Số liệu thống kê của Cục Thông tin KH&CN Quốc gia năm 2019 cho thấy: nữ giới chiếm 46% trong tổng nhân lực nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ. Cộng đồng nữ trí thức Việt Nam rất đa dạng, bao gồm các nhà khoa học nữ, các nữ doanh nhân trong mọi lĩnh vực. Thống kê mới đây của Việt Nam cũng cho thấy, 37% sinh viên nữ tốt nghiệp các trường đại học về khoa học và công nghệ; khoảng 25% doanh nghiệp Việt Nam thuộc sở hữu của các doanh nhân nữ. Như vậy, nữ trí thức Việt Nam đóng góp một phần không nhỏ trong tổng GDP của cả nước.
Trong các trường đại học, phần lớn nữ trí thức tham gia đồng thời hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học; nhiều chị em đã có những đóng góp không nhỏ trong công tác chuyển giao các kiến thức, quy trình công nghệ vào đời sống. Tại triển lãm “Tài sản trí tuệ và Kết quả đổi mới sáng tạo của nữ trí thức Việt Nam” (Women innovation and IP exhibition) do Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ và khởi nghiệp, Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học - công nghệ, ngày 21 và 22/4/2023; có 38 đơn vị gửi tham gia gần 200 tài sản trí tuệ và kết quả đổi mới sáng tạo của các nữ trí thức; chủ yếu trong lĩnh vực như: Y - Dược, Công nghệ sinh học, Tự động hoá, Công nghệ thông tin, Vật liệu - Hóa chất, Chế biến thực phẩm, Nông nghiệp, xử lý ô nhiễm môi trường.... Chi hội Nữ trí thức khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tham gia giới thiệu 03 sản phẩm (Sữa đậu nành dễ tiêu, Nước uống tía tô và Trà đông trùng hạ thảo). Đây đều là các sản phẩm của các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp và đề tài hợp tác Quốc tế của các cán bộ nữ trí thức khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sản phẩm nước uống tía tô cũng được nghiên cứu phát triển thêm để hình thành dòng sản phẩm mới (Nước uống tía tô cỏ ngọt). Dòng sản phẩm này là loại nước uống vừa có công dụng giải khát, giải nhiệt, giải cảm, tăng cường miễn dịch, làm đẹp da, vừa có thể dùng cho người có tiền sử bệnh tiểu đường, người béo phì.
Trong dịp kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3/2024, sản phẩm Nước uống tía tô cỏ ngọt đã vinh dự được Công đoàn Giáo dục Việt Nam triển lãm cùng với các thành tựu nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của các nữ đoàn viên công đoàn ngành Giáo dục tại phòng triển lãm sản phẩm của trụ sở Công đoàn Giáo Dục Việt Nam, số 2 Trịnh Hoài Đức, Đống Đa, Hà Nội. Đây cũng là một minh chứng cho những nỗ lực của các nữ trí thức trong các trường đại học, trong đó có Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Nhóm cán bộ nữ và sinh viên khoa Sinh học - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tham dự lễ khai mạc triển lãm “Tài sản trí tuệ và Kết quả đổi mới sáng tạo của nữ trí thức Việt Nam” do Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ và khởi nghiệp, Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức (21 - 22/4/2023)
Gian hàng của Chi hội Nữ trí thức khoa Sinh học - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tại triển lãm “Tài sản trí tuệ và Kết quả đổi mới sáng tạo của nữ trí thức Việt Nam”
Sản phẩm Nước uống tía tô cỏ ngọt trưng bày tại triển lãm của CĐGD Việt Nam (tháng 3/2024)
Các đại biểu tham quan khu vực trưng bày sản phẩm tại triển lãm của CĐGD Việt Nam
Nhiều người nói rằng: để đạt được chút ít thành công trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, các nữ trí thức phải nỗ lực bằng 5, bằng 10 lần nam giới. Điều này là hoàn toàn chính xác bởi phụ nữ ngoài công việc còn có thiên chức làm mẹ; hầu hết nữ giới lại có sức khỏe kém hơn nam giới nên thường được coi là “phái yếu”. Trong những năm gần đây, mặc dù Nhà nước đã có những chính sách như tăng thời gian nghỉ thai sản (từ 1 tháng thành 3 tháng rồi thành 6 tháng) cho phụ nữ tham gia các hoạt động nghề nghiệp khác nhau nhưng các chính sách hỗ trợ đi kèm lại không theo kịp. Ví dụ điển hình là mặc dù các nữ trí thức được kéo dài thời gian nghỉ thai sản nhưng các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học (đề tài, dự án) cũng không được kéo dài thêm thời gian do lý do thai sản, chỉ được kéo dài thêm theo đúng quy định giống như nam giới. Bên cạnh công tác nghiên cứu khoa học, nữ trí thức trong các trường đại học còn tham gia hoạt động giảng dạy và đào tao (chiếm tới 50% số giờ chuẩn lao động hang năm). Hoạt động đào tạo sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh giúp các nữ trí thức trong các trường đại học có được nguồn nhân lực hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, đồng thời cũng tạo thêm động lực cho chị em truyền đạt lại những kiến thức ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ cho thế hệ sau. Tuy nhiên, các khóa luận tốt nghiệp của sinh viên, luận văn và luận án của học viên sau đại học cũng không thể bị trì hoãn, kéo dài do thời gian nghỉ thai sản của cán bộ hướng dẫn là các nữ trí thức. Do vậy, Nhà nước vẫn nên tiếp tục bổ sung chế độ nghỉ chăm sóc thai sản chon nam giới để hỗ trợ vợ mình chăm sóc con cái, tiến tới cân bằng thời gian nghỉ thai sản cho nam và nữ giới.
Nhiều nữ trí thức đã nỗ lực vượt qua các lí do về thiên chức tự nhiên và sức khỏe để đạt tới thành công trong công việc. Tuy nhiên, trong các trường đại học, các viện nghiên cứu vẫn còn một bộ phận không nhỏ các nữ trí thức còn ỉ lại vào lí do thiên chức, sức khỏe hoặc tự ti với các đồng nhiệp nam mà sẵn sàng lùi bước, không tự tin để chủ động đảm nhận các nhiệm vụ chủ trì, dẫn dắt hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Thậm chí, trong một số trường hợp, các nữ trí thức hăng hái, nhiệt huyết trong công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ còn nhận được các phê phán ngầm sau lưng từ các đồng nghiệp trong cơ quan. Chính vì những bất bình đẳng cố hữu như vậy mà trên thế giới đã có một loạt các quỹ hỗ trợ, thúc đẩy nữ trí thức trong công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (Quỹ L’Oreal-UNESCO, giải thưởng Kovalevskaia,…).
Thành công trong nghiên cứu khoa học mới chỉ là bước đầu tiên; để các kết quả khoa học được ứng dụng vào thực tiễn đời sống sản xuất thì còn cần phải có hoạt động chuyển giao công nghệ. Luật chuyển giao công nghệ của Việt Nam ra đời năm 2006 và được chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện năm 2017; tuy nhiên, tỉ lệ các nghiên cứu được chuyển giao còn rất thấp. Cho đến nay, nhóm ngành sử dụng công nghệ cao của Việt Nam chỉ chiếm tỉ lệ khoảng 20%, trong khi tỷ lệ này của Thái Lan, Singapore và Malaysia lần lượt là 31%, 73%, 51% (Thống kê của Cổng thông tin công nghệ của Bộ Tài chính). Theo thống kê chung của Bộ Khoa học và Công nghệ thì chỉ có khoảng 5 - 10% số đề tài nghiên cứu đã được ứng dụng vào sản xuất - kinh doanh. Trong xu thế chung này, các nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng của các nữ trí thức cũng gặp rất nhiều khó khăn trong chuyển giao công nghệ. Các nguyên nhân chung dẫn đến tỉ lệ chuyển giao công nghệ thấp là: các dịch vụ hỗ trợ chuyển giao công nghệ chưa đồng bộ; các đơn vị tư vấn, xúc tiến và giám định công nghệ còn rất thiếu và thường chỉ tập trung ở một vài thành phố lớn; chưa có các hình thức mạng lưới liên kết chuyển giao công nghệ; hoạt động của các trung tâm công nghệ cao chưa tốt;… Bên cạnh đó, các kiến thức, hiểu biết chung về hoạt động chuyển giao công nghệ (nhu cầu thị trường, yêu cầu của đối tác sản xuất,…) trong cộng đồng nữ trí thức tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học còn thiếu thốn. Nhiều nghiên cứu ứng dụng của các nữ trí thức rất có tiềm năng đưa vào sản xuất tạo thương phẩm có giá trị cao nhưng rất khó kêu gọi vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, vốn FDI. Do vậy, hoạt động chuyển giao công nghệ từ các nghiên cứu khoa học của các nữ trí thức trong các trường đại học, viện nghiên cứu cần được hỗ trợ cả về nguồn lực tài chính lẫn nhân lực dịch vụ từ phía Nhà nước và các doanh nghiệp.
Để khẳng định vai trò và những đóng góp của Nữ trí thức trong việc đưa ứng dụng các kết quả nghiên cứu KHCN vào sản xuất và đời sống, góp phần tạo cảm hứng cho các nhà khoa học tiếp tục vươn lên trên con đường phát triển khoa học công nghệ các trường ĐH cũng cần thiết thành lập các Hội Nữ trí thức. Đây sẽ là các tổ chức tập hợp lực lượng nữ trí thức trong các lĩnh vực khác nhau, kết nối nữ trí thức trong và ngoài trường ĐH, phát huy tiềm năng, trí tuệ của nguồn nhân lực nữ nhằm nghiên cứu đề xuất những các giải pháp thúc đẩy triển khai các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tế sản xuất và đời sống để; chia sẻ những kết quả, kinh nghiệm và bài học trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng, đồng thời kiến nghị những giải pháp về chính sách để đẩy mạnh việc triển khai các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tế, phát triển kinh tế xã hội, phát triển đất nước.
PGS.TS Trần Thị Thúy - Khoa Sinh học Trường ĐHSP Hà Nội