2. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, vị thế của Tổ chức Công đoàn Việt Nam được khẳng định. Năm 2016, Đảng đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong đó có những chủ trương, quan điểm rõ nét về Tổ chức Công đoàn Việt Nam, “tạo nguồn lực đủ mạnh để Công đoàn Việt Nam hoạt động”. Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 52-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước như Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và nhiều đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có dành thời gian thăm, làm việc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, động viên, khích lệ CNLĐ và chỉ đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
|
Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải gặp gỡ cán bộ CĐ chăm lo tốt đời sống cho người lao động. ảnh: Hải Nguyễn |
3. Kỷ niệm 130 năm Ngày Quốc tế Lao động, triển khai hiệu quả Tháng Công nhân. “Tháng Công nhân” năm 2016 trở thành ngày hội lớn của người lao động. Các chương trình: “Tự hào trí tuệ lao động Việt Nam”, “Cảm ơn thành viên”, “Tết lao động” gắn với lễ kỷ niệm 130 năm Ngày Quốc tế Lao động khẳng định “Công đoàn đồng hành vì sự phát triển bền vững doanh nghiệp” và người lao động có “Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn”. Trong dịp này, tại Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ đã gặp gỡ, đối thoại với 3.000 công nhân, lao động thuộc 8 tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
4. Tư duy đột phá, đổi mới công tác chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương mới có tác động mạnh mẽ đến hiệu quả hoạt động của Tổ chức Công đoàn Việt Nam. Xây dựng đề án triển khai các thiết chế công đoàn như nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, các thiết chế văn hóa, thể thao, y tế các phục vụ nhu cầu CNLĐ tại các KCN, KCX; ký kết triển khai thực hiện Chương trình phúc lợi đoàn viên với 9 đối tác nhằm đem lại những ưu đãi thiết thực cho đoàn viên. Xây dựng, trình Ban Bí thư đề án đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Triển khai mô hình thẻ đoàn viên công đoàn tích hợp với thẻ tín dụng và bộ nhận diện Công đoàn Việt Nam. Đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành theo hướng thiết thực, hiệu quả.
5. Phong trào thi đua trên công trình trọng điểm quốc gia “Xây dựng Nhà máy thuỷ điện Lai Châu đảm bảo chất lượng, an toàn, tiết kiệm và vượt tiến độ”, do Tổng LĐLĐVN phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức phong trào thi đua trên cơ sở đó đã đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành trước thời hạn 1 năm và làm lợi cho Ngân sách Nhà nước trên 7.000 tỉ đồng. Phong trào thi đua “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo” trong CNVCLĐ tiếp tục đạt nhiều kết quả thiết thực. Đã có hơn 182.200 sáng kiến được phát huy với tổng giá trị làm lợi trên 8.256 tỉ đồng.
6. Nghị quyết về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động” được ban hành đã tác động mạnh mẽ đến việc chăm lo cho đoàn viên và người lao động. Tổng LĐLĐVN đã tổ chức đóng góp ý kiến vào 143 dự thảo luật, nghị định có liên quan đến người lao động và Tổ chức Công đoàn; tham gia có hiệu quả tại Hội đồng tiền lương quốc gia, đưa mức lương tối thiểu vùng dành cho người lao động tăng thêm 7,3%. Việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở có chuyển biến tích cực. Giải thưởng “Doanh nghiệp Vì người lao động” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì đã tổ chức thành công và được Thủ tướng Chính phủ công nhận là giải thưởng cấp Nhà nước.
7. Chương trình “Tết Sum vầy” triển khai có hiệu quả. Chương trình “Tết Sum vầy” năm 2016 được nhân rộng trong phạm vi cả nước. Từ nguồn kinh phí công đoàn, của chính quyền các cấp và sự tham gia của người sử dụng lao động đã tổ chức chăm lo, tặng quà tết cho khoảng 2 triệu đoàn viên, người lao động với tổng số tiền hơn 1.077 tỉ đồng, trao tặng hơn 141.000 vé xe cho người lao động về quê đón tết; trao 526 ngôi nhà “Mái ấm công đoàn” cho gia đình CNVCLĐ khó khăn.
|
Chương trình Tết sum vầy năm 2016 tại KCN Thăng Long (Hà Nội). ảnh: H.Nguyễn |
8. Hoạt động đối ngoại được mở rộng, khẳng định vị thế của Công đoàn Việt Nam. Tổng LĐLĐVN đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Hội đồng Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn thế giới; tổ chức Hội nghị chia sẻ thông tin và hợp tác giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các đối tác (TUSSO). Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đón tiếp 98 đoàn cán bộ công đoàn với hơn 600 lượt đại biểu quốc tế sang thăm và làm việc tại Việt Nam và tổ chức 138 đoàn đi công tác, làm việc với các tổ chức quốc tế và công đoàn các nước trên thế giới. Tại Đại hội Liên hiệp Công đoàn Thế giới lần thứ 17 tổ chức tại Nam Phi vào tháng 10 năm 2016, đồng chí Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục được bầu làm Phó Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Thế giới. Hoạt động đối ngoại của Công đoàn Việt Nam đã góp phần vào thành công chung của hoạt động đối ngoại nhân dân của Đảng và Nhà nước ta.
9. Công tác tổ chức và quản lý tài chính, tài sản công đoàn được đổi mới theo hướng tích cực.
Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã sửa đổi, bổ sung và ban hành 9 quy định, hướng dẫn mới về công tác tài chính công đoàn trong tình hình mới; đề xuất Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN ban hành nghị quyết “Về điều chỉnh giảm tỉ trọng chi hành chính, hoạt động phong trào tại các cấp công đoàn để tạo nguồn kinh phí cho đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn phục vụ đoàn viên, công nhân, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”. Nhiều chủ trương mới về quản lý tài chính, tài sản của công đoàn được ban hành theo hướng chặt chẽ, hiệu quả, công khai, minh bạch
10. Toàn hệ thống Tổ chức Công đoàn đã huy động quyên góp, ủng hộ được gần 1.153 tỉ đồng chăm lo cho công nhân lao động và các hoạt động xã hội, trong đó, chi 1.077 tỉ đồng cho công nhân lao động, hơn 76 tỉ đồng hỗ trợ đồng bào lũ lụt miền Trung và chăm lo các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng và Chương trình Nghĩa tình Trường Sa, Hoàng Sa...