây đắp nền văn hóa sơ bộ cho đân tộc”;...“cái vinh dự đó thì tượng đồng, bia đá nào cũng không bằng” [3].
Trường Sư phạm Hà Nội vinh dự được Bác Hồ đến thăm hai lần vào năm 1960 và 1964. Trong bài nói chuyện với cán bộ nhà trường, Bác đã nhấn mạnh đến vai trò của người thầy giáo: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩ cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? vì vậy nghề thầy giáo là rất quan trọng, rất là vẻ vang”[4]. Lời Bác dạy làm chúng ta hiểu thêm về vai trò của thầy giáo trong sự nghiệp giáo dục. Giáo dục là con đường căn bản để chấn hưng dân tộc, nền tảng của sự tiến bộ xã hội, nâng cao dân trí, thúc đẩy con người phát triển toàn diện. Vận nước hưng suy phụ thuộc vào giáo dục. Phát triển giáo dục là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và của toàn xã hội, trong đó đội ngũ thầy cô giáo (và cán bộ quản lí giáo dục) là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục. Có thầy tốt mới có giáo dục tốt.
Lời căn dặn của Người đã trở thành niềm tự hào và mục tiêu phấn đấu không biết mệt mỏi của lớp lớp các thế hệ giáo viên của Trường ĐHSPHN trong suốt quá trình xây dựng và phát triển. Hàng chục vạn giáo viên các cấp, các chuyên gia giáo dục, trong đó có nhiều nhà hoạt động chính trị có uy tín, nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, mà tên tuổi của họ mãi làm rạng danh nền học vấn nước nhà. Nhiều giảng viên của Trường là những chuyên gia đầu ngành có uy tín không chỉ trong nước, mà cả trong khu vực và trên thế giới. Không chỉ trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng nghìn sinh viên và cán bộ ưu tú đã "xếp bút nghiên lên đường ra trận”, hàng trăm giáo viên và sinh viên đã “vượt Trường Sơn” vào miền Nam xây dựng nền giáo dục cách mạng ở vùng giải phóng… Hơn 60 năm qua, trường ĐHSPHN đã đạt được những thành thành tựu to lớn, được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý.
Giờ đây vai trò, vị trí của đội ngũ giáo viên nói trên cần phải được giữ gìn và phát huy. Chúng ta đang tiếp tục xây dựng đội ngũ giáo viên của trường để trường thực sự trở thành trọng điểm của cả nước. Thực hiện lời Bác dạy, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục làm chuyển biến nhận thức của xã hội, của phụ huynh và của người học về vị trí, vai trò của thầy giáo đối với sự nghiệp trồng người. Và cũng là thực hiện nhiệm vụ trước mắt thu hút được nhiều người giỏi đến công tác và học tập tại trường. Chúng ta phải phấn đấu xây dựng trường ĐHSPHN là trường mẫu mực trong hệ thống sư phạm toàn quốc.
2. "Làm thế nào để Nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước”
Ngày 21/10/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Tổng thống Mali-Môđibô Câyta đến thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bác đã nói chuyện rất thân mật với các thầy cô giáo, sinh viên và cán bộ, công nhân viên của trường. Trong phần kết thúc Người nói: “Bác mong các cô, các chú và các cháu nhớ làm được những điều kể trên. Tất cả thầy trò, cán bộ, công nhân phải phấn khởi thi đua phát triển ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, làm thế nào để nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước” [5].
Chúng tôi hiểu Bác nhắc nhở chúng ta phải xây dựng trường sư phạm đúng với nghĩa của sư phạm và ĐHSP Hà Nội phải là trường mẫu mực của cả nước về đào tạo giáo viên, về mô hình đào tạo, về năng lực, phẩm chất của người thầy.
Nhìn lại những năm qua, một số trường đại học, cao đẳng sư phạm đã nâng cấp thành trường đại học đa ngành, hoặc chuyển thành trường cao đẳng cộng đồng hoặc trường cao đẳng đa ngành. Việc thực hiện chức năng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học có thay đổi theo xu hướng mở; cụ thể: các trường sư phạm, theo chức năng truyền thống là đào tạo giáo viên, đã được phép đào tạo ngoài sư phạm một số ngành; đồng thời, các cơ sở đào tạo đa ngành trước đây không đào tạo giáo viên hiện đã được phép mở mã ngành đào tạo giáo viên. Sự phát triển đa dạng mô hình cơ sở đào tạo giáo viên nêu trên phản ánh sự năng động và khai thác được tiềm năng của các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm trong việc đáp ứng nhu cầu nhân lực của các ngành nghề khác nhau trong xã hội; đồng thời góp phần đào tạo kịp thời đội ngũ giáo viên một số môn học đặc thù đáp ứng nhu cầu của các cơ sở giáo dục phổ thông. Hiện nay, có hai kiểu tổ chức quá trình đào tạo giáo viên. “Mô hình đào tạo song song” là của các trường sư phạm với chức năng chủ yếu là đào tạo giáo viên bao gồm cả hai khối kiến thức (chuyên ngành và nghiệp vụ) được thực hiện đồng thời, đan xen nhau trong suốt quá trình đào tạo. “Mô hình đào tạo nối tiếp”, của đại học Giáo dục và khoa Sư phạm thuộc các đại học đa ngành, khối kiến thức về khoa học chuyên ngành được thực hiện trước và tiếp sau đó là khối kiến thức về khoa học nghiệp vụ; Tuy nhiên, sự phát triển này phần lớn do nhu cầu nội tại của các cơ sở giáo dục đại học chứ chưa thật sự được định hướng bởi một quy hoạch tổng thể về đào tạo giáo viên. Việc cho phép các cơ sở giáo dục đại học được mở mã ngành đào tạo sư phạm chưa thật sự xuất phát từ nghiên cứu, khảo sát nhu cầu nhân lực giáo dục xét cả ở tầm vĩ mô và vi mô. Cho đến nay chưa thấy có nghiên cứu nào chỉ ra được sự khác biệt đáng kể ở kết quả đào tạo giữa hai mô hình này. Thế mạnh và hạn chế của mỗi mô hình cơ sở đào tạo giáo viên mặc dù đã được đặt ra nhưng chưa được giải đáp thấu đáo.
Liên hệ lời Bác dạy với hai mô hình đào tạo giáo viên trên, chúng tôi rất băn khoăn về mô hình đào tạo giáo viên trong các đại học đa ngành? Ngay cả việc đào tạo trong 3 tháng rồi cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để đi dạy thì làm sao thực hiện được lời Bác Hồ dạy về đào tạo giáo viên. Chúng tôi luôn nghiêng về mô hình đào tạo song song như của ĐHSP Hà Nội mới thực hiện tốt nhất được lời Bác dạy. Nói như thế không có nghĩa là trong thời kì hội nhập quốc tế chúng ta không tiếp thu những tiến bộ của các nước. Về vấn đề này Hồ Chủ tịch đã nói trong thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng ngày 31/10/1955: “Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta”[6]. Vì thế chúng tôi thấy rằng trong việc đào tạo giáo viên, cùng với mô hình chủ yếu như trên, các trường sư phạm cũng nên nghiên cứu, tham khảo mô hình khác của thế giới để có thể mở rộng, nâng cao chất lượng việc đào tạo giáo viên hiện nay. Đó là: mô hình cho sinh viên được cấu trúc theo chương trình 4 hoặc 5 năm (structural models for undergraduate); hay mô hình cho những người đã tốt nghiệp đại học (structural models for graduate); mô hình theo định hướng đầu ra (outcome-based teacher education); mô hình dựa trên nghiên cứu (Researche-based teacher education, Action research- based teacher education); hoặc các mô hình thay thế khác (alternative structural models of teacher education); ... Dĩ nhiên chúng ta không thể rập khuôn, áp đặt mô hình nào vào nước ta mà không phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội.
Lời Bác dạy không chỉ là mô hình cho trường sư phạm là còn là trường mô phạm của cả nước. Mô phạm ở đây được hiểu là phẩm chất đạo đức của người giáo viên. Bác nhắc nhở: “Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần phải góp phần vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Phải có chí khí cao thượng, phải "tiên ưu hậu lạc" nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ. Đây là đạo đức cách mạng.”… “Đoàn kết thật sự, giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa trò và trò, giữa cán bộ và công nhân. Toàn thể nhà trường phải đoàn kết thành một khối, đoàn kết phải thật sự trăm phần trăm chứ không phải chỉ là đoàn kết miệng.”…“Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng. Đạo đức cách mạng là triệt để trung thành với cách mạng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân”[7].
Nhìn lại đội ngũ giáo viên của cả nước hiện nay, cần khẳng định rằng, các nhà giáo vẫn giữ được phẩm chất cao quí của người thầy, có lòng yêu nghề, có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác giáo dục, có ý chí vươn lên, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Vì vậy, nhà giáo vẫn thực sự là lực lượng nòng cốt trong ngành giáo dục, là nhân tố quyết định cho những thành công của giáo dục nước nhà, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, đất nước Việt Nam đang trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang thực hiện trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Chuyển từ cơ chế quan liêu bao cấp sang cơ chế mới, bên cạnh những yếu tố tích cực đã nảy sinh không ít những yếu tố tiêu cực tác động đến các giá trị xã hội và những chuẩn mực giá trị đạo đức con người. Cá biệt còn một bộ phận nhỏ giáo viên có biểu hiện vị phạm đạo đức nhà giáo, vi phạm quy định về chuyên môn trong việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và công tác quản lí tại các cơ sở, gây sự bất bình xã hội, làm gảm sự tôn vinh của xã hội đối với nhà giáo, gây tác động xấu đến giáo dục nhân cách học sinh, sinh viên.
Do vậy, thực hiện lời dạy của Bác Hồ qua những bức thư gửi ngành giáo dục, trong việc “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cần gắn liền với việc sinh hoạt tư tưởng chính trị, tạo chuyển biến sâu sắc về đạo đức nhà giáo. Người thầy không những có trách nhiệm giảng dạy các bộ môn, chỉ đạo nghiên cứu, thực nghiệm khoa học và rèn luyện kĩ năng nghề nghiệp cho sinh viên, mà còn có trách nhiệm giáo dục tư tưởng và đạo đức, chăm lo đến sự phát triển toàn diện của học sinh, sinh viên. Đồng thời, tiếp tục xây dựng đạo đức giáo viên, giáo dục lý tưởng nghề nghiệp và đạo đức nghề nghiệp giáo viên; tăng cường tinh thần trách nhiệm, tinh thần sứ mạng của người thầy dạy học rèn người. Người thầy phải yêu mến học sinh, chuyên cần, không màng danh lợi, tự tôn nghiêm khắc với bản thân, cảm hóa học sinh sinh viên bằng sức hút của nhân cách và tri thức, làm người dẫn đường và hướng dẫn cho sự trưởng thành lành mạnh của thế hệ trẻ.
Gắn liền với phẩm chất nói trên là vấn đề năng lực của người giáo viên để dẫn đường cho học sinh, sinh viên.
3. “Một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”
Trong thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vào tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh đã viết: “…từ giờ phút này giở đi các em bắt đầu nhận được một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam…, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”[8]. Sau 10 năm vào ngày 1/6/1955 gửi thư cho các cháu và các cán bộ các trường Miền Nam, Bác viết: “Các cháu nên tập tự lực cánh sinh cho quen”[9].
Vấn đề phát triển năng lực của người học, phát huy tính tích cực, tự lực của học sinh đang được quan tâm trong quá trình chuẩn bị cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước ta, cũng như việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau 2015.
Muốn phát triển được năng lực của học sinh thì thầy giáo phải có năng lực. Như vậy để thực hiện lời dạy trên của Bác Hồ, nhiệm vụ của trường sư phạm là phải đào tạo người giáo viên có năng lực. Điều Người nói cách đây gần 60 năm cũng gắn liền với vai trò của người dạy và người học trong giai đoạn hiện nay. Đó là triết lí về giáo dục cho thế kỉ XXI có những biến đổi sâu sắc. Căn cứ vào 4 trụ cột của giáo dục mà UNESCO đã tuyên bố, là: “Học để biết”; “Học để làm”; “Học để cùng chung sống” và “Học để làm người”, và để “học thường xuyên, suốt đời” thì người học sẽ ở vị trí trung tâm của nhà trường. Vai trò của người học trong nền giáo dục hiện đại đã dẫn đến sự thay đổi chức năng và vai trò của giáo viên. Giờ đây, đòi hỏi giáo dục nhà trường không chỉ còn là truyền thụ mà là sự khám phá kiến thức. Những thay đổi về vai trò, vị trí của người học và người dạy trong những hoàn cảnh biến đổi nhanh, phức tạp đòi hỏi các cơ sở đào tạo giáo viên phải chuẩn bị cho các giáo sinh, những thầy giáo trong tương lai có năng lực đáp ứng linh hoạt và hiệu quả trước những yêu cầu mới. Giáo viên không chỉ là người dạy học trên lớp học, một người làm nhiệm vụ truyền thụ kiến thức là chính, người cung cấp thông tin, mà trở thành người tổ chức, hướng dẫn quá trình học của học sinh.
Làm được điều trên chính là người giáo viên sẽ phải phát triển được năng lực của học sinh. Về năng lực cần đào tạo cho học sinh cũng đang được nghiên cứu, các nhà giáo dục cho rằng sau 2015 học sinh cần có các năng lực sau: tự học, giải quyết vấn đề, tư duy, tự quản lí, giao tiếp, hợp tác, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông, sử dụng ngôn ngữ, tính toán… Vấn đề cũng đang được thảo luận là người giáo viên phải có những năng lực gì ? Đa số các nhà giáo dục cho rằng, người giáo viên phải có phẩm chất nhân cách tốt đẹp, có năng lực: tìm hiểu đối tượng, tổ chức các hoạt động giáo dục, nắm vững kiến thức kĩ năng môn học, nắm vững phương pháp dạy học, sử dụng công nghệ thông tin, tự học, tự nghiên cứu; phát hiện, giải quyết vấn đề giáo dục bằng nghiên cứu khoa học. Đó chính là những lĩnh vực cấu thành phẩm chất nghề nghiệp của người giáo viên trong nhà trường phổ thông hiện đại. Đây là vấn đề đặt ra cho các trường cần phải nghiên cứu để thực hiện lời Bác dạy.
Cùng với việc phát triển năng lực mà Bác đã chỉ ra, còn nhiều vấn đề phải tiếp tục quán triệt, thực hiện để giải quyết những bức xúc hiện nay. Chúng tôi chỉ nêu bức thư Người gửi giáo viên, học sinh, cán bộ thanh niêm và nhi đồng ngày 31/10/1955, Hồ Chủ tịch đã nhắc là phải tẩy sạch ảnh hưởng của “học để lấy bằng cấp, dạy theo lối nhồi sọ”; Người chỉ rõ: “Tiểu học thì cần giáo dục cho các cháu thiếu nhi: yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ có gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn.” “ Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế.”[10]. Chúng tôi có cảm giác là Bác đã chỉ ra những vấn đề cách đây nửa thế kỉ, nhưng chúng ta chưa làm tốt, đến nay lời dạy vẫn còn nguyên giá trị và phải nghiên túc thực hiện trong quá trình đổi mới giáo dục, trong việc đào tạo giáo viên của các trường sư phạm chuẩn bị cho việc xây dựng Chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau 2015.
Đọc những bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ngành giáo dục, nhìn lại quá trình phát triển của giáo dục nước nhà, của trường sư phạm trong đào tạo giáo viên, suy ngẫm về sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục sắp tới, chúng ta thấy những lời dạy của Người đối với ngành giáo dục nói chung và cho trường ĐHSP Hà Nội nói riêng có ý nghĩa thực tiễn rất sâu sắc, mãi mãi soi đường cho giáo dục, cho trường sư phạm phát triển. Hướng tới kỷ niệm 45 năm ngày Bác Hồ gửi thư cuối cùng cho ngành giáo dục (15/10/1968 - 15/10/2013), toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên đã và đang công tác, học tập tại trường ĐHSP Hà Nội giờ đây hãy quyết tâm thực hiện lời Người căn dặn: “…Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”[11] để luôn tự hào mình là cựu sinh viên của trường ĐHSPHN.
[1] .Những câu trong ngoặc kép ở các tiểu mục trên và sau đều đẫn lời của Bác.
[2] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 9, tr.222
[3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập,tập 11, tr 329-332
[4] . Hồ Chí Minh: Toàn tập,tập 4, tr 329
[5]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.329-332
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 8, tr.80-81
[7] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 11, tr. 329-332
[8] . Bác Hồ với Giáo dục, Nxb GD, tr.71-72
[9] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.80-81
[10] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb CTQG, tr 80-81
[11] Hồ Chí Minh, Sdd, tập 12, tr 401-404 (“Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới (16.10.1968)”),