Phải chăng đề cao đức tính hi sinh, sự dịu dàng và nhẫn nhịn của phụ nữ là đang bảo vệ và tôn vinh họ? Phải chăng nữ quyền là tranh đấu và chia đôi thế giới này thành hai nửa riêng để phụ nữ và nam giới đều được hưởng như nhau? TS. Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội) trao đổi với Tia Sáng về những mệnh đề cơ bản này.
Tia Sáng: Nhiều người cho rằng, phụ nữ Việt Nam thời nay thật hạnh phúc vì đã bình đẳng như nam giới, có thể tự do làm nhiều điều mình muốn, được Luật Bình đẳng giới bảo vệ, có cả những cơ quan chuyên trách về các vấn đề của phụ nữ… Bà có đồng tình với quan điểm đó?
TS. Khuất Thu Hồng: Nếu chúng ta nhìn bề ngoài thì sẽ thấy dường như đúng là như vậy, người phụ nữ bây giờ sướng hơn, họ có thể ăn mặc đẹp, đi làm ở công sở, thậm chí làm lãnh đạo, một năm có mấy ngày kỷ niệm như ngày 8/3, 20/10, trong khi đó, đàn ông thì không có ngày kỷ niệm nào của riêng mình. Nhưng điều đó chưa phải là tất cả sự thật về cuộc sống của phụ nữ Việt Nam hiện nay. Đây có thể là một phần sự thật về nhóm phụ nữ trí thức, có thu nhập cao ở thành phố, nơi vị thế của phụ nữ được cải thiện nhiều hơn, nơi quan hệ giữa hai giới bình đẳng hơn. Nhưng đó không phải là sự thật cho tất cả phụ nữ Việt Nam – ở nhiều nơi trên đất nước này phụ nữ vẫn luôn phải đứng sau người đàn ông (cho dù người đàn ông đó kém cỏi hơn). Khi nhìn sâu hơn nữa vào cuộc sống của mỗi gia đình thì sẽ thấy rằng nhận xét đó còn rất phiến diện.
Không thể phủ nhận những nỗ lực trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao địa vị của phụ nữ ở Việt Nam nhưng chưa thể nói chúng ta đã đạt được bình đẳng giới, hay là nói theo kiểu dân dã hơn là “Như thế này là tốt quá rồi!” Tôi nghĩ, với công lao, năng lực của họ, phụ nữ Việt Nam xứng đáng nhiều hơn thế. Hãy nhìn vào từng gia đình, ngay cả ở thành phố, ngay cả ở trong những gia đình trí thức, có địa vị cao trong xã hội, liệu đã có bình đẳng thực sự hay chưa? Liệu có bao nhiêu ông chồng hết giờ làm việc về nhà nấu cơm, đón con? Có bao nhiêu ông chồng biết giặt quần áo và cho con ăn? Ở nông thôn thì bức tranh còn nhiều mảng tối hơn nữa. Cảnh “chồng chúa vợ tôi” vẫn chưa hề cũ trong cuộc sống của ngày hôm nay.
Phụ nữ thành đạt hơn người chồng là một điều mà mọi người không mấy tán thưởng ở xã hội này, người ta luôn luôn muốn phụ nữ phải thấp hơn đàn ông một tí, kể cả tuổi tác đến tài năng, địa vị, tiền bạc…
Chưa kể bạo lực gia đình vẫn còn đang là bóng ma ám ảnh bao nhiêu người phụ nữ. Gần 60% phụ nữ Việt Nam đã kết hôn đã từng phải chịu ít nhất một dạng bạo lực, thể xác, tinh thần và tình dục. 13,5% phụ nữ đã kết hôn đã trải qua quan hệ tình dục không mong muốn với chồng. Có nghĩa là, ngay cả trong quan hệ gần gũi nhất thì người phụ nữ vẫn phải “ưu tiên” nhu cầu của người chồng. Tôi có thể nêu ra rất nhiều ví dụ để chứng minh rằng bất bình đẳng giới vẫn đang hiện diện trong mọi khía cạnh của đời sống. Tôi muốn nói đến bình đẳng giới thực sự, không phải là bình đẳng giới trên giấy.
Chưa hết, mỗi khi TV, đài, báo đưa lên câu chuyện về một người phụ nữ thành đạt, thì thế nào cũng có sự nghi ngờ đại loại là ông chồng của cô này thế nào? Có thành đạt như cô ấy không? Nếu như ông chồng không thành đạt bằng vợ mình thì nhiều người sẽ chép miệng, lo lắng cho cô ấy rằng liệu như thế có bền không? Cô ấy có thời gian để nấu cơm cho chồng không? Người phụ nữ thành đạt hơn người chồng là một điều mà mọi người không mấy tán thưởng ở xã hội này, người ta không khuyến khích cho một mô hình như vậy, người ta luôn luôn muốn phụ nữ phải thấp hơn đàn ông một tí, kể cả tuổi tác đến tài năng, địa vị, tiền bạc. Người Việt Nam thường gắn hạnh phúc và sự thành đạt của người phụ nữ với một gia đình yên ổn, hạnh phúc, nơi mà người chồng luôn luôn hài lòng về người vợ, các con luôn luôn hài lòng về bà mẹ của mình, về đến nhà lúc nào cũng có cơm ngon canh ngọt. Còn những người phụ nữ thành đạt mà thiếu những tiêu chuẩn kia thì sự thành đạt đó không có mấy giá trị.
Như vậy là, người ta đang cố “nhốt” phụ nữ vào trong những khuôn mẫu rất “truyền thống”- vốn để duy trì chế độ phụ quyền gia trưởng?
Đúng vậy, khuôn mẫu này được nhập khẩu từ Nho giáo Trung Hoa và được gắn với những mỹ từ như là “thiên chức”, “truyền thống tốt đẹp”, “bản sắc văn hoá” … để ru ngủ người phụ nữ và nhốt chặt họ vào trong đó. Rất tiếc là không ít người phụ nữ cũng tự nguyện “giam mình” trong cái khuôn ấy và giam luôn cả con gái, em gái, bạn gái của mình. Có những người không nhận ra mình đang mê ngủ. Những người khác nhận ra đó là những giá trị ảo và thấy ngột ngạt nhưng không dám thay đổi, không dám thách thức bản thân, thách thức số phận.
Phải chăng chính vì đã sống lâu trong cái khuôn mẫu đó, đang quen với những giá trị đẹp đẽ mà xã hội cố gắng tôn vinh, gán cho phụ nữ như sự dịu dàng, có trách nhiệm “tối cao” là đảm bảo hạnh phúc gia đình nên nhiều người cũng chẳng còn tha thiết gì với vấn đề nữ quyền?
Dường như ở Việt Nam người ta hiểu không đúng lắm về nữ quyền, hầu như chỉ hiểu theo nghĩa đen là quyền của phụ nữ. Nếu chỉ nhìn như vậy thì hẳn là nhiều người sẽ nghĩ ngay là ôi, phụ nữ bây giờ lắm quyền rồi. Viêt Nam đã có Hội Phụ nữ to như thế, bao nhiêu chương trình chính sách về bình đẳng giới, về sự tiến bộ phụ nữ như thế thì cần gì phải có phong trào nữ quyền nữa. Cũng không ít người cho rằng đặt vấn đề nữ quyền là bắt chước phương Tây, nhập khẩu những quan niệm xa lạ với thực tế Việt Nam.
Mọi người “dị ứng” với nữ quyền có phải là vì cách hiểu rằng, nữ quyền là phải “phá tan” tất cả những ràng buộc, áp đặt do đàn ông xây nên?
Có không ít người nghĩ về nữ quyền đầy tiêu cực, là cứ phải gào lên, hò hét, chỉ đấu tranh cho phụ nữ, chỉ nghĩ tới quyền lợi của người phụ nữ, thậm chí chia đôi thế giới này thành hai nửa riêng cho phụ nữ và nam giới mà bất chấp mối quan hệ giữa phụ nữ và nam giới. Người ta có thể hiểu theo một nghĩa rất triệt để là ông rửa một cái bát thì tôi cũng rửa một cái bát. Đó cũng là cách hiểu về nữ quyền một cách khá thô thiển tuy nhiên vẫn có rất nhiều người hiểu theo cách này. Cách diễn giải như vậy sẽ khiến cho mọi người ngày càng ác cảm với nữ quyền.
Vậy phải hiểu đúng về vấn đề nữ quyền như thế nào, thưa bà?
Nói một cách ngắn gọn nữ quyền là phong trào chính trị - xã hội, nhằm khẳng định và đấu tranh cho quyền của phụ nữ trong mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, gia đình và cá nhân. Phong trào nữ quyền thách thức mối quan hệ giữa phụ nữ và nam giới hiện tại, đòi hỏi sự bình đẳng về cơ hội việc làm, học tập, tham gia chính trị, xã hội và đời sống gia đình và cá nhân. Lý thuyết nữ quyền, bắt nguồn từ phong trào nữ quyền thì tập trung nghiên cứu về bản chất của bất bình đẳng giới thông qua những vai trò và trải nghiệm của phụ nữ, từ đó giải thích nguyên nhân của bất bình đẳng giới, làm cơ sở cho những giải pháp đấu tranh cải thiện địa vị của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng.
Tiếc là từ góc độ này, những nghiên cứu thực sự về nữ quyền thì cũng chưa nhiều. Có một số nhà nghiên cứu ở Việt Nam tự cho mình theo quan điểm nữ quyền hay tự cho mình là chuyên gia về vấn đề phụ nữ, về giới nhưng nghiên cứu của họ lại củng cố mối quan hệ giới bất bình đẳng, củng cố quan niệm truyền thống về phụ nữ. Thành ra, dù tiếng là nghiên cứu về phụ nữ và vì phụ nữ nhưng các nghiên cứu đó ngoài mô tả cuộc sống của phụ nữ thì không chỉ ra được nguyên nhân của bất bình đẳng giới và sự thiệt thòi của phụ nữ. Trong khi đó một số nghiên cứu rất sắc sảo của các nhà nghiên cứu nước ngoài thì lại ít được tham khảo nghiêm túc và thường có xu hướng coi đó là không phù hợp với thực tế Việt Nam.
Nhìn vào hầu hết diễn đàn cho phụ nữ hiện nay, dường như chính chúng ta lại vẫn cứ đang ràng buộc phụ nữ vào những vấn đề muôn thuở, củng cố những mối quan hệ bất bình đẳng bằng việc chỉ gắn phụ nữ với bếp núc, với những đối xử trong gia đình thay vì mở rộng phạm vi quan tâm của phụ nữ.
Đúng là các diễn đàn cho phụ nữ đang củng cố những quan điểm cũ là phụ nữ phải “truyền thống” bằng việc dạy nấu ăn, mách nhau mẹo trang điểm cho đẹp, nhưng để làm gì? Để giữ chồng, canh chồng, làm đẹp lòng và giữ chặt ông ấy ở nhà mà chưa bao giờ đặt ra câu hỏi làm thế nào để có ông chồng thay đổi?
Nhưng bởi vì tự “giam mình” trong những khuôn mẫu ở trên nên nhiều người lại nghĩ rằng chia sẻ những kinh nghiệm đó là đang làm điều rất tốt cho phụ nữ. Cuối cùng phụ nữ chỉ quanh đi quẩn lại trong những chuyện thế thôi. Và rồi những diễn đàn đó lại đả phá những người theo quan điểm nữ quyền, họ nói rằng, nữ quyền thì chỉ cổ vũ phụ nữ sống như đàn ông, không chịu nấu cơm, rửa bát, không lấy chồng, dễ dàng bỏ chồng, ăn to nói lớn. Nhưng nữ quyền không phải là như vậy. Nữ quyền khuyến khích phụ nữ sống độc lập, tự tin, không phụ thuộc. Nữ quyền không phải là phủ nhận đàn ông hay phủ nhận nữ tính.
Tôi thấy có phần tuyệt vọng quá! Liệu có thay đổi được những điều đã thành cố hữu trong tư tưởng của xã hội và của từng người phụ nữ không? Cái mà chúng ta hướng tới là gì?
Thay đổi như chúng ta muốn là bình đẳng thực sự là rất khó. Nhưng với thời gian điều đó sẽ xảy ra. Đó là khi mà có rất nhiều phụ nữ cùng chia sẻ suy nghĩ như là chúng ta đang trao đổi ở đây. Nếu bạn xem những bộ phim của Mỹ vào những năm 1950, thì thấy giống hệt Việt Nam bây giờ. Thậm chí có những trường dạy cho những cô gái con nhà quý tộc hoặc tầng lớp trung lưu trở lên cách làm bà nội trợ, dạy họ cách làm như thế nào để lấy được một ông chồng giàu có thay vì học hành và làm việc để có cuộc sống độc lập. Tôi không nói rằng, ngày nay tất cả mọi người Mỹ đều có cùng quan điểm như mình đang thảo luận, vẫn còn nhiều phụ nữ ở đó có tư tưởng rất truyền thống, cũng như rất nhiều người đàn ông vẫn gia trưởng giống đàn ông Việt Nam nhưng mà xu hướng chủ đạo đã thay đổi. Ngay cả ở châu Âu cũng thế, có rất nhiều phụ nữ chỉ làm nội trợ suốt đời và tin rằng đó là điều tốt đẹp nhưng quan điểm chủ đạo về vị thế của phụ nữ và quan hệ giới thì đã thay đổi. Điều quan trọng là những xã hội đó thay đổi theo cách để cho phụ nữ tự lựa chọn. Người phụ nữ có thể lựa chọn ở nhà làm nội trợ nếu họ thích như vậy. Nhưng nếu họ lựa chọn làm việc, theo đuổi sự nghiệp của mình thì xã hội cũng trân trọng và ủng hộ. Những người phụ nữ như vậy sẽ không bị phê phán là thiếu nữ tính, ích kỷ hay không hoàn hảo.
Như vậy, cái mà chúng ta hướng tới là một xã hội, mà ở đó, người phụ nữ có thể tự quyết định mình thích cái gì, chứ không phải là làm theo những điều mà người ta thích phụ nữ làm. Bây giờ nhiều phụ nữ đang phải làm những điều mà người khác thích phụ nữ làm. Và đang có những nỗ lực để khiến phụ nữ tin rằng đó mới là đúng đắn.
Để thay đổi được, thì trước hết phải bắt đầu từ đâu, thưa bà?
Tôi nghĩ là sự thay đổi bắt đầu từ việc truyền bá những quan điểm đó. Truyền thông sẽ là một kênh rất quan trọng cho việc này. Những tư tưởng và hành động bắt đầu từ những cá nhân được truyền bá sẽ tạo thành làn sóng và lan rộng thành phong trào, tạo ra sự thay đổi rất căn bản, vững bền vì đó là lựa chọn của chúng ta vì chính chúng ta.
Xin cảm ơn sự chia sẻ của bà!
Thu Quỳnh thực hiện!
Ban Tuyên giáo - Truyền thông
Nguồn: http://tiasang.com.vn/-dien-dan/Hieu-dung-ve-nu-quyen-va-binh-dang-gioi-10469