PGS.TS.NGUT. Kiều Thế Hưng
1. Năm mươi năm làm theo lời Bác , cánh chim đầu đàn của Ngành sư phạm Việt Nam!
Tròn 50 năm đã trôi qua, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Trường ĐHSP Hà Nội cho đến nay. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thăm nhiều nơi, nhiều trường đại học, nhưng có lẽ Trường ĐHSP Hà Nội là nơi duy nhất trong số các trường sư phạm của cả nước, Người đã để lại một câu nói nổi tiếng: “ Làm thế nào để nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước!”[1]. Sự nổi tiếng trong câu nói của Người, không chỉ vì đó là câu nói của một lãnh tụ, mà vì nó còn hàm chứa những nội dung sâu sắc và có giá trị quan trọng không chỉ đối với sự tồn tại và phát triển của một trường sư phạm, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của cả ngành sư phạm của Việt Nam.
Cũng cần phải nhớ rằng cách đây nửa thế kỷ, đất nước ta còn nghèo, Trường ĐHSP Hà Nội lúc ấy cũng còn nghèo lắm. Nhưng giữa cái nghèo khó, đơn sơ trong khuôn viên của một ngôi trường toàn tranh tre, nứa lá, giữa những con đường còn bùn lầy và đất sỏi ở một vùng ngoại ô hẻo lánh, vị lãnh đạo tối cao của đất nước đã định hướng, đã khẳng định phải xây dựng mái trường này không những chỉ là một trường sư phạm, mà còn phải là một trường “mô phạm”, một trường sư phạm mẫu mực cho hệ thống các trường sư phạm của cả nước. Có thể nói đây là một may mắn, một niềm vinh dự, tự hào, một trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành cho nhà trường lúc ấy, không những thế, đó còn là tài sản tinh thần vô giá đối với sự tồn tại và phát triển của nhà trường, không những trong suốt nửa thế kỷ qua, mà còn cho cả hôm nay và mai sau.
Trong nửa thế kỷ qua, tinh thần xây dựng một mái trường “chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước” như lời Bác dạy, đã trở thành tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt quá trình phấn đấu đi lên của nhà trường. Kể từ khi cả nước chỉ có một vài trường sư phạm ít ỏi, đến khi có cả một hệ thống các trường sư phạm, thì bao giờ trường ĐHSP Hà Nội cũng là cái nôi lớn nhất, cái “đầu tàu”, cái “ máy cái” quan trọng nhất trong hệ thống đào tạo sư phạm cả nước. Với đội ngũ các nhà khoa học, các nhà sư phạm đầu ngành, các giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ đông đảo và vượt hẳn về số lượng so với các trường sư phạm cả nước; với hàng vạn cử nhân, hàng ngàn tiến sỹ, hàng chục ngàn thạc sỹ khoa học được đào tạo từ mái trường này, có thể nói, trong suốt nửa thế kỷ qua, trường ĐHSP Hà Nội đã in dấu ấn đậm nét trong lịch sử phát triển của ngành sư phạm Việt Nam. Cán bộ giảng viên của trường cũng là lực lượng nòng cốt cho quá trình thành lập và mở rộng hệ thống các trường sư phạm trên cả nước, trong đó có các trường sư phạm lớn, trọng điểm của các vùng miền, kể cả ở miền núi, vùng sâu và vùng xa. Trường ĐHSP Hà Nội cũng là nơi trưởng thành của nhiều nhà khoa học có uy tín, nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, mà tên tuổi của họ mãi làm rạng danh nền học vấn nước nhà và là niềm tự hào của nhiều thế hệ. Nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp từ trung ương đến các địa phương cũng đã trưởng thành từ mái trường này. Nhiều các nhà khoa học, các chuyên gia có uy tín của trường đã được tín nhiệm tham gia tư vấn khoa học trong các hoạch định chính sách quốc gia. Nhà trường cũng đóng vai trò quan trọng và đi đầu trong hội nhập và giao lưu quốc tế, trong đó có việc giúp đỡ và hỗ trợ sự nghiệp giáo dục và đào tạo của các nước bạn Lào và Cămpuchia. Trường ĐHSP Hà Nội cũng là một trong những cái nôi lớn nhất và có truyền thống trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài cho đất nước, với một số lượng lớn học sinh đạt các giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Nơi đây cũng là một trong những cái nôi lớn và là cờ đầu của các hoạt động xã hội, mà tiêu biểu nhất là nơi khởi sướng của Phong trào Ba sẵn sàng - một trong những phong trào tiêu biểu nhất của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đang được kế tục xứng đáng trong Phong trào thanh niên tình nguyện ngày nay…
Những năm gần đây, trước sự mở rộng của các trường sư phạm và cơ sở đào tạo giáo viên. Trường ĐHSP Hà Nội đứng trước những thử thách và cạnh tranh gay gắt, nhưng nhà trường vẫn kiên trì mục tiêu chất lượng của một trường sư phạm đầu ngành. Sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường vẫn được toàn ngành và xã hội đánh giá cao. Sinh viên tốt nghiệp của trường vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của các trường phổ thông và các cơ sở giáo dục trong cả nước. Trường ĐHSP Hà Nội vẫn là một địa chỉ tin cậy, một điểm đến lý tưởng và hấp dẫn với thế hệ trẻ trên con đường lập thân và lập nghiệp. Cơ sở vật chất thiết bị, môi trường sư phạm của nhà trường dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng vẫn luôn có được vị trí hàng đầu, nếu không muốn nói là tốt nhất trong số các trường và các cơ sở đào tạo sư phạm trong cả nước hiện nay.
Với các phần thưởng cao quí: Huân chương Lao động, Huân chương Độc lập Hạng Nhất, Danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới và đặc biệt là hai lần Trường ĐHSP Hà Nội được vinh dự tặng thưởng huân chương cao quí mang tên Người - Huân chương Hồ Chí Minh, đã thể hiện sự tôn vinh và sự ghi nhận xứng đáng của Đảng, Nhà nước đối với những cống hiến to lớn của nhà trường trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo cũng như sự nghiệp chung.
Có thể nói, những năm tháng đã qua là những năm tháng rất đáng tự hào của trường ĐHSP Hà Nội. Đó cũng có thể coi là những minh chứng sinh động và tiêu biểu nhất về quá trình phấn đấu của lớp lớp các thế hệ cán bộ và sinh viên nhà trường trong suốt nửa thế kỷ thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, để Trường ĐHSP Hà Nội không những là trường sư phạm, mà còn luôn xứng đáng là trường Mô phạm - trường sư phạm Mẫu mực - trường sư phạm luôn giữ vai trò là chiếc “máy cái”, chiếc “đầu tàu”, là người “anh cả”, là “ cánh chim đầu đàn” của ngành sư phạm Việt Nam.
2. Nhớ lời Bác dạy, tiếp tục vững bước đi lên trong sự nghiệp đổi mới!.
Đất nước đang trong thời kỳ đổi mới, sự nghiệp giáo dục và đào tạo cũng đang đứng trước những thử thách to lớn. Có lẽ trong lịch sử phát triển của mình, chưa bao giờ hoạt động giáo dục và đào tạo nước nhà lại đứng trước nhiều thử thách đến thế. Đó sẽ là cuộc chuyển mình có ý nghĩa cách mạng nhằm thay đổi căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo Việt Nam.
Có một câu hỏi lớn đặt ra: Trường ĐHSP Hà Nội đứng ở đâu và phải làm gì trong công cuộc đổi mới có ý nghĩa cách mạng này?
Thiết nghĩ, tinh thần và tư tưởng của câu trả lời đó đã có trong lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ 50 năm về trước: “Làm thế nào để nhà trường này chẳng những là trường sư phạm, mà còn là trường mô phạm của cả nước!” và đến tận bây giờ, lời dạy ấy vẫn còn nguyên giá trị và sức sống kỳ diệu của nó.
Là trường sư phạm đầu ngành, trọng điểm, là cánh chim đầu đàn của ngành sư phạm cả nước suốt nửa thế kỷ phấn đấu đầy vẻ vang và gian khó, Trường ĐHSP Hà Nội không thể có vị trí nào khác ngoài vị trí phải đứng ở trung tâm và phải tiếp tục đi đầu trong sự nghiệp đổi mới.
Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam là một sự nghiệp lớn, đồng bộ, cần thiết phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận và quyết tâm cao của toàn xã hội. Phải đổi mới toàn diện, từ lý luận đến thực tiễn, từ triết lý giáo dục đến chương trình và sách giáo khoa, từ phương pháp đến phương tiện dạy học, từ nhà quản lý đến phụ huynh học sinh, từ thầy giáo đến học trò…và quan trọng hơn là đổi mới môi trường xã hội, nơi mà nền giáo dục và đào tạo đang tồn tại, đang vận hành và phát triển. Bởi giáo dục và đào tạo là một bộ phận tất yếu, hữu cơ và chiu sự tác động qua lại và thường xuyên với môi trường xã hội. Khó có thể có một nền giáo dục tốt, nếu môi trường xã hội của nền giáo dục ấy vẫn còn nhiều vẩn đục và ngược lại. Và vượt lên tất cả những triết lý như thế, có một thực tế không thể chối cãi, đó là: nói đến giáo dục, trước hết phải nói đến người thầy, bởi như cha ông ta đã nói, “Không thầy đố mày làm nên!”. Bác Hồ cũng đã nói: “ Không có thầy giáo thì không có giáo dục” [2]. Đảng ta cũng đã khẳng định: “Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục” [3]. Cũng chính vì thế, muốn đổi mới giáo dục thì trước hết và bắt đầu phải đổi mới từ người thầy. Bởi người thầy là tư lệnh, là chính uỷ của mặt trận giáo dục, là nhạc trưởng, là kiến trúc sư và cũng là người chỉ huy thi công của sự nghiệp đổi mới nền giáo dục ấy. Mà nói đến người thầy, đến đội ngũ giáo viên, trước tiên phải nói đến các trường sư phạm - trung tâm đào tạo đội ngũ các thầy cô giáo, và cũng bởi: “Tương lai của đất nước nằm ở giáo dục, còn tương lai của giáo dục nằm ở các trường sư phạm” [4].
Nói đến trường sư phạm, trước hết và trọng tâm là phải nói đến trường sư phạm trọng điểm, trong đó có Trường ĐHSP Hà Nội. Xây dựng trường ĐHSP Hà Nội trọng điểm và giữ vững vị trí “mô phạm”, vị trí “đầu tàu” của các trường sư phạm trong sự nghiệp đổi mới, theo tinh thần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết là nhiệm vụ tự thân, là khai thác tối ưu sức mạnh nội lực của một mái trường đã có truyền thống vẻ vang hơn 60 năm xây dựng và phát triển, nhưng nhiệm vụ lớn lao đó không thể hoàn thành nếu không có sự chỉ đạo, lãnh đạo và hỗ trợ rất lớn của Đảng, Nhà nước, mà trực tiếp là của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sự tồn tại và phát triển luôn ở vị trí đầu đàn trong hệ thống các trường sư phạm của Trường ĐHSP Hà Nội trong suốt hơn sáu thập kỷ qua là những minh chứng rất sinh động cho điều đó, đặc biệt là quá trình xây dựng trường ĐHSP Hà Nội trọng điểm trong hơn mười năm trở lại đây.
Chủ trương xây dựng Trường ĐHSP Hà Nội trọng điểm, trong đó có Trường ĐHSP Hà Nội, đã được thể hiện trong nhiều Nghị quyết của Đảng và Quyết định của Chính phủ.[5] Đặc biệt, thực hiện quyết định của chính phủ, ngày 8.8.2005, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định Về việc phê duyệt Đề án “Qui hoạch phát triển tổng thể Trường ĐHSP Hà Nội trọng điểm đến năm 2015” [6]. Đề án qui hoạch phát triển nhà trường bao gồm nhiều hạng mục lớn, trong có ưu tiên cho mục tiêu đào tạo đội ngũ cán bộ, đầu tư tiềm lực trang thiết bị hiện đại theo yêu cầu chuẩn hoá, đầu tư nâng cấp cơ sở hiện có và xây dựng cơ sở mới. Kinh phí đầu tư, có những hạng mục đã được phê duyệt lên tới 3.600 tỷ VN đồng. Một số hạng mục chuẩn bị đầu tư đã được triển khai và giải ngân.
Có thể nói đây là một một quyết định có ý nghĩa lịch sử, xét cả trên bình diện tầm nhìn chiến lược cũng như qui mô vật chất cụ thể. Đó là một đề án rất lớn, một quyết định chưa từng có không chỉ trong lịch sử tồn tại và phát triển của Trường ĐHSP Hà Nội, mà có lẽ cũng chưa từng có trong lịch sử đầu tư cho các trường sư phạm Việt Nam. Bởi nếu thành công, chúng ta sẽ có một trường đại học sư phạm có cơ sở vật chất thiết bị, có đội ngũ cán bộ, có vị thế tiếp cận được với các trường đại học hàng đầu trong khu vực và thế giới.
Rất tiếc, gần 10 năm đã trôi qua, vì rất nhiều những lý do khác nhau, trong đó có cả lý do khách quan và những lý do chủ quan, Đề án về xây dựng Trường ĐHSP Hà Nội trọng điểm theo Qui hoạch phát triển tổng thể được phê duyệt, vẫn còn dẫm chân tại chỗ. Có lẽ, một cơ hội lịch sử quá lớn dường như đã bị lãng quên, nếu không muốn nói là đã bị bỏ qua trên con đường phát triển của Trường ĐHSP Hà Nội.
Trước mắt, công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo Việt Nam còn không ít khó khăn, sự nghiệp xây dựng và phát triển trường ĐHSP Hà Nội theo tinh thần đổi mới cho xứng đáng với vị trí của một trường mô phạm theo lời dạy của Bác còn nhiều thử thách. Tuy nhiên, trên con đường vinh quang và gian khó đó, ĐHSP Hà Nội lại có những thuận lợi mà không phải ai cũng dễ dàng có được. Bởi nếu như nhiều cơ sở giáo dục và đào tạo còn phải rất khó khăn để tìm cho mình một hướng đi đúng đắn, một vị trị xứng đáng để tồn tại và phát triển, đặc biệt là trong cơ chế cạnh tranh gay gắt như hiện nay, thì đối với Trường ĐHSP Hà Nội, một định hướng như thế, một vị trí như thế đã có, đã được khẳng định, thậm chí lại được khẳng định bởi lãnh tụ tối cao Hồ Chí Minh từ 50 năm trước, và hơn thế nữa, lại được bảo đảm bằng sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, không chỉ bằng các nghị quyết, mà bằng các chính sách, các quyết định đầu tư tập trung, ưu tiên, với nguồn kinh phí lớn, đủ sức để nhà trường có thể hoàn thành được trọng trách vẻ vang của mình trong sự nghiệp đổi mới. Và cũng chính vì thế, việc tiếp tục xác định đúng đắn các nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, việc tận dụng và khai thác tối ưu những lợi thế, những thời cơ lịch sử để thực hiện thắng lợi những mục tiêu chiến lược như thế, phải luôn được coi là nhiệm vụ thường xuyên của nhà trường.
Đương nhiên, một công việc lớn lao và khó khăn như thế đòi hỏi một quyết tâm rất lớn từ quan điểm nhận thức đến việc triển khai các nhiệm vụ cụ thể. Vì thế, bên cạnh việc quan tâm đến các nhiệm vụ cụ thể của năm học, bên cạnh việc giải quyết các nhiệm vụ bức xúc trước mắt, lãnh đạo nhà trường phải sớm quan tâm đến việc đề nghị Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các Bộ, Ngành hữu quan cho điều chỉnh, bổ xung và tiếp tục triển khai Đề án xây dựng Trường ĐHSP Hà Nội trọng điểm đã được phê duyệt và đầu tư trước đây. Đây sẽ là cơ sở và điều kiện rất quan trọng để Trường ĐHSP Hà nội có thể tiếp tục giữ vững được vị thế của mình trong giai đoạn mới.
Sự nghiệp đổi mới còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm và ưu tiên đầu tư có tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước, với truyền thống vẻ vang hơn 60 năm xây dựng, phát triển và nửa thế kỷ thực hiện thắng lợi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với đội ngũ khoa học hùng hậu, đội ngũ cán bộ, giáo viên đoàn kết, giàu nhiệt huyết và sáng tạo, chúng ta sẽ vững tin vượt khó đi lên trong sự nghiệp đổi mới, để Trường ĐHSP Hà Nội mãi mãi xứng đáng là cánh chim đầu đàn, là trường ĐHSP mô phạm, trường ĐHSP mẫu mực cho các trường sư phạm cả nước, như lời dạy của Chủ Tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.
Tư liệu tham khảo
1. NQTW2, Khoá 8, tháng 12.1996.
2. NQTW8, Khoá 9, tháng 11.2013.
3. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, HN, 2002.
4. Quyết định số 1278/CP-KG, ngày 14.10.2002, Chính phủ
5. Quyết định số 4230/QĐ-BGD và ĐT, ngày 8.8.2005. Bộ GD và ĐT
6. 60 năm Trường ĐHSP Hà Nội (1951-2011), NXB ĐHSP, Hà Nội, 2011.
7. Bản tin ĐHSP Hà nội, tháng 9.2014.
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập11, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr 332
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 8, tr.184
[3] NQTW2, khoá 8 Về định hướng phát triển giáo dục và đào tạo trong thời kỳ CNH, HĐH…
[4] Nguyễn Thiên Nhân, UVBCTBCHTW Đảng, Phát biểu tại lễ khai giảng Trường ĐHSPHN, ngày 9.9.2914
[5] Xem NQTW 2,K8, tháng 12.1996; NQTW8.K9, tháng 11.2013 và QĐ số 2278/CP-KG, ngày 14.10.2002.
6 QĐ do Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Phạm Vũ Luận lúc đó,( nay là Bộ trưởng ) ký.