Người Việt Nam lần đầu đi bầu cử 70 năm trước
Sáng 6/1/1946, người dân cả nước thức dậy sớm, ăn mặc chỉnh tề, tự tay cầm lá phiếu, thực hiện quyền công dân nước tự do độc lập.
Ngay khi nước nhà giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị tổ chức tổng tuyển cử càng sớm càng tốt để bầu ra Quốc hội. Cuộc bầu cử do công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên tiến hành, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, đảng phái. Ban đầu, cuộc tổng tuyển cử được ấn định vào ngày 23/12/1945, sau đó được lùi lại vào ngày 6/1/1946. Trong ảnh, nhân dân Hà Nội đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội ngày 5/1/1946. Trước ngày bầu cử, cử tri yêu cầu Chủ tịch Hồ Chí Minh miễn ứng cử và bầu làm Chủ tịch nước vĩnh viễn, nhưng Hồ Chủ tịch từ chối và muốn làm tròn nghĩa vụ của công dân một nước độc lập là đi bầu cử.
Các sắc lệnh quy định cách thức bầu cử, thời gian tổng tuyển cử liên tiếp được Chính phủ ban hành. Mỗi cử tri phải thân hành đi bầu, không được ủy quyền, cũng không được bầu bằng cách gửi thư. Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi đăng trên báo Quốc hội - tờ báo ra đời và hoạt động trong kỳ tổng tuyển cử đầu tiên. Công cuộc chuẩn bị cho bầu cử gấp rút từ trung ương đến địa phương. Các tờ báo Cứu quốc, Quốc hội liên tiếp đưa tin về tổng tuyển cử, danh sách, bình luận về ứng viên. Tại địa phương, các ủy ban bầu cử được thành lập tới từng làng, xã.
Sáng 6/1/1946, không khí bầu cử len lỏi đến từng ngõ phố, hiện lên trên khuôn mặt mỗi người. Nhân dân nghỉ không bán hàng, không chạy chợ. Người lớn dậy sửa soạn đi làm bổn phận của một công dân, trẻ em đi cổ động tổng tuyển cử. Trong ảnh là thiếu nhi phố Mai Hắc Đế (Hà Nội) cổ động trong ngày bầu cử đầu tiên của đất nước.
Nhân dân lao động thủ đô cũng hòa vào không khí ngày bầu cử, treo cờ đỏ sao vàng, băng rôn cổ động.
Tại các điểm bỏ phiếu, người trong ban thu phiếu, viết giúp phiếu và kiểm phiếu đã đứng chờ cử tri đến. Để phá hoại cuộc bầu cử, Quốc dân đảng và tay sai cho người mang tiểu liên đến làng Ngũ Xá (Hà Nội) ngăn không cho đặt hòm phiếu, cấm người dân treo cờ, thu thẻ cử tri. Nhân dân kéo sang phố Nguyễn Thái Học gần đó để bỏ phiếu.
Thanh niên, vú em, tài xế, kéo xe, ông già, bà cả... cùng xuống đường đi bỏ phiếu. Người biết chữ ghi tên đại biểu trên lá phiếu. Với những người không biết chữ, Sắc lệnh về tổng tuyển cử quy định, trước khi bắt đầu bỏ phiếu thì lập ra tiểu ban 3 người, một người của ban phụ trách bầu cử, 2 người của địa phương giúp cho người đi bầu. Một người viết, hai người kiểm tra. Viết xong thì phải tuyên thệ viết đúng, giữ bí mật trước mặt cử tri.
Gần 190.000 cử tri Hà Nội bầu ra 6 đại biểu Quốc hội đại diện cho thủ đô. Đại biểu ra mắt sau ngày bầu cử, gồm các vị: Hồ Chí Minh, Hoàng Văn Đức, Vũ Đình Hòe, Trần Duy Hưng, Nguyễn Văn Luyện, Nguyễn Thị Thục Viên. "Trong cuộc tranh thủ hoàn toàn độc lập, chúng tôi xin thề đi trước", Chủ tịch Hồ Chí Minh nói.
Nhân dân thị xã Quảng Ngãi thực hiện quyền công dân trong ngày bầu cử. Kỳ này, cử tri nơi đây chọn được 8 người trở thành đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên.
Do lệnh hoãn cuộc tổng tuyển cử không đến kịp, nhân dân Sài Gòn và một số địa phương ở Nam Bộ vẫn bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa 1 từ ngày 23/12/1945, như kế hoạch. Giặc Pháp cho máy bay oanh tạc, cho tay sai đi càn quét cuộc bầu cử. Nhân dân miền Nam đi bỏ phiếu giữa vòng kìm kẹp của khói lửa, súng đạn chiến tranh, sự đe dọa của kẻ thù. Lá phiếu bầu cử thấm máu khi hơn 40 cán bộ trong ban tuyên truyền bầu cử hy sinh. Nhiều cán bộ cách mạng, người có cảm tình với Chính phủ bị địch bắt cóc, sát hại trước ngày bầu cử.
Sau tổng tuyển cử, nhân dân bầu ra 333 đại biểu Quốc hội trong số hàng nghìn người ứng cử và đề cử. Trong đó, Bắc Bộ có 152 người, Trung Bộ 108 và Nam Bộ 73. Có 10 đại biểu nữ.
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 1 diễn ra ngày 2/3/1946 tại Nhà Hát Lớn (Hà Nội). Trong ký ức của thầy thuốc ưu tú Phó Đức Thảo, nguyên Thư ký Quốc hội khóa 1 năm 1946, kỳ họp đó có gần 300 đại biểu ngồi kín các hàng ghế. Riêng hai hàng ghế đầu, phía bên phải (từ sân khấu nhìn xuống) dành cho đại biểu Việt quốc. Các vị này đều đeo caravat màu đỏ. Hai hàng ghế bên trái dành cho đại biểu Việt cách. Hai thành phần đại biểu này đều không phải thông qua kỳ bầu cử của toàn dân. Thảm đỏ được trải dài dọc đường giữa hội trường từ phía cửa vào cho đến sân khấu, giản dị mà trang nghiêm. Các nhà báo, phóng viên, nhiếp ảnh… đi lại lặng lẽ, trật tự. Đại biểu người nước ngoài với tư cách là quan sát viên ngồi ở ban công tầng 1, nhìn thẳng về phía sân khấu.
Trong hội trường, lá cờ đỏ sao vàng treo trên tường sân khấu, các cạnh của ngôi sao còn bầu tròn không thẳng đường như cờ ngày nay. Ba dãy ghế mây song được đặt chéo từ góc trái sang phải. Kỳ họp kéo dài trong 4 giờ, Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo tình hình, thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến thay cho Chính phủ lâm thời. Chính phủ mới làm lễ ra mắt và tuyên thệ trước Quốc hội. "Chúng ta cùng hứa với nhau rằng Quốc hội họp lần này là Quốc hội kháng chiến và Chính phủ cử ra là Chính phủ kháng chiến. Tôi mong rằng Quốc hội họp lần sau sẽ là Quốc hội thắng lợi và Chính phủ sẽ là Chính phủ thắng lợi", đại biểu Quốc hội mang tấm thẻ số 305 Hồ Chí Minh tuyên đọc trong lễ bế mạc kỳ họp thứ nhất.
Theo: vnexpress.n