1. Một vài nét thực trạng về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ hiện nay
Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là mục tiêu phấn đấu của toàn nhân loại trong đó có Việt Nam. Các nước Bắc Âu có nhiều thành tựu nổi bật trong bảo đảm quyền của phụ nữ; các nước trong khối ASEAN cũng đã có nhiều nỗ lực nhưng cũng còn có quá nhiều rào cản đối với sự tiếp cận và hưởng thụ quyền của phụ nữ. Điều đó cho thấy, cuộc đấu tranh trên phạm vi toàn cầu vì bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ vẫn còn lâu dài.
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong bảo đảm quyền của phụ nữ, được quốc tế và khu vực ghi nhận. Nhờ đó, phụ nữ Việt Nam đã có nhiều cơ hội để tiếp cận quyền, cống hiến và hưởng thụ. Tuy nhiên, dưới góc độ quyền con người, Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế trong bảo đảm quyền của phụ nữ như: hạn chế trong thể chế bảo đảm quyền, trong sự vận hành của thiết chế bảo đảm quyền; hạn chế do rào cản từ chính phụ nữ chưa vượt qua chính mình; hạn chế trong thực tiễn bảo đảm quyền của phụ nữ. Tư tưởng trọng nam, khinh nữ còn dai dẳng là nguyên nhân dẫn đến sự phân biệt đối xử với phụ nữ; bất bình đẳng trong tuổi nghỉ hưu, tạo rào cản cho phụ nữ tiếp cận quyền tham chính nên tỷ lệ phụ nữ tham chính thấp; hạn chế trong tiếp cận việc làm nên tỷ lệ phụ nữ thất nghiệp còn cao; hạn chế trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe nên còn tỷ suất tử vong mẹ còn cao so với một số nước trong khu vực; quyền bình đẳng trong hôn nhân và gia đình chưa được bảo đảm tốt, dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình đối với phụ nữ; hạn chế trong hưởng thụ các quyền an sinh xã hội; hạn chế trong tiếp cận quyền văn hóa, xã hội; đặc biệt là chưa quan tâm đúng mức đến bảo đảm quyền của phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số...
Thực tế cho thấy: tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 ở cấp xã chỉ đạt 19,69%; cấp huyện chỉ đạt 14,3%; cấp tỉnh chỉ đạt 13,3%(1). Nữ đại biểu Quốc hội Khóa XIV đạt 133 người (tỷ lệ 26,80%)(2) nhưng vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đã đặt ra. Trong tổng số 10 cơ quan của Quốc hội, chỉ có 1 cơ quan có tỷ lệ lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm 60%. Chỉ có 13,7% nữ đại biểu tham gia giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan của Quốc hội và chủ yếu tập trung vào các cơ quan văn hóa - xã hội, thiếu vắng phụ nữ trong các cơ quan Quốc hội về kinh tế, đối ngoại, tài chính, pháp luật(3)... Tỷ lệ phụ nữ tham gia đại biểu HĐND cấp xã đạt 26,59%; cấp huyện đạt 27,85%; cấp tỉnh đạt 26,54%; nhiều tỉnh, thành phố có tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý cấp xã dưới 5%, trong đó phần lớn là các tỉnh, thành phố phía Bắc(4).
Tỷ lệ hộ gia đình có nam giới là chủ sở hữu quyền sử dụng đất duy nhất là 74,2%, trong khi đó ở vùng nông thôn đồng bằng là 40,6%. Trong khi 36% giấy chứng nhận sử dụng đất của người Kinh có tên cả vợ và chồng thì con số này ở người dân tộc thiểu số chỉ là 21%(5).
Theo số liệu tổng hợp của 51/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy chỉ tính riêng năm 2016, số vụ bạo lực gia đình có nạn nhân là phụ nữ là 9733 vụ(6). Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh - hệ lụy của nạn phân biệt đối xử đáng báo động ở Việt Nam khi năm 2015, tỷ số giới tính khi sinh tại nước ta là 112,8/100 đến năm 2016, tỷ lệ này đã tới 113,4/100(7).
Từ thực trạng trên cho thấy, cần phải có quan điểm, giải pháp phù hợp nhằm khắc phục tình trạng bất bình đẳng giới để trao quyền cho phụ nữ.
2. Quan điểm và giải pháp thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ ở Việt Nam hiện nay
Một là, toàn xã hội cần nhận thức rõ bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ Việt Nam là yêu cầu khách quan của sự phát triển đất nước. Nó cũng xuất phát từ yêu cầu thực hiện trách nhiệm của quốc gia thành viên Liên hợp quốc trước cộng đồng quốc tế và khu vực. Nó cũng là một nội dung của việc đưa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ vào thực tiễn đời sống.
Hai là, cần quán triệt 5 quan điểm cơ bản là: i) Thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ phải trên cơ sở nắm vững quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; ii) Thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là nhằm phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp đổi mới đất nước, nâng cao địa vị của phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực; iii) Thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ phải gắn với xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa; iv) Thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ chỉ có thể thành công khi gắn liền với việc kiên quyết chống lại tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, phân biệt đối xử đối với phụ nữ; v) Thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ đòi hỏi phải phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình trong bảo đảm quyền của phụ nữ.
Ba là, Việt Nam chỉ có thể đạt được mục tiêu bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ khi thực hiện đồng bộ 6 giải pháp cơ bản sau đây:
- Thúc đẩy hoạt động giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp lãnh đạo, xã hội, gia đình và phụ nữ về quyền của phụ nữ, trong đó chú trọng thường xuyên mở các lớp đào tạo về giới, bình đẳng giới và quyền cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo nữ của các ban ngành, đoàn thể, cán bộ Hội phụ nữ các cấp và nhân dân. Tiếp tục lồng ghép vấn đề giới và bình đẳng giới, quyền của phụ nữ vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trung, cao cấp trong hệ thống các trường Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh); cán bộ cấp cơ sở (các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ, ban ngành); trường đào tạo cán bộ trong ngành Công an và Tư pháp; trường đào tạo cán bộ ngành báo chí, truyền thông... Đặc biệt, phải chú trọng lồng ghép vấn đề bình đẳng giới với những đảm bảo mang tính đặc thù về quyền của phụ nữ vào các hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương trong các đợt tập huấn cho cán bộ địa phương, góp phần nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giúp họ có khả năng lồng ghép các chính sách về giới vào các chương trình kinh tế - xã hội ở địa phương có hiệu quả hơn.
- Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo đảm quyền của phụ nữ: luật hóa đầy đủ, kịp thời các chuẩn mực quốc tế về quyền của phụ nữ trong các công ước quốc tế Việt Nam đã tham gia; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, khắc phục hạn chế, rào cản từ thể chế, quan tâm xây dựng thể chế đặc thù bảo đảm quyền của phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số theo yêu cầu của Công ước CEDAW để tạo cơ sở pháp lý cho phụ nữ Việt Nam tiếp cận và hưởng quyền.
- Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trách nhiệm của các cơ quan trong hệ thống chính trị về bảo đảm bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, tạo sự vận hành đồng bộ của các thiết chế từ Trung ương đến cơ sở, trong đó có Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, từ đó hạn chế tình trạng vi phạm quyền của phụ nữ. Đây được coi là giải pháp quan trọng góp phần ngăn ngừa, phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Đồng thời, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền có thể xác định được tính khả thi, tính hợp lý của chủ trương, nghị quyết của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.
- Tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực để bảo đảm bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ ở Việt Nam hiện nay. Chú trọng tăng cường hoạt động nghiên cứu pháp luật, thông qua việc thường xuyên tổ chức các hội thảo khu vực và quốc tế nhằm tìm hiểu nội dung các Công ước của Liên Hợp quốc liên quan trực tiếp và gián tiếp đến việc bảo đảm bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, kể cả những công ước mà các quốc gia tham dự hội thảo chưa tham gia, ký kết và phê chuẩn. Đây sẽ là những diễn đàn thích hợp giúp cho các quốc gia tham dự có điều kiện trao đổi kinh nghiệm áp dụng các công ước này trong hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia, từ đó, một mặt, chỉ ra những điểm cần bổ sung cho công ước đề phù hợp với thực tiễn đời sống quốc tế; mặt khác, rút ra những bài học trong công tác nội luật hóa và thực hiện có hiệu quả những công ước đó trong hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam.
- Bản thân người phụ nữ phải nỗ lực vươn lên, vượt qua rào cản để tiếp cận và hưởng thụ quyền. Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, phụ nữ Việt Nam có nhiều cơ hội và cũng gặp nhiều thách thức để có thể khẳng định và phát huy vai trò của mình. Do đó, bản thân phụ nữ trước hết phải ý thức được đầy đủ vai trò về giới của mình mới có thể nắm bắt được những cơ hội, cùng với xã hội, hướng tới cách ứng xử bình đẳng giới.
Để làm được điều đó, phụ nữ cần rèn luyện đức tính tự tin để có bản lĩnh vượt qua định kiến giới và hướng đến mục tiêu tự khẳng định mình. Phụ nữ phải thể hiện mình thật sự có vai trò trong cuộc sống gia đình và ngoài xã hội; tự đào tạo, bồi dưỡng để bù đắp những thiếu hụt của bản thân, để đảm bảo điều kiện cần và đủ sẵn sàng nhận giữ trọng trách mới. Phụ nữ phải có sự tôn vinh lẫn nhau, tránh tình trạng níu kéo nhau giữa cán bộ nữ và xem thái độ ứng xử ấy như một cách khẳng định phẩm chất lãnh đạo của mình. Nhất thiết không thể ỉ lại mình là phụ nữ để an phận, thủ thường, cho phép bằng lòng với hiện tại. Kể cả phụ nữ trí thức phải vượt qua được tâm lý an phận, khi đã đạt được trình độ nhất định thì tự thỏa mãn, không tiếp tục phấn đấu học hỏi. Tức là nữ trí thức phải luôn có ý thức cầu tiến, độc lập trong tư duy; sống có mục đích và lý tưởng.
Phụ nữ phải phấn đấu học hỏi, chú trọng rèn luyện kỹ năng sống, tự tin, sáng tạo, quyết đoán, biết hoạch định kế hoạch, biết đối mặt với áp lực, biết chăm sóc bản thân và gia đình.
Thế kỷ XXI đã và đang đề cao vai trò của người phụ nữ, điều đó đòi hỏi phụ nữ phải không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao vai trò và sự đề cao của xã hội. Hiện nay, phụ nữ tham gia hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội nhưng phụ nữ cũng không được phép lãng quên trách nhiệm phải làm tròn vai trò của người mẹ, người vợ trong gia đình. Mỗi phụ nữ phải luôn có ý thức trau dồi tứ đức Công - Dung - Ngôn - Hạnh. Phải làm tròn vai trò làm mẹ, có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục con khôn lớn trưởng thành. Phụ nữ còn là người thầy đầu tiên của con, đối xử bình đẳng, công bằng đối với các con.
Thực tế đã minh chứng, nếu phụ nữ nỗ lực đạt được nhiều thành công trong cuộc sống, sự nghiệp thì chính họ đã trở thành nguồn cổ vũ, động viên to lớn cho các chị em gái, con gái họ trong gia đình và cho các đồng nghiệp nữ trong cơ quan, đoàn thể để họ vững tâm, tự tin phấn đấu vươn lên.
Dù Đảng, Nhà nước, xã hội và gia đình có nỗ lực bao nhiêu mà bản thân người phụ nữ không có chí hướng và quyết tâm phấn đấu rèn luyện thì họ không thể vượt lên chính mình, không thể vượt qua những rào cản để tự tin tiếp cận và hưởng thụ quyền của mình trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Và như vậy, trong gia đình họ luôn sống với vị trí thấp kém vì phụ thuộc người chồng về mọi mặt, không thể là tấm gương cho con gái. Ngoài xã hội, họ cam chịu thua thiệt, không phấn đấu nên không đủ tiêu chí để tiếp cận các vị trí công tác tốt và có thu nhập cao; không có tiếng nói để bảo vệ đồng nghiệp nữ và bảo vệ chính mình; đồng thời khó có thể đóng góp nhiều cho sự nghiệp bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; càng không thể đóng góp nhiều cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay.
PGS, TS Nguyễn Thị Báo - Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
______________
(1) Chính phủ (2015): Báo cáo quốc gia kết quả 15 năm thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Việt Nam.
(2) Hội đồng bầu cử: Báo cáo tóm tắt Tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Hà Nội, 2016.
(3) Đại biểu Quốc hội các khóa, http://dbqh.na.gov.vn.
(4), (6) Chính phủ (2017): Báo cáo việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2016.
(5) “Thực hiện bình đẳng giới tại Việt Nam - Những bước tiến ngoạn mục”, http://genic.molisa.gov.vn.
(7) “Bất bình đẳng giới còn nặng nề”, http://www.hoinongdan.org.vn
Nguồn: http://tcnn.vn/news/detail/43773/Giai-phap-thuc-hien-binh-dang-gioi-va-trao-quyen-cho-phu-nu-o-Viet-Nam-hien-nay.html