Quốc hội Việt Nam khóa 1 được bầu ngày 6/1/1946 với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu 89%, là Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập - Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là nhiệm kỳ Quốc hội kéo dài nhất trong lịch sử với 14 năm, từ tháng 1/1946 đến tháng 5/1960, do trong điều kiện chiến tranh, đất nước bị chia cắt không thể tổ chức được cuộc bầu cử trên cả nước để bầu Quốc hội khoá mới.
Quốc hội khóa 1 đã thông qua danh sách Chính phủ liên hiệp kháng chiến Việt Nam của Nhà nước Việt Nam độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, thông qua hiến pháp năm 1946 - bản hiến pháp đầu tiên của Việt Nam.
|
Các đại biểu Quốc hội khoá đầu tiên.Ảnh tư liệu
|
Kỳ họp thứ nhất suýt bị tẩy chay
Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 1, nhiều cuộc họp đã được tiến hành từ cuối tháng 2/1946 giữa đại biểu một bên là Chính phủ và các đoàn thể trong mặt trận Việt Minh với một bên là đại biểu của Việt quốc, Việt cách. Hai bên thỏa thuận phiên họp đầu tiên sẽ vào 7h sáng 3/3/1946 tại Nhà Hát Lớn (Hà Nội), sau đó họp tiếp ở làng Đình Bảng (Bắc Ninh). Chính phủ đã báo tin cho các đại biểu Quốc hội biết và gửi giấy mời phóng viên báo chí trong và ngoài nước dự phiên khai mạc.
Đột nhiên chiều 1/3 nhiều nơi ở thủ đô xuất hiện truyền đơn do Nguyễn Hải Thần (Việt cách) ký tên kêu gọi nhân dân tẩy chay Quốc hội, nhằm phá hoại kỳ họp đầu tiên. Vì thế, kỳ họp được đẩy lên trước một ngày so với dự định. Ngay tối 1/3, Chính phủ báo tin cho các đại biểu biết Quốc hội sẽ khai mạc vào 7h sáng 2/3, đề nghị đại biểu có mặt đúng giờ rồi đi thẳng vào phòng họp mà không tập trung trước cửa Nhà Hát Lớn. Đúng ngày giờ, các đại biểu đã đến họp trước sự bất ngờ của nhóm phá hoại và quân hiến binh Quốc dân Đảng đang tuần tiễu.
Ngồi trong phòng họp, đại biểu nóng lòng đợi khai mạc. Quá 8h chưa thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh và thành viên Chính phủ đến, nhiều người nghĩ đến truyền đơn chiều hôm qua của bọn phản động nên lo lắng về những biến cố có thể xảy ra.
Vì thay đổi ngày họp, từ 5h sáng 2/3, Hồ Chủ tịch cùng hai tự vệ không vũ trang đến tận sào huyệt của Việt quốc, Việt cách ở phố Ôn Như Hầu - nơi cán bộ Việt Minh và nhân dân lương thiện tránh xa (nay là phố Nguyễn Gia Thiều) để báo cho họ biết Quốc hội thay đổi lịch họp.
Khi người của Chính phủ đến, nhóm người của Việt quốc, Việt cách còn chưa ngủ dậy. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh thức và báo tin trên. Bị bất ngờ, họ không kịp nghĩ cách đối phó mà tranh nhau đi dự. Hồ Chủ tịch phải dàn xếp ai đi họp, ai ở nhà. Đến gần 9h, việc dàn xếp mới xong. Các đại biểu của hai đảng phái trên ăn mặc sang trọng đứng ở phòng chờ nhà hát, chờ sự ưng thuận của Quốc hội mới được vào.
Kỳ họp kéo dài vỏn vẹn 4 giờ, Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo, thành lập và công nhận Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu thay cho Chính phủ lâm thời, có trách nhiệm đưa kháng chiến đến thắng lợi, nước nhà đến độc lập hoàn toàn.
Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa
Hiến pháp 1946 là bản hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được Quốc hội khóa 1 thông qua vào ngày 9/11/1946. Do chiến tranh Đông Dương bùng nổ ngay sau khi bản hiến pháp này được thông qua nên nó chưa được chính thức công bố và thi hành.
Ngay sau khi ra đời, Quốc hội đã thành lập ban soạn thảo đầu tiên của nhà nước để xây dựng hiến pháp. Là người từng trải, bôn ba khắp nơi, học được nhiều tư tưởng pháp quyền trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng, chỉ đạo xây dựng bản hiến pháp 1946. Các bản hiến pháp sau này (năm 1992, 2013) xuyên suốt vẫn là tư tưởng, quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền như bản hiến pháp đầu tiên.
Trong hiến pháp 1946, nổi bật là quyền con người. Văn bản này cũng thể hiện rõ quan điểm về sở hữu, công nhận đa sở hữu: có của nhà nước, tư nhân, tập thể. Trong kinh tế, công dân được tự do làm ăn, được mở mang và góp phần xây dựng đất nước, có thể tham gia kháng chiến kiến quốc.
Hiện nay trong quá trình thảo luận xây dựng luật có lúc định thay chỗ này chỗ kia, như bỏ HĐND, nhưng thực tiễn cuộc sống đòi hỏi phải giữ nguyên như hiến pháp. Ở địa phương có quyền lực thì phải có kiểm soát quyền lực, có UBND thì phải có HĐND. Hiến pháp 1946 đã thể hiện điều đó. Từ bản hiến pháp này, công tác tư pháp nền tảng ban đầu đã được manh nha.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo trướcQuốc hội.Ảnh tư liệu
|
Trả lời chất vấn thẳng thắn
Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 1 chưa có nhiều điểm nhấn vì lúc này Chính phủ lâm thời mới cầm quyền, lại không phải do Quốc hội bầu ra. Từ kỳ họp thứ hai, vấn đề chất vấn đã được đặt ra sôi nổi, quyết liệt, thẳng thắn. Hoạt động chất vấn diễn ra dân chủ, cởi mở và minh bạch. Số câu hỏi chất vấn rất nhiều, với trên 80.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó đã đánh giá về phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội: "Chính phủ hiện giờ thành lập mới hơn một năm, hãy còn thanh niên. Quốc hội bầu ra được hơn 8 tháng, lại còn thanh niên hơn nữa. Vậy mà Quốc hội đã đặt những câu hỏi thật già dặn, thắc mắc khó trả lời, đề cập đến tất cả những vấn đề có quan hệ đến vận mạng của nước nhà. Với sự trưởng thành chính trị và sự quan tâm về việc nước ấy, ai dám bảo dân ta không có tư cách độc lập".
Nghiên cứu kỹ lưỡng phiên chất vấn đầu tiên, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Mão nhận xét: "Quốc hội mới qua vài tháng làm việc nhưng số lượng câu hỏi nhiều, đa dạng ở các lĩnh vực chứng tỏ đại biểu Quốc hội rất quan tâm và đòi hỏi rất cao ở Chính phủ. Người hỏi đủ tầng lớp, đa dạng, kể cả những nhà tri thức và đại diện cho nhân dân địa phương, giới sản xuất".
Theo ông Mão, cái hay của đợt chất vấn Quốc hội khóa đầu tiên là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời hầu hết câu hỏi của đại biểu. Cho đến nay, các thành viên Chính phủ không làm được như thế.
116 đại biểu bị tước quyền
Quốc hội khóa 1 có 333 đại biểu do nhân dân bầu cử và 70 đại biểu Việt quốc, Việt cách không thông qua bầu cử. Tổng cộng là 403 đại biểu gồm đủ các tầng lớp nhân dân, tôn giáo, đảng phái chính trị ba miền. Về sắc màu chính trị, có những đại biểu thuộc nhóm Macxit, dân chủ, đảng xã hội, Việt Minh, Việt quốc, Việt cách, đại biểu không đảng phái.
Đại biểu cao tuổi nhất là cụ Ngô Tử Hạ (64 tuổi), trẻ nhất là Nguyễn Đình Thi (22 tuổi), có 10 đại biểu nữ, 34 đại biểu người dân tộc.
Do hoàn cảnh lịch sử, trải qua nhiều thử thách, hàng ngũ đại biểu Quốc hội có nhiều thay đổi. Một số đã phản lại quyền lợi tổ quốc, chạy sang Trung Quốc theo chân quân đội Tưởng Giới Thạch; có người bỏ hàng ngũ kháng chiến, làm tay sai cho giặc.
Tháng 12/1953, kỳ họp thứ ba của Quốc hội đã tuyên bố những người ấy không xứng làm đại biểu của nhân dân và chuẩn y nghị quyết Ban Thường trực Quốc hội, tước quyền đại biểu, cho phép Tòa án tùy tội trạng mà xét xử và trừng trị. Tổng cộng, có 116 đại biểu bị tước quyền.
Vì chiến tranh, nhiều đại biểu Quốc hội đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Ở Nam Bộ, luật sư Thái Văn Lung (đoàn Gia Định) là trí thức công giáo, bị địch phục kích bắt giữ vào tháng 7/1946. Thực dân Pháp dùng cực hình tra tấn không khuất phục được ông, chúng giết rồi treo cổ trước cổng nhà giam. Nhà cựu học Lê Thế Hiếu (đoàn Quảng Trị) hơn 60 tuổi bị bắt, địch dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, ông lớn tiếng mắng liền bị chúng bắn chết. Nguyên trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố bị địch sát hại năm 1947.
Quốc hội kháng chiến
Theo sắc lệnh ngày 8/9/1945, nhiệm vụ của Quốc hội đầu tiên là ấn định hiến pháp cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lập ra Chính phủ mới. Như vậy, khi Hiến pháp được thông qua, ban hành và Chính phủ liên hiệp kháng chiến được lập thì Quốc hội hết nhiệm vụ. Song bản hiến pháp được thông qua nhưng chưa kịp ban hành thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ (12/1946), Quốc hội phải kéo dài nhiệm kỳ.
Trong những tình huống khó khăn của dân tộc, Ban Thường trực Quốc hội luôn ở cạnh, tham dự các cuộc họp của Hội đồng Chính phủ để góp ý kiến trong mọi công tác kháng chiến, trở thành Quốc hội kháng chiến.
Đây là nét đặc biệt của Quốc hội đầu tiên.
Theo vnexpress.net